HLV Real Madrid dạy đá bóng cho 300 trẻ em Việt Nam
Ba huấn luyện viên của Real Madrid có mặt tại Hà Nội từ ngày 22/11 đến 24/11 để tham gia khóa đào tạo bóng đá cho những HLV nghiệp dư và trẻ em kém may mắn ở Việt Nam.
300 học viên của khóa đào tạo được lựa chọn từ những tổ chức nuôi dưỡng trẻ em và Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Các học viên sẽ được hướng dẫn bởi 3 HLV đến từ CLB Real Madrid là Carlos Gustavo Albert Garcia, Javier Garcia Torres và Hector Vincente Jorge.
Chia sẻ ở buổi họp báo, HLV trưởng Carlos Garcia cho biết: “Bóng đá là môn thể thao toàn cầu và được nhiều người yêu thích. Hà Nội thời gian gần đây cũng sống trong không khí bóng đá với những trận đấu của tuyển Việt Nam. Trẻ em Việt Nam cũng như toàn thế giới đều có niềm đam mê với môn thể thao này. Tôi hy vọng các em sẽ có cơ hội để phát triển bản thân”.
HLV Carlos Garcia chia sẻ về mục đích của khóa đào tạo.
“Chúng tôi lựa chọn các em nhỏ kém may mắn và chưa từng có cơ hội tiếp xúc với thể thao, đặc biệt là bóng đá. Chúng tôi muốn mang đến cho các em một trải nghiệm mới và quý giá”, đại diện ban tổ chức Alson Ng cho biết thêm.
Ngoài việc tham gia huấn luyện cho 300 học viên kém may mắn, 3 HLV của Real Madrid cũng trao đổi và chia sẻ phương pháp đào tạo cho 30 HLV nghiệp dư tại Việt Nam chiều 22/11 tại Hà Nội.
Video đang HOT
Ông Alson Ng chia sẻ: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là lựa chọn những người trực tiếp làm việc với trẻ em. Hai ngày trong khóa đào tạo là không đủ để mang đến sự thay đổi cho các em nhỏ. Do đó, nếu muốn tính đường dài, chúng tôi phải huấn luyện các HLV để họ mang đến nhiều trải nghiệm cho các em nhỏ hơn nữa”.
Đây là lần thứ ba sự kiện được tổ chức tại Việt Nam và là lần đầu tiên thực hiện ở Hà Nội. Trước đó, khóa huấn luyện này cũng được tổ chức ở thủ đô Dhaka, Bangladesh.
Theo Zing
Béo phì ở trẻ em Việt Nam: Khi phụ huynh 'phớt lờ' cảnh báo
Nhiều gia đình tiêu thụ thực phẩm chế biến cao được làm từ nhiều hương liệu nhân tạo, đường và các loại hóa chất khác thay cho rau củ quả và lối sống cũng trở nên ít vận động khiến trẻ em Việt Nam dần phải đối diện với tình trạng béo phì ngày càng tăng.
(Nguồn: The World News)
Theo đài RFA, trong một báo cáo mới đây của Quỹ Liên hợp quốc về trẻ em (UNICEF) có nhấn mạnh đến vấn đề thực phẩm và dinh dưỡng dành cho trẻ em toàn cầu, tình trạng mất cân bằng giữa suy dinh dưỡng và béo phì đang được xem là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, đe dọa đến sự sống còn, tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ cũng như nền kinh tế của quốc gia.
Bỏ qua những cảnh báo
Báo cáo ghi rõ, tại Việt Nam, tình trạng béo phì không phải là một vấn đề lớn trước những năm 1995. Theo kho lưu trữ dữ liệu quan sát sức khỏe toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có tỷ lệ trẻ em béo phì thấp nhất, ước tính khoảng độ 2,6% so với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, kể từ khi nền kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến, phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng hội nhập nền kinh tế thế giới, sự tăng trưởng kinh tế khiến nhu cầu cuộc sống cũng đã đổi thay và thói quen ăn uống của người dân cũng khác. Nhiều gia đình tiêu thụ thực phẩm chế biến cao được làm từ nhiều hương liệu nhân tạo, đường và các loại hóa chất khác thay cho rau củ quả và lối sống cũng trở nên ít vận động. Điều đó đã khiến trẻ em Việt Nam dần phải đối diện với tình trạng béo phì ngày càng tăng, nhất là tại các khu vực thành thị.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2017 cho thấy, có đến 29% học sinh tiểu học bị chứng thừa cân và béo phì, trong khi đó, tỷ lệ này tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là 19% và 9,5%. Ngoài ra, tỷ lệ thừa cân và béo phì tại thành thị là 42%, cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn (35%). Cũng theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt Nam đang tiêu thụ thịt nhiều hơn rau quả, trẻ em Việt Nam thành thị chuộng thức ăn nhanh khiến sự mất cân bằng trong dinh dưỡng đang ngày càng cao.
Một vấn đề khác khiến trẻ béo phì là do ba mẹ thường cho con ngồi ăn trong lúc xem tivi hoặc ipad và các chuyên gia cảnh báo rằng xu hướng này sẽ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của đứa trẻ, bao gồm cả những thiệt hại về phát triển năng lực trí tuệ của giới trẻ Việt Nam.
Trong bài báo "Suy dinh dưỡng & béo phì ở trẻ em Việt Nam" đăng trên Asean Post, Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng I cho rằng, xem tivi trong lúc ăn không những khiến trẻ em bị béo phì mà còn có khả năng bị một số vấn đề về sức khỏe khác như tiểu đường loại 2, huyết áp cao và bệnh tim mạch.
Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là giảng viên cấp cao Đại học Y Hà Nội chia sẻ, trước đây, suy dinh dưỡng bởi nhiều nguyên do như thiếu chất, thiếu đạm và các loại thực phẩm. Ngoài ra, cũng có liên quan đến một số bệnh như sởi, tiêu hóa và những căn bệnh mà hiện nay đã phòng được nên tình trạng suy dinh dưỡng tại Việt Nam hầu như không còn, nếu còn chắc chắn là do các bệnh như tiêu chảy kéo dài, rối loạn tiêu hóa, nội tiết...
"Ở thành thị, tỷ lệ trẻ em tăng cân và béo phì cao hơn nông thôn nhiều, bởi cuộc sống vật chất tốt hơn, hoạt động thể lực ít, chơi game nhiều, uống nhiều nước ngọt... ", bác sĩ Phạm Nhật An nhận định.
Cần quan tâm đến thể chất của trẻ
Trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 12/9 có nhắc đến tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em tại Việt Nam là một thách thức lớn đối với Chính phủ và đặc biệt là ở các nhóm khu vực dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa. Báo cáo nêu rõ, có tới 21% trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam bị thiếu cân và cao hơn 2,5 lần so với trẻ em thành thị, có gần 120.000 tức khoảng 60% trẻ em trong số gần 200.000 trẻ em bị còi ở 10 tỉnh thành của Việt Nam đều đến từ các nhóm dân tộc thiểu số.
UNICEF dẫn một khảo sát của Đại học Stanford (Mỹ) năm 2017 cho thấy, trẻ em Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia ít hoạt động thể chất nhất trên thế giới, 46% học sinh trung học và 39% bậc tiểu học không hoạt động thể chất đầy đủ. Có đến 90% trẻ em Việt Nam dành thời gian giải trí để xem tivi, 81% đến các tiệm trà sữa, đồ ăn nhanh. Do đó, tỷ lệ béo phì ngày càng tăng nhanh và đó sẽ là mối đe dọa đối với nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, tình trạng kinh tế xã hội và trình độ học vấn của các bậc cha mẹ cũng là một trong những yếu tố khiến con trẻ béo phì.
Bác sĩ Phạm Nhật An cho rằng kết quả khảo sát nêu trên hoàn toàn đúng do các gia đình ở thành thị bố mẹ mải lo làm ăn, không dành nhiều thời gian cho con cái. Ngoài ra, các bậc phụ huynh hiện nay không hướng dẫn, chỉ bảo cho con những loại thực phẩm nào tốt cho sức khỏe, loại nào không, thay vào đó, ba mẹ "thả cửa" cho các con tự lựa chọn. Ông kết luận, đó là sai lầm lớn nhất của các bậc phụ huynh thời nay.
Theo RFA/baoquocte
Cách nào giúp nhận biết trẻ đang trầm cảm? Thống kê mới cho thấy tỷ lệ trẻ em Việt Nam mắc chứng trầm cảm và thậm chí là bệnh tự kỷ đang có dấu hiệu gia tăng. Các bậc phụ huynh và nhà trường cần sớm biết điều này. Theo VTC