Họ bảo tôi ở rể như ‘chó chui gầm chạn’
Đàn ông ở rể là hèn, nhiều người vẫn nói tôi như vậy, họ còn gọi tôi là ‘chó chui gầm chạn’ nhưng tôi mặc kệ những điều tiếng đó.
Không biết tự bao giờ, người ta không cho phép hay dù cho phép cũng không mấy hài lòng khi nghe đến việc một anh chàng ở rể. Với họ, đàn ông ở rể là kẻ ăn bám, là kẻ không có trí, phụ thuộc vào nhà vợ. Và chắc chắn trong đầu họ tưởng tượng, gã này chẳng làm được gì ra hồn nên phải bám víu lấy váy vợ.Thế nên, những ai ở rể cũng phải ngại ngùng, xét lét hoặc là không dám nói ra cái sự mình đang ở nhà vợ. Và cũng nhiều người vì chuyện này mà xích mích, khó chịu với nhà vợ, thậm chí cãi nhau với vợ, khiến cuộc sống vợ chồng căng thằng.
Nhiều cô vợ không bao giờ đả động tới chuyện đó vì họ hiểu tâm trạng của người chồng ở rể. Họ cũng không có ý chê bai, đả kích hay nói bóng nói gió gì về chuyện của chồng. Nhưng các ông chồng thì cứ thích khơi ra rồi lại nói vợ khinh mình.
Đúng là, trước tới giờ, chuyện đàn ông ở rể không được hoan nghênh nhiều và cũng có nhiều mặc cảm trong chuyện này đối với bản thân cánh mày râu. Nhưng ở rể có nhiều loại. Có người thật sự ăn bám vào nhà vợ, muốn dựa vào gia thế của nhà vợ, tiêu tiền của nhà vợ, dựa vào vợ mà thăng chức quyền rồi lại lên mặt dạy đời vì có tiền. Cũng có kẻ lấy vợ chỉ vì cái nhà, vì bố mẹ làm quan chức này nọ. Nhưng không hẳn, ai ở rể cũng có ý định ăn bám.
Video đang HOT
Có người thật sự ăn bám vào nhà vợ, muốn dựa vào gia thế của nhà vợ, tiêu tiền của nhà vợ, dựa vào vợ mà thăng chức quyền rồi lại lên mặt dạy đời vì có tiền. (ảnh minh họa)
Có người ở rể vì họ chưa thực sự có đủ khả năng mua nhà, chưa có thể lo lắng cuộc sống sung túc cho vợ con và ở rể chỉ là giải pháp tạm thời, khi nào họ tự lập được sẽ trao trả lại cho bố mẹ vợ. Điều đó có gì là đáng xấu hổ. Cũng có người muốn về quê vợ lập nghiệp, vì đó là nơi họ cảm thấy có điều kiện để phát triển năng lực bản thân hơn. Thế nên, đừng coi chuyện ở rể là chuyện khó khăn, đau đầu. Quan trọng là bản thân mình sống ra sao mà thôi.
Người đàn ông luôn bô bô rằng ta có thể làm được nhiều việc cho vợ chưa chắc đã phải là người chồng tốt. Những người có chí hướng, biết bản thân cần làm gì, biết nghĩ cho gia đình nhưng không quá ồn ào có thể sẽ là những người thực sự chân thành. Chỉ cần bạn lo được cho gia đình, lo được cuộc sống vợ chồng, đó là điều đáng quý hơn cả.
Còn tôi, không phải vì mình ở rể mà biện minh cho mình nhưng thật lòng tôi nghĩ, chuyện ở rể có gì là không được tôn trọng. Tôi ở rể, những tôi cũng góp nhiều công sức cho gia đình, làm được nhiều việc cho gia đình vợ. Bố mẹ vợ đã coi tôi như con trai, tin tưởng tôi, đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất. Những người khinh tôi ở rể có lẽ đó là những kẻ đang ghen tị với những gì tôi có được mà họ không có mà thôi. Thật là mệt mỏi và phiền phức. Nên các bạn đã và đang ở rể, đừng vì những điều tiếng không đáng mà làm hỏng gia đình mình. Chúc các bạn bình yên và hạnh phúc.
Theo Eva
"Ở đậu nhà vợ thì đã làm sao!"
Có người cạnh khóe: Lấy vợ giàu, nhà lại con một, tội gì đi làm thuê. Cứ bảo bố vợ đầu tư cho là làm gì chẳng được.
Và theo anh - một người đàn ông ở rể chính hiệu thì: Nhà vợ có tiềm lực để hỗ trợ mình thì không việc gì phải vì sĩ diện hão từ chối rồi đẩy mình và vợ con vào bể khổ... Hãy cùng trò chuyện với anh để hiểu thêm lý do vì sao bị đàm tiếu là "chuột sa chĩnh gạo" là lợi dụng nhà vợ... nhưng anh vẫn vui!
Theo phong tục của người Việt, đôi vợ chồng cưới nhau xong sẽ ở nhà chồng, người ta gọi là gái theo chồng. Anh lấy vợ, rồi "theo vợ" về nhà vợ ở, anh có thấy bất tiện gì không?
Có lẽ bất tiện nhất là những kiểu hỏi như chị.
Có vẻ căng thẳng rồi, tôi xin lỗi! Nhưng nhiệm vụ của tôi là phải hỏi cho ra những vấn đề đang là thắc mắc chung nên nếu tôi có làm anh khó chịu, anh hãy rộng lượng giúp tôi...
Thực ra thì tôi quen với những thắc mắc như chị vừa thắc mắc. Đó hình như là những ý nghĩ đầu tiên của mọi người khi mới tiếp xúc với tôi và biết tôi ở rể.
Ban đầu, đối diện với những câu hỏi khéo, hỏi thẳng, hỏi "đểu", những cái nhìn hơi lâu hơn bình thường của mọi người, tôi thấy cực kỳ nóng mặt. Ai cũng có những hoàn cảnh, những câu chuyện gia đình riêng.
Mọi câu chuyện gia đình đều không thể quy kết vào một cái "rọ" xấu được. Hình như mọi người đều nghĩ: Cứ ai đi ở rể là bất tài, là sống chui rúc, không có quyền hành gì trong gia đình.
Tôi ở rể vì quê tôi cách quê vợ và nơi tôi làm ăn sinh sống hơn ngàn cây số. Tôi định thuê nhà hai vợ chồng sống khi lấy nhau. Nhưng bố mẹ vợ tôi thừa một ngôi nhà, mà cô ấy lại là con một nên hai cụ nói chúng tôi nên về đó ở để yên tâm làm ăn.
Bố mẹ vợ đã có những lý lẽ thuyết phục tôi mà tôi thấy có lí. Hai cụ khuyên tôi nên bỏ qua cái sĩ diện không cần thiết để về đó sống. Hai cụ còn nói: Khi ra ngoài sống hay ở nhà vợ thì vẫn cần sự giúp đỡ của rất nhiều người trong cuộc sống thường nhật. Ai giúp đỡ mình cũng quý và đều có ý nghĩa trong cuộc sống. Bố mẹ giúp đỡ vợ chồng con trong lúc các con bắt đầu cuộc sống mới thì hãy đón nhận và sau này bố mẹ già, các con hãy đỡ đần bố mẹ.
Tôi thấy các cụ nói rất chân thành, làm tôi nể trọng. Tôi coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình.
Việc anh về sống ở nhà vợ coi như là một việc tốt, nhưng giả sử mọi người nghĩ anh có ý lợi dụng bố mẹ vợ thì sao?
Nếu tôi lợi dụng bố mẹ vợ tôi thật mà cuộc sống gia đình tôi tốt dần lên thì sao? Dư luận thật ác. Khi gia đình tôi chưa xảy ra cãi vã, mọi người còn sống với nhau hòa thuận thì sao dư luận cứ phải cố nghĩ ra những bi kịch và những câu chuyện trái chiều để áp vào gia đình tôi?
Theo tôi được biết, rất nhiều gia đình tan nát bởi những câu chuyện suy luận từ phía dư luận. Hình như, làm mọi thứ trong một gia đình nào đó rối lên, tồi tệ hơn là sở thích của đám đông.
Tôi rất ngại phải giải thích với số đông, vì điều quan trọng là tôi sống với gia đình mình. Nhưng dẫu sao, thỉnh thoảng, sự soi mói không thiện chí của mọi người cũng làm tôi thấy bực mình.
Trót mang thân phận ở rể nên không ít người đàn ông nhận được những lời cạnh khóe của thiên hạ (ảnh minh họa).
Anh có thể kể vài câu chuyện soi mói của đám đông mà anh gặp phải cho mọi người nghe?
Một lần, tôi và vợ đi đám cưới của một người bạn. Khi gặp gỡ một nhóm bạn không thân, một cậu đã "đá" tôi bằng câu hỏi thăm: Dạo này thấy cậu mỡ màng hơn hồi chưa lấy vợ. Nhất cậu đấy! Được trâu, được nghé lại được cả tổ. Như thế ăn no, ngủ kỹ, lại chẳng mỡ màng.
Hay lúc tôi mới lấy vợ, đến cơ quan, trong câu chuyện trà dư tửu hậu, ai cũng bảo tôi chuột sa chĩnh gạo. Rồi có người cạnh khóe: Lấy vợ giầu, nhà lại con một, tội gì đi làm thuê. Cứ bảo bố vợ đầu tư cho là làm gì chẳng được.
Còn rất nhiều câu chuyện vô lý khác nữa. Có lúc tôi cũng muốn nổi khùng lên, nhưng sau đó phải kiềm chế hết. Nếu tôi cứ phản ứng lại những kiểu đùa như thật đó thì chắc tôi không còn thời gian làm gì, nghĩ gì mất.
Kiềm chế sẽ nén tâm trạng xuống, nhưng không giải quyết được gốc vấn đề. Anh làm thế nào để giải quyết tận gốc vấn đề đó mà không để mình nổ tung lên?
Việc đó phải cảm ơn vợ tôi và bố mẹ vợ.
Khi tôi không vui vì những câu hỏi han động chạm tới thân phận ở rể của mình, vợ tôi nói với tôi: Được trở thành người đặc biệt không vui tẹo nào. Nhưng anh cứ coi như cuộc sống hôn nhân thế nào cũng có sóng gió. Sóng gió ở ngoài thì gia đình hạnh phúc. Sợ nhất là sóng gió từ trong gia đình, sẽ dẫn đến đổ vỡ. Anh hãy giữ gia đình mình, đừng để những cơn sóng dữ tràn vào tổ ấm của em và anh nhé!
Rồi cô ấy tâm sự chuyện này với bố mẹ vợ. Ông cụ dẫn tôi đi uống bia, hai bố con nói chuyện thân tình như hai người bạn. Cụ bảo: Con có đi thuê nhà hay làm cái gì đi nữa thì vẫn bị dèm pha như thường.
Cụ phân tích cho tôi hay: Khi chưa có gia đình, thông thường đàn ông không để ý đến những lời "chọc ngoáy". Nhưng khi có gia đình, những lời chọc ngoáy sẽ cộng hưởng cùng những khó khăn thường ngày để len lỏi vào tâm trí người đàn ông. Tốt nhất là nên suy nghĩ như một người đàn ông rộng lượng và dành tâm trí vào những việc cần làm để cuộc sống tốt hơn.
Bạn thử nghĩ xem, tôi được ở rể trong một gia đình như thế thì làm sao tôi có thể chối từ. Đến nỗi, bây giờ ai bảo tôi ở rể như chuột sa chĩnh gạo, tôi thấy vui và thấy thế thật.
Câu chuyện ở rể như anh hay đấy chứ! Nhưng không phải ai đi ở rể cũng may mắn như anh đâu. Vẫn có người bị phụ thuộc...
Nếu tôi nói phụ thuộc hay không còn tùy cách xử lý, cách nghĩ của mọi người thì người ta sẽ bảo tôi huênh hoang vì gặp may.
Có điều, nếu vì điều kiện và hoàn cảnh nào đó mà một anh phải sống ở nhà vợ, các anh cứ thử kiên nhẫn xem thế nào. Tại sao phụ nữ sống ở nhà chồng, chăm lo công việc nhà chồng tốt được mà đàn ông lại không thể làm được điều đó? Theo tôi nó chỉ vì quan niệm và sĩ diện của đàn ông.
Cuộc sống có nhiều hoàn cảnh. Không ai nói trước được điều gì. Nhưng ít nhất, sống ở nhà nào thì cũng cần đối xử tử tế, tôn trọng và thông cảm cho nhau. Nếu không được điều đó, tốt nhất là nên tách riêng.
Ở rể hay ở nhà vẫn có những anh đàn ông đáng khen, hoặc có những anh đáng phê phán.
Tôi cảm ơn anh vì những chia sẻ của một chàng rể đi ở rể rất thú vị! Chúc anh và gia đình mãi hạnh phúc!
Theo afamily
Chiều rể quá hóa rể hư Gia đình chị Nga, chị Uyên chiều chuộng, quý trọng con rể còn hơn cả con đẻ. Nhất con rể Từ khi Nga - con gái lớn - lấy chồng, gia đình bác Liên (Hoàng Mai, Hà Nội) còn quan tâm con rể hơn cả con trai. Ngày cưới Nga, mọi người cứ tấm tắc khen chàng rể đẹp trai, gặp ai cũng...