HLV Mai Đức Chung: 71 tuổi vẫn chạy xe máy, nâng tạ 50 kg
Những câu chuyện đời thường của HLV Mai Đức Chung được hé lộ qua lời kể của con trai.
Nghe tin HLV Mai Đức Chung xin nghỉ vì lý do tuổi tác và sức khỏe, người hâm mộ mới nhớ ra là ông năm nay đã ngoại thất thập. Ngày trở về Việt Nam sau chiến tích giành quyền tham dự World Cup, khuôn mặt nhà cầm quân lão làng lộ rõ vẻ mệt mỏi. Ông sút mất 5 kg vì không hợp đồ ăn và mất ngủ nhiều đêm ở Ấn Độ.
Còn khỏe, còn làm bóng đá
Theo bố đi làm bóng đá từ nhỏ, anh Mai Quang Hưng, con trai thứ của HLV Mai Đức Chung, quen với vẻ mệt mỏi của bố khi trở về nhà sau mỗi giải đấu. Nghỉ ngơi một thời gian, khỏe khoắn trở lại là nhớ nghề.
“Có sức khỏe thì ông vẫn cứ làm. Ông đam mê lắm, không nói bỏ là bỏ được đâu”, anh Hưng chia sẻ. Ở độ tuổi của bố anh, chẳng ai nói trước được điều gì về sức khỏe. Nhưng, so với người bình thường, HLV Mai Đức Chung nếu không có áp lực công việc thì vẫn còn sung sức chán.
HLV Mai Đức Chung chưa hết đam mê với bóng đá ở tuổi ngoài thất thập.
“6 giờ sáng ông dậy tập tạ. Vẫn khỏe lắm, nâng 4, 5 chục cân vẫn giật uỳnh uỳnh. Hồi trước khi mổ chân (năm 2019), ông còn nâng tạ đứng lên ngồi xuống được”, con trai thứ của HLV Mai Đức Chung tiết lộ.
“Ông mổ xong, mới khỏe lại chừng 80-90 phần trăm, không vận động mạnh được nhưng vẫn phóng xe máy sang bên nhà tôi để đá bóng với cháu. Ông không thích ngồi ô tô. Cao tuổi rồi không học lái xe được nữa, nhưng 2 anh em bảo để con đưa đón thì ông không chịu. Chỉ thích đi xe máy. Đội tập trung ở Mỹ Đình là ông cứ tự xách xe máy đi đi về về”.
HLV Mai Đức Chung cống hiến cả sự nghiệp cho bóng đá từ lúc trai trẻ đến tận bây giờ. Theo lời anh Mai Quang Hưng, bố Chung có 2 thú vui xếp sau công việc. Thứ nhất là câu cá, thứ nhì vẫn là liên quan đến trái bóng tròn. Ông sưu tầm rất nhiều tài liệu về bóng đá.
Khi tìm thấy Mạc Hồng Quân ở Séc cách đây khoảng 10 năm, HLV Mai Đức Chung khi đó đang… đi học dù đã đến độ tuổi sắp nghỉ hưu. Ông là một nhà chuyên môn rất chịu khó cập nhật kiến thức mới.
Video đang HOT
“Bố tôi thích đọc sách, tìm hiểu về nước ngoài. Ông có những người bạn ở châu Âu để thỉnh thoảng hỏi han. Ngoại ngữ ông không rành, nhưng vẫn mày mò, chịu khó tìm tòi lắm”, anh Mai Quang Hưng kể lại.
“Máy tính thì ông cũng chỉ biết lướt qua. Ông thích đọc tài liệu bóng đá. Có khi ông đọc nhập quá, mình nhìn sốt cả ruột. Ở nhà nghỉ ngơi, không đi câu là lại lôi sách ra đọc.
Ông thích mấy quyển sách tiếng nước ngoài. Hồi xưa có một hàng quen ở phố Bà Triệu bán sách tiếng nước ngoài. Ông không biết tiêu đề là gì, chỉ nhìn hình cầu thủ với quả bóng, hay chữ football, player là mua về mang ra chỗ dịch thuật”.
Bố con đạp xe đi tập bóng đá
Theo dòng câu chuyện dài bất tận về nghề bóng đá của HLV Mai Đức Chung, anh Hưng nhớ lại những ngày thơ ấu theo bố đi làm. Trong 2 người con trai của HLV Mai Đức Chung, cậu thứ là người gần gũi với bố hơn về mặt công việc. Anh Mai Quang Hưng từng tập bóng đá ở đội trẻ Đường sắt Việt Nam, cùng lứa với cựu tuyển thủ Lê Đức Tuấn.
HLV Mai Đức Chung dành cả sự nghiệp cống hiến cho bóng đá.
“Thời ấy bố mẹ tôi chia nhau trông con. Mẹ trông ông anh ở nhà, lúc đi dạy không gửi được ai thì mang đến trường. Tôi thích đi chơi thì theo bố sang đội”, anh Hưng kể lại.
“Hai bố con phải dậy từ sáng sớm. Đi từ phố Nguyễn Biểu qua cầu Long Biên sang thôn Gia Quất bên Gia Lâm. Chỗ đấy gọi là khu huấn luyện, nhưng thực ra là cánh đồng. Bây giờ thấy gần, chứ hồi xưa phải đi hết một tiếng đồng hồ.
Ngày ấy khó khăn, làm gì có xe máy, chỉ đạp xe mà cũng chả có xe đạp xịn. Đường thì toàn sỏi với đường đất nên xe mà sang vành với thủng lốp là chuyện bình thường. Hai bố con đi bao giờ cũng phải có cái bơm buộc vào gác ba ga, qua cầu Long Biên là dừng lại bơm xe, có hôm phải dắt bộ từ đầu cầu Long Biên đi vào”.
Bố đi huấn luyện ở gần nhà thì đưa con theo được, nhưng đến khi dẫn đội đi đấu giải thì chỉ đi một mình. Thời ấy chưa có phương tiện liên lạc nhiều nên cảm giác lo lắng, bồn chồn lẫn háo hức của người ở nhà rõ hơn.
“Khi bố tôi đi SEA Games năm 1997, ở nhà háo hức trông chờ lắm, nhưng mà chỉ được nghe tin tức qua phát thanh vào chiều tối. Đội vô địch rồi mấy mẹ con ở nhà cũng không biết, vì không có truyền hình trực tiếp”, anh Hưng kể.
“Nhà tôi không có điện thoại bàn, phải gọi nhờ nhà hàng xóm. Có lần bố gọi về, kể chuyện đá trận chung kết quốc gia ở Đà Nẵng. Trận đấu lúc 2 giờ chiều mà người ta xếp hàng từ sáng. Lúc ấy nghe bố kể, chúng tôi thích lắm. Đội của bố thua, nhưng chỉ cần vào chung kết là oách rồi”.
Năm 1997, HLV Mai Đức Chung lần đầu được giao nhiệm vụ với bóng đá nữ. Đó là dấu mốc mở ra một giai đoạn mới trong sự nghiệp cầm quân của vị tướng tài.
Bảng thành tích của ông càng thêm đồ sộ, dần trở thành điều quen thuộc với gia đình đến mức theo lời anh Mai Quang Hưng là “chuyện bình thường”. Niềm vui nhất của vợ con HLV Mai Đức Chung sau mỗi giải đấu là đón ông trở về, thắng thua thế nào không quan trọng.
“Bố tôi làm nghề lâu rồi, thắng thua đủ cả. Ở nhà đón nhận những chuyện đó thành quen”, anh Hưng cho biết. Hết buổi lễ mừng công sáng 11/2, HLV Mai Đức Chung mới được về nhà nghỉ ngơi, chung vui với gia đình để đón cái Tết muộn đặc biệt nhất sau bao năm làm bóng đá.
Nỗi niềm của thầy Mai Đức Chung
Huấn luyện viên Mai Đức Chung có thể không dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023. Thế nhưng, ông vẫn sẽ dành tâm sức của mình cho bóng đá nữ Việt Nam.
0:00/ 3:32
Nam miền Bắc
Sau khi giúp tuyển nữ Việt Nam làm nên lịch sử với việc giành vé đến World Cup 2023, huấn luyện viên Mai Đức Chung đã khiến nhiều người ngậm ngùi khi xuất hiện thông tin ông sẽ không xuất hiện ở giải đấu đó. Huấn luyện viên Mai Đức Chung đã 71 tuổi và ông đã bày tỏ nguyện vọng được nghỉ ngơi bên gia đình, sum vầy với con cháu.
Mong muốn lớn nhất của ông Chung chính là giúp bóng đá Việt Nam có mặt ở World Cup. Đến thời điểm này, điều ước đã thành hiện thực. Có thể sau SEA Games 31 vào tháng 5/2021, ông Chung sẽ rút lui và VFF sẽ tìm một huấn luyện viên khác thay thế dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023.
Với những gì ông đã đóng góp, có thể đó cũng không phải quyết định quá bất ngờ. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, đó sẽ là cái kết viên mãn cho ông Chung. Ngay từ năm 1997, ông Chung đã gắn bó với bóng đá nữ khi lần đầu tiên giúp Việt Nam có huy chương đồng tại SEA Games. Và trong 6 tấm huy chương vàng mà bóng đá nữ Việt Nam giành được qua các kỳ SEA Games, huấn luyện viên Mai Đức Chung đóng góp đến 4 danh hiệu vào các năm 2003, 2005, 2017, 2019. Ngoài ra, ông cũng giúp đội tuyển nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á vào năm 2019.
Cả một đời gắn bó với bóng đá, đặc biệt có dấu ấn lớn với bóng đá nữ, huấn luyện viên Mai Đức Chung vẫn được người trong nghề gọi với tên thân mật "Ông Chung gái". Không ai hiểu và có tâm với bóng đá nữ hơn huấn luyện viên Mai Đức Chung. Sau giấc mơ World Cup, điều ông muốn chính là những cô gái theo nghiệp "quần đùi áo số" có được cuộc sống ổn định.
Ông từng chia sẻ: "Tôi không có ước mơ gì ngoài việc các cầu thủ nữ có được công ăn việc làm, được lập gia đình sau khi giải nghệ. Đi theo nghiệp đá bóng các cháu khổ lắm, phải hy sinh đủ thứ nhưng sau khi từ giã sự nghiệp, nhiều cháu không có được cuộc sống hạnh phúc, kinh tế ổn định. Mong các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm hơn đến đời sống để các cầu thủ nữ bớt vất vả hơn".
Chưa khi nào, huấn luyện viên Mai Đức Chung nói về bóng đá nữ mà quên đi việc kêu gọi người hâm mộ, các Mạnh Thường Quân ủng hộ cho bóng đá nữ. Bởi ông là người hiểu rõ, các cầu thủ, nhất là ở các câu lạc bộ khó khăn như thế nào. Và ông cũng hiểu đặc thù riêng của bóng đá nữ để biết bản thân cần làm gì cho "những đứa con" của mình.
HLV Mai Đức Chung đã giúp bóng đá nữ Việt Nam vào World Cup 2023. Ảnh: AFC.
Khi nói về kì tích giành vé đến World Cup trên trang AFC, ông Chung cũng luôn nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của các cầu thủ: "Tôi rất tự hào về các cầu thủ của mình. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để có được thành quả ngày hôm nay. Bây giờ, chúng tôi đã có suất chơi tại World Cup bóng đá nữ vào năm sau. Đó là kết quả tuyệt vời, các cầu thủ hết sức hạnh phúc. Đây cũng là cái kết đẹp cho chiến dịch của chúng tôi tại giải Châu Á. Hiện tại, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ hướng về việc chuẩn bị cho World Cup.
Thành tích này sẽ không thể đạt được nếu không có sự cống hiến và nỗ lực của các thành viên trong đội bóng. Chúng tôi bắt đầu chiến dịch chậm, nhưng hai trận đấu quyết định đều làm tốt và chúng tôi đã có thành quả xứng đáng. Tôi rất tự hào về các cầu thủ nữ Việt Nam. Họ đã làm được điều tốt cho chính họ".
World Cup có thể sẽ là bước ngoặt, là cú hích giúp nhiều cầu thủ đổi đời. Bóng đá nữ có thể sẽ được đầu tư nhiều hơn. Đấy cũng là điều mà ông Mai Đức Chung có thể hài lòng nếu quyết định dừng lại. Những gì ông đã làm cho bóng đá nữ xứng đáng được tôn vinh và ghi nhận trong dòng chảy lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Cả đời ông Chung hiện lên với hình ảnh cần mẫn, khắc khổ. Bóng đá nữ cũng chưa bao giờ hết khó khăn dù giành được nhiều vinh quang. Nhưng tất cả đều đã nỗ lực vượt khó. Ngay cả tấm vé World Cup 2023 cũng giành được nhờ tinh thần "vượt khó". Vì thế mà huấn luyện viên Mai Đức Chung là người hiểu được thành quả này có ý nghĩa như thế nào với các tuyển thủ.
Trên đỉnh vinh quang, người ta vẫn thấy những nỗi niềm của thầy Chung đang hiện hữu. Bởi sau World Cup, có thể bóng đá nữ sẽ rẽ sang một chương mới mà ông sẽ chỉ đóng vai trò người quan sát. Nhưng tất cả vẫn sẽ không thôi cảm ơn ông đã viết nên một trang sử cho bóng đá nữ nước nhà.
HLV Mai Đức Chung, 'ông bố' hiếm có, khó tìm HLV Mai Đức Chung vẫn muốn chinh phục nốt tấm HCV SEA Games 31 trên sân nhà rồi mới gác kiếm sự nghiệp cầm quân lẫy lừng của mình. HLV Mai Đức Chung, "ông bố" hiếm có, khó tìm của bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh VFF. Từ lâu HLV Mai Đức Chung cho biết mong ước lớn nhất của ông là đưa...