HN trồng phong lá đỏ: Nên thử nghiệm trước khi trồng đại trà
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường cho rằng muốn trồng một loại cây cho đô thị thì phải thử nghiệm, phù hợp mới trồng đại trà.
Hà Nội đã triển khai trồng 100 cây phong lá đỏ tại tuyến phố Trần Duy Hưng, bắt đầu từ ngã tư giao với đường Nguyễn Chánh đến chân cầu vượt Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh. Cây được trồng cao khoảng 7m, đường kính 20-25cm, cách nhau khoảng 3m tại cả dải phân cách. Một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm, nếu phù hợp sẽ nhân rộng ở nhiều địa điểm khác. Tuy nhiên, TP chưa trồng thử nghiệm loại cây này ở vườn ươm hay công viên và việc thí điểm không dùng tiền từ ngân sách.
Hàng cây phong vừa được trồng tại Hà Nội Ảnh: Huy Thanh
Trước đó, tại hội thảo về cây xanh, hồ nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay Hà Nội đang trồng phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng. “Một năm nữa, chúng ta có thể thấy việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu” – ông Chung thông tin.
Video đang HOT
Việc xuất hiện của loại cây này trên đường phố Hà Nội khiến người dân tò mò, thích thú với viễn cảnh giống như ở châu Âu và Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có ý kiến trái chiều. Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, cho rằng muốn trồng một loại cây cho đô thị thì phải thử nghiệm trước, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu thì mới trồng đại trà. Đặc biệt, theo ông Cường, đưa một loại cây sống ở vùng ôn đới đến vùng nhiệt đới thì việc thử nghiệm là rất cần thiết. Không đơn giản thấy cây phong đẹp ở các nước khác mà đem ra trồng được ở nước ta. Không thử nghiệm trước mà đem ra trồng ồ ạt, trường hợp cây chết sẽ gây tốn kém tiền của”.
Có kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu về cây phong lá đỏ, ông Đỗ Văn Trung, Giám đốc Công ty Cây xanh Đức Lộc, cho biết cây phong ưa độ ẩm trong không khí, thích hợp các loại đất có mùn, lá rất mỏng nên với những nơi có ánh nắng mùa hè xuyên qua dễ bị cháy lá nên không phù hợp khí hậu nắng gắt, độ ẩm thấp.
Ông Trung cho rằng phong lá đỏ không thích hợp trồng ở Hà Nội mà chỉ nên trồng ở đồi núi hoặc độ ẩm cao như Sa Pa, Đà Lạt. Ngoài ra, khi trồng ở Hà Nội, cây phong sẽ không có màu sắc đẹp như ở các nước châu Âu. Đồng tình, GS-TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, cho rằng cây phong lá đỏ không chịu được nóng, sẽ rụng lá gây cản trở giao thông nếu trồng ở dải phân cách đường. Do đó, sẽ phù hợp hơn nếu trồng ở công viên, vườn hoa. Trong khi đó, ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng phong lá đỏ được trồng nhiều tại tỉnh phía Nam Trung Quốc, khí hậu vùng này không quá khác biệt với Hà Nội nên cây phong lá đỏ sẽ sống được. Tôi ủng hộ TP trồng loại cây này” – ông Hùng nói.
Theo Nguyễn Hưởng (Người lao động)
Hà Nội trồng cả trăm cây phong lá đỏ khi chưa thử nghiệm
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết việc trồng phong ở phố Trần Duy Hưng là "thử nghiệm". Thành phố chưa từng trồng ở vườn ươm hay công viên.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, phong lá đỏ đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm trên đường phố, nếu phù hợp sẽ được nhân rộng ở nhiều địa điểm khác. Trước đó, thành phố chưa trồng thử nghiệm loại cây này ở vườn ươm hay công viên.
Về việc trồng phong trong vườn ươm và ở đường phố khác nhau như thế nào, ông Mạnh từ chối trả lời.
Hiện, khoảng 100 cây phong lá đỏ đã được trồng ở dải phân cách giữa con phố Trần Duy Hưng. Sau một vài năm, tuyến đường này được kỳ vọng sẽ mang vẻ đẹp của các nước châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc...
Việc xuất hiện của loại cây này trên đường phố Hà Nội khiến người dân tò mò, thích thú. Trong khi đó, nhiều người không khỏi hoài nghi khi cho rằng loài cây này không phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.
Giới chuyên gia cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng phong lá đỏ khó sống trong điều kiện thời tiết oi bức ở Hà Nội và tốn công chăm sóc. Bên cạnh đó, lá cây rụng xuống đường có thể gây cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan.
Trước đó, tại hội thảo về cây xanh, hồ nước ngày 13/1, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết khí hậu Việt Nam thuận lợi để nghiên cứu, tiếp thu những giống cây, hoa mới trên thế giới.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng khoảng một năm nữa thành phố hoàn toàn có thể "nhiệt đới hóa" được giống cây phong và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu. Thành phố đang phối hợp với một doanh nghiệp xây dựng vườn ươm giống cây, hoa để đáp ứng nhu cầu của thành phố cũng như xuất khẩu.
Phong lá đỏ là loại cây thuộc xứ lạnh, có chiều cao 6-7 m và đường kính thân khoảng 25 cm. Vào mùa thu, lá cây chuyển màu đỏ hoặc cam rồi rụng khi đông đến.
Hà Nội đang thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh cho đến năm 2020. Toàn thành phố đã trồng được khoảng 500.000 cây, góp phần xây dựng môi trường xanh, cải thiện không khí và tạo cảnh quan đô thị. Những loại cây mới được đưa vào trồng gồm phong lá đỏ, hoa ban, long não, cọ dầu, chà là, giáng hương...
Theo Thắng Quang - Trà My (Zing)
Cận cảnh hàng trăm cây phong lá đỏ được trồng giữa Thủ đô Hà Nội đang trồng hàng trăm cây phong lá đỏ trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng. Theo ghi nhận ngày 16.1, ở tuyến phố Trần Duy Hưng nối Nguyễn Chí Thanh (TP.Hà Nội), hàng cây phong đã mọc lên thẳng tắp trong những ngày qua. Những cây này cao 5-7m, được trồng ở dải phân cách giữa đường,...