HLV Park Hang-seo không quan tâm mức lương 50.000 USD/tháng?
LĐBĐ Việt Nam ( VFF) sẽ nỗ lực trả cho HLV Park Hang-seo mức lương 50.000 USD/tháng trong bản hợp đồng mới, thế nhưng thực tế, nhà cầm quân người Hàn Quốc này cũng không quá đặt nặng chuyện lương bổng do ông đang sở hữu nhiều nguồn thu “khủng” khác từ quảng cáo.
Hợp đồng hiện tại của HLV Park Hang-seo với LĐBĐ Việt Nam (VFF) sẽ hết hạn vào 31/1/2020. VFF mong muốn sớm hoàn tất việc tái ký để nhà cầm quân người Hàn Quốc toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho SEA Games 30 và vòng loại World Cup 2022 – đều diễn ra vào cuối năm nay. Dự kiến vào tuần tới, Lee Dong-jun – người đại diện của HLV Park – sẽ đến Hà Nội để đàm phán về việc gia hạn hợp đồng. Nếu thành công, VFF sẽ tiếp tục đàm phán gia hạn với các trợ lý người Hàn Quốc khác như Lee Young-jin, Kim Han-yoon, Park Sung-gyun…
HLV Park Hang-seo.
Vướng mắc trong việc gia hạn hợp đồng của HLV Park nằm ở mức lương. Hiện tại, ông nhận 20.000 USD sau thuế mỗi tháng. VFF khẳng định không thiếu tiền bởi ngoài ngân quỹ, họ còn có nguồn huy động từ xã hội hóa thông qua đóng góp của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, VFF cũng cho rằng cần ký với mức lương hợp lý, chứ nếu là 100.000 USD/tháng như nhiều tờ báo đưa, thì rõ ràng là một con số không dễ thực hiện.
Video đang HOT
Thực tế, bản thân HLV Park Hang-seo cũng muốn gắn bó lâu dài với bóng đá Việt Nam. Thậm chí, chuyện tăng lương – thưởng lên bao nhiêu lần, dù phụ thuộc vào cuộc đàm phán giữa VFF và công ty đại diện nhưng khả năng nhà cầm quân 60 tuổi và VFF sẽ nhanh tìm được tiếng nói chung ở khoảng 50.000 USD/tháng (sau thuế). Đơn giản vì sau thành công cùng lứa U23 rồi ĐTQG Việt Nam, nguồn thu nhập mà thầy Park nhận được từ những bản hợp đồng quảng cáo cao gấp nhiều lần mức lương – thưởng hằng tháng mà ông nhận được từ VFF.
Sau khi U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á, còn tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, giới quảng cáo Việt Nam nhanh chóng nhận ra sức hút lớn từ HLV Park Hang-seo đối với các doanh nghiệp. Nhiều nhãn hàng ở Hàn Quốc cũng mê mẩn nhà cầm quân 60 tuổi này. Tất nhiên, với trách nhiệm của công ty quản lý vốn đến từ xứ sở kim chi, chi phí để mời được HLV Park Hang-seo làm đại diện hình ảnh hoặc đại sứ thương hiệu cho các nhãn hàng được đẩy lên mức giá hàng trăm ngàn USD. Điều này không ngăn được nhiều thương hiệu lớn mời ông Park về quảng cáo, trong đó nổi bật nhất là những ngân hàng, công ty điện tử cũng như công ty thực phẩm đến từ chính Hàn Quốc với khoản chi phí hơn 400.000 USD/năm cho mỗi thương hiệu.
Với nguồn thu nhập thuộc hàng cao nhất làng quảng cáo Việt Nam hiện nay, HLV Park Hang-seo chắc chắn không muốn đặt nặng chuyện lương bổng với VFF để rồi phải sớm chia tay, tìm kiếm cơ hội khác ở Thái Lan, Indonesia hay Malaysia… vốn xa lạ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mong muốn của thầy Park chắc chắn là yếu tố có lợi cho VFF trong cuộc đàm phán mà “đôi bên cùng có lợi” vào tuần tới.
Theo Dân Việt
VFF không đủ tiền để trả lương cho HLV Park Hang-seo?
Để có thể gia hạn với HLV Park Hang-seo, LĐBĐ Việt Nam (VFF) cần tăng lương cho nhà cầm quân người Hàn Quốc này, ít nhất là gấp đôi so với con số hiện tại (22.000 USD/tháng). Thế nhưng, đây rõ ràng là con số không dễ để VFF có thể đáp ứng!
Trước khi bầu Đức rút khỏi VFF, ông muốn làm điều tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam. Đó là việc mời HLV Park Hang-seo về để ngồi vào vị trí mà HLV Nguyễn Hữu Thắng để lại. Thậm chí, nhà tài phiệt phố Núi còn đứng ra trả lương cho vị chiến lược gia đến từ Hàn Quốc. Cụ thể, lương tháng của HLV Park Hang-seo nhận 22.000 USD (hơn 500 triệu đồng), cộng với 35% thuế thu nhập cá nhân, tổng cộng, mỗi tháng, bầu Đức chi khoảng 700 triệu đồng.
HLV Park Hang-seo.
Thực tế, việc trả lương cho HLV ngoại của VFF theo thông lệ được chia theo công thức: Tổng cục TDTT chi trả một phần, và phần còn lại VFF chi trả có thể dựa vào nguồn tài trợ. Trong quá khứ, từng có doanh nghiệp tài trợ lương cho HLV Henrique Calisto. Vậy nên, trong trường hợp nếu bầu Đức không tiếp tục trả lương cho HLV Park Hang-seo, công thức trên sẽ được VFF tái áp dụng.
Hợp đồng 2 năm của HLV Park Hang-seo bắt đầu vào tháng 10/2017 và sẽ kết thúc vào tháng 1/2020. Theo quy định, 3 tháng trước khi hợp đồng kết thúc, cả hai bên sẽ ngồi lại để đàm phán lại, tức là vào khoảng tháng 8 tới. Tuy nhiên, với việc thời điểm tháng 8 tới sẽ là lúc ĐT Việt Nam tập trung để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á và HLV Park Hang-seo cũng lên kế hoạch nhân sự cho U22 Việt Nam tham dự SEA Games 2019, cùng với đó là sự nhòm ngó của nhiều đối thủ trong khu vực, VFF buộc phải xúc tiến sớm quá trình gia hạn với nhà cầm quân 60 tuổi này.
Với những thành công vang dội cùng bóng đá Việt Nam trong khoảng 1,5 năm qua, nhiều người tin rằng, HLV Park Hang-seo xứng đáng nhận một mức lương cao hơn trong bản hợp đồng mới, ít nhất là gấp đôi, tức vào khoảng 45.000 USD - 50.000 USD/tháng. Đây cũng là mức mà phía công ty đại diện của nhà cầm quân người Hàn Quốc này bóng gió tới.
Thế nhưng, để đáp ứng con số kể trên lại không phải chuyện dễ dàng với VFF. Theo tiết lộ từ nhà báo Minh Hải, LĐBĐ Việt Nam vốn không dư giả về mặt tiền bạc, dù cấp độ ĐTQG và U23 thi đấu rất thành công trong thời gian gần đây. Theo đó, trong những chiến tích ấy, các "Mạnh thường quân" thường thưởng tiền trực tiếp cho các đội tuyển, cho HLV và cầu thủ, chứ không thưởng cho VFF. Thậm chí, VFF còn phải móc hầu bao của mình ra để thưởng cho những chiến thắng, cho những cột mốc đáng nhớ của bóng đá Việt Nam. Tức là, nguồn tiền VFF thu về không tăng, nhưng con số phải chi ra thì lại rất là cao.
Chưa kể, VFF không thể gom tất cả những nguồn tiền mình có chỉ để đầu tư cho ĐT Việt Nam hay U23 Việt Nam, mà còn phải phân bổ cho các đội U20, U18, U16, rồi các đội tuyển quốc gia nữ và còn rất nhiều các chi phí vận hành của Liên đoàn...
Nếu như trả cho HLV Park Hang-seo mức lương gấp đôi hiện tại, VFF mỗi tháng sẽ không chỉ phải bỏ ra có 50.000 USD, mà còn phải trả cả tiền thuế thu nhập cá nhân (30%), tức là lên thành khoảng 70.000 USD. Chưa kể còn thêm cả số tiền lương trả cho ê-kíp phục vụ HLV Park Hang-seo, như trợ lý Lee Young-jin, bác sĩ Choi Ju-young hay trợ lý Kim Han-yoon... Theo tính toán, chi phí có thể lên tới xấp xỉ 1 triệu USD/năm (tức khoảng hơn 23 tỷ đồng).
VFF không dư giả tiền nhưng vẫn phải giữ chân thầy Park bằng mọi giá thì cần làm thế nào? Theo nhà báo Minh Hải, VFF sẽ ưu tiên sử dụng phương án xã hội hóa, tức là kêu gọi một vài ông chủ hay tập đoàn lớn máu bóng đá hỗ trợ để có thể trả lương cho nhà cầm quân người Hàn Quốc và ê kíp trong Ban huấn luyện của ông. Chỉ có áp dụng phương án này, VFF mới có thể tự tin đàm phán với HLV Park Hang-seo, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đối thủ sẵn sàng trả mức lương lên tới 100.000 USD hay thậm chí 150.000 USD/tháng cho vị chiến lược gia 60 tuổi.
Theo Dân Việt
Từ chuyện lương của HLV Park: VFF trả tiền... kỳ lạ thế này, sao mơ World Cup! Hợp đồng của HLV Park Hang Seo và VFF liệu có nên cân đo đong đếm chuyện tiền lương? Người làm công sống phụ thuộc vào đồng lương, tất nhiên HLV Park Hang Seo không chỉ có thu nhập từ tiền lương, những khoản thu từ quảng cáo thậm chí lớn hơn nhiều so với lương tháng. Nhưng câu chuyện hợp đồng của...