HLV Lê Thụy Hải: Cần cơ cấu lại VPF, đừng để một người ngồi nhiều ghế
“Tu sửa sân lại, cơ cấu lại bộ máy VPF đừng để một người ngồi nhiều ghế”, đó là ý kiến của HLV Lê Thụy Hải cho VPF trong bối cảnh V.League 2020 tạm hoãn.
- VPF đề xuất chuyện V.League 2020 đá trở lại với hai phương án từ ngày 15/4 đến 29/5 hoặc ngày 1/5 đến ngày 28/6, trong bối cảnh này thì ông nghĩ thế nào?
HLV Lê Thụy Hải: Hiện nay, Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng chống Covid-19, đó thực sự là một niềm vui lớn. Về chuyện bóng đá, các giải đấu lớn của thế giới như EURO 2020, Olympic 2020 cũng phải dừng lại. Vì thế, chúng ta phải xác định được đây là vấn đề chung của thế giới. VPF cũng cần vì cái chung dù không thể tổ chức bóng đá trong lúc này là một điều thiệt thòi. Nhưng hầu hết các giải bóng đá đều như thế cả. Chúng ta cần dừng lại thì nên dừng chứ đừng cố gắng làm những việc không cần thiết vào lúc này. Đó là quan điểm của tôi.
- Quan điểm của bầu Đức – Chủ tịch CLB HAGL là hết dịch hãy bàn đến chuyện bóng đá, ông nghĩ thế nào về điều này?
Nếu hết dịch rồi hãy đá bóng là quá tốt. Nhưng phải nói là chúng ta đâu biết được thời điểm nào hết dịch. Thời điểm này là cao trào chống dịch, còn chúng ta tổ chức bóng đá không có khán giả thì cũng không làm được gì. Cầu thủ chơi không thích, chán, còn ban tổ chức sẽ buồn. Vậy tại sao chúng ta phải làm thế? Theo tôi, nên dừng lại.
HLV Lê Thụy Hải cho rằng V.League tạm dừng thì nên làm những điều tốt cho giải như tu sửa các sân chưa đạt chuẩn, cơ cấu lại bộ máy của VPF đừng để một người ngồi nhiều ghế.
- Thời điểm này V.League không thể đá do dịch Covid-19 nhưng có một số vấn đề tồn tại, ví dụ như sân bãi xấu như sân Vinh đá xong trận đầu tiên thì bị người hâm mộ chê. Phải chăng VPF nên tập trung làm tốt những điều đó cho giải đấu đẹp hơn khi bóng đá trở lại?
Đúng như thế. Ví dụ sân Vinh xấu thì nên sửa đi. Tại sao lúc này chúng ta không tranh thủ sửa đi? Cho một hạn kỳ để họ có thể tu sửa được. Hoặc là những sân bóng chưa đủ điều kiện ánh sáng, chỗ lồi lõm. Đó là những việc cần làm thì chúng ta làm đi, còn giải đấu chưa tổ chức được thì phải chấp nhận. Quan điểm của tôi là bàn tổ chức giải lúc này thì không nên.
Video đang HOT
- Liên quan đến chuyện của VPF thì có một vấn đề tồn tại từ hơn 2 năm qua, đó là một người ngồi nhiều ghế. Ví dụ bầu Tú từng kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, Tổng giám đốc VPF và trưởng ban điều hành giải. Bây giờ bầu Tú bớt đi một ghế nhưng vẫn giữ hai chức to nhất của VPF là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Phải chăng cũng nên giải quyết sự bất cập đó trong thời điểm này?
HLV Lê Thụy Hải cảm thấy buồn vì VPF vẫn chưa có thay đổi vì ở hai ghế bự (Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF và Tổng giám đốc VPF) của bầu Tú.
Thực ra mà nói, từ lâu rồi thì chúng ta chưa giải quyết được điều đó. Một người nắm 2-3 chức vụ như thế thì chúng ta phải xem xét. Lúc này sao chúng ta không làm đi. Theo tôi phải làm đi, rạch ròi ra, chứ không thể một người năm mọi thứ sẽ không hợp lý. Một người nắm mọi thứ thì ai điều hành? Ai tạo ra sự công bằng. Vừa đá bóng vừa thổi còi như thế thì buồn lắm.
Không nên để một người nắm nhiều ghế như thế sẽ không hay cho tổ chức, không làm cho tổ chức tốt lên. Đó là điều chúng ta cần phê phán, lúc này đang rảnh rỗi cần phải làm. Một người nên làm một chức vụ thôi, chứ không thể kiêm nữa. Đó là điều quan trọng để cho người ta thấy được sự tranh luận, đưa ra những ý kiến cá nhân chứ không thể một người quyết định mọi thứ sẽ rất buồn cười. Không nên để như thế.
Cơ cấu lại VPF là quan trọng nhất
“Cái quan trọng nhất là cơ cấu lại bộ máy, điều hành bộ máy phải làm. Nếu để thế này mãi thì khó làm tốt được, đó là vấn đề đúng đắn nhìn thấy được…”.
Tổ chức xã hội nghề nghiệp cần chọn đúng người
Về chuyện các CLB có người người trong Liên đoàn bóng đá, HLV Lê Thụy Hải cho rằng không hợp lý.
“Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp thì các cán bộ của CLB không nên vào, nếu vào lại bảo vệ cho chính mình. Đó là điều quan trọng. Điều thứ hai thì cần đưa những người có nghề nghiệp vào ngồi, điều đó mới đúng. Tôi nói lại một lần nữa không nên để một người ngồi 2-3 chức vụ…
Nhìn vào tổ chức bóng đá lủng củng thấy buồn cười. Các anh làm lại đi, thể hiện được điều đó đi, trong sáng bộ máy đi.. Bóng đá đang được mọi người rất quan tâm nên phải làm tốt hơn.”.
Xin cảm ơn HLV Lê Thụy Hải về cuộc trò chuyện!
Văn Nhân
Không thể chơi V-League trong mùa dịch
Ban tổ chức V-League lấy ý kiến các CLB sẽ cho bóng lăn trở lại tập trung trên bảy sân bóng ở phía Bắc không khán giả và đã có sáu CLB đồng ý thi đấu từ ngày 15-4.
Sau khi có thông báo hoãn V-League đến ngày 15-4, các nhà tổ chức VPF đồng thời đưa ra mốc thời gian tiếp tục tổ chức lượt đi vào chính ngày 15-4 đến 29-5, hoặc từ ngày 1-5 đến 28-6. Một số CLB bày tỏ quan điểm không đồng thuận với VPF và thậm chí còn phản ứng gay gắt như bầu Đức của HA Gia Lai vì không thể mạo hiểm an toàn cho cầu thủ ngay trong mùa dịch.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nói không ép các CLB thi đấu khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường nhưng vẫn đưa ra hai mốc thời gian cho bóng lăn trở lại vào giữa tháng 4 và đầu tháng 5 rất nhiều khả năng không khả thi. Cũng do bị phản đối quá mạnh, VPF đã điều chỉnh văn bản theo hướng: "Giải đấu sẽ chỉ tổ chức khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép".
Ai cũng biết trong cao điểm phòng, chống COVID-19, Chính phủ và các cơ quan chức năng có những khuyến cáo quan trọng về việc cấm tụ tập đông người, không tổ chức hội họp, hạn chế di chuyển để tránh lây lan, dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng... cho đến hết ngày 15-4 sẽ xem xét cụ thể sau.
Bóng không thể lăn trong mùa dịch gom hết 14 đội lại đá tại cụm sân phía Bắc. Ảnh: QUANG THẮNG
Điều này có nghĩa bóng V-League chắc chắn không thể lăn vào ngày 15-4 theo đề xuất phương án 1 của VPF và không ai bảo đảm hai tuần sau đó (ngày 1-5) có thể tụ tập đông người theo phương án 2. Các trận đấu diễn ra trên các sân không khán giả nhưng theo dự tính của VPF, mỗi trận vẫn có khoảng 100-120 thành viên hai đội và ban tổ chức.
Thật lạ lùng, VPF ngày 28-3 vẫn lấy ý kiến các CLB và hiện có sáu đội đồng ý thi đấu từ ngày 15-4 trên các sân vận động phía Bắc gồm SL Nghệ An, Than Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Viettel và Thanh Hóa, dĩ nhiên kèm điều kiện ra sân trong tình trạng an toàn.
Ba CLB không đồng ý các phương án của VPF là B. Bình Dương, Quảng Nam và Nam Định. Bầu Đức của HA Gia Lai không tham gia bỏ phiếu và thẳng thừng: "Khi nào Nhà nước công bố hết dịch thì đá, còn bây giờ đừng nói chuyện banh bóng gì hết. Sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng mới là ưu tiên hàng đầu". Còn lại những CLB không ý kiến hoặc bỏ phiếu trống gồm TP.HCM, Sài Gòn, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng.
Dễ thấy các đội bỏ phiếu thuận chủ yếu ở phía Bắc có thuận lợi đá trên sân nhà quen thuộc, đại diện của Nam Định thậm chí còn nêu ý kiến nếu chơi trên sân không có khán giả thì không nên tổ chức.
Trong khi đó, các lãnh đội Sài Gòn, TP.HCM... đều không bàn đến việc bóng lăn ở thời điểm này vì tác động của dịch bệnh COVID-19. Riêng đại diện của B. Bình Dương không ủng hộ các phương án của VPF và cho biết khi nào hết dịch đá sân nhà, sân khách như cũ, không cần phải thi đấu tập trung tại phía Bắc hoặc đá tại địa phương nào có công bố hết dịch.
Đề xuất V-League không rớt hạng
Hai ý kiến khác của CLB Quảng Nam và SL Nghệ An đưa ra V-League mùa này không có 1,5 suất rớt hạng như điều lệ giải ban đầu. Còn lãnh đội của CLB Hà Nội bày tỏ quan điểm rất khó tìm ra phương án hoàn hảo trong điều kiện không ai biết khi nào hết dịch hoặc chấp nhận hủy V-League. Tuy nhiên, việc cùng nhau bàn bạc là nhằm tìm ra cách hay nhất để bóng có thể lăn trở lại ngay sau khi hết dịch, giúp cầu thủ hoạt động nghề nghiệp và giúp đội tuyển Việt Nam cho ba trận còn lại của vòng loại thứ hai World Cup 2022 và AFF Cup 2020 vào cuối năm.
ĐĂNG HUY - BẢO NHI
Bị chỉ trích ép các CLB đá V.League, lãnh đạo VPF phản ứng thế nào? Chủ tịch VPF là ông Trần Anh Tú mới đây đã lên tiếng giải thích về văn bản mà VPF đã công bố dành cho các CLB đá V.League vào tối 25/3. Trong văn bản được công bố có đề cập đến việc tập trung các CLB V.League và thi đấu giai đoạn lượt đi của mùa giải ở khu vực miền Bắc....