HLV Park Hang Seo: Thành công nhờ ‘tôn trọng văn hóa Việt Nam’
HLV Park Hang Seo kể về hành trình sự nghiệp cầu thủ và hé lộ bí quyết thành công tại Việt Nam trên tờ Chosun (Hàn Quốc).
Trên ấn phẩm tháng của báo Chosun (Hàn Quốc), HLV Park Hang Seo kể câu chuyện về sự nghiệp cầu thủ của ông và tiết lộ bí quyết quan trọng nhất dẫn đến thành công cùng bóng đá Việt Nam. Bài phỏng vấn được thực hiện bởi Giáo sư Jang Won-jae, tác giả cuốn sách “Chúng ta là Việt Nam – Chúng ta là một” ghi lại hành trình của HLV Park Hang Seo tại Việt Nam trong những năm đầu tiên.
Chuyện chưa kể về “cầu thủ Park Hang Seo”
Mối duyên với bóng đá của HLV Park Hang Seo xuất phát từ việc… thi trượt trung học. Ông không đủ điểm vào trường đăng ký ban đầu nên chuyển sang trường Gyeongshin ở Seoul, rồi được tuyển vào đội bóng đá.
“Tôi thích bóng đá, nhưng tôi không nghĩ đến việc sẽ trở thành một cầu thủ cho tới khi học trung học”, HLV Park Hang Seo kể lại. Ông là một trường hợp hiếm hoi được vào đội bóng của trường khi mới học năm đầu tiên.
HLV Park Hang Seo được truyền thông Hàn Quốc săn đón trong chuyến nghỉ phép lần này.
Vị HLV trưởng đương nhiệm của đội tuyển Việt Nam kể rằng ông “gặp rất nhiều khó khăn vì thấp bé và không phải dạng tài năng lắm”, và “khi trở thành HLV mới nhận ra mình kém tài như thế nào khi còn là cầu thủ”.
Năm 1974 tại giải Cheongryonggi – giải đấu cấp quốc gia dành cho các trường trung học, cầu thủ 17 tuổi Park Hang Seo ghi bàn duy nhất giúp đội trưởng Gyeongshin giành chức vô địch trong hiệp phụ. Ngày hôm sau, tên Park Hang Seo lần đầu tiên xuất hiện trên trang nhất của tờ Chosun.
Sau đó 2 năm, đội trường Gyeongshin lại giành chức vô địch. Đội trưởng Park Hang Seo ghi bàn mở tỉ số trong trận chung kết, góp công vào chiến thắng 2-0 của đội nhà. Trong lần đầu tiên trả lời phỏng vấn riêng trên báo, cầu thủ trẻ Park Hang Seo được tờ Kyunghyang Shinmun ví như Gary Lineker vì khả năng săn bàn.
Video đang HOT
Một chi tiết mới đối với cổ động viên Việt Nam là HLV Park Hang Seo nổi danh ở Hàn Quốc từ năm 1978 chứ không phải đến khi làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink World Cup 2002. Tại giải U19 châu Á diễn ra ở Bangladesh, Park Hang Seo là đội trưởng của U19 Hàn Quốc giành chức vô địch.
Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Park bắt đầu sự nghiệp cầu thủ vào năm 1984 ở CLB Lucky Goldstar (sau này là FC Seoul). Ông thuộc thế hệ cầu thủ đầu tiên của đội bóng. Chỉ khoác áo Lucky Goldstar 4 năm (giải nghệ năm 1988) nhưng ông cùng đồng đội giành chức vô địch năm 1985, á quân năm 1986 với tấm băng đội trưởng.
“Sau khi giải nghệ, tôi được gợi ý làm cố vấn và giáo viên trung học, nhưng tôi không nhận. Tôi nghĩ tính cách của mình không hợp làm dạy học”, HLV Park Hang Seo kể.
“Tôi làm việc chăm chỉ với suy nghĩ rằng bóng đá là cuộc sống của mình. Tôi không hối tiếc điều gì khi giải nghệ. Tôi đá bóng để kiếm sống. Bóng đá là nghề nghiệp của tôi và tôi có thể nuôi gia đình bằng công việc mình yêu thích”.
HLV Park Hang Seo tiết lộ bí quyết thành công là “nhập gia tùy tục”.
Thành công nhờ “nhập gia tùy tục”
“Đầu tiên là phải trân trọng văn hóa Việt Nam, thứ hai là tổ chức và chuyên môn hóa đội ngũ”, HLV Park Hang Seo tiết lộ bí quyết thành công của ông khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam.
Nhập gia tùy tục là quan điểm mà HLV Park Hang Seo học từ Guus Hiddink. Một trong những ví dụ mà ông Park đưa ra là chuyện ăn uống ngủ nghỉ của các cầu thủ trong thời gian tập trung đội tuyển quốc gia.
“Đầu tiên, tôi không biết đến thói quen ngủ trưa. Tuy nhiên, từ trải nghiệm của mình, tôi thấy rằng nghỉ ngơi lúc trời nóng nhất là việc có ích. Bây giờ tôi cũng ngủ trưa.Làm theo văn hóa địa phương là một lựa chọn hợp lý và thực tế”, HLV Park Hang Seo nói.
“Hành động quan trọng hơn lời nói. Nếu không hòa nhập với tập thể, bạn sẽ không thể làm được gì cả. Tôi yêu cầu bữa ăn của mình giống như các cầu thủ. Các cầu thủ luôn nhìn vào HLV. Nếu tôi ăn đồ ăn Hàn Quốc, sẽ có một bức tường vô hình giữa tôi và các cầu thủ. Đó là điều không tốt”.
Một yếu tố “nhập gia tùy tục” khác từng được HLV Park Hang Seo nhắc đến rất nhiều trước đây là việc đề cao tinh thần Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích tại giải U23 châu Á 2018.
“Tôi thấy rằng hành trình vào chung kết của U23 Việt Nam có những điểm tương đồng với lịch sử, đó là đánh bại những đối thủ mạnh và chiến đấu vì đất nước. Vì vậy, tôi đã hỏi các cầu thủ rằng tinh thần Việt Nam là gì. Tôi là người Hàn Quốc, tôi không biết, các bạn phải nói cho tôi”, HLV Park Hang Seo kể lại. Cuộc thảo luận với các cầu thủ giúp ông Park đúc kết được 4 yếu tố tạo nên “tinh thần Việt Nam. Đó là sự đoàn kết, lòng tự tôn, trí thông minh và sự mạnh mẽ.
HLV Park Hang Seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam từ năm 2017.
Ông Park nói: “Bóng đá là một trò chơi đòi hỏi tư duy tập thể, từng cá nhân cầu thủ phải có lòng tự tôn và khi ra sân phải có sự khôn ngoan cùng tinh thần chiến đấu bất khuất”.
Bên cạnh sự hòa nhập, bí quyết thành công thứ hai mà HLV Park Hang Seo nhắc đến là tính tổ chức và chuyên môn hóa công việc. Ông nói rằng bóng đá Việt Nam cũng giống như Hàn Quốc cách đây 2 thập kỷ. Việc các đội bóng có chuyên gia phụ trách riêng từng lĩnh vực chuyên môn như thể lực, dinh dưỡng, trị liệu…
HLV Park Hang Seo nói: “Cấu trúc ở đây là huấn luyện viên làm mọi thứ. Khi những người chuyên nghiệp mang theo đội ngũ chuyên gia đầy đủ, đội bóng sẽ mạnh hơn”.
Ban đầu, HLV Park Hang Seo giao cho một trợ lý người Việt Nam thành thạo máy tính kiêm nhiệm việc phân tích dữ liệu, băng hình. Sau đó, Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc (KFA) cử cựu danh thủ Hong Myung-bo và một chuyên viên phân tích sang Việt Nam hỗ trợ hướng dẫn phân tích kỹ thuật trong 3 ngày. Ông Park cũng đề nghị VFF bố trí đội ngũ y tế phục vụ riêng đội tuyển, thay vì cứ mỗi giai đoạn, mỗi giải đấu lại là một người khác phụ trách.
“Bây giờ đang là giai đoạn xây dựng một hệ thống, vẫn chưa hoàn hảo nhưng cũng giống như ở Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam có thể có thêm các chuyên gia cho đội tuyển nếu điều kiện kinh tế tốt lên. Tôi nghĩ đây là điều mình phải làm cho bóng đá Việt Nam. Những thay đổi đáng kể đã và đang diễn ra. Tôi không biết đến lúc nào, nhưng nhiệm vụ của tôi là phải chuẩn bị đầy đủ cho người kế nhiệm”, HLV Park Hang Seo nói.
Lời chê bai của HLV Guus Hiddink về đội tuyển Hàn Quốc
Lời chê bai đấy thực chất có giá trị cho nhiều nền bóng đá ở châu Á chứ không riêng gì mỗi bóng đá Hàn Quốc.
Giữa lúc hàng triệu người Hàn Quốc và nhiều tổ chức đang sung sướng khi Son Heung-min, cầu thủ đầu tiên của châu Á đoạt giải vua phá lưới giải Ngoại hạng Anh thì cựu HLV đội tuyển Hàn Quốc "dội gáo nước lạnh" vào nền bóng đá nước này.
HLV Guus Hiddink cùng các ngôi sao bóng đá Hàn Quốc nhưng ông vẫn nói lên "sự thật mất lòng". Ảnh: Từ báo Hàn Quốc
Ngày 3-6, LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) tổ chức hội thảo bóng đá nhân kỷ niệm 20 năm ngày đội tuyển Hàn Quốc vào bán kết World Cup (2002). HLV Guus Hiddink, người dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002, được mời với tư cách diễn giả. Chiến lược gia người Hà Lan đã phán một câu khiến nhiều người làm bóng đá Hàn Quốc ngỡ ngàng: "Bóng đá Hàn Quốc, đội tuyển Hàn Quốc suốt 20 năm qua vẫn thế! Không có sự tiến bộ gì cả!".
Giữa lúc nhiều thành tích, nỗ lực cá nhân từ Park Ji-sung, rồi đến Son Heung-min... hay những thành tích, trong đó có cả chiến tích loại đội tuyển Đức ở World Cup... cứ tạo ảo giác và sự sung sướng cho bóng đá Hàn Quốc thì HLV Hiddink lại cắt đi sự sung sướng và có cả phần tự mãn của những nhà làm bóng đá Hàn Quốc.
Dự khán trận giao hữu Hàn Quốc thua Brazil 1-5, HLV Guus Hiddink lắc đầu ngao ngán về những lỗi lầm mà thời ông mới về dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc ông đã ra sức dọn dẹp thì nay vẫn tái diễn. Ông thắc mắc về những sai sót, những lỗi lầm mà ông tưởng 20 năm qua bóng đá Hàn Quốc phải khắc phục được và tiến bộ hơn.
Tất nhiên không phải chỉ riêng HLV Guus Hiddink mà ngay cả ngôi sao Son Heung-min cũng đưa ra những nhận xét về các lỗi lầm mà lý ra bóng đá Hàn Quốc khi được xem là tiến bộ thì không được mắc lỗi như thế.
Bóng đá hiện đại bây giờ không chỉ là tấn công áp đảo để đối thủ phạm sai lầm khi chống trả mà còn chú trọng vào việc khai thác, chực chờ đối phương sai sót đặc biệt là những cá nhân thì tận dụng và trừng phạt ngay. Và trận Hàn Quốc gặp Brazil trong dịp mừng chiến tích 20 năm vào bán kết World Cup của bóng đá Hàn Quốc thì đội chủ nhà đã bị các cầu thủ Brazil trừng phạt cực nặng chỉ từ việc khai thác từ những sai sót cá nhân.
Báo chí Hàn Quốc đăng tải rất nhiều lời chê bai của HLV Guus Hiddink về đội tuyển Hàn Quốc sau trận thua Brazil. Nhiều tờ báo Hàn Quốc đánh giá cao lời nhận xét theo kiểu "sự thật thì mất lòng" này của cựu HLV đội tuyển Hàn Quốc đã đặt dấu mốc lịch sử cho bóng đá Hàn Quốc tại World Cup 2002.
Nhất định HLV Park Hang-seo hay Gong Oh-kyun... đều đã và đang đọc những lời vàng ngọc từ HLV Guus Hiddink và họ sẽ rút ra bài học trong công việc của mình.
HLV Park Hang-seo còn nhiều kế hoạch nâng tầm bóng đá Việt Nam lắm nhưng hình như ông cũng đã mệt mỏi và có ý định sau AFF Cup 2022 sẽ chia tay. HLV Park Hang-seo vốn là cánh tay mặt của chiến lược gia Hà Lan Guus Hinddink tại World Cup 2002 và hơn ai hết ông hiểu về nhận xét "sự thật mất lòng" của vị chiến lược gia này.
HLV Park Hang Seo: Học hỏi Guus Hiddink để nâng tầm bóng đá Việt Nam HLV Park Hang Seo khẳng định ông muốn góp phần nâng tầm bóng đá Việt Nam và chuẩn bị nền tảng tốt cho người kế nhiệm. "Trong tương lai, sẽ có một người kế nhiệm tôi. Còn thời điểm này tôi vẫn đang cố gắng để chuẩn bị nền tảng thật tốt cho người tiếp quản công việc này", nhật báo Joong Ang...