“Họ bắt bớ, xua đuổi, đánh đập ngư dân ta”
Ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam nhấn mạnh: “Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra mới đây là phi lý và vô giá trị”.
“Việc làm sai trái”
Không chỉ đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, mới đây, Trung Quốc lại đơn phương tuyên bố thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong hai tháng rưỡi. Theo đó, lệnh cấm này bắt đầu từ trưa 16/5 đến ngày 1/8/2014. Ông nhận định như thế nào về thông báo phi lý này của phía Trung Quốc?
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trên vùng lãnh thổ Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1998, cứ vào vụ cá chính từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, Trung Quốc đều đưa ra lệnh cấm này. Điều đáng nói là họ không chỉ cấm đánh bắt cá ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà bao gồm cả vùng biển Việt Nam, thuộc chủ quyền của Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Đây là việc làm sai trái, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình khai thác của bà con ngư dân.
“Trung Quốc huy động một lực lượng lớn cảnh sát biển thường xuyên có những hành động quấy nhiễu ngư dân Việt Nam”
Ở nước ta, vụ cá chính bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, sau khi mùa cá đi đẻ và cá áp lồng xong thì tập trung ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Sản lượng của vụ cá này thường chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng thu hoạch cả năm. Điều đáng nói là mặc dù đơn phương đưa ra lệnh cấm phi lý nhưng Trung Quốc lại huy động một lực lượng lớn cảnh sát biển thường xuyên có những hành động quấy nhiễu ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền. Họ tịch thu phương tiện của bà con, bắt bớ, xua đuổi thậm chí đánh đập bà con ngư dân.
Đây là việc làm sai trái, vi phạm thông lệ, luật pháp quốc tế nên cần phải kịch liệt lên án.
Theo ông, phía sau động thái cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc là gì?
Video đang HOT
Cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh thổ Việt Nam, hành động đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là một bước đi nằm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng đường 9 đoạn mà nước này đã đưa ra trước đó.
Các hành động của Trung Quốc có sự chuẩn bị, tính toán kết hợp chặt chẽ thể hiện mưu đồ: Biến những vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp rồi tuyên bố “gác tranh chấp cùng khai thác”. Đây là hành động cự kỳ nham hiểm mà chúng ta cần có tiếng nói thực sự mạnh mẽ, quyết liệt và ngăn chặn hành động ngang trái, thô bạo và có hệ thống này của phía Trung Quốc.
Không chỉ có những hành động xâm phạm trái phép vào lãnh thổ Việt Nam, phía Trung Quốc còn liên tục có những hành động gây hấn, đe dọa, cản trở hoạt động của các lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng như bà con ngư dân, thưa ông?
Như chúng ta đã biết thời gian gần đây phía Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn nghiêm trọng như: Phun vòi rồng, đâm tàu thuyền, xua đuổi… nghiêm trọng hơn là đánh đập ngư dân đi biển trong vùng biển thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam.
Gần đây nhất, ngày 18/5, tàu cá QNg 9025 TS cùng 14 ngư dân Quảng Ngãi bị tàu của Trung Quốc tấn công khi đang hành nghề hợp pháp tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khiến cho hai ngư dân bị thương nặng phải cập bờ để điều trị. Hay chiều 9/5 tàu cá của ngư dân Nguyễn Lộc ở Lý Sơn cũng bị tàu của Trung Quốc ngang nhiên ngăn cản, đâm hỏng be tàu, làm gẫy cabin và thiệt hại trên 300 triệu đồng. Thậm chí, rất nhiều lần, các tàu cá của Trung Quốc còn trắng trợn tịch thu các sản phẩm lao động của bà con ngư dân, thậm chí lấy cả máy định vị thăm dò đánh bắt cá.
Những hành động xâm phạm lãnh thổ trái phép và gây hấn của Trung Quốc vi phạm trắng trợn các thông lệ, luật pháp Quốc tế đặc biệt là luật biển năm 1982. Làm ảnh hưởng, tổn hại đến tình cảm nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc. Ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến năng suất thu hoạch, hoạt động lao động của bà con trên vùng biển chủ quyền. Đến nay, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng thiệt hại là rất lớn.
Lệnh cấm của Trung Quốc là vô giá trị
Trước những hành động gây hấn và xâm phạm chủ quyền trắng trợn của phía Trung Quốc, Hội nghề cá hỗ trợ ngư dân ra khơi ra sao, thưa ông?
Hội nghề cá là tổ chức nghề nghiệp xã hội, luôn đứng bên cạnh bảo vệ ngư dân, ủng hộ ngư dân. Chính vì thế, ngày 1/5 Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào lãnh thổ Việt Nam, đến 16h chiều ngày 2/5 họ hạ đặt giàn khoan thì Hội nghề cá đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng để phản đối hành động này của Trung Quốc.
Chúng tôi cũng thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức để nêu rõ quan điểm của mình đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay những hành động sai trái. Đặc biệt ngày 10/5 Hội nghề cá, đã tổ chức buổi mít tinh lên án phản đối những hành động gây hấn của phía Trung Quốc. Chúng tôi đã có những kiến nghị, kêu gọi nhân dân tiếp tục ra khơi sản xuất, đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, không bạo động, đấu tranh một cách đúng pháp luật, bình tĩnh, kiên trì. Mặc dù Trung Quốc liên tục tìm cách gây hấn, hành động manh động nhưng ngư dân ta, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam vẫn luôn bình tĩnh, đấu tranh một cách kiềm chế. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ chiến thắng vì chính nghĩa thuộc về Việt Nam, thế giới đang ủng hộ chúng ta.
Theo ông, trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta có nên tăng cường các tiềm lực để bảo vệ ngư dân ra khơi bám biển?
Sự có mặt của ngư dân vô cùng quan trọng, như một cột mốc khẳng định vùng biển chủ quyền Việt Nam. Hiện nay, chúng ta có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đang hoạt động rất tốt. Ngoài những lực lượng này, tôi nghĩ cũng nên tăng cường số lượng tàu thuyền để có thể bảo vệ vùng biển chủ quyền của đất nước một cách an toàn, cũng là để Trung Quốc thấy được chúng ta hoàn toàn đủ tiềm năng để bảo vệ đất đai bờ cõi.
Trong giai đoạn khó khăn này, chúng ta càng nên động viên ngư dân ra khơi bám biển. Đây là ngư trường truyền thống mà cha ông ta đã để lại, chẳng có điều gì phải e sợ. Lệnh cấm của Trung Quốc chỉ là đơn phương và vô giá trị đối với ngư dân Việt Nam.
Tôi cũng luôn khuyên ngư dân, có hình thức đấu tranh hợp lý khi gặp phải sự quấy nhiễu của lực lượng Trung Quốc. Chúng ta phải đấu tranh đúng pháp luật, đấu tranh bằng trí tuệ vì chúng ta là những người có lẽ phải, đấu tranh cho lẽ phải. Chúng ta phải làm thế nào để luôn giữ được “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”, tỉnh táo và trí tuệ.
Hà Trang
Theo Dantri
Máy bay trinh sát TQ liên tục bay lượn để ghi hình tàu chấp pháp Việt Nam
Chiều 21.5, thiếu tướng Hoàng Văn Đồng, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, suốt từ sáng các máy bay của Trung Quốc liên tục bay lượn phía trên các tàu chấp pháp của ta đang làm nhiệm vụ tại khu vựcgiàn khoan Hải Dương 981 để ghi hình lực lượng của ta.
Tàu Trung Quốc tấn công tàu chấp pháp Việt Nam bằng vòi rồng công suất lớn - Ảnh: Cảnh sát biển cung cấp
Cụ thể, lúc 8 giờ 38 phút tàu cảnh sát biển 8001 phát hiện 1 máy bay trinh sát của Trung Quốc số hiệu J-9-B7175 ở độ cao 300 mét bay xung quanh khu vực tàu cảnh sát biển 8001 để quay phim, chụp ảnh các lực lượng của ta đang thực hiện nhiệm vụ. Đến 8 giờ 48 phút máy bay này bay về và hạ cánh trên giàn khoan Hải Dương 981.
Tiếp đó, lúc 8 giờ 40 phút tàu cảnh sát biển 8003 cũng phát hiện 1 máy bay trực thăng bay xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 ở độ cao 200 đến 300 mét. Đến 9 giờ 20 phút, tàu cảnh sát biển 8003 phát hiện máy bay trực thăng của Trung Quốc mang số hiệu B7115 bay lượn 4 vòng xung quanh tàu cảnh sát biển 8003 ở độ cao 100 đến 150 mét. Trên máy bay có 4 người, trong đó có 1 người liên tục ghi hình tàu chấp pháp của ta. Đến 9 giờ 45 phút, máy bay này bay về và đậu trên tàu có số hiệu 3383 của Trung Quốc.
Trên mặt biển, các tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vẫn được bố trí dày đặc từ nhiều hướng. Điểm thay đổi là ở mỗi hướng, phía Trung Quốc đã bố trí thêm từ 2-3 chiếc tàu kéo loại lớn.
Ngoài bị máy bay Trung Quốc theo dõi, ghi hình liên tục, tàu cảnh sát biển 8003 còn liên tục bị tàu Trung Quốc có số hiệu 3411 bám sát ở cự ly khoảng 1 hải lý.
Các lực lượng chấp pháp của ta trên vùng biển đang bị xâm phạm chủ quyền vẫn liên tục tìm cách tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 để gọi loa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan này cùng các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi các tàu của ta chỉ mới tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 ở khoảng cách 5,5 - 6 hải lý liền bị các tàu, trong đó có tàu kéo cỡ lớn của Trung Quốc xông ra dùng vòi rồng phun nước, thậm chí lao thẳng vào tàu chấp pháp của Việt Nam với tốc độ cao.
Lúc 9 giờ 15 phút, tàu cảnh sát biển 4032 hoạt động ở phía Nam Đông Nam cách giàn khoan 7,5 hải lý đã bị các tàu Trung Quốc số hiệu 2101, 32101 tiếp cận và tỏ ra hung hăng, lao thẳng đâm va vào tàu của ta.
Bên cạnh đó, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc cũng liên tục áp sát, đe dọa, chặn và ép tàu cá vỏ gỗ của các ngư dân Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan. Các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc rất hung hăng, liên tục tăng tốc đâm thẳng vào các tàu cá của ta.
Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng cho biết thêm, tinh thần lực lượng chấp pháp của Việt Nam luôn rất cao, đang thực hiện đúng đối sách của ta, giữ vững hòa bình trên biển Đông.
Theo VNN
Thủ tướng: 'Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông' Trả lời phóng viên nước ngoài trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông. Ngày 21/5, trả lời các phóng viên quốc tế tại Manila, Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam không đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không...