HN: Xét xử nguyên 4 công an xã dùng nhục hình chết người
Sau một lần hoãn toà, sáng nay 17/9, 1 nguyên phó Trưởng công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội cùng 3 nguyên công an viên dưới quyền phải ra toà về tội Giết người vì đã dùng nhục hình dẫn tới chết người.
Sáng nay 17/9, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên (34 tuổi, nguyên Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) và đồng phạm là các nguyên công an viên xã Kim Nỗ: Nguyễn Trọng Kiên (23 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (31 tuổi), Hoàng Ngọc Thức (26 tuổi) về tội Giết người.
Các bị cáo: Hoàng Ngọc Thức, Nguyễn Trọng Kiên, Hoàng Ngọc Tuyên và Đoàn Văn Tuyến (từ trái qua)
Nạn nhân trong vụ án này là ông Nguyễn Mậu Thuận, thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Các bị cáo bị truy tố về tội giết người theo quy định tại điều 93, khoản 1, điểm n (có tính chất côn đồ) của Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trước đó, ngày 8-5, phiên toà đã được mở và hoãn do trong quá trình xét xử, bản cung không khớp và các bị cáo nói bị mớm cung. HĐXX hoãn toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Sáng 17-9, khoảng 30 người nhà của nạn nhân đã có mặt tại toà. Chỉ một số vào trong phòng xét xử còn lại ngồi chờ đợi phía ngoài sảnh do hội trường chật. Ngoài di ảnh của nạn nhân, người nhà còn phóng to bức ảnh chụp cận cảnh hai chân của nạn nhân bị tím bầm với vết khâu dài do bị đánh đập.
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngay đầu phiên xét xử, ông Nguyễn Mậu Đoàn, em ruột nạn nhân, bày tỏ: “Hôm nay, tất cả anh em ruột, vợ, con của nạn nhân đều có mặt. Gia đình chúng tôi mong muốn không bị bỏ lọt tội phạm, sẽ xem xét xử lý người chủ mưu”. Ông Đoàn và người nhà cho biết từ trước đến nay các gia đình các bị cáo không có liên lạc với gia đình nạn nhân để thăm hỏi.
Rất đông người nhà nạn nhân bị nhục hình chết đến dự với vành khăn tang
Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, khoảng 12 giờ 30 phút ngày 30/8/2012, Công an xã Kim Nỗ nhận được trình báo của ông Nguyễn Mậu Phú (thôn Đoài, xã Kim Nỗ) về việc vợ ông là bà Đoàn Thị Bút bị ông Nguyễn Mậu Thuận (trú cùng thôn) dùng gạch đánh gây thương tích phải đi cấp cứu.
Video đang HOT
Sau khi tiếp nhận đơn, ông Nguyễn Đức Vọng, Trưởng Công an xã Kim Nỗ, đã điện thoai chỉ đạo Hoàng Ngọc Tuyên tập trung lực lượng xuống hiện trường giải quyết. Hoàng Ngọc Tuyên điện thoai yêu cầu Đoàn Văn Tuyến, Hoàng Ngọc Thức đến nhà mời ông Thuận về trụ sở làm rõ.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, ông Thuận được đưa tới trụ sở UBND xã Kim Nỗ và đã chửi bới, định lao vào đánh ông Nguyễn Đức Vọng. Ông Vọng lập tức hô: “Khóa tay nó lại, đưa vào trong phòng kia!”. Tại phòng làm việc, ông Vọng ra lệnh mở khóa tay để ông Thuận viết kiểm điểm. Nguyễn Trọng Kiên mở khóa còng bên tay phải của ông Thuận và bấm đầu còng này vào chiếc ghế gỗ.
Sau khi trao đổi nội dung vụ việc và giao cho Hoàng Ngọc Tuyên chỉ đạo làm rõ việc ông Thuận đánh bà Bút, ông Vọng còn phân công một số công an viên khác xuống hiện trường ghi lời khai của nhân chứng và xác minh thương tích của bà Bút tại Bệnh viện huyện Đông Anh. Sau đó, ông Vọng đi giải quyết vụ việc khác.
Rất đông người nhà nạn nhân bị nhục hình chết đến dự với vành khăn tang
Ông Nguyễn Mậu Đoàn, em trai nạn nhân bị nhục hình
Nhận nhiệm vụ, Hoàng Ngọc Tuyên đã xét hỏi việc ông Thuận đánh bà Bút nhưng ông này không nhận mà có lời chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ. Tuyên tát ông Thuận 2 cái vào mặt. Thấy vậy, Nguyễn Trọng Kiên đứng dậy lấy dùi cui trên nóc tủ đưa cho Tuyên. Tuyên cầm dùi cui vụt mạnh vào đùi ông Thuận 2 cái rồi đưa cho Kiên cầm và tiếp tục tra hỏi. Thấy ông Thuận vân không khai mà còn chửi bới, Kiên cầm dùi cui vụt mạnh nhiêu cái vào 2 bên đùi ông Thuận, vừa vụt vừa hỏi: “Có đau không ?”.
Đến 15 giờ, ông Thuận vẫn không khai nhận và luôn miệng chửi bới nên Kiên đã thúc dùi cui vào ngực làm ông ngã ngửa ra phía sau. Tiếp đó, Tuyên bảo Thức, Tuyến, Kiên dựng ông Thuận ngồi dậy. Thấy ghế bị gãy, Tuyên yêu cầu lấy một chiếc ghế gỗ khác thay thế và khóa 2 chân, 2 tay ông Thuận vào rôi phân công Tuyến đứng phía sau giữ cho ông Thuận ngồi; Thức đứng bên cạnh quan sát, nếu có người đi qua thì báo cho Tuyên biết. Sau đó, Tuyên và Kiên vừa hỏi vừa dùng dùi cui đánh mạnh vào 2 bên đùi ông Thuận, dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay của ông bóp mạnh.
Đến 16 giờ, ông Vọng nhận được điện thoại của Tuyên báo cáo ông Thuận say rượu không làm việc được. Ông Vọng sang kiểm tra, thấy ông Thuận bị khóa chân, tay vào ghế nên yêu cầu mở khóa và đưa ông lên giường nằm, lấy dầu xoa cho ông; đồng thời điện thoại trạm y tế xã đến cấp cứu. Khi cán bộ trạm y tế tới thì không đo được các chỉ số sinh tồn (không nghe được nhịp tim, không đo được huyết áp). Sau đó, ông Thuận được lực lượng Công an xã Kim Nỗ đưa tới Bệnh viện huyện Đông Anh cấp cứu nhưng đã tử vong.
Kết quả giám định pháp y cho thấy ông Thuận có nhiều vết bầm tím ở mu bàn tay, bầm tím và tụ máu ở 2 bên đùi với chiều dài 23-34 cm, tụ máu nhẹ dưới da đầu, tụ máu 1/3 dưới xương ức, gãy sụn sườn số 5, 6, 7 bên phải ngay dưới điểm tụ máu…
Sau khi vụ án đã được điều tra xong, chuẩn bị xét xử thì anh Nguyễn Mậu Công, con trai ông Thuận đã gửi đơn khiếu nại bỏ lọt tội phạm. Theo đơn, anh cho rằng, ông Nguyễn Đức Vọng đã ra lệnh cho cấp dưới bắt giữ người trái pháp luật (khi bắt giữ không hề có giấy mời, giấy triệu tập). Thời điểm 4 công an xã Kim Nỗ đánh đập, tra tấn ông Thuận dẫn tới tử vong thì ông Vọng vẫn có mặt ở trụ sở UBND xã Kim Nỗ (trụ sở công an xã nằm trong khuôn viên ủy ban).
Do đó, anh Nguyễn Mậu Công cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội đối với trường hợp của ông Nguyễn Đức Vọng.
Theo N.Quyết (Người lao động)
Hà Nội: Trả hồ sơ, điều tra lại vụ 4 công an đánh chết người
Nhận thấy trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ, điều tra lại để đảm bảo công bằng, khách quan cho các bị cáo.
8h45 sáng nay, 8/5, phiên tòa xét xử 4 bị cáo là nguyên Phó công an xã và công an viên xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội "Giết người" được bắt đầu. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó công an xã Kim Nỗ), Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) và Hoàng Ngọc Thức (SN 1988), đều là công an viên xã Kim Nỗ.
Các bị cáo được tách riêng, dẫn giải vào phòng xử để tránh bức xúc của người nhà bị hại.
Tại phần xét hỏi, lời khai của các bị cáo trước vành móng ngựa thể hiện sự mâu thuẫn. Vai trò của Trưởng Công an xã Kim Nỗ Nguyễn Đức Vọng cũng chưa được làm rõ như khiếu nại của gia đình bị hại về việc cơ quan điều tra để lọt người, lọt tội.
Nguyên Phó Trưởng Công an xã Kim Nỗ Hoàng Trọng Tuyên khai: "Khi nhận được điện thoại của anh Vọng, bị cáo bước vào cửa phòng của bị cáo, thấy ông Thuận đã ngồi trên ghế, tay trái bị khóa, xung quanh có Kiên, Tuyến, Thức, Vọng. Bị cáo đi ra ngoài thì nghe thấy Kiên đánh ông Thuận. Bị cáo chạy vào đỡ dùi cui, cất lên nóc tủ. Lúc này ông Thuận vẫn ngồi ở ghế tình trạng khỏe mạnh bình thường."
Anh Nguyễn Mậu Công, con trai nạn nhân, đeo khăn tang đến dự tòa.
Trái ngược với lời khai trên, Nguyễn Trọng Kiên, nguyên công an viên xã Kim Nỗ, khai rằng chính Tuyên cầm dùi cui đưa cho Kiên, sai Kiên đánh ông Thuận do ông này chửi công an. "Bị cáo đánh ông Thuận 5 nhát vào đùi, ngoài ra không đánh vào đâu nữa. Do ông Thuận né nên ghế bị đổ và gãy." - Nguyễn Trọng Kiên khai.
Trả lời về vết thương trên ngực nạn nhân là do đâu, bị cáo Kiên nói là mình không biết.
Về việc Trưởng CAX Kim Nỗ Nguyễn Đức Vọng có biết việc ông Nguyễn Mậu Thuận bị đánh ở trụ sở công an không, Tuyên khai không rõ khi Kiên đánh nạn nhân, ông Vọng còn ở trong phòng không, nhưng khi bị cáo quay lại thì ông Vọng không có mặt. Diễn biến sau đó, ông Vọng chỉ gọi điện hỏi 1, 2 lần xem công việc đến đâu và không chỉ đạo cho các bị cáo đánh ông Thuận. Thế nhưng, lời khai của Hoàng Trọng Tuyên tại cơ quan điều tra cho thấy, ông Vọng có đến kiểm tra.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày 8-9/5. Tuy nhiên, trong phần xét hỏi các bị cáo, thẩm phán Lê Thị Hợp - chủ tọa phiên tòa - phát hiện trong những lần lấy lời khai của các bị cáo, không lần nào có sự hiện diện của luật sư bào chữa cho quyền lợi của các bị cáo. Hội đồng xét xử nhận định, điều này có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
"Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cả 4 bị cáo đều bị truy tố về tội "Giết người" với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Vì vậy, trong suốt quá trình điều tra, lấy lời khai bắt buộc phải có ít nhất một bản khai có sự chứng kiến của luật sư. Tại tòa, cả 4 bị cáo đều khẳng định và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không hề có một luật sư nào đại diện quyền lợi hợp pháp cho mình được mời tham dự các buổi lấy lời khai." - thẩm phán Lê Thị Hợp nói.
Sau khi xem xét, chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp kết luận: "Lời khai của 4 bị cáo đã đủ cơ sở cho thấy quá trình điều tra vụ án này đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chính vì thế, hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, điều tra lại để đảm bảo công bằng, khách quan cho các bị cáo."
Theo Dantri
Công an đánh chết người, ra toà xử chỉ bị coi là dùng nhục hình Theo lời chị Tuyết, sau khi anh Kiều bị đánh chết, cơ quan công an ra sức bưng bít, che giấu, ngăn cản người nhà làm lễ mai táng... Chị Tuyết khóc ngất ngoài phòng xử án Trong phần tranh luận sáng nay tại phiên tòa, chị gái nạn nhân Ngô Thanh Kiều tỏ ra vô cùng bức xúc với kết luận các...