Hình ảnh xúc động về cảnh sát vụ sập giàn giáo
Ngoài bộ đội, biên phòng, CSCĐ, thì những cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC – Cứu hộ cứu nạn đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp khi miệt mài lăn xả suốt 20 giờ, cùng với các lực lượng khác cứu hộ thành công vụ sập giàn giáo.
Đại tá Lương Hữu Phùng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC – CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay, vào lúc 20h10 ngày 25/3, sau khi nhận được thông tin vụ sập giàn giáo từ Đội PCCC – CNCH (đóng tại Kỳ Anh), đơn vị đã huy động 60 cán bộ, chiến sĩ cùng với phương tiện, máy móc nhanh chóng lên đường.
“Trước mắt chúng tôi là một đống đổ nát khổng lồ, số lượng sắt théo, cọc gỗ phải lên tới cả nghìn tấn. Thêm vào đó là tiếng công nhân bị mắc kẹt kêu cứu, khung cảnh hỗn loạn”, anh Lương Giang, chiến sĩ thuộc phòng Cảnh sát PCCC – CNCH chia sẻ.
Cùng với các lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an huyện Kỳ Anh, công binh, biên phòng và công nhân của cty Sam Sung C&T, Cảnh sát PCCC – CNCH nhanh chóng bắt tay vào công tác cứu nạn.
Khoảng 0h ngày 26/3, trời bắt đầu đổ mưa, lực lượng PCCC – CNCH vẫn miệt mài cắt từng thanh sắt, kéo từng khối thép ra để tìm kiếm thêm thi thể đang mắc kẹt.
Việc cắt rời các kết cấu thép được các chiến sĩ PCCC – CNCH thực hiện một cách khẩn trương nhưng rất cẩn trọng để hạn chế ảnh hưởng đến các nạn nhân mắc kẹt phía dưới.
Hình ảnh thiếu tá Võ Đăng Khoa, Phó phòng CS PCCC đang chỉ huy chiến sỹ trong phòng khẩn trương bốc dỡ sắt thép, tìm kiếm nạn nhân.
Video đang HOT
“Nhiều chỗ, máy móc không thể vào tới được, chúng tôi liền dùng tay để đưa các chướng ngại vật ra ngoài. Dù có găng tay bảo vệ nhưng nhiều lúc bị sắt thép đâm vào tay, rỉ máu nhưng chúng tôi không còn thấy đau khi chứng kiến các công nhân kêu gào phía dưới sắt thép”, một chiến sĩ tâm sự.
Để đảm bảo công tác cứu hộ được nhanh chóng, các chiến sĩ PCCC – CNCH đã ăn uống, ngủ nghỉ tại chỗ. Bữa ăn chỉ là những chiếc bánh mì, ít lương khô và sữa hộp. Vừa ăn xong, các chiến sĩ lại lao vào làm việc.
Suốt đêm 25 và rạng sáng 26/3, lực lượng PCCC – CNCH đã thức trắng đêm, làm việc cật lực thu dọn sắt théo với mong muốn duy nhất, sớm đưa các nạn nhân bị mắc kẹt ra ngoài.
“Khi đưa được các công nhân ra ngoài và họ bình an, bao mệt mỏi của anh em đều tan biến. Chúng tôi như được tiếp thêm động lực để giải cứu những người khác”, nhiều chiến sĩ PCCC – CHCN cùng cho biết.
Vụ sập giàn giáo tại trong Formosa đã khiến 13 công nhân tử vong, 28 người khác bị thương nặng. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ nguyên nhân sự việc.
Giây phút lực lượng cứu hộ tiếp cận sát với nạn nhân tử vong 13 và đưa ra khỏi đống đổ nát.
Hình ảnh bộ đội, biên phòng, CSCĐ cùng CS PCCC đứng bên nhau tham gia công tác cứu nạn.
Hơn 20h đồng hồ, những chiến sỹ công an, PCCC, biên phòng, CSCĐ, bộ đội cùng các lực lượng khác đã không quản gian khổ, mệt mỏi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, cứu hộ thành công vụ sập giàn giáo.
Theo Vietnamnet
"Ép" công nhân làm khi giàn giáo rung lắc, giám sát Hàn Quốc tù 12 năm?
Giám sát người Hàn Quốc bắt công nhân quay lại làm khi giàn giáo rung lắc vụ sập giàn giáo Formosa Hà Tĩnh có thể bị phạt tù cao nhất 12 năm.
Liên quan đến vụ sập giàn giáo ở dự án Formosa, tỉnh Hà Tĩnh khiến 13 người chết và hơn 20 người bị thương, luật sư Nguyễn Anh Thơm -VPLS Nguyễn Anh - Đoàn LSTP Hà Nội cho rằng giám sát người Hàn Quốc có thể phải chịu hình phạt theo quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Khu vực hiện trường vụ sập giàn giáo ở dự án Formosa, Hà Tĩnh.
Nhận định về vụ tai nạn, luật sư Thơm cho biết: "Trước hết phải xác định đây là vụ tai nạn trong lĩnh vực an toàn lao động do không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai các quy định về an toàn lao động trong xây dựng nên mới dẫn tới bị sập giàn giáo và 13 người công nhân tử vong, gây thiệt hại về tài sản".
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý tại sự cố nghiêm trọng này chính là việc giàn giáo đã rung, lắc mạnh trước khi đổ sập xuống. Theo lời kể của các nạn nhân, hiện tượng rung, lắc xảy ra trước đó khoảng 1 tiếng, một số công nhân bỏ chạy và đã có ý kiến với tư vấn giám sát người Hàn Quốc. Tuy nhiên, người giám sát này vẫn yêu cầu công nhân trở lại làm việc.
"Trách nhiệm chủ yếu dẫn tới vụ tai nạn là do giám sát thi công trực tiếp giám sát, chỉ đạo thi công đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Khi các công nhân đã có ý kiến thấy hiện tượng rung lắc mạnh trên giàn giáo mà giám sát không kiểm tra, đánh giá và yêu cầu ngừng thi công để đảm bảo an toàn tính mạng công nhân và tài sản của công trình.
Hậu quả xảy ra gây chết nhiều người và thiệt hại về tài sản. Hành vi của người giám sát có dấu hiệu "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người". Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 227 BLHS", luật sư Thơm phân tích.
Bên cạnh đó, theo luật sư Thơm, lỗi của người tư vấn giám sát trong vụ việc này là lỗi vô ý được quy định tại khoản 1 điều 10 BLHS: "Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được".
"Nếu người giám sát công trình không có mặt ở hiện trường thì quy vào tội lơ là. Nhưng ở đây, người giám sát có mặt ở công trường và được công nhân báo giàn giáo rung lắc, nhưng vẫn cho thi công thì người này phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra sự việc. Người trực tiếp giám sát phải bị khởi tố hình sự được quy định tại Điều 227 BLHS với mức án cao nhất 12 năm tù".
Nói về trách nhiệm của nhà thầu khi để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nói trên, Luật sự Anh Thơm cho rằng khó có căn cứ để xác định trách nhiệm nhà thầu. "Vệc đảm bảo an toàn lao động đã được nhà thầu thuê đơn vị giám sát phải chịu trách nhiệm giám sát về các biện pháp đảm bảo an toàn khi trong thi công. Do vậy, nếu hậu quả xảy ra thì bên giám sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả thiệt hại do không làm đúng trách nhiệm của mình".
"Cần khởi tố vụ án hình sự để làm căn cứ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát,.. phải đảm bảo tuyệt đối theo đúng các qui chuẩn về an toàn lao động trong thi công thì công trình mới được xây dựng", luật sư Thơm nhấn mạnh.
Điều 227 (Bộ Luật Hình sự): Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Kiến Thức
Sập giàn giáo ở Hà Tĩnh: Tiền bồi thường bảo hiểm hàng tỷ đồng Trong vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh, số tiền bồi thường ước tính của Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) trong vụ tai nạn này có thể lên tới hàng tỷ đồng. Ngày 27/3, đại diện Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết, chưa đầy 24h kể từ khi xảy ra sự cố sập giàn giáo...