Hổ cái giết 13 người Ấn Độ “đấu trí” lực lượng truy tìm hùng hậu
Những người làm nhiệm vụ truy tìm hổ chịu nhiều áp lực khi đã thử nhiều chiến thuật nhưng thất bại.
Lực lượng hùng hậu truy tìm hổ cái giết 13 người Ấn Độ
Một nhóm bảy người đàn ông mặc đồng phục màu xanh được nhìn thấy đi bộ qua các khu rừng xung quanh ngôi làng Pandharkawada, Ấn Độ. Những người đàn ông này hầu hết đều cầm dùi cui và súng. Trông họ giống như một tiểu đội.
Nhưng họ không phải binh sĩ, họ làm việc cho bộ lâm nghiệp của Ấn Độ và nhiệm vụ của họ là tìm “T1″, con hổ cái 6 tuổi được cho là đã giết 13 người, theo ABC News.
“Một chuỗi các vụ giết người đã được ghi nhận kể từ tháng 6.2016. Ban đầu, nhân viên của chúng tôi không nghĩ rằng đây là sự việc rất nghiêm trọng”, AK Misra, giám đốc bảo tồn rừng địa phương, nói với ABC News.
Nhưng các vụ giết người này mở đầu cho chuỗi các vụ giết người trong khu vực Yavatmal, nơi thường được biết đến với các đồn điền trồng bông.
T1, con hổ cái 6 tuổi được cho là đã giết 13 người
Cuộc săn lùng T1 bắt đầu chính thức khoảng một năm trước. Các quan chức cho biết ban đầu họ đánh giá thấp quy mô của nhiệm vụ.
“Nó là con hổ rất thông minh. Nó giết chết mồi nhử, nhưng nếu có sự xáo trộn nhỏ nhất, nó sẽ không đến ăn mồi nhử”, Sunia Limaye, giám đốc bảo tồn rừng thứ hai, nói.
Các vụ giết người khiến người dân ở hơn 25 ngôi làng trong khu vực vô cùng sợ hãi. Nghề nghiệp chính của người dân nơi đây là chăn nuôi gia súc và trồng bông.
Nông dân Ram Krishna Lonkar cho phóng viên ABC News xem địa điểm giết người gần đây nhất.
T1 đã sinh hai hổ con trong năm qua
“Tôi đang từ đồng về nhà và thấy đám đông tụ tập ở đây, ngay tại chỗ này”, anh nói. “Con hổ tấn công một nông dân và giết anh ta”.
Các nông dân khác mô tả cách con hổ kéo cơ thể nạn nhân từ bên này sang bên kia đường.
“Ban đầu, nó có thể đã vô tình giết chết một số người”, Misra nói. “Nhưng trong ba đến bốn vụ cuối cùng, chúng tôi thấy rằng… nó kéo lê cơ thể người trong thời gian khá dài. Trong vụ khác, nó ăn hết 60-70% thi thể. Đó là khi chúng tôi nghĩ rằng đây không phải là hành vi bình thường của hổ”.
Một điều khiến nhiệm vụ bắt giữ phức tạp hơn là sự hiện diện của hai hổ con. Hình ảnh ghi được từ bẫy hổ có gắn camera cho thấy T1 đã sinh hai hổ con trong năm qua. Các quan chức ước tính chúng từ 9 đến 10 tháng tuổi và T1 trở nên khó nắm bắt hơn trong thời gian đó.
Trong vài tuần qua, nhiệm vụ truy tìm hổ chịu nhiều áp lực khi các quan chức thử nhiều chiến thuật nhưng thất bại. Bộ lâm nghiệp đã triển khai 104 bẫy có gắn camera, chó chuyên dụng, dù lượn để tìm con hổ từ trên không, voi và thiết bị bay không người lái. Một thợ săn đặc biệt từ thành phố Hyderabad của Ấn Độ cũng được điều đến để tìm kiếm T1.
Dù lượn, voi được triển khai để tìm con hổ từ trên không
Những người bảo vệ quyền động vật đặt tên cho con hổ là Avni, lên tiếng phản đối hoạt động này. Họ tạo ra các chiến dịch trên mạng xã hội với tên “Hãy để Avni sống”. Nhiều diễn viên, chính trị gia và người dân địa phương cũng kêu gọi các nhà chức trách không giết Avni.
Tòa án tối cao của Ấn Độ phán quyết rằng họ sẽ không can thiệp nếu các quan chức buộc phải bắn con hổ trong quá trình bắt giữ.
“Phương án gây mê con hổ nên được cân nhắc”, Misra nói. “Nếu tất cả những nỗ lực gây mê thất bại, sau đó sẽ là phương án bắn”.
Nhiều đồng nghiệp của Misa ủng hộ kế hoạch này. Khi mặt trời lặn, họ nói rằng hy vọng tất cả chuyện này sẽ sớm kết thúc.
Khi mùa mưa trôi qua và mùa thu hoạch đến, các khu rừng trong khu vực sẽ bớt rậm rạp, mang đến tầm nhìn tốt hơn. Các nhà chức trách tin rằng họ sẽ dễ dàng tìm thấy con hổ hơn trong điều kiện này.
Cho đến lúc đó, Ấn Độ vẫn giữ cảnh giác cao với con vật bị truy nã gắt gao nhất.
Theo Danviet
Tội phạm manh động có xu hướng trẻ hóa
Trao đổi với NTNN, Ths - luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, tội phạm ngày càng manh động và đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng chú ý, đối tượng gây án có nhiều người là thanh niên nông thôn đua đòi, lười lao động.
- Thưa ông, thời gian gần đây trên cả nước liên tục xảy ra các vụ dùng vũ khí "nóng", vật liệu nổ (mìn, chất nổ) để gây án khiến dư luận hết sức hoang mang. Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng này?
Với những số liệu thống kê trong thời gian gần đây cho thấy tình hình tội phạm về trật tự xã hội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản ở ta có xu hướng gia tăng và có diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm về trộm, cướp tài sản.
Điều đáng lo ngại là các đối tượng hoạt động rất liều lĩnh, coi thường pháp luật, sử dụng những vũ khí nguy hiểm như súng, chất nổ... sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, cố ý gây thương tích, tước đoạt sinh mạng của nạn nhân.
Sở dĩ tội phạm ngày càng manh động và liều lĩnh do một phần tội phạm hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa. Người phạm tội có xu hướng trẻ hoá, thường là những thanh, thiếu niên do đua đòi, lười biếng lao động muốn có tiền ăn chơi, sử dụng ma túy... và nhận thức pháp luật còn hạn chế, không được giáo dục dẫn đến việc liều lĩnh, manh động, thực hiện hành vi phạm tội đến cùng.
Một phần khác là các đối tượng cộm cán, có băng nhóm, các đối tượng có nhiều tiền án tiền sự nên chúng bất chấp, coi thường pháp luật, thể hiện sự liều lĩnh, sẵn sàng đoạt mạng khi bị chống trả quyết liệt. Những tội phạm này cực kỳ nguy hiểm.
Đối tượng Sơn liều lĩnh ôm mìn cố thủ, chống đối lực lượng chức năng. ảnh: internet
- Dường như các vụ trộm cắp, cướp tài sản có dùng vũ khí "nóng", vật liệu nổ có dấu hiệu ngày càng tăng, thưa ông?
Hiện nay, pháp luật hình sự đã quy định rất rõ về chế tài xử lý đối với các hành vi trộm cắp hay cướp giật tài sản. Hành vi trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" và mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.
Hay đối với hành vi cướp tài sản hay cướp giật tài sản thì mức hình phạt cao nhất có thể lên đến chung thân. Ngoài ra, nếu đối tượng còn có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Giết người" với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến chung thân hoặc tử hình.
Có thể thấy hình phạt mà BLHS năm 2015 mà Việt Nam đang áp dụng là rất nghiêm khắc, cứng rắn chứ không phải là không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, các vụ án chưa thuyên giảm nhiều xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt, hiện tượng xã hội tiêu cực, đạo đức xã hội đang biến động cũng tác động vào nhận thức, lối sống của con người dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng.
Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn loại tội phạm này của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
- Hàng loạt các vụ án xảy ra gần đây cho thấy tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí "nóng" để gây án khá phổ biến. Liệu có phải luật pháp đang tồn tại kẽ hở?
Hiện nay, về vấn đề quản lý chất nổ, vũ khí, chúng ta có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định số 79/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết quy định rõ về các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.
Theo tôi, chúng ta chưa có sự giám sát chặt chẽ, tuần tra, chốt chặn tại các địa bàn, phát hiện và xử lý ngay các trường hợp tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ và vũ khí quân dụng.
Trong khi đó công tác quản lý xã hội, quản lý kinh tế, quản lý vũ khí vật liệu nổ, quản lý những cơ sở kinh doanh có điều kiện và quản lý con người... còn lỏng lẻo và có nhiều kẽ hở để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động.
Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình đã vận chuyển vũ khí qua đường biên giới với địa hình hiểm trở gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Tiêu hủy hàng trăm khẩu súng tự chế, nhiều vật liệu nổ ở Nghệ An Sáng 2/10, cơ quan Công an huyện Đô Lương, Nghệ An tiêu hủy hàng trăm khẩu súng và vật liệu nổ do người dân tự nguyện giao nộp. Thượng tá Thái Khắc Thống, Trưởng Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, sáng 2/10, Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) đã tiêu hủy hàng trăm khẩu súng tự chế, và 1...