HN: Xe ba bánh tiếp tục gây họa, 2 người bị thương nặng
Chiếc xe ba bánh chở hàng cồng kềnh chạy với tốc độ lớn đã đâm vào một phụ nữ đang đi sang đường.
Hiện trường vụ tai nạn.
Khoảng 9 giờ ngày 28/9, trên tuyến đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đoạn trước cổng sân vận động Mỹ Đình đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến hai người bị thương nặng.
Theo những nhân chứng có mặt tại hiện trường, vào thời điểm trên, họ thấy xe ba bánh chở theo rất nhiều vật dụng cồng kềnh đang lưu thông theo hướng từ đường Hồ Tùng Mậu đi Đại lộ Thăng Long với tốc độ lớn. Đến đoạn trước cổng sân vận động Mỹ Đình đã bất ngờ đâm vào một người phụ nữ đi sang đường.
Lực lượng CSGT cắm biển nguy hiểm tại hiện trường.
Ông Cường (bảo vệ tại một quán cà phê gần hiện trường) kể lại: “Lúc đó tôi đang dắt xe cho khách thì nghe thấy tiếng va chạm lớn, chạy ra tới nơi thì thấy chiếc xe ba bánh đâm phải một người phụ nữ đi đường khiến chị này bị thương nặng, chảy máu nhiều ở đầu. Người đàn ông lái xe ba bánh cũng bị thương nhiều chỗ. Người dân sau đó đã đưa hai người bị thương đi cấp cứu.”
Video đang HOT
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, chiếc xe ba bánh bị lật nằm giữa đường Lê Đức Thọ, trên xe chở theo nhiều hàng hóa vật dụng cồng kềnh. Nhiều vết máu của các nạn nhân nằm vương vãi trên mặt đường.
Nhận được tin báo của người dân, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Trước đó, trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông do xe chở tôn cồng kềnh gây ra khiến 2 người tử vong thương tâm.
Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 23/9, trên đường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) do thiếu quan sát, một em nhỏ 9 tuổi đã lao vào xe chở tôn phía trước khiến góc của tấm tôn cứa vào cổ.
Trong lúc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Công an Thành phố Hà Nội đang tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng cồng kềnh thì trong chiều 25/9, một vụ tai nạn tương tự lại xảy ra khi chiếc xe cải tiến chở theo nhiều tấm tôn phía sau bị đứt dây, lao vào người bà Bùi Thị Xuân (SN 1952) khiến bà Xuân tử vong.
Theo Việt Linh (Dân Việt)
"Chỉ nên cho xe ba gác hoạt động từ 1-5h sáng"
Sau 2 vụ tai nạn chết người liên quan đến xe chở tôn, người dân HN chờ quyết định có cấm hay không các loại xe chở hàng tự chế còn chuyên gia GTVT thì lại cho rằng, trước mắt chỉ nên cho hoạt động từ 1-5 giờ sáng...
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ năm 2013, Thủ đô đã cấm các loại phương tiện như xe 3 bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, chở vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn thời gian vừa qua, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành. Sau 2 vụ tai nạn tôn cứa khiến 1 cháu bé 9 tuổi và một cụ bà 66 tuổi tử vong vừa qua, vấn đề này lại một lần nữa được nhắc đến khẩn thiết về tính an toàn của các loại phương tiện giao thông này. Có nên cấm, cấm như thế nào, có triệt để được hay không là câu hỏi mà dư luận hiện rất quan tâm.
Hiện trường vụ TNGT khiến một cháu bé tử vong ngày 23/9 tại Hà Nội do va chạm xe ba gác chở tôn
Trao đổi mới đây với PV báo Người Đưa Tin, Ths. Vũ Anh Tuấn, giảng viên bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, ĐH GTVT Hà Nội cho biết: Kể cả các loại xe tải chở hàng nhưng không được che đậy cẩn thận thì vẫn hoàn toàn có khả năng gây ra tai nạn với những loại hàng hóa cồng kềnh chứ không chỉ riêng gì xe ba gác, xe thương binh, xe tự chế.
Bên cạnh đó, việc xem xét cấm các loại xe này lưu hành trên đường chắc chắn sẽ cần những văn bản chính thức. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, cần phải có những tính toán hợp tình, hợp lý, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa phù hợp với môi trường đô thị Việt Nam hiện nay.
Ths. Vũ Anh Tuấn phân tích, với đặc thù các đô thị lớn tại Việt Nam hiện nay như Hà Nội và TP.HCM có những đường, ngõ nhỏ mà xe ô tô tải, xe ô tô chở hàng không thể nào len lách vào được, nếu cấm sử dụng hẳn các loại xe cơ giới mang tính tự chế như kể trên thì chắc chắn ảnh hưởng tới nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng của người dân trong các khu dân cư này. Đặc biệt là các ngõ sâu, ngoằn nghoèo, dài.
"Không thể dừng nhu cầu xây dựng, vận chuyển của người dân được. Nếu không dùng những loại xe chở hàng loại nhỏ như xe ba gác, xe thương binh thì sẽ dùng phương tiện nào để chuyên chở?
Nếu dùng các loại khác như xe bò hoặc vận chuyển bằng sức người thì mức độ nguy hiểm cũng không kém phần. Việc để bất kỳ phương tiện giao thông nào lưu hành trên đường cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn cho người dân về sự an toàn, bao gồm an toàn cho chính người điều khiển phương tiện, an toàn cho phương tiện và cả cho chính những người xung quanh.
Vì vậy, trước mắt, nên có những tính toán chỉ cho loại xe này chạy vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày. Theo tôi, khoảng thời gian tốt nhất, ít ảnh hưởng nhất tới đời sống dân cư là từ 1 đến 5 giờ sáng", Ths. Vũ Anh Tuấn đề xuất.
Những chiếc xe chở hàng như thế này liệu có được xem là an toàn khi chạy trong đô thị?
Chuyên gia giao thông này cũng khẳng định sự tán thành với đề xuất của CSGT Hà Nội về việc cấm các loại phương tiện chở hàng cồng kềnh, nguy cơ gây mất an toàn trong đô thị.
Cũng trong một trao đổi mới đây với PV báo Người Đưa Tin, trung tá Hoàng Văn Đạo, nguyên Đội trưởng đội CSGT số 11, Hà Nội chia sẻ, thời gian còn công tác, một trong những vấn đề khiến ông phải đau đầu nhất là việc giả mạo xe thương binh chạy trên đường phố rất khó kiểm soát.
"Nhiều người còn trẻ măng cũng lái xe thương binh, chở hàng cồng kềnh như chỉ có một mình mình đi trên đường vậy. Chúng tôi cũng đã xử lý rất nhiều những trường hợp như vậy, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn. Xe thương binh thì ít mà giả mạo thương binh thì nhiều. Vì vậy, thời gian sắp tới, cũng cần các cơ quan chức năng phải có những biện pháp siết chặt vấn đề này".
Một trong những trăn trở khác của vị này là việc, trước đó Hà Nội chỉ cho phép lưu hành các loại xe thương binh chủ yếu để phục vụ cho việc di chuyển chứ không chuyên về việc vận chuyển hàng hóa mang tính chất thương mại. Vì vậy, việc này cũng cần phải làm rõ nếu trong thời gian tới chưa thể đi đến việc cấm hoàn toàn.
Trung tá Hoàng Văn Đạo bày tỏ sự tiếc thương và chia sẻ với gia đình những nạn nhân gặp tai nạn tử vong vừa qua. Ông cũng cho biết, thời gian trước đó, CSGT Hà Nội cũng đã có tham mưu cho công an thành phố Hà Nội về việc đề xuất cấm các loại phương tiện như xe ba gác, xe ba bánh, xe thương binh, xe tự chế, tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có quyết định sau cùng cho vấn đề này. Vì vậy, thời gian tới đây, việc tiến tới cấm hoàn toàn các loại phương tiện cơ giới mang tính tự chế này là hết sức cần thiết.
Theo Đỗ Huệ (Người đưa tin)
Thủ phạm ùn tắc giao thông Hà Nội: Xe máy hay taxi? Không chỉ xe máy, việc một số lượng rất lớn taxi hoạt động lộn xộn, lạng lách, phóng nhanh, len lỏi khắp các tuyến đường, tranh giành khách... cũng được coi là thủ phạm chính gây mất trật tự, ách tắc giao thông tại Hà Nội, nhất là vào giờ cao điểm. Taxi chạy rùa bò chờ bắt khách trước cổng Bệnh viện...