Hình thức thiên táng trong tín ngưỡng Hỏa giáo
Trong văn hóa tín ngưỡng Hỏa giáo, thân thể người đã khuất chỉ là các xác chứa quỷ thi. Nếu đem chôn thì bẩn đất, hỏa táng lại bẩn lửa còn thủy táng gây bẩn nước.
Họ quyết định mang lên tháp thiên táng, đặt nằm phơi thây giữa trời, mặc cho nắng mưa phân hủy…
Tín ngưỡng Hỏa giáo tôn thờ thần lửa.
Quỷ thi gây thối rữa
Hỏa giáo (Zoroastrian) là một trong những tôn giáo cổ nhất hành tinh. Nó được sáng lập vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên, tôn thờ thần lửa Ahura Mazda, đồng thời là quốc giáo của Đế chế Ba Tư (Iran ngày nay).
Năm 615 sau Công nguyên, Ba Tư bị tín đồ Hồi giáo chinh phục. Đa phần cư dân Hỏa giáo bị ép phải chuyển đổi sang đạo Hồi. Hiện tại, Hỏa giáo chỉ còn khoảng 250.000 – 300.000 tín đồ. Họ tập trung đông tại Ấn Độ, Iran và Bắc Mỹ, được gọi là người Parsi.
Tín ngưỡng Parsi tin vào sự tồn tại của quỷ thi. Họ gọi chúng là các druj i nasush. Trên dương gian, quỷ thi là những con quỷ reo rắc cái chết và sự thối rữa. Chúng ưa chiếm cơ thể con người làm nơi trú ngụ.
Một người nếu bị quỷ thi xâm nhập sẽ từ trần, biến thành cái xác chứa quỷ thi. Người Parsi không dám lại gần xác chết, sợ bị quỷ thi lây nhiễm. Trước một tín đồ Hỏa giáo nhắm mắt xuôi tay, các thành viên còn lại thường không xót thương hay đau đớn. Họ lập tức gọi các “chuyên gia mai táng” đến.
Nhóm mai táng đặt thi thể lên một bục đá, đổ nước tiểu bò lên. Đây không phải là hành động bạc đãi thi thể, mà là thủ tục thanh tẩy. Nó nhằm cản trở sự lây lan của quỷ thi. Kế tiếp, họ tiến hành nghi thức trấn áp Sagdid (ánh mắt của con chó). Đó là dắt một con chó vào phòng đặt xác chết, hướng nó nhìn vào thi thể một lần.
Trong trường hợp không có chó để sử dụng Sagdid, người Parsi vẫn còn một phương pháp dự phòng. Họ dùng dải vải Paiwand buộc hai người thành một cặp. Tín đồ Hỏa giáo khẳng định, hai người sống thì mạnh hơn một quỷ thi. Tất cả những ai phải ở gần thi thể đều đi theo đôi. Sau tang lễ, họ cũng phải “tẩy trần” bằng nước tiểu bò.
Video đang HOT
Tháp Dakhma của người Parsi.
Tháp thiên táng
Trong tín ngưỡng Hỏa giáo, lửa đóng vai trò linh thiêng, tinh khiết nhất. Người Parsi đặc biệt tránh làm bẩn lửa. Họ không cho phép xác chết được hỏa táng.
Ngoài ra, Hỏa giáo cũng không đồng ý đem xác chết chôn xuống đất hay táng dưới nước. Cuối cùng, họ quyết định lựa chọn hình thức thiên táng. Tất cả các thi thể đều được đưa lên tháp Dakhma (tháp im lặng).
Dakhma là một kiến trúc hình trụ to lớn, được xây cao và cách xa khu dân cư. Trên đỉnh tháp, người Parsi để trống vị trí trung tâm làm “giếng trời”. Đó là một cái hố sâu và rộng, dùng chứa xương cốt.
Phần còn lại, họ chia làm ba vòng tròn đồng tâm. Vòng trong cùng là nơi đặt thi thể trẻ em. Vòng giữa đặt thi thể phụ nữ. Vòng ngoài cùng dành riêng cho thi thể đàn ông. Tín đồ Hỏa giáo vừa qua đời liền bị đưa lên tháp thiên táng. Xác của họ phải nằm phơi nắng mưa, cùng bầy kền kền và nhiều động vật ăn xác khác….
Qua khoảng một năm, cái xác chỉ còn lại bộ hài cốt trắng. Người phụ trách tháp Dakhma tống nó xuống “giếng xương”, lấy chỗ đặt thi thể mới.
Khoảng 2.000 – 3.000 năm về trước, tháp thiên táng phổ biến khắp Iran. Trước thập niên 1970, tại đất nước đóng vai trò “cái nôi của Hỏa giáo” này, hình thức thiên táng vẫn được xem là hợp pháp.
Tuy nhiên, sự suy giảm của dân số Parsi đã khiến cho các tháp thiên táng dần… ế ẩm. Tính ra, lượng người Parsi chỉ chiếm có 0,05% dân số Iran. Bên cạnh đó là vấn nạn đánh cắp tử thi. Những năm cuối thế kỷ XX cũng là thời điểm y học phát triển, cứu chữa người bệnh bằng phương pháp mổ.
Nhiều sinh viên y khoa, bác sĩ đã cố ý xâm nhập tháp thiên táng, đánh cắp xác chết về thực hành. Chính phủ Iran buộc phải ra lệnh phong tỏa các tháp Dakhma, cấm sử dụng hình thức thiên táng.
Tháp thiên táng đang hoạt động Doongerwadi ở Mumbai, Ấn Độ
Hợp pháp ở Mumbai
Riêng tại Ấn Độ, nơi tập trung phần đông đảo tín đồ Hỏa giáo nhất (57.000 người), người Parsi vẫn còn một khu vực tháp thiên táng đang hoạt động, Doongerwadi nằm trên đồi Malabar ở Mumbai.
Toàn bộ diện tích 22ha của đồi Malabar được quy hoạch cho mục đích thiên táng. Nó có tổng cộng 6 tháp Dakhma. Trước đây, người ta chủ yếu nhờ kền kền “dọn” thi thể.
Hiện nay, vì quá ít kền kền (do quần thể chim ăn xác thối này bị sụt giảm nghiêm trọng vì thuốc trừ sâu trong nông nghiệp), Doongerwadi cho lắp đặt các tấm pin, chảo năng lượng mặt trời. Chúng giúp gia nhiệt, đẩy nhanh tốc độ phân hủy của xác chết.
Tất nhiên, không phải tất cả các tín đồ Hỏa giáo đều có điều kiện tới Doongerwadi tạ thế. Họ buộc phải thay đổi tục lệ cho phù hợp với quy định, pháp luật tại nơi sinh cư.
Thiên táng không phải là hình thức mai táng phổ biến. Người Parsi tản mát trên khắp thế giới buộc phải chọn một trong hai kiểu mai táng đang thịnh hành, hỏa táng hoặc địa táng.
Với hỏa táng, vẫn còn sự mâu thuẫn trong nội bộ Parsi. Tín đồ Hỏa giáo chia thành hai phe, một bên kịch liệt phản đối, một bên nỗ lực thuyết phục thay đổi quan niệm cổ truyền. Với địa táng, người Parsi cẩn thận đắp thành mộ bằng bê tông. Họ tin “lớp chắn” tứ phía vững chắc này ngăn được quỷ thi thoát ra ngoài.
Vũ Ninh (Tổng hợp từ Ranker)
Theo giaoducthoidai.vn
Khoa học chứng minh ai rồi cũng tìm thấy chân lí cuộc đời ở tuổi 60
Nghiên cứu mới đây trên 1000 người của các nhà khoa học chỉ ra rằng độ tuổi 60 là lúc con người hiểu và biết trân trọng ý nghĩa của cuộc sống.
Nghiên cứu mới đây cho thấy con người ngẫm nghĩ về cuộc sống ở độ tuổi "chín" nhất là trước ngưỡng 60. Các nhà khoa học cho biết, dù con người cảm nhận được hạnh phúc với gia đình, bạn bè, sự nghiệp hoặc những thứ khác nữa thì phải tới độ tuổi trung niên mới thực sự trân trọng các giá trị đó.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học University of California, San Diego (Mỹ) được thực hiện trên 1000 người độ tuổi từ 21 đến 100 cho kết quả: Ở độ tuổi trung niên con người nhận thức được sâu sắc nhất về cuộc sống.
Cảm nhận được mục đích cuộc sống cũng kéo theo những ích lợi về mặt tinh thần và sức khỏe hơn so với khi còn trẻ tuổi. Các nhà khoa học nói: "Sức khỏe và nhận thức về mục đích sống có quan hệ chặt chẽ với nhau" .
Nghiên cứu mới đây trên 1000 người của các nhà khoa học chỉ ra rằng độ tuổi 60 là lúc con người hiểu và biết trân trọng ý nghĩa của cuộc sống. (Ảnh minh họa: David Conachy)
Giáo sư Dilip Jeste, một chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần và khoa học não bộ chia sẻ: "Rất nhiều thứ về ý nghĩa và mục đích sống xuất phát từ một quan điểm triết học. Nhưng ý nghĩa của cuộc sống có liên hệ tới sức khỏe tốt và tuổi thọ lâu dài. Những người sống có ý nghĩa thì hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn những người sống không có mục đích."
Nghiên cứu trên được phát hành trên tạp chí khoa học về tâm thần lâm sàng Journal of Clinical Psychiatry. Nhóm nghiên cứu thực hiện trên 1000 người trưởng thành. Để khẳng định những người tham gia có mục đích sống hay không, các nhà khoa học đưa ra những câu hỏi nghiên cứu: "Tôi đang tìm kiếm mục đích hay nhiệm vụ phải thực hiện trong cuộc sống của mình?", "Tôi đã tìm thấy và hài lòng với mục đích sống của mình?".
Giáo sư Jeste tiếp tục chia sẻ: "Khi bạn còn trẻ, như là độ tuổi đôi mươi, bạn không chắc chắn về sự nghiệp của mình, về một người bạn đời hay về việc bạn là một người như thế nào. Bạn đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Khi bạn bắt đầu bước sang độ tuổi 30, 40 và 50, bạn bắt đầu ổn định các mối quan hệ, có thể kết hôn, có một gia đình riêng và bắt đầu ổn định sự nghiệp.
Bạn sẽ bớt tìm kiếm và ý nghĩa của cuộc sống dần có vị trí lớn hơn. Khi bước qua độ tuổi 60, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Mọi người bắt đầu về hưu và bắt đầu đánh mất bản ngã. Họ bắt đầu quan tâm tới các vấn đề sức khỏe khi một số người bạn, người trong gia đình của họ ra đi."
Một nghiên cứu khác hồi đầu năm nay trên 7000 người trung niên ở Mỹ cũng chỉ ra rằng những người có ý chí và mục đích sống mạnh mẽ có xu hướng sống lâu hơn khoảng 5 năm. Những nghiên cứu này bỏ qua yếu tố giàu nghèo, giới tính và trình độ học vấn.
(Theo Dailymail)
QUÂN KHANH
Theo vtc.vn
Anh gắn chip cho động vật biển để nghiên cứu đại dương Ngoài khảo sát đại dương bằng tàu, máy bay không người lái dưới nước và cảm biến nổi, các nhà khoa học Anh, đã gắn chip cho 10.000 động vật biển như cá mập, chim cánh cụt, rùa nhằm mục đích nghiên cứu và bảo vệ môi trường, trước hết ở những khu vực ít được biết đến nhất. Rùa biển được trang...