Hình ảnh xúc động tại lễ tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông
Một bé gái chừng 4 tuổi, ôm di ảnh mẹ, vừa đi vừa gọi lớn “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”, nhưng mẹ cháu đã mất vì tai nạn giao thông trên đường đi làm về.
Hình ảnh cháu bé ôm di ảnh mẹ khiến nhiều người xúc động
Đó là hình ảnh trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tổ chức tại cung thể thao Quần Ngựa vào tối 19/11. Đây cũng là lần đầu tiên lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) được tổ chức tại Việt Nam.
Chết &’tức tưởi’ vì tai nạn giao thông
Ở Việt Nam, mỗi ngày có hơn 30 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với hàng trăm người bị thương tật suốt đời.
Theo số liệu của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia thì trong 9 tháng đầu năm 2012 số người chết, người bị thương mặc dù giảm rất sâu, nhưng số người chết vẫn là 6.908 người, bị thương 25.002 người.
Không những thế, mỗi năm gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng 40 nghìn tỷ để khắc phục hậu quả, số tiền này tương đương với 10 bệnh viện tỉnh hiện đại, 600 trường học…
Mỗi ngày trên đất nước chúng ta có hơn 30 gia đình mất đi người thân vì tai nạn giao thông. Không những thế, còn là nỗi đau nặng nề cho những người ở lại.
Những đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi. Những gia đình yên ấm trở thành bất hạnh trong nháy mắt. Những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng đang ngày đêm cướp đi sinh mạng của người dân Việt Nam. Hậu quả của TNGT để lại rất lâu dài và không lường trước được.
Ở nước ta, 30 gia đình mất người thân mỗi ngày do TNGT
Theo TS.Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ): “Cái chết do TNGT là cái chết tức tưởi nhất, khiến những người sống khó mà nguôi ngoai được nỗi đau”.
Thông điệp cho cộng đồng
Những ánh nến tượng trưng cho những linh hồn đã ra đi tức tưởi vì tai nạn giao thông sẽ nhắc nhở với mỗi người Việt Nam chúng ta rằng: “Tai nạn giao thông đã thực sự trở thành thảm họa! Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống”.
Trong buổi lễ tưởng niệm, những người tham dự bị ám ảnh bởi một cô bé chừng 4 tuổi, ôm di ảnh mẹ, vừa đi vừa gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi”. Rồi cô bé còn hét to: “Các cô các bác ơi, có biết mẹ cháu ở đâu không ạ”.
Một phút mặc niệm cho các nạn nhân tử vong vì TNGT
Đó là câu chuyện về một cô bé có mẹ tử vong vì tai nạn giao thông. Bỗng chống trở thành đứa trẻ mồ côi mà không biết mẹ mình đang ở đâu. Hình ảnh đó thức tỉnh mỗi chúng ta về hậu quả ghê gớm mà TNGT gây ra mỗi ngày.
Phát biểu trong buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn tới các gia đình có người tử vong vì tai nạn giao thông, đồng thời kêu gọi mọi người cùng nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi người Việt Nam cần phải dũng cảm và chân thành nhìn thẳng vào sự thật là trong mỗi tai nạn giao thông, có cả lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn tới các gia đình có người thân tử vong vì TNGT
“Con trai tôi bị tai nạn chỉ cách ngày cưới chưa đầy 1 tháng. Đó thực sự là một sự mất mát lớn cho gia đình. Hôm nay tôi tới đây, để đồng cảm cùng nỗi niềm của những gia đình có người thân mất vì tai nạn giao thông, và mong muốn mọi người nâng cao ý thức của mình khi tham gia giao thông” Bác An – cán bộ quân Y, người có con trai tử vong vì tai nạn giao thông cách đây hơn 9 tháng nghẹn ngào chia sẻ.
Lễ tưởng niệm là dịp mọi người bày tỏ niềm thương xót với người xấu số khi tham gia giao thông, bày tỏ chia sẻ gánh nặng với người thân của họ. Đây cũng là cơ hội gửi tới cộng đồng thông điệp về tầm quan trọng của việc tạo ra một xã hội tham gia giao thông an toàn.
Theo xahoi
"Tai nạn giao thông đang để lại những hậu quả khủng khiếp"
Tối 19/11, Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông đã long trọng diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: TNGT đang để lại những hậu quả khủng khiếp!
Đến dự Lễ tưởng niệm tại Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cùng lãnh đạo nhiều Bộ, Ban ngành và đông đảo nhân dân.
Phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. (Ảnh: Anh Thế)
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các vị đại biểu thắp nến và tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tai nạn giao thông để lại những hậu quả khủng khiếp. Mất mát lớn nhất và không gì bù đắp được là mất mát về con người. Chúng ta cũng cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật là trong mỗi tai nạn giao thông có lỗi, có trách nhiệm của từng cá nhân, của cộng đồng và của các cơ quan nhà nước".
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi các cơ quan nhà nước Trung ương, địa phương, các đơn vị, các tổ chức và mỗi người vì sự phát triển của đất nước, vì tính mạng, vì cuộc sống bình yên của bản thân, của gia đình hãy hết sức giữ gìn ATGT. Mỗi một cá nhân phải tự giác hành động, tự giác chấp hành pháp luật giao thông để xã hội không còn cảnh con mất cha mẹ, gia đình mất đi những người thân yêu nhất của mình.
Buổi lễ tưởng niệm để lại ấn tượng sâu sắc tròng lòng khán giả.
Việt Nam hiện đứng thứ 11 trên thế giới về số nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Mỗi ngày, trung bình cả nước có khoảng 30 người tử nạn vì tai nạn giao thông. Buổi lễ tưởng niệm kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay xây dựng một xã hội giao thông an toàn từ chính những hành vi nhỏ nhất của mình mỗi khi ra đường.
Lễ tưởng niệm gồm 2 phần: "Tai nạn giao thông - Nỗi đau còn đó" và "Tâm sự người đã mất" thể hiện thông điệp: Những nạn nhân của tai nạn giao thông bất ngờ đều là những hồn thiêng. Họ tiếp tục hành trình trên mọi nẻo đường thế gian để khuyên nhủ, mách bảo những người tham gia giao thông hãy biết quý chính sinh mạng của mình, của gia đình và của xã hội.
Buổi lễ là lời cảnh tỉnh với cộng đồng để xây dựng một môi trường giao thông an toàn và lành mạnh. (Ảnh: Anh Thế)
Ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT nhằm hưởng ứng chương trình "Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2011-2020" theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Buổi lễ là dịp để mọi người cùng chia sẻ những nỗi đau với gia đình có người thân bị TNGT, đồng thời là lời cảnh tỉnh cộng đồng để xây dựng một môi trường giao thông an toàn và lành mạnh.
* Tham dự Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tạiCần Thơ có lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cùng các Sở, Ban ngành và gia đình có người tử vong, bị thương vì TNGT. Lễ tưởng niệm là cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng... về tầm quan trọng của việc chủ động tạo ra một môi trường giao thông an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ - bày tỏ, thông qua lễ tưởng niệm để nâng cao nhận thức của mọi người về một môi trường giao thông thân thiện, hình thành phong cách ứng xử giao thông có văn hóa, hiểu biết và chấp hành đúng luật. "Với khẩu hiệu an toàn mọi lúc - hạnh phúc mọi nơi, tôi kêu gọi nhân dân TP Cần Thơ tự giác chấp hành pháp luật giao thông để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông"- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.
Theo thống kê của ngành chức năng TP Cần Thơ, trong 10 năm qua, trên địa bàn TP xảy ra 15.000 vụ TNGT, làm chết ít nhất 1.500 người và 1.000 người khác bị thương, thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng.
Cũng tại buổi lễ, những nạn nhân và gia đình có người bị TNGT đã chia sẻ cuộc sống của họ sau TNGT, gây xúc động cho người tham dự. Như chị Nguyễn Thị Đẹp, ngụ quận Bình Thủy, bị mất cả 2 chân vì tai nạn hay bà Nguyễn Thị Lành, ngụ quận Cái Răng, có cậu con trai độc nhất bị TNGT làm cho gãy hai chân, bộ phận sinh dục tổn thương nặng, liệt suối đời và không còn khả năng sinh con.
Chị Nguyễn Thị Đẹp chia sẻ: "Khi tỉnh lại thấy hai chân bị cắt, tôi hết sức đau đớn vì từ lúc này tôi biết rằng mình sẽ là gánh nặng của chồng con".
Nỗi đau của nạn nhân và gia đình sau TNGT. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trên một "chiến tuyến" khác, đối tượng Phạm Minh Hiển đang bị tù giam vì gây ra TNGT, bộc bạch: "Sau khi gây ra tai nạn tôi hối hận lắm. Có cơ hội làm lại từ đầu thì tôi sẽ cẩn thận hơn khi tham gia giao thông để không gây nên chuyện đau lòng như tôi đã từng gây ra cho người khác".
Những lời sẻ chia nói trên chỉ là số ít câu chuyện trong hàng triệu hoàn cảnh thương tâm của nạn nhân bị TNGT. Tai nạn đi qua, nỗi đau để lại, những lời tâm sự của các nạn nhân nhắc nhở rằng mọi người đừng quên đằng sau mỗi vụ TNGT là cảnh ngộ thương tâm của mỗi gia đình.
Tại đêm tưởng niệm, TP Cần Thơ đã thắp 192 ngọn nến, tượng trưng cho 192 linh hồn của nạn nhân đã tử vong do TNGT trong năm 2011. Các nhà sư đã dành khoảng 30 phút đọc kinh cầu siêu cho các nạn nhân tử vong.
Lãnh đạo các Sở, Ban ngành TP Cần Thơ thắp hương tưởng niệm...
...cùng các nhà sư đọc kinh cầu siêu cho các nạn nhân tử vong trong đêm tưởng niệm 19/11 (Ảnh: Huỳnh Hải).
Một phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại buổi lễ, tối 19/11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk.
Bà Nguyễn Thị Mai (khối 5, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuôt, tỉnh Đắk Lắk) bật khóc như mưa trong buổi lễ bởi tai nạn giao thông đã cướp đi người con gái duy nhất của bà vào đêm 17/5, trong vụ thảm nạn Sê-rê-pôk. (Ảnh: Viết Hảo)
* Tối cùng ngày, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức "Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông" với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, đại diện của nhiều ban ngành, đoàn thể và hơn 500 đoàn viên thanh niên. Phát biểu lại buổi lễ, ông Y Đhăm E Nuôl - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, bày tỏ sự chia buồn sâu sắc đến các gia đình có nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, kêu gọi mọi người hãy chấp hành nghiêm chỉnh khi tham gia giao thông nhằm hạn chế tối đa tai nạn giao thông xảy ra đáng tiếc.
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT Đắk Lắk, chỉ từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 255 người chết và 586 người bị thương do tai nạn giao thông, điển hình là vụ tai nạn nghiêm trọng lật xe khách xảy tại cầu Sê-rê-pôk trên quốc lộ 14 khiến 34 người thiệt mạng, hơn 20 người bị thương.
Nhân dịp này, Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk đã trao 30 phần quà trị giá 60 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do có người thân mất vì tai nạn giao thông.
* Tại Đà Nẵng, để tưởng nhớ các nạn nhân đã mất vì tai nạn giao thông, tối 19/11, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Ban An tàn giao thông thả 1.000 hoa đăng trên Sông Hàn.
Thống kê của Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, TP Đà Nẵng xảy ra 118 vụ TNGT (3 vụ tai nạn đường sắt, 115 vụ tai nạn đường bộ) làm chết 90 người, bị thương 77 người. Trung bình mỗi tháng có 17 vụ TNGT. Hơn 90% các vụ TNGT chết người xảy ra trong giờ cao điểm là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia.
1.000 hoa đăng trên Sông Hàn để tưởng niệm nạn nhân TNGT (Ảnh: Công Bính)
Trước đó, sáng cùng ngày, Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức chương trình Tuổi trẻ Đà Nẵng hưởng ứng ngày Tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Diễn đàn "Thảm họa giao thông - Hãy hành động ngay" truyền tải thông điệp hưởng ứng ngày tưởng niệm TNGT, phân tích nguyên nhân, thực trạng TNGT trên địa bàn TP Đà Nẵng.
* Chiều 19/11, gần 2.000 đại biểu đại diện lực lượng vũ trang, cán bộ, đoàn viên thành niên, học sinh, sinh viên, gia đình thân nhân người bị tai nạn giao thông cùng đông đảo người dân đã dự Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Bình Định.
Mỗi năm tỉnh này có gần 300 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng hàng trăm người bị thương tật suốt đời. Trong đó có những trường hợp tai nạn giao thông đã cướp đi tính mạng của cả một gia đình hay có những vụ nạn nhân phải chịu di chứng nặng nề suốt đời.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT năm 2012 (Ảnh: Doãn Công)
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng ban Ban An toàn giao thông tỉnh, kêu gọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Mỗi gia đình, nhà trường cần phải giáo dục con em về ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông.
Tặng quà cho các gia đình khó khăn do có người chết vì tai nạn giao thông. (Ảnh: Doãn Công).
* Nhà văn hóa trung tâm tỉnh TT-Huế tối qua cũng lần đầu diễn ra lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Hàng trăm người dự buổi lễ không giấu được xúc động khi xem phóng sự về nỗi đau TNGT tại Huế.
Bàn tưởng niệm 142 nạn nhân vì TNGT tại tỉnh TT-Huế (Ảnh: Đại Dương)
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh TT-Huế có 142 người thiệt mạng vì TNGT. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng Ban ATGT TP Huế cho biết: "Con số trên quả thật cho thấy vấn đề TNGT còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh. Chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa ý thức, thái độ để không gây ra tai nạn giao thông khi đi trên đường".
Cũng theo GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, đa số những ca TNGT vào bệnh viện có tỷ lệ rất cao là có men bia rượu trong người. Và theo đó, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn ở những bệnh nhân này là cũng rất cao.
Ông Võ Văn Tươi, PGĐ Sở GTVT tỉnh TT-Huế nhấn mạnh: "Mọi người hãy ngày càng đề cao tinh thần không uống bia rượu, lưu thông an toàn trên đường thì tai nạn mới giảm. Tất cả chúng ta sẽ làm được nếu có ý thức".
Lãnh đạo tỉnh TT-Huế, TP Huế và người thân có nạn nhân bị tử nạn trong TNGT thắp nến (Ảnh: Đại Dương).
Theo Dantri
Mỗi ngày, 30 người "mãi mãi không về" vì TNGT Mỗi ngày, đất nước chúng ta có khoảng 30 người đi ra khỏi nhà rồi mãi không về nữa vì TNGT. Số liệu đưa ra tại "Lễ tưởng niệm nhạn nhân tử vong vì TNGT" tối qua (19/11) cho thấy, mỗi ngày, trên đất nước chúng ta trung bình có khoảng 30 người ra khỏi nhà rồi mãi mãi không trở về nữa...