HLV Hàn Quốc ‘hết phép’ ở đội TP.HCM
Kỳ vọng về đế chế mới và chất Hàn Quốc ở V.League đang dần sụp đổ sau những thất bại liên tiếp của huấn luyện viên Chung Hae-seong cùng CLB TP.HCM.
Trước khi thua CLB Hà Nội ở vòng 11, trước vụ lùm xùm thượng tầng hồi tháng 7, TP.HCM không phải đội bóng tệ. Họ xếp hạng ba với 17 điểm, mới thua 3 trận từ đầu mùa.
Mọi thứ thay đổi chóng mặt sau thảm bại 0-3 trước nhà đương kim vô địch ở vòng 11. Trên băng ghế chỉ đạo, HLV Chung Hae-seong bị đẩy lên làm GĐKT, bắt đầu 20 ngày bất ổn thượng tầng với hàng loạt diễn biến phức tạp. Trên sân cỏ, CLB TP.HCM thua 3 trong 5 trận sau đó, bị loại ở Cúp Quốc gia, bị bỏ xa ở V.League. Họ hiện tụt xuống hạng năm, kém ngôi đầu 7 điểm.
Giấc mơ vô địch và tham vọng về đế chế mới đang xa dần tầm tay của họ.
CLB TP.HCM đã làm mọi thứ có thể, nhưng vẫn không thể vượt qua đội Hà Nội trong 4 lần gặp nhau ở mùa này (Siêu cúp, Cúp Quốc gia, 2 trận ở V.League). Ảnh: Minh Chiến.
Nỗi sợ hãi trước ngọn núi
Cuộc khủng hoảng ở đội TP.HCM gắn liền với đối thủ CLB Hà Nội. Đây là đội bóng trực tiếp loại họ ở Cúp Quốc gia, thắng họ 2 lần tại V.League. Ông Chung Hae-seong bị cách chức cũng sau trận thua trực tiếp trước CLB Hà Nội ở vòng 11 hôm 24/7.
Nhìn cách đội TP.HCM đá với Hà Nội mùa này là đủ thấy họ đã khác nhiều thế nào so với năm ngoái.
Hai trận gặp CLB Hà Nội tại V.League 2019, đoàn quân của HLV Chung Hae-seong thua 0-1 tại Hàng Đẫy, hòa 2-2 ở Thống Nhất. Hai đội cạnh tranh quyết liệt, bám đuổi không ngừng. CLB TP.HCM chỉ chịu thua ở những vòng cuối cùng, với cách biệt điểm số rất thấp.
Điều đó không còn được duy trì ở mùa này. Dù đá đôi công như hồi đầu mùa hay chơi phòng ngự như trận vừa qua, CLB TP.HCM đều không có cửa trước đối thủ. Họ viện đủ mọi phương cách, đưa về một hàng loạt cầu thủ mới, liên tục chỉ trích trọng tài nhưng vẫn không có nổi dù chỉ một điểm. Họ càng đá càng thua, trận thấp nhất cách biệt 2 bàn, trận cao nhất cách biệt 4 bàn. Có cảm giác, HLV Chung Hae-seong đã hoàn toàn bất lực, đã gặp phải khắc tinh.
Điều kỳ lạ là khắc tinh ấy không hề mạnh hơn. CLB Hà Nội thậm chí yếu đi nhiều so với mùa giải 2019. Vấn đề là đội TP.HCM còn yếu đi nhiều hơn.
Mùa trước, HLV Chung Hae-seong không có Công Phượng, Trần Phi Sơn chưa bình phục chấn thương. Tuy nhiên, đội bóng của ông vẫn băng băng trên đường chạy. Mùa này, họ có thêm 2 ngôi sao lớn, vừa bổ sung cả Trần Đình Khương, Lâm Ti Phông (người đã chơi khá tốt ở trận đấu hôm 10/10). Dù vậy, họ vẫn thất bại.
Video đang HOT
Những sự bổ sung liên tiếp về lực lượng không mang lại nhiều giá trị khi ông Chung không còn duy trì được sự kỷ luật và tinh thần đoàn kết, thứ từng làm nên sức mạnh của đội bóng ở mùa giải trước.
Sau bê bối của HLV trưởng hồi tháng 7, cảm giác có nhiều cơn sóng ngầm đang tồn tại trong nội bộ CLB này. Các cầu thủ, thành viên ban huấn luyện không còn nhìn về một hướng. Họ có lẽ đang bận rộn cho những phân tranh nội bộ hơn là khao khát danh hiệu V.League.
HLV Chung Hae-seong đang trải qua quãng thời gian khó khăn nhất trong 2 năm ở CLB TP.HCM. Ảnh: Minh Chiến.
Có sóng ngầm ở đội TP.HCM?
Án phạt của trung vệ đội phó Nguyễn Hữu Tuấn là dấu hiệu cho những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng đội bóng. Là cầu thủ chuyên nghiệp, tuyển thủ quốc gia và thành viên ban cán sự đội, Hữu Tuấn phải hiểu anh không thể đá phủi trong bối cảnh mùa giải khốc liệt. Anh đã sai và phải nhận án phạt. Tuy nhiên, cái cách đội TP.HCM phản ứng Hữu Tuấn mới là điều đáng nói. Án kỷ luật nội bộ chưa đủ, lãnh đạo đội còn tính tới việc thanh lý hợp đồng cầu thủ mà họ vừa gia hạn 2 năm cách đây vài tháng.
Sự việc Hữu Tuấn cho thấy những căng thẳng âm ỉ trong lòng đội đương kim á quân. Nó chỉ cần vài cái cớ để bộc phát mạnh mẽ. Đó cũng là điều hợp lý ở CLB mà HLV vừa bị cách chức rồi lại phục chức chỉ sau vài chục ngày, chứng kiến hàng loạt biến động, hàng loạt thay đổi từ ban huấn luyện tới đội ngũ cầu thủ.
Không giữ được sự tập trung bên trong, dàn sao của CLB TP.HCM không đá nổi bên ngoài. Đội bóng mà ông Chung từng tự hào miêu tả là CLB chuyên nghiệp nhất Việt Nam giờ nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Công trình dang dở xây dựng từ mùa trước giờ đứng trên bờ vực sụp đổ. Với 7 điểm cách biệt ngôi đầu, đội TP.HCM không còn nhiều cơ hội.
HLV Chung Hae-seong cũng mới nhận thêm tin sét đánh liên quan tới Công Phượng. Chấn thương ngón chân trái buộc Phượng nghỉ thi đấu 6-8 tuần, đồng nghĩa với vắng mặt trong toàn bộ phần còn lại của mùa giải.
Sự vắng mặt của Phượng là cú đấm quyết định giáng vào tham vọng của CLB TP.HCM. Bốn trận gần nhất, CLB TP.HCM thua ba. Ba thất bại ấy đều không có Công Phượng. Chiến thắng duy nhất của họ tới khi Phượng vào sân trước Nam Định. Với TP.HCM, Công Phượng vừa là niềm cảm hứng, chân sút tốt nhất (6 bàn tại V.League). Tuy nhiên, anh chơi càng hay, hạn chế của đội bóng càng được bộc lộ rõ ràng. Vì lẽ gì mà nhà đương kim á quân phải phụ thuộc vào năng lực của tân binh vừa gia nhập, dù anh ta xuất sắc tới đâu?
Sau trận thua CLB Hà Nội hôm 10/10, chúng ta thấy hình ảnh mệt mỏi, bất lực của ông Chung. Ông từ chối dự họp báo với lý do sức khỏe, không xuất hiện để nói về những vấn đề của đội bóng. Sau 4 trận toàn thua CLB Hà Nội từ đầu mùa, ông có lẽ cũng chẳng còn gì để nói. Cứ thể hiện phong độ này, ngày chia tay (một lần nữa) của ông Chung ở đội bóng đang tới gần. Lần này, có lẽ không còn ai níu kéo người thầy Hàn Quốc.
Những điều ở lại sẽ chỉ là nỗi tiếc nuối, tiếc cho một đại công trình hứa hẹn và dang dở, tiếc cho một Công Phượng vừa tìm thấy đường sáng của riêng mình.
Vì sao Văn Quyết chơi nổi bật nhưng vẫn bị thầy Park ngó lơ?
Ở V.League, Nguyễn Văn Quyết luôn được đánh giá là tiền đạo nội hàng đầu. Tuy nhiên, trong những lần tập trung đội tuyển quốc gia gần nhất, anh vẫn không có mặt.
Ngày 12/8, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) công bố bản danh sách tập trung đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho Vòng loại World Cup 2022. Một lần nữa, cái tên Nguyễn Văn Quyết không được điền vào. Kể từ sau AFF Cup 2018, tiền đạo quê Hà Tây không giành được niềm tin từ HLV Park Hang-seo.
Hôm 10/10, trong trận cầu tâm điểm ở vòng 1, giai đoạn 2 V.League 2020 giữa CLB Hà Nội và đội TP.HCM, Văn Quyết lại ghi dấu ấn trong ngày mà HLV Park góp mặt trên khán đài. Lúc này, câu hỏi về lý do anh vắng mặt trong những đợt tập trung ĐTQG lại được dấy lên?
Văn Quyết (số 10) vẫn là tiền đạo hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.
Tiền đạo nội nào hay hơn Văn Quyết?
V.League 2020 là mùa giải mà CLB Hà Nội gặp nhiều khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Trong khi các đối thủ có sự đầu tư mạnh mẽ và tiến bộ, họ lại bị tổn thất lực lượng. Điều đó khiến đội bóng thủ đô không còn giữ được vị thế độc tôn như thường lệ.
Tuy nhiên, CLB Hà Nội vẫn là một đội bóng đáng gờm, dù chỉ đang xếp ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng. Thậm chí, các HLV Phạm Minh Đức (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), HLV Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) còn nhận xét rằng CLB Hà Nội mới chính là ứng cử viên số một cho chức vô địch.
Bởi lẽ, họ đã xây dựng được một tập thể chơi bóng gắn kết với nhau trong nhiều năm và có một phong cách rõ ràng. Trong đó, Văn Quyết là một mắt xích quan trọng.
HLV Chu Đình Nghiêm thường xuyên áp dụng sơ đồ chiến thuật 4-3-3. Trong đó, Văn Quyết được xếp đá ở vị trí tiền đạo cánh trái. Tuy nhiên, anh lại có xu hướng hoạt động rộng để hỗ trợ đồng đội và xâm nhập vùng cấm đối phương.
Đến nay, Văn Quyết đã ghi được 3 bàn thắng và 2 đường kiến tạo ở V.League 2020. Đây là những con số không quá vượt trội khi so với Nguyễn Công Phượng (CLB TP.HCM) hay Nguyễn Văn Toàn (HAGL).
Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ số kiến tạo kỳ vọng (khả năng một đường chuyền trở thành bàn thắng), Văn Quyết cho thấy sự ấn tượng. Theo Instat, con số tiền đạo này đạt được là 4,6. Anh bỏ xa những cầu thủ tấn công nổi bật khác tại V.League 2020 là Phan Văn Long (3,0), Nguyễn Quang Hải (2,4), Nguyễn Tiến Linh (2,3) hay Phan Văn Đức (2,1).
Ở thời điểm này, Văn Quyết là tiền đạo nội hàng đầu V.League nhờ kinh nghiệm dày dặn, khả năng xử lý bóng ấn tượng và sự quyết đoán trong những tình huống dứt điểm.
"Như những mùa giải trước, Văn Quyết vẫn là cầu thủ quan trọng trong cách vận hành lối chơi ở CLB Hà Nội. Anh ta đang có phong độ tốt và là linh hồn của đội bóng. Văn Quyết có thể làm tốt nhiều nhiệm vụ cầm bóng, kiến thiết và dứt điểm ghi bàn ", BLV Vũ Quang Huy chia sẻ với Zing.
Geovane Magno, cầu thủ đang thăng hoa trong màu áo CLB Sài Gòn, từng chia sẻ rằng anh ấn tượng với lối chơi kỹ thuật của Văn Quyết.
Phong cách chơi bóng của Văn Quyết phù hợp với một tập thể có sức mạnh đồng đều như CLB Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến.
Văn Quyết không hợp với phong cách ông Park
Tại V.League 2020, CLB Hà Nội là đội bóng hàng đầu. HLV Vũ Tiến Thành của đội đầu bảng Sài Gòn từng nói rằng ông phải áp dụng lối đá phòng ngự phản công khi gặp CLB Hà Nội. Họ có thể chơi kiểm soát bóng với bất cứ đội bóng nào nhưng với Hà Nội thì không.
Ở trong một tập thể có sự vượt trội về trình độ với phần còn lại, khả năng giữ bóng, kiểm soát ấn tượng của Văn Quyết được phát huy. Do đó, anh có thể thoải mái cầm bóng, chờ đồng đội di chuyển rồi mới tung ra những đường chuyền quyết định. Nhờ vậy, Văn Quyết có chỉ số kiến tạo kỳ vọng vượt trội.
Tuy nhiên, lối chơi mà HLV Park ưa thích sử dụng lại là phòng ngự phản công. Ông thường áp dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-3, trên hàng công có một trung phong cắm như Anh Đức, Đức Chinh và 2 cầu thủ chạy cánh có khả năng hoạt động rộng như Công Phượng, Văn Toàn, Phan Văn Đức...
Ở trạng thái không bóng, chiến lược gia người Hàn Quốc muốn tiền đạo luôn phải nỗ lực pressing, hỗ trợ phòng ngự. Tiền đạo luôn là mắt xích đầu tiên trong hệ thống phòng ngự. Khi phản công, tuyển Việt Nam phải "kết liễu" đối phương bằng những đường chuyền ít chạm.
BLV Quang Huy nhận định: "Ở những yếu tố hỗ trợ phòng ngự hoặc chơi bóng tốc độ, Văn Quyết không phải là cầu thủ hàng đầu. Anh ta phù hợp với phong cách kiểm soát, áp đặt đối phương nhờ khả năng xử lý bóng tốt".
Vì vậy, việc Văn Quyết không được triệu tập lên đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park cũng là điều không phải bất ngờ. Chính ông thầy người Hàn Quốc cũng từng chia sẻ về việc này hồi tháng 9/2019.
"Nhiều người đã hỏi tôi về Văn Quyết. Đó là một cầu thủ tài năng. Nhưng chiến thuật của đội tuyển và CLB có nhiều điểm khác biệt. Một cầu thủ chơi tốt ở CLB không đồng nghĩa anh ta chơi tốt tại đội tuyển. Khả năng thích nghi ở đội tuyển là điều quan trọng. Tất nhiên, Văn Quyết vẫn còn cơ hội", HLV Park nói.
Trong một mùa giải quá nhiều biến động do dịch Covid-19, các HLV sẽ cần nhiều sự lựa chọn bởi lịch thi đấu dày đặc sẽ khiến nhiều cầu thủ bị quá tải, dẫn đến chấn thương hoặc phong độ không ổn định. Do đó, cơ hội dành cho Văn Quyết là vẫn còn.
Tuy nhiên, nếu chân sút này một lần nữa bị "ngó lơ" thì đó cũng là điều bình thường. Trên thế giới, việc cầu thủ chơi hay ở CLB nhưng không được gọi lên tuyển quốc gia không hiếm.
Ở World Cup 2018, Leroy Sane, cầu thủ chạy cánh chơi thăng hoa trong mùa áo Man City, phải ở nhà bởi HLV Joachim Low chọn Julian Brandt, người có thể hoạt động rộng và đa năng hơn. Và trường hợp của Văn Quyết cũng là một ví dụ điển hình.
Quang Hải suýt bị thay nhầm vì sơ suất của trọng tài bàn Quang Hải và ban huấn luyện CLB Hà Nội đều ngỡ ngàng khi ban tổ chức gọi nhầm tên các cầu thủ thay người ở trận đấu với đội TP.HCM tối 10/10. Tình huống xảy ra ở phút thứ 80 của trận đấu giữa CLB Hà Nội và TP.HCM. Ban huấn luyện đội chủ nhà muốn rút Lê Tấn Tài (số 14) ra...