HLV Nguyễn Hữu Thắng và cái uy lớn ở làng bóng
Cựu danh thủ quê Hà Tĩnh là thần tượng của lớp lớp cầu thủ nhờ sự chính trực, cách sống tình cảm.
Khi thi đấu đến lúc giải nghệ rồi lên làm HLV, Nguyễn Hữu Thắng luôn là cái tên in hằn trong tâm trí của hàng triệu người hâm mộ. Cựu trung vệ hào hoa bậc nhất của bóng đá Việt Nam vẫn là thần tượng, nỗi khát khao của biết bao cầu thủ hay các CLB.
HLV Hữu Thắng luôn mạnh mẽ và là điểm tựa cho học trò. Ảnh: KL.
Cho đến bây giờ, khi nói về cái duyên gắn bó với trái bóng, ông Thắng vẫn nhận rằng cuộc đời mình quá may mắn. Hữu Thắng sinh năm 1971, quê gốc Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhưng sau đó gia đình anh chuyển về Vinh sinh sống bởi bố mẹ anh xin được công việc vào làm tại nhà máy in Nghệ An.
Hữu Thắng nói rằng tuổi thơ của anh vô cùng cơ cực khi bố mẹ phải đi làm tăng ca để cải thiện thu nhập, có thêm tiền nuôi các con ăn học như bao đứa trẻ khác. Rất nhiều ngày, khi đi học về, Hữu Thắng hỏi mẹ ăn cơm chưa, bà nói đã ăn rồi. Nhưng thực ra, mẹ Hữu Thắng vẫn hay nói dối để nhường phần cơm của mình cho các con ăn đủ no còn đến trường. Những câu chuyện như thế hằn in vào tâm trí của cậu bé Hữu Thắng và như tôi luyện thêm quyết tâm phải làm được điều gì đó giúp bố mẹ đỡ vất vả.
Rồi khi được tuyển vào lò đào tạo bóng đá SLNA, Hữu Thắng vẫn không quên được tấm lòng, sự san sẻ của người mẹ dành cho mình nên anh luôn xác định phải lấy cái tâm, sự chân thành của mình trong mọi mối quan hệ. Tính thương người, lòng vị tha như ngấm vào máu anh suốt những năm tháng khi được đôn lên đội một hay khi đã giải nghệ.
Người hâm mộ thành Vinh vẫn nhớ như in câu chuyện Hữu Thắng giúp đỡ nhiệt tình những người bạn, người em của mình như Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Minh Đức. Ngày tiền vệ Phan Thanh Tuấn treo giày, cuộc sống muôn vàn khó khăn, Hữu Thắng chạy khắp tỉnh Nghệ An để tìm và “kéo” người bạn trở lại cuộc sống bình thường.
Video đang HOT
Anh chăm lo, san sẻ tiền cho Thanh Tuấn tạo dựng cuộc sống với mong muốn duy nhất là giúp anh từ bỏ những tệ nạn xã hội, làm lại cuộc đời. Hữu Thắng trọng nghĩa khí, không chấp nhận cách sống ích kỷ, vây cánh. Ngày lên đội tuyển tập trung, do có một đàn em đồng hương lỡ vô lễ với anh lớn trong đội, Hữu Thắng đã lôi người đó vào thang máy “dậy cho vài điều”, từ đó về sau không khí trong đội không còn sự căng thẳng.
Hữu Thắng đi đến đâu cũng có cái uy người thủ lĩnh và chất của anh được thể hiện ở bất kỳ nơi nào anh đặt chân đến, khiến ai ai cũng nể phục. Tấm băng đội trưởng từ SLNA cho đến tuyển Việt Nam những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước luôn gắn chặt trên cánh tay Hữu Thắng như một minh chứng về tầm ảnh hưởng của cựu trung vệ này.
Ngày còn chơi bóng, Hữu Thắng luôn là trung tâm của sự chú ý. Ở trên sân, mỗi khi thấy cựu trung vệ này hò hét, người đứng cạnh như được truyền thêm lửa, tất cả cảm giác sợ hãi, âu lo đều tan biến hết. Hữu Thắng có khả năng truyền lửa cho đồng đội và lối chơi máu lửa của anh sau này trở thành hình mẫu cho các thế hệ đàn em, đàn cháu học hỏi.
Các thế hệ cầu thủ SLNA chịu ơn HLV Hữu Thắng. Ảnh: KL.
Nhưng cũng vì cách chơi bóng đặc quánh sự máu lửa, luôn khiến các tiền đạo đối phương kiêng dè đó đã gây cho anh biết bao chấn thương chằng chịt ở đầu gối, ống đồng. Bị đau nhiều lần nhưng có lẽ trong sự nghiệp cầu thủ của mình, Hữu Thắng nhớ mãi kỷ niệm bị chấn thương ở… ngón tay. Số là trong một lần chuẩn bị bước ra sân tập, Hữu Thắng nhảy lên xà ngang để mắc lưới thì vô tình ngón tay của mình đã mắc luôn trên khung thành và chiếc nhẫn của anh bị kéo toạc, làm đứt hai phần ba ngón tay. Máu chảy nhiều và các bác sĩ không thể vá lại vết rách trước khi phải cắt bỏ một phần ngón tay của Hữu Thắng.
Cựu trung vệ xem đó là kỷ niệm mãi đi theo cuộc đời mình và không hề ân hận bởi chiếc nhẫn anh đeo lúc gặp tai nạn là do một người rất mến mộ tài năng tặng anh. Sau tai nạn, anh càng trân trọng thứ tình cảm đặc biệt đó trước khi cất vào chiếc hộp và xem như là món quà ý nghĩa nhất mà mình được tặng.
Hữu Thắng nói rằng ngày ấy, để mua được chiếc nhẫn là điều không hề dễ dàng bởi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, vậy mà vẫn có fan tặng mình thì càng có động lực để cống hiến hết mình trên sân cỏ chứ không thể có chuyện đá bóng cho xong trách nhiệm khi đứng trên sân. Sự máu lửa đó sau này của Hữu Thắng được di truyền sang biết bao thế hệ và có một điều ngạc nhiên là những cầu thủ khi vào lò SLNA, ai cũng mong được gọi “anh Thắng”.
Hữu Thắng sống đẹp, giúp đỡ những anh em bạn bè. Lứa đàn em sau này xuất hiện nhan nhản trong pho sử bóng đá xứ Nghệ bởi dù gì, họ cũng cùng lớn lên từ gian khó nên khi người này có điều kiện thì dìu dắt, sẻ chia với nhau cũng không có gì là lạ. Nhưng với ngay cả những cầu thủ thuộc thế hệ đàn cháu, Hữu Thắng vẫn giúp đỡ nhiệt tình với hy vọng “để chúng nó an tâm đá bóng”.
Ngày bộ ba Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn chuẩn bị rời SLNA, Hữu Thắng đã huy động được khoản tiền cực lớn từ bạn bè để hỗ trợ các cầu thủ này ở lại với bóng đá xứ Nghệ. Hay như khi Ngọc Hải, Mạnh Hùng, Quang Tình cần tư vấn bất cứ vấn đề gì thì chỉ cần tìm đến Hữu Thắng là mọi chuyện được giải quyết xong hết.
Cầu thủ xứ Nghệ xem Hữu Thắng là thần tượng, người chú thân thiết nên ngày Ngọc Hải có bàn thắng đầu tiên ở tuyển quốc gia, anh ăn mừng bằng cách lột chiếc áo có in hình Hữu Thắng ra như cách tri ân, nhớ đến “người chú” của mình.
Hay như khi Quang Tình quyết định rời SLNA để vào Cần Thơ với bản hợp đồng gần 6 tỷ đồng, tiền vệ này thay luôn hình đại diện trên trang cá nhân với tấm ảnh chụp chung cùng Hữu Thắng. Họ muốn nói lời cám ơn với Hữu Thắng đã dày công uốn nắn, chỉ dậy cho họ những kỹ năng chơi bóng, tính cách nên khi trưởng thành, đổi đời thì không bao giờ quên ơn “chú Thắng”.
Thế nên, cuối năm 2009, chính HLV này từ chối rất nhiều quyền lợi về tài chính ở Hà Nội T&T để quay về SLNA theo tiếng gọi của quê hương. Lúc đó, chính “Khổng Minh” Hồng Thanh tác động rất nhiều đến quyết định của Hữu Thắng và hai người tạo nên cặp bài trùng, phục hưng bóng đá xứ Nghệ mà đỉnh cao là chiếc Cup V-League 2011. Hay như suốt từ năm ngoái đến nay, không biết bao lần Bình Dương ngỏ ý muốn Hữu Thắng về dẫn dắt đội nhà, kèm theo những số tiền “khổng lồ” nhưng nhà cầm quân này đều lần lượt từ chối.
Thậm chí, vừa qua, Than Quảng Ninh, Thanh Hóa đã không ít lần đưa ra lời mời nhưng ông Thắng chỉ nói lời cảm ơn rồi từ chối. Với Hữu Thắng, ông muốn có sự suy xét kỹ càng trước khi tái xuất chứ không đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu. Nhiều cầu thủ đã nói vui rằng, nếu đội nào có được chữ ký của Hữu Thắng thì họ chẳng bao giờ phải lo đi Tết thầy và có thể thoải mái thỏa chí, thỏa đam mê trên sân cỏ khi có bên cạnh là người thầy mà các cầu thủ từ Bắc chí Nam đều rất tôn trọng gọi bằng thầy một cách đúng nghĩa.
Theo Bóng Đá Plus
Cựu danh thủ Huỳnh Quốc Cường bán sữa và làm vận tải
Tiền đạo nổi danh một thời của tuyển Việt Nam là ông chủ của những chiếc xe tải chở hàng khắp từ Nam ra Bắc.
Gặp lại Quốc Cường trong một trận đấu giao hữu từ thiện tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) trông anh vẫn rất phong độ và đôi chân vẫn còn "bén". Tuy vậy, giờ anh "không liên quan" gì đến sân chơi đỉnh cao. "Bóng đá cũng có cơ duyên chứ không phải thích là đến được. Tôi cảm thấy mình hết duyên rồi thì về. Hơn thế nữa, có lẽ bóng đá đỉnh cao không còn là &'đất' của tôi nữa", Quốc Cường tâm sự.
Huỳnh Quốc Cường vẫn tham gia các trận đấu từ thiện. Ảnh: QT.
Nói đến bóng đá Đồng Tháp những thập niên 90, người ta thường nhắc đến Lai Hồng Vân, Trần Công Minh, Trịnh Tấn Thành, Trần Thanh Nhạc... Nhưng trong câu chuyện kể về khoảnh khắc vàng, các CĐV Đồng Tháp thừa nhận rằng, họ rất "mê" Huỳnh Quốc Cường, bởi đơn giản anh là chủ nhân của cú đánh gót điệu nghệ ghi bàn vào lưới Indonesia (thắng 3-2), xuất phát từ pha đảo người qua hai hậu vệ đội bóng xứ vạn đảo rồi chuyền vào trong của tiền vệ Hồng Sơn, trong trận bán kết Tiger Cup 1996.
"Có gì đâu, bóng đá đôi khi cũng hên xui, có khi cả đời chỉ ghi được một bàn thắng như vậy, dù cầu thủ họ có thể thực hiện rất nhiều cú đánh gót", Quốc Cường nhẹ nhàng nói.
Năm 2002, chấn thương ở đầu gối khiến Quốc Cường nói lời từ giã sự nghiệp. Nhưng ba năm sau ở giai đoạn hai mùa giải 2005, thật bất ngờ tiền đạo nổi danh lại tái xuất trong màu áo của Đồng Tháp. Khi đó, Quốc Cường thừa nhận rằng: "Tôi vẫn còn nặng nợ với đội bóng quê hương. Thế nên, khi thấy đội nhà lâm vào cảnh bết bát, thấy mình còn có ích thì xỏ giày vào sân, thế thôi".
Ít ai biết rằng quãng thời gian treo giày, Quốc Cường và bà xã mở một đại lý sữa ở Cao Lãnh. Công việc khá trôi chảy, kinh tế gia đình ổn định nên khi nghe chồng mình trở lại bóng đá, vợ của Quốc Cường không ít lần can ngăn. Dẫu vậy, tiền đạo này vẫn đi theo tiếng gọi của "người tình" nhưng đến cuối mùa anh quyết định treo giày hẳn để về với ngôi nhà nhỏ vì theo anh, đây là "nơi muốn đến, chốn muốn về" của tất cả cầu thủ.
Bây giờ, Quốc Cường đang là ông chủ của những chuyến xe tải chở hàng khắp Nam - Bắc. Anh bảo: "Cuộc sống không khá giả gì nhưng cũng đủ sống. Với một cầu thủ sau khi giải nghệ đó là điều hạnh phúc rồi". Hiện tại, Quốc Cường cùng vợ và ba cô con gái sống tại thị xã Sa Đéc, công việc cũng nhàn hạ. Thế nên, mỗi khi nghe bạn bè hú hí làm trận bóng là xách giày lên và đi.
"Tôi đã hết duyên nhưng vẫn còn mê lắm, bóng đá cứ như quấn lấy chân, nên nếu cả tuần không làm vài ba trận với mấy ông già cũng khó chịu lắm. Biết đâu sau này, tôi làm cái gì đó để huấn luyện bọn trẻ cho đỡ nghiền...". Huỳnh Quốc Cường chốt lại câu chuyện.
Theo Bóng Đá Plus
Trương Việt Hoàng và bàn thắng tặng bố vừa ra tù Cựu danh thủ tặng bố cặp vé xem trận Việt Nam - Thái Lan khi ông mới ra khỏi nhà giam được hai ngày. Bố vừa ra khỏi trại giam được hai ngày, người con Trương Việt Hoàng ghi bàn thắng đẹp vào lưới Thái Lan tại Tiger Cup 1998. Hoàng "Bộp" gọi đó là bàn thắng cuộc đời, khoảnh khắc thiêng liêng...