HLV Chung Hae Seong rời CLB TP.HCM: Mâu thuẫn nội bộ hay tụt lùi thành tích?
Hành trình của HLV Chung Hae Seong ở V-League có cả đỉnh cao và vực sâu, khi ông giúp CLB TP.HCM trở thành “ngựa ô” và bật bãi vì thất bại ở mùa kế tiếp.
HLV Chung Hae Seong sẽ không tiếp tục gắn bó với CLB TP.HCM khi đôi bên đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng vào trưa 12/11. Chiến lược gia người Hàn Quốc từng đứng trên đỉnh cao với danh hiệu á quân V-League 2019, nhưng tấm huy chương bạc là chưa đủ để giúp ông Chung tại vị.
CLB TP.HCM đặt kỳ vọng quá cao?
Để đánh giá một HLV thành công hay thất bại, phải nhìn tình cảnh CLB đó trước và khi HLV này tới. Trước khi ông Chung Hae Seong cập bến sân Thống Nhất theo lời gợi ý của bầu Đức với lãnh đạo CLB TP.HCM, đội bóng này vừa có hai mùa đua trụ hạng đến vòng cuối.
Cả hai HLV Alain Fiard và Toshiya Miura đều thua toàn tập về thành tích và lối chơi. Dưới thời HLV Miura, CLB TP.HCM còn bị mô tả là thi đấu bóng bạo lực. Đội bóng có biệt danh “Chiến hạm đỏ” nhiều lần thua đậm ở V-League, chìm nghỉm ở nhóm cuối.
CLB TP.HCM (áo đỏ) từng thuộc nhóm yếu ở V-League.
Nhưng HLV Chung Hae Seong đã thay đổi tình thế. Với lực lượng cầu thủ cơ bản giống thời Miura, ông Chung tạo được tập thể gắn kết, thi đấu kỷ luật, sạch sẽ và quyết tâm. CLB TP.HCM bứt tốc ở chặng đầu, vô địch lượt đi, trước khi đua tranh đầy kịch tính với Hà Nội FC.
Không thể lên ngôi vào cuối mùa, nhưng ngôi á quân V-League đã vượt quá tầm vóc thực sự của CLB TP.HCM – đội bóng với số tuyển thủ quốc gia kém xa Hà Nội FC, SLNA, Viettel hay SHB Đà Nẵng.
Một đội bóng đứng hạng nhì mùa này, muốn vô địch mùa sau là chuyện thường tình. CLB TP.HCM thể hiện tham vọng khi ký với ba tuyển thủ là Công Phượng, Huy Toàn và Bùi Tiến Dũng, phá két mang về Pape Diakite (đá giải hạng Nhất Mỹ), Viktor Prodell (cựu tuyển thủ Thụy Điển), thử việc David N’Gog (cựu tiền đạo Liverpool), hỏi mua Lee Nguyễn.
Đầu tư của CLB TP.HCM nhắm tới hai khía cạnh: hình ảnh và chuyên môn, song đội bóng này chỉ thắng được vế thứ nhất. Bóng đá không phải sân khấu showbiz, cứ nhiều ngôi sao là làm nên chuyện.
CLB TP.HCM muốn đẩy mạnh khâu hình ảnh bằng những ngôi sao.
Hàng chục tỷ mua tân binh, nhưng chỉ Công Phượng tỏa sáng. Tuy nhiên, đó không hẳn là lỗi của HLV Chung Hae Seong. Đội hình CLB TP.HCM thua Buriram United ở vòng sơ loại AFC Champions League 2020 chỉ sót lại 4 cái tên từng đá thường xuyên cho đội này ở V-League 2019.
Ông Chung phải làm việc với 10-12 cầu thủ mới mùa này chỉ với hơn một tháng chuẩn bị, nên khó đòi hỏi nhiều hơn. Điểm trừ của HLV Chung Hae Seong là không xây dựng được lối đá có đường nét cho CLB TP.HCM, khi lãnh đạo đội bóng muốn cả chiến thắng lẫn một lối chơi đẹp mắt, thu hút khán giả.
Nhưng làm việc với đội hình xáo trộn, lại liên tục mất cầu thủ ở lượt về vì chấn thương (Công Phượng, Ti Phông, Seo Yong Duk, Pape Diakite), vị trí thứ năm của CLB TP.HCM không phải quá tệ. Đó là lý do đến ngày cuối tại vị, HLV Chung vẫn từ chối cho rằng mình thất bại.
Video đang HOT
Dấu hỏi mâu thuẫn
Thứ CLB TP.HCM còn thiếu ở V-League là một chân đế vững vàng. CLB Viettel vô địch V-League nhờ trục giữa được đầu tư hợp lý, kết hợp với cầu thủ tự đào tạo. Sài Gòn FC lấy huy chương đồng nhờ đội hình được xây ổn định từ thời mới lên V-League, còn Hà Nội FC có lối chơi rõ ràng.
Còn CLB TP.HCM không có gì ngoài những bản hợp đồng “đông mà chưa tinh”.
Bộ đôi Ortiz và Rodriguez đến với CLB TP.HCM mà không cần thông qua thử việc, và cả hai đều gây thất vọng.
Ngoài sân cỏ, việc cách chức… rồi bổ nhiệm lại ông Chung Hae Seong hồi tháng 7 càng chứng tỏ nội bộ CLB có vấn đề. HLV người Hàn Quốc bị chuyển sang ngồi ghế GĐKT sau trận thua 0-3 trước Hà Nội FC.
Ông Chung từ chối và đề nghị được thanh lý hợp đồng, sau khi để lại lùm xùm với những phát ngôn trên trang Yonhap News với hàm ý công kích một số cầu thủ và thành viên đội bóng.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng được bổ nhiệm ngồi thay ghế HLV, mang về một trợ lý là Nguyễn Minh Phương. CLB TP.HCM cũng được đồn đoán mời gọi HLV Alton dos Santos Silva của ChiangRai United (Thái Lan).
Ông Chung bất ngờ quay lại, trợ lý Minh Phương chuyển sang Học viện Juventus Việt Nam sau hai ngày huấn luyện CLB TP.HCM, còn trưởng đoàn Lư Đình Tuấn bị cách chức.
Xáo trộn trên ghế huấn luyện và quản lý của CLB TP.HCM nhiều không kém thay đổi nhân sự đội hình. CLB TP.HCM xuất hiện liên tục trên báo giới, nhưng không phải với hình ảnh đẹp về chuyên môn như mùa trước. Nhìn lại những lộn xộn ấy, “thiếu chuyên nghiệp” có lẽ là cách mô tả xác thực nhất.
HLV Chung Hae Seong còn nhiều tham vọng dang dở với CLB TP.HCM.
Từ đội bóng giản dị, âm thầm tăng tính cạnh tranh cho V-League, đội chủ sân Thống Nhất trở nên hỗn loạn, với những “thuyết âm mưu” không có điểm dừng.
Khi HLV Chung khẳng định việc ông ngồi ghế GĐKT sẽ khiến cầu thủ chia rẽ vì “không biết nghe ai”, người ta có thể mường tượng về sóng ngầm trong lòng CLB. Thực tế, đội nào cũng có ít nhiều vấn đề nội bộ, nhưng CLB mạnh phải biết cách giải quyết ổn thỏa.
CLB TP.HCM chưa làm được điều này. Đội bóng này có tiềm lực đáng nể, song thiếu kiên nhẫn và dường như chưa biết cụ thể hóa tiềm lực ấy thành sức mạnh.
Mọi thành trì đều cần thời gian xây đắp. Sự ra đi của kiến trúc sư trưởng cho thành công, chắc chắn là cái kết buồn của CLB TP.HCM lẫn HLV Chung Hae Seong.
Chuyển nhượng sai lầm, CLB TP.HCM chìm sâu trong thất bại
Đổ cả triệu USD vào thị trường chuyển nhượng nhưng không hiệu quả, CLB TP.HCM đang tự đóng lại cánh cửa đua tranh vô địch V-League khi vừa thua trận thứ 3 liên tiếp.
Khoảng cách 8 điểm với đội đầu bảng không phải là bất khả thi để san lấp, nhưng lối đá và tinh thần của thầy trò HLV Chung Hae Seong không tương xứng với vị thế của một ứng viên vô địch.
CLB TP.HCM đang vỡ vụn, dù sở hữu đội hình mạnh hơn mùa trước. Tại sao?
CLB TP.HCM thua trận thứ ba liên tiếp ở V-League.
Đông nhưng không tinh
Trong khi nhiều CLB bế tắc ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa, CLB TP.HCM mua về 5 tân binh. Bộ đôi người Costa Rica là Jose Ortiz và Ariel Rodriguez được định giá 1 triệu USD (khoảng 24 tỷ đồng), cộng với 3 cầu thủ của Sanna Khánh Hòa là Ti Phông, Trùm Tỉnh và Đình Khương, với tổng phí lót tay được đồn đoán là không dưới 10 tỷ đồng.
Đầu mùa, CLB TP.HCM mượn 3 ngôi sao của HAGL là Công Phượng, Đức Lương, Văn Sơn, chiêu mộ thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền vệ Huy Toàn, ký với 4 ngoại binh là Amido Balde, Seo Yong Duk, Pape Diakite, Alex Lima. Như vậy, số cầu thủ mới mua của CLB TP.HCM đã thừa để xếp một đội hình.
Tuy nhiên, tân binh của CLB TP.HCM đông nhưng không tinh. Sau nửa mùa giải, Alex Lima và Amido bị thải loại. Đức Lương, Văn Sơn đóng góp hạn chế. Huy Toàn đá tròn vai, nhưng vật lộn với chấn thương. Đình Khương chưa thể hiện được nhiều. Ti Phông chơi khá tốt, song vừa dính chấn thương nặng, còn Bùi Tiến Dũng thiếu chắc chắn.
Ti Phông chưa kịp thể hiện thì đã dính chấn thương.
Đáng thất vọng nhất phải kể đến bộ đôi ngoại binh triệu USD. Ariel Rodriguez chỉ ghi vỏn vẹn 1 bàn từ sai lầm của hàng thủ Nam Định. Bàn thắng đó đã diễn ra từ một tháng trước. Jose Ortiz chỉ như "bóng ma" trên sân, hoàn toàn lạc lõng với lối chơi. Công Phượng, Pape Diakite và Seo Yong Duk là những cầu thủ hiếm hoi chứng minh được giá trị.
Núi tiền đổ vào chuyển nhượng cho thấy CLB TP.HCM rất chịu chơi. Giành ngôi á quân V-League mùa trước với một đội hình chất lượng trung bình, nên về lý thuyết, có thêm một vài cầu thủ ngôi sao nữa, CLB TP.HCM có thể nghĩ đến chức vô địch.
Dù vậy, mua và mượn 14 tân binh, mà chưa tới 25% trong số này thể hiện được năng lực, CLB TP.HCM đã có mùa chuyển nhượng thất bại.
Không thể "ăn xổi"
Tại sao CLB TP.HCM sa sút? Thứ nhất, bí quyết giúp đội bóng của HLV Chung Hae Seong đứng hạng nhì V-League mùa trước nằm ở sự ổn định. CLB TP.HCM không có ngôi sao ở V-League 2019. Nhờ vậy, đội bóng này không phụ thuộc vào cá nhân nào, thi đấu gắn kết và có bộ khung được duy trì qua từng trận.
CLB TP.HCM cũng có những tân binh giữa mùa như Ismael Akinade, nhưng nhìn chung, đội bóng có biệt danh "Chiến hạm đỏ" rất ổn định về lực lượng.
Không thể cứ đổ tiền ra là mua được thành công.
CLB TP.HCM mùa này đã mất yếu tố đó. 14 cầu thủ mới, gần bằng danh sách đăng ký thi đấu mỗi trận, khiến HLV Chung phải làm lại từ đầu. Mỗi vòng đấu, CLB TP.HCM lại trình làng một đội hình khác nhau.
Trận gặp CLB Viettel là một ví dụ, khi chỉ 4 cầu thủ CLB TP.HCM đá chính ở trận này là thi đấu tại trận lượt đi. Phải làm việc với đội hình mới, HLV khó truyền đạt hết ý tưởng và mang đến thành công tức thì.
Thứ hai, CLB TP.HCM mua người thiếu căn cứ. Thông thường, các đội bóng sẽ ổn định bộ khung, và thiếu vị trí nào thì bổ sung vị trí ấy. Cầu thủ mang về phải phù hợp với chiến thuật sẵn có và phục vụ ý đồ HLV.
Trong khi đó, CLB TP.HCM lại mua rất nhiều cầu thủ mà không có định hướng. Khi người mới không "hợp rơ" với người cũ, đội bóng áo đỏ trở thành tập thể hỗn loạn, mất phương hướng.
Nếu muốn nhìn về tấm gương chuyển nhượng, có lẽ CLB TP.HCM nên học chính đối thủ là CLB Viettel. Đội bóng áo lính từng thất bại mùa trước khi mua quá nhiều tân binh, nên đã có sự chọn lọc mùa này. Họ mang về 1 tiền vệ trung tâm, 1 tiền đạo và 1 thủ môn, tất cả đều tỏa sáng.
CLB Viettel (áo đỏ) mua sắm hiệu quả hơn hẳn so với CLB TP.HCM.
Rõ ràng, định hướng chuyển nhượng và việc biết mình thiếu ở đâu sẽ quyết định thành bại của các CLB. Không phải cứ mua cầu thủ giỏi là có đội bóng mạnh. HLV nên là người đóng vai trò then chốt trong việc mua cầu thủ nào. Mà công đoạn này, chưa chắc ông Chung Hae Seong đã có tiếng nói.
Cuối cùng, "ảo mộng" chơi tấn công đang đè bẹp tham vọng của CLB TP.HCM. Mùa trước, các học trò của Chung Hae Seong khuynh đảo V-League nhờ lối đá phòng ngự - phản công vô cùng khoa học. Mùa này, CLB TP.HCM lập tức phải chuyển sang đá tấn công, vừa kéo khán giả đến sân, vừa để phù hợp với đẳng cấp của đội bóng lớn.
Những tân binh mang về cũng để phục vụ ý đồ này khi có tới hai phần ba là tiền vệ, tiền đạo. Nhưng không dễ để xây dựng một lối đá đẹp.
Hà Nội FC mất tới 10 năm mới gặt thành tựu. CLB Viettel đến giờ cũng chưa hẳn tấn công đẹp mắt, nhưng biết "liệu cơm gắp mắm", đội bóng áo lính đã vào chung kết Cúp Quốc gia và đứng đầu V-League. Sài Gòn FC cũng vô địch lượt đi nhờ cách đá thực dụng và khoa học.
Còn CLB TP.HCM vẫn mông lung giữa ngã ba đường. Những ngôi sao có thể tạo nên trận đấu đáng xem, nhưng thành công của Hà Nội FC, CLB Viettel hay Sài Gòn FC cho thấy cầu thủ giỏi chưa chắc ổn định bằng cầu thủ phù hợp.
CLB TP.HCM đã hơi vội khi mơ về giấc mộng phù hoa. Có lẽ, đội bóng của Chung Hae Seong nên thi đấu một vài mùa và bổ sung dần dần, thay vì vội vã đập đi xây lại. Đội bóng của Chủ tịch Hữu Thắng có đủ tiền bạc để xây dựng một đế chế mạnh. Nhưng tiền thôi thì chưa bao giờ là đủ.
Đánh bại CLB TP.HCM, Viettel lên đầu bảng V-League Viettel chiếm ngôi đầu bảng V-League 2020 sau khi đánh bại CLB TP.HCM 1-0 trong trận đấu ở vòng 2 giai đoạn 2. Viettel là đội có thành tích sân khách tốt thứ hai ở V-League 2020, nhưng họ từng thua CLB TP.HCM tới 0-3 trên sân Thống Nhất ở giai đoạn 1. Trong cuộc tái đấu tối 14/10, thầy trò HLV Trương...