HLV Miura: ‘Tôi không nghĩ mình được hâm mộ đến vậy’
Chiến lược gia người Nhật tiết lộ sẽ đi học tiếng Việt và lên kế hoạch đưa gia đình đến sinh sống ở dải đất hình chữ S.
- Đội Olympic Việt Nam thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về thể lực ở vòng loại U23 châu Á. Ông có bài tập bí mật nào cho các tuyển thủ không?
- Tôi không có bí quyết nào cả vì hầu như các buổi tập của Olympic Việt Nam đều mở. Tuy nhiên tôi thấy sự tiến bộ về thể lực vì các cầu thủ đều hiểu họ phải tập tích cực để có thể lực thi đấu ở những giải lớn.
HLV Miura trò chuyện trực tuyến cùng độc giả VnExpress, chiều nay.
- Ông đánh giá thế nào về thái độ tập luyện cũng như khả năng về tư duy chiến thuật của các cầu thủ Việt Nam so với các cầu thủ Nhật Bản?
- Khi bắt đầu dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tôi rất ngạc nhiên vì các cầu thủ có thái độ tập luyện rất tích cực và ngay trong trận đầu tiên đã dành chiến thắng trước đội tuyển Myanmar. Tuy có trở ngại nhỏ về ngôn ngữ nhưng các cầu thủ đều hiểu và thực hiện được hầu hết theo yêu cầu và chiến thuật của tôi.
- Cầu thủ Việt Nam rất khó có cơ hội thi đấu tại châu Âu hay Nhật, Hàn Quốc. Ngoài vấn đề về thể hình, thể lực thì theo ông còn vấn đề nào khác ảnh hưởng đến cơ hội ra nước ngoài thi đấu?
- Trong tương lai các cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể thi đấu ở nước ngoài, vì so sánh về chuyên môn, các cầu thủ của chúng ta không thua kém gì các cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc. Vấn đề đúng như bạn nói nằm ở thể lực. Ví dụ cách đây 25 năm, không có cầu thủ Nhật Bản nào thi đấu ở nước ngoài, sao World Cup thì có một cầu thủ Nhật được thi đấu ở Italy và sau đó đã mở cánh cửa cho các cầu thủ Nhật Bản được thi đấu nhiều ở nước ngoài.
- Sau thất bại đau đớn ở AFF Cup nhiều tuyển thủ đã bật khóc. Trước mặt báo chí và tất cả mọi người ông vẫn cố giữ bình tĩnh thế nhưng khi về phòng, trong đêm ấy ông có thấy đau đớn và ông có bật khóc?
- Tất nhiên về cảm giác thì sẽ có một đôi chút thất vọng vì chúng ta đã không giành chiến thắng. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy tự hào và tin tưởng vào các cầu thủ của mình. Tôi đã nói với họ rằng cuộc sống không hề dễ dàng và tôi tin tưởng vào họ.
Video đang HOT
- Ông có thấy mình sai lầm về mặt chiến thuật trong trân lượt về AFF Cup 2014 với đội tuyển Malaysia hay không?
- Tôi không nghĩ trận thua Malaysia không phải về chiến thuật mà là tâm lý. Các cầu thủ Malaysia đã nhập cuộc xông xáo hơn Việt Nam. Với những đối thủ lớn, các cầu thủ có tâm lý tốt hơn khi đối đầu những đội bóng yếu hơn bởi khi đó các cầu thủ không có tâm lý sợ thua.
- Ông có nhận xét gì về khán giả Việt Nam?
- Tôi hoàn toàn nhận thấy sự tích cực từ các CĐV Việt Nam. Các fan giúp ích rất nhiều cho đội cả trong lẫn ngoài sân. Lực lượng CĐV Việt Nam luôn chiếm ưu thế và cổ vũ nhiệt tình dù thi đấu ở Hàn Quốc hay Malaysia. Tôi rất trân trọng những tình cảm mà CĐV dành cho tuyển Việt Nam.
- Hiện tại báo chí đang nói rất nhiều đến Công Phượng. Ông có lo ngại điều này sẽ làm ảnh hưởng đến các cầu thủ khác trong đội tuyển?
- Tôi nghĩ vấn đề này không ảnh hưởng xấu đến toàn thể đội bóng. Vì thực tế khi Công Phượng sinh hoạt cùng các thành viên khác, họ đều hiểu và làm quen được với việc Công Phượng được truyền thông săn đón.
- Ông cảm thấy thế nào khi trước giải đấu nhận được rất nhiều lời dị nghị cũng như một số nghi ngờ về khả năng chuyên môn của ông?
- Mỗi một HLV bóng đá đều có một triết lý huấn luyện riêng, cá nhân tôi không bao giờ phản đối những trường phái bóng đá mà các HLV khác áp dụng dù đó là tấn công hay phòng ngự. Vì vậy nếu có những lời chỉ trích trực tiếp nhằm vào tôi thì tôi cũng không quan tâm lắm.
- Ông có muốn sau này con ông trở thành cầu thủ hay HLV như ông không?
- Tôi có một con trai và một con gái. Với con trai tôi, tôi không quan trọng việc có thành cầu thủ bóng đá hay HLV như tôi không. Điều quan trọng là con trai tôi sau này sẽ tìm được điều mà nó yêu thích và tập trung phát triển cho điều đó.
- Vợ ông nghĩ gì khi rất nhiều phụ nữ ở Việt Nam đang tỏ ra hâm mộ ông?
- Vợ tôi thì không phải là một chuyên gia về bóng đá và tôi cũng không nghĩ rằng ở Việt Nam tôi được nhiều người quan tâm và hâm mộ đến như vậy.
- Ông có dự định sẽ học tiếng Việt để thuận tiện hơn trong việc huấn luyện không?
- Tôi rất hào hứng với việc sinh sống làm việc ở nước ngoài. Trước đây tôi từng làm việc thời gian dài tại Đức. Tôi không gặp trở ngại nào trong cuộc sống ở Việt Nam. Hiện tại tôi xin lỗi vì không nói được tiếng Việt và tôi sẽ học tiếng Việt trong thời gian tới.
- Ông thường uống bia hơi ở Việt Nam, ông thấy thế nào?
- Thỉnh thoảng tôi có uống bia nhưng không phải thường xuyên. Ở Nhật, người Nhật thích uống rượu sochu hay sake hơn, tôi thì ngược lại. Còn ở Đức thì mọi người thích uống bia nhiều hơn.
- Ông có ý định gắn bó với bóng đá Việt Nam lâu dài không?
- Nếu tôi chắc chắn về việc làm việc lâu dài tại Việt Nam thì tôi sẽ suy nghĩ về việc đưa gia đình tới Việt Nam. Nhưng các bạn cũng biết các HLV chuyên nghiệp thì không bao giờ biết trước được tương lai của mình.
- Khi qua Việt Nam làm việc sống xa gia đình xa vợ con, vậy đâu là nơi để ông chia sẻ, tâm sự những khó khăn áp lực trong công việc?
- Tôi từng trải qua áp lực tại Việt Nam và Nhật Bản và cách giải tỏa áp lực thì giống nhau. Internet là cách liên lạc thuận tiện ở thời điểm này và bên cạnh đó tôi cũng giải tỏa trong luyện tập thể thao. Tôi có một số người bạn Nhật ở Việt Nam nhưng tôi không quá quan trọng chuyện kết bạn với người Nhật hay người nước ngoài tại đây.
- Thời điểm nào trong quãng thời gian vừa qua là ông cảm thấy áp lực nhất?
- Tôi không cảm thấy áp lực từ bên ngoài. Đôi khi tôi tự đặt ra những áp lực cho bản thân và cách giải phóng nó là luyện tập thể thao hàng ngày.
- Triết lý và quan điểm sống của ông là gì?
- Tôi muốn tận hưởng cuộc sống và tự đặt ra tham vọng cho riêng mình. Điều này giống như triết lý mà tôi đặt ra trong bóng đá.
Theo VNE
'Đừng so sánh HLV Miura với thầy Giôm'
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng hai HLV có những mục tiêu hướng đến khác nhau dẫn tới cách thực hiện không giống nhau.
HLV Miura chịu không ít áp lực trước khi cùng Olympic Việt Nam giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á. Lối chơi do ông Miura xây dựng được đem ra so sánh với lối chơi của U19, cách sử dụng Công Phượng, Tuấn Anh bị phê phán "làm hỏng tài năng".
"Tôi nghĩ không nên so sánh HLV Guillaume Graechen của U19 với HLV Miura của Olympic Việt Nam trong việc xây dựng cách chơi. Người muốn kết quả hơn là cách chơi sẽ bảo vệ quan điểm cho HLV Miura. Người muốn chơi đẹp trước còn thắng thua tính sau thì hướng về thầy Giôm. Trong hoàn cảnh hiện tại của bóng đá Việt Nam, muốn có đội bóng vừa đá đẹp, vừa giành chiến thắng là không dễ", chuyên gia Đoàn Minh Xương nêu ý kiến.
Theo cựu HLV Bình Dương, mục tiêu của thầy Giôm trước đây và HLV Miura hiện nay khác nhau về cơ bản. "Đề bài đặt ra cho thầy Giôm ở U19 với HLV Miura cùng Olympic rất khác nhau. Thầy Giôm được khuyến khích đá đẹp trước, còn thành thích thua thắng không quan trọng. HLV Miura cầm Olympic lại có những mục tiêu rõ ràng, theo lộ trình như giành vé dự vòng chung kết U23, hướng tới HC vàng SEA Games. Căn cứ vào đề bài được giao, các HLV mới có cách trả lời cụ thể bằng cách chơi trên sân của đội. Cầu thủ vì thế phải thích nghi theo ý đồ của HLV".
"Tôi tin rằng với năng lực đã thể hiện, HLV Miura không khó để xây dựng cách chơi đẹp mắt nếu được yêu cầu. Nhưng ở lứa cầu thủ từ U23 hay Olympic trở lên, các giải là nơi thi đấu để có thành tích chứ không còn sân chơi như lứa U19 bắt đầu chập chững hoàn thiện. Khi nói tới thành tích thì phải có sự tính toán, đôi khi rất thực dụng, để đạt được mục tiêu chứ không thể chỉ biết xua quân lên đá thua bao nhiêu cũng được, miễn đá hay, đẹp như ở giải trẻ được", ông Xương cho biết.
Olympic Việt Nam giành vé tới Qatar theo đúng lộ trình HLV Miura vạch ra. "Ông Miura tỏ ra là HLV của những cuộc chiến khi có sự phân tích, chuẩn bị rất kỹ lưỡng tới từng chi tiết. Ông ấy không cứng nhắc theo một cách chơi mà xây dựng lối chơi tùy theo đối thủ và tập cho các cầu thủ chuẩn bị rất kỹ từ khi còn ở nhà.
Đó là lý do nhân sự luôn xáo trộn, ý tưởng cách chơi thay đổi khi gặp Malaysia, Nhật và Macau. Vì đã chuẩn bị về con người cho từng trận đấu, các cầu thủ vào sân tự tin, hiểu mình cần phải làm gì. HLV khác tại Việt Nam chỉ xây dựng một đội hình với bằng đấy cái tên nên khi bị bắt bài thì bế tắc hoàn toàn. Tài năng của HLV Miura thể hiện qua điều đó, cùng việc nâng cao thể lực cho cầu thủ trong thời gian ngắn", chuyên gia họ Đoàn bày tỏ sự thán phục.
Cách sử dụng Công Phượng, Tuấn Anh... nói riêng và cầu thủ HAGL nói chung ở Olympic cũng gây nhiều tranh luận. Ông Xương nhận xét: "Như đã nói, điều này phụ thuộc cách chơi do HLV xây dựng. Nếu lấy tính hiệu quả để đánh giá, với 4 bàn sau 3 trận và có nhiều đóng góp cho đội không thể nói Công Phượng kém dưới thời HLV Miura. Tuấn Anh thì không ra sân một phần do chấn thương và anh ấy cũng cần thêm thời gian thích nghi cách chơi mới.
Olympic thành công với dấu ấn đậm nét của ông Miura. Vị HLV này cho thấy ông không phụ thuộc vào nhóm cầu thủ của CLB nào bởi chính ông cũng không bó buộc vào một lối chơi nào mà tùy đối thủ. Tôi nghĩ Phượng, Tuấn Anh hay bất kỳ cầu thủ U19 nào đều có bước trưởng thành sau khi làm việc với HLV Miura".
Theo VNE
Đội trưởng Ngọc Hải: 'Thầy Miura chỉ dạy rất nhiều' Ngọc Hải cho biết mình và đồng đội học hỏi, tiến bộ rất nhiều dưới sự chỉ dạy của chiến lược gia người Nhật Bản. Trung vệ người Nghệ An tiếp tục có một giải đấu thành công dưới thời HLV Miura. Đội trưởng Olympic Việt Nam không chỉ chiếm niềm tin của vị HLV người Nhật ở vị trí phòng ngự mà...