Hình ảnh về năm 2022 đầy lửa đạn ở Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài hơn 10 tháng và chưa có dấu hiệu nào cho thấy hồi kết khi năm 2022 đã khép lại. Sự tàn phá, nỗi bi thương về một cuộc chiến đã hiện lên qua ống kính của các nhiếp ảnh gia, phóng viên báo chí.
Một cư dân Ukraine bị thương nằm bên trong xe cứu thương chờ đưa đến bệnh viện ở Kherson, ngày 24/11/2022. Ảnh: AP
Ngày 24/2, xung đột Nga – Ukraine bùng nổ khi Moskva tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng.
Các lực lượng Nga đã tấn công mạnh mẽ nhằm hướng Kiev, nhưng trước sự kháng cự quyết liệt của Ukraine, Moskva đã rút quân khỏi các khu vực xung quanh thủ đô vào tháng 4.
Giao tranh cũng diễn ra ác liệt ở phía nam và phía đông Ukraine, nơi Nga mở rộng vùng lãnh thổ do các lực lượng đòi độc lập kiểm soát từ năm 2014. Cảng Mariupol bên bờ Biển Đen của Ukraine thất thủ sau cuộc bao vây kéo dài 3 tháng khiến thành phố trở thành đống đổ nát.
Đoàn xe thiết giáp Nga di chuyển dọc theo một xa lộ ở Crimea vào 18/1/2022, chuẩn bị cho chiến dịch ở Ukraine. Ảnh: AP
Lực lượng dự bị Ukraine được huấn luyện tại trường bắn gần Kiev vào ngày 29/1/2022. Ảnh: EPA-EFE
Cơ sở quân sự của Ukraine cháy âm ỉ sau vụ pháo kích của Nga ở ngoại ô Mariupol vào ngày 24/2, trong đợt tập kích đường không của Nga trên khắp Ukraine. Ảnh AP
Thi thể người lính bên một chiếc xe bọc thép đã cháy gần Kharkiv, ngày 25/2/2022. Ảnh: EPA-EFE
Người dân Ukraine chạy trốn xung đột qua cửa khẩu biên giới Shehyni sang Ba Lan vào ngày 27/2. Tới đầu tháng 3, số người tị nạn Ukraine đã vượt 2 triệu, trở thành cuộc khủng hoảng di cư nhanh nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Một trung tâm thương mại ở Kiev bị bom san bằng vào ngày 21/3. Lúc này, các lực lượng Nga đang áp sát ngoại ô phía Tây Bắc Kiev. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Ukraine đi lại gần những xe bọc thép và xe tăng Nga bị phá hủy vào ngày 2/4, khi Ukraine đã giành lại được các thị thành phố, như Bucha, thuộc Vùng thủ đô Kiev. Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột đã khơi lên căng thẳng tới mức thù địch giữa Nga và phương Tây, thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan tìm kiếm tư cách thành viên NATO trong khi Mỹ và các quốc gia NATO cung cấp vũ khí mạnh mẽ cho Ukraine, cũng như tăng cường lực lượng ở Đông Âu, rìa phía đông của khối giáp với Nga.
Khi mùa đông đến gần, quân đội Ukraine – được hỗ trợ bởi vũ khí, đạn dược và vai trò huấn luyện từ Mỹ và các đồng minh khác – đã đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi thành phố Kherson, thủ phủ vùng Khersong ở miền Nam, một chiến thắng nâng cao tinh thần Kiev giữa cuộc xung đột khốc liệt chưa có dấu hiệu kết thúc.
Lực lượng Ukraine đầu hàng sau nhiều tuần cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Họ được đưa lên xe buýt tới khu giam giữ ở vùng Donetsk vào ngày 17/5. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Ukraine cắm quốc kỳ trên đảo Rắn, khi Kiev giành lại quyền kiểm soát trên 1.000 ngôi làng vào cuối tháng 6. Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột cũng khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt khi Moskva siết chặt nguồn cung cấp cho phương Tây để trả đũa các lệnh trừng phạt đối với Nga. Italy, Đức và các quốc gia khác phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga đã phải tranh giành các nguồn cung cấp năng lượng thay thế. Trước tình cảnh hàng triệu người phải vật lộn để trả các hóa đơn năng lượng, các chính phủ đã phải chịu áp lực mạnh mẽ có các biện pháp can thiệp giúp đỡ.
Video đang HOT
Binh sĩ Nga trên nóc xe tải quân sự trong lúc các phóng viên nước ngoài quan sát nông dân thu hoạch ngũ cốc gần Melitopol, miền Nam Ukraine vào ngày 14/7/2022. Một thỏa thuận do LHQ làm trung gian đã cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua cảng ở Biển Đen. Ảnh: AP
Lực lượng Ukraine nã hỏa lực về vị trí đối phương ở Kharkiv vào 24/8/2022, trong chiến dịch phản công lớn khắp khu vực. Ảnh: AP
Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương quan trọng, riêng Nga còn là nhà cung cấp phân bón chủ lực. Vì thế xung đột giữa hai nước cũng đẩy giá lương thực lên cao và làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian cho phép các tàu chở ngũ cốc rời cảng Biển Đen của Ukraine đã được ký kết vào tháng 7.
Binh sĩ Ukraine trên xe tăng tiến vào Izyum vào ngày 14/9, từng là một trung tâm hậu cần quan trọng cho chiến dịch của Nga. Ảnh: AP
Lính cứu hỏa Ukraine làm nhiệm vụ tại một tòa chung cư bị phá hủy ở Zaporizhzhia ngày 9/10/2022. Ảnh: AP
Dân thường được sơ tán khỏi Kherson, nơi Nga kiểm soát, được đưa tới Crimea vào 23/10/2022. Ảnh: Reuters
Kể từ ngày 10/10, sau cuộc tấn công nhằm vào cầu Crimea, Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đẩy hàng triệu người dân nước này vào cảnh thiếu điện và nhiệt sưởi ấm khi mùa đông tới. Chính phủ Ukraine đang cố gắng hành động nhanh nhất có thể, nhưng thực tế là không thể khôi phục điện cho từng người dân, bao gồm cả hơn ba triệu cư dân thủ đô Kiev.
Trung tâm thành phố Lviv, miền Tây Ukraine, tối đen do mất điện vào 15/11/2022, khi cơ sở hạ tầng năng lượng bị không kích. Ảnh: Reuters
Người dân nhận thực phẩm cứu trợ ở trung tâm thành phố Kherson, miền Nam Ukraine vào 18/11/2022, sau khi lực lượng Nga đã rút đi. Ảnh: AP
Sau khi Ukraine giành lại được thủ phủ Kherson ở miền Nam, cuộc xung đột đang tập trung vào điểm nóng ở Bakhmut, một thành phố chiến lược thuộc Vùng Donetsk, nơi các lực lượng Nga đã bao vây nhiều tháng qua.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (không đội mũ, đứng giữa) chụp ảnh chung với các binh sĩ ở tiền tuyến Bakhmut, vào cuối tháng 12/2022. Ảnh: AP
Binh sĩ Ukraine trong chiến hào lầy lội ở Bakhmut khi mùa đông chuẩn bị tới vào tháng 11/2022. Ảnh: Telegraph
Hai bên Nga và Ukraine đã nhiều lần đề xuất các kế hoạch đàm phán hòa bình, tuy nhiên, cả hai đều đổ lỗi cho đối phương không thiện chí với đàm phán.
Mới đây nhất, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine, nhưng nhận định Kiev và các đồng minh không muốn tham gia vào quá trình này. “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với mọi bên có liên quan để tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được nhằm chấm dứt xung đột, nhưng mọi thứ phụ thuộc vào Ukraine”, Tổng thống Putin trả lời phỏng vấn đài Rossiya 1 ngày 25/12.
Trong khi đó, ngày 26/12, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba đề xuất Liên hợp quốc tổ chức “hội nghị thượng đỉnh hòa bình”, với sự trung gian của Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kuleba tuyên bố rằng, Nga phải đối mặt với tòa án về tội ác chiến tranh trước khi đất nước của ông trực tiếp đàm phán với Moskva. Bình luận về đề xuất của Ngoại trưởng Kuleba, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng Nga “không bao giờ tuân theo các điều kiện do người khác đặt ra”.
Một người phụ nữ qua đường trong tuyết rơi tầm tã ở Kiev ngày 16/12. Ảnh: AP
Lý do Nga và Ukraine tập trung lực lượng, biến Bakhmut thành chiến trường ác liệt nhất hiện nay
Từ quan điểm quân sự, Bakhmut không có ý nghĩa chiến lược, nhưng giờ đây Bakhmut đã trở thành chiến trường chính với việc cả Ukraine và Nga đều đổ quân, xe tăng và pháo binh về đây.
Lính pháo binh Ukraine ở tiền tuyến Bakhmut tháng 11/2022. Ảnh: Getty Images
Đạn pháo của Nga dội xuống ngày càng gần hơn khi bà Ludmyla Bondarenko và bà Zoya Shilkova, mặc áo khoác lông bên ngoài nhiều lớp quần áo, ngồi trên chiếc ghế dài bên ngoài khu chung cư của họ, hít thở không khí trong lành vào một buổi chiều lạnh giá giữa những gì còn sót lại ở Bakhmut, thành phố miền đông Ukraine.
Tại một giao lộ gần đó, quân đội Ukraine đã sử dụng cần cẩu để đặt các tấm bê tông, gia cố cho khu phố. Ba chiếc xe tăng mới đến gầm rú chạy qua, với những lá cờ màu xanh và vàng phấp phới trên tháp pháo. Có thể nghe thấy tiếng súng máy ngắt quãng từ xa giữa những tiếng pháo nổ.
Bà Bondarenko, 76 tuổi, nói khi chỉ vào miệng hố gần đó do một quả đạn pháo để lại: "Chúng tôi đã quá quen với việc đó rồi, không còn chú ý nhiều nữa. Nó đã diễn ra trong nhiều tháng. Khi nào mới kết thúc đây?"."Có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc," bà bạn Shilkova, 75 tuổi, trả lời.
Khu căn hộ của họ không có hệ thống sưởi, điện hay nước sinh hoạt từ nhiều tháng nay. Thực phẩm có sẵn duy nhất là từ các tình nguyện viên. "Đó là một thảm họa nhân đạo. Đó là cách chúng tôi đang sống", bà Bondarenko nói.
Người phụ nữ gạn nước mưa trong vũng, gần tòa nhà bị pháo kích hư hại nặng ở Bakhmut, Ukraine. Ảnh: AFP/Getty Images
Các lực lượng Nga và Ukraine đã giao tranh để giành giật Bakhmut, một thành phố 70.000 dân trước xung đột, nổi tiếng với rượu vang sủi tăm, trong gần sáu tháng nay.
Tiếng súng nổ hàng ngày đã biến trung tâm thành phố một thời thanh lịch thành một chuỗi các mặt tiền bị phá hủy nham nhở, vô số mảnh vỡ vương vãi trên đường phố giữa những chiến hào mới đào và hàng rào chống tăng.
Quân Nga đã tiến đến vùng ngoại ô phía Đông của Bakhmut vào đầu tháng 7/2022, sau cuộc tấn công thành công của họ, chiếm được thành phố Lysychansk và Severodonetsk gần đó. Kể từ đó, làn sóng xung đột đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Kiev ở những nơi khác trong nước, khi các lực lượng Ukraine đánh bật quân đội Nga khỏi các khu vực rộng lớn ở Kharkiv, Donetsk và Kherson vào tháng trước.
Giờ đây, Bakhmut đã trở thành chiến trường chính của cuộc xung đột, với việc Ukraine và Nga đều đổ quân, xe tăng và pháo binh vào một cuộc tập trung hỏa lực hiếm thấy kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu khoảng 10 tháng trước. Ukraine và các nước phương Tây cho rằng lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga đã tham gia tấn công Bakhmut, bên cạnh hàng nghìn tân binh mà Moskva mới động viên hồi tháng 10.
Tương lai của Bakhmut rất quan trọng đối với Prigozhin, ông chủ của Wagner, người từng ca ngợi Wagner là lực lượng chiến đấu tốt nhất của đất nước và cam kết sẽ chiếm được thành phố này.
Binh sĩ Ukraine bắn súng cối về phía đối phương tại Bakhmut. Ảnh: AP
Với Tổng Tư lệnh lực lượng liên hợp Nga tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", Tướng Sergey Surovikin, trận chiến Bakhmut cũng là một bài kiểm tra quan trọng. Được bổ nhiệm vào đầu tháng 10, Tướng Surovikin đã biện minh cho việc rút quân khỏi Kherson vào tháng trước một phần bằng cách viện dẫn nhu cầu sử dụng lực lượng được rút cho các hoạt động tấn công ở những nơi khác.
Fedir Venislavskiy, một thành viên của Ủy ban An ninh quốc gia, quốc phòng và tình báo của Quốc hội Ukraine, nhận xét: "Surovikin phải thể hiện một số chiến thắng sau khi được bổ nhiệm. Điều mà giới lãnh đạo quân sự và chính trị Nga vô cùng mong muốn là chiếm được Bakhmut. Và đó là lý do tại sao cả Surovikin và Prigozhin đều dốc toàn lực vào đó."
Tính toán của Ukraine cũng không hoàn toàn dựa trên cơ sở quân sự. Bởi nếu Bakhmut thất thủ, thị trấn Chasiv Yar nằm ngay phía Tây của nó có thể cung cấp một tuyến phòng thủ thuận tiện cho 40% khu vực Donetsk do Ukraine kiểm soát mà Nga tuyên bố đã sáp nhập.
"Từ quan điểm quân sự, Bakhmut không có ý nghĩa chiến lược", chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine, Đại tá Oleksandr Syrsky, cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền hình Ukraine trong tháng 12 này. "Nhưng, nó lại có ý nghĩa tâm lý".
Một cuộc rút lui khỏi Bakhmut sẽ báo hiệu Ukraine mất thế chủ động sau bốn tháng tiến công ổn định, trong khi nâng cao tinh thần của Nga và khiến việc theo đuổi các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine ở Donetsk và khu vực Luhansk gần đó trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao, trong ba tuần qua, Ukraine đã mạnh mẽ đưa quân và thiết bị mới vào khu vực này.
Trong phần lớn cuộc giao tranh ở Bakhmut, Ukraine thường cố gắng tránh các trận đánh dàn quân, nơi cả hai bên đều tập trung nguồn lực của mình, nhận thức được rằng kiểu chiến tranh này có thể mang lại lợi thế cho Nga.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky (phải) trao huy chương Nhà nước cho một binh sĩ trong chuyến thăm của ông tới Bakhmut, ngày 20/12. Ảnh: AFP/Văn phòng TT Ukraine
"Một số điều khiến chúng tôi mạnh mẽ, chẳng hạn như tính độc lập, chủ động, khả năng hành động ngay cả khi không có mệnh lệnh rõ ràng, cũng có thể trở thành điểm yếu của chúng tôi khi nhiều đơn vị ở cùng một địa điểm và mỗi đơn vị lại có quan điểm riêng", Mykola Volokhov, một chỉ huy đơn vị trinh sát máy bay không người lái Terra, nói. Đơn vị của Volokhov được điều đến Bakhmut từ mặt trận Kherson trong tháng này. "Kết quả ở Bakhmut sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp giữa các lực lượng của chúng tôi", Volokhov nói thêm.
Một phần khác quyết định trận chiến Bakhmut là những gì xảy ra trên mặt trận Kreminna-Svatove ở phía Bắc, nơi các hoạt động tấn công của Ukraine đã bị sa lầy theo đúng nghĩa đen do điều kiện thời tiết khiến họ không thể vượt qua những con đường lầy lội. Tuy nhiên, các chỉ huy Ukraine cho biết, nhiệt độ đang giảm kéo dài có thể sẽ làm mặt đất đóng băng và cho phép các lực lượng Ukraine tiếp tục đẩy mạnh về phía Đông.
Nếu thành công, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho hậu phương quân Nga đang tấn công Bakhmut, có khả năng buộc họ phải rút lui.
Ngược lại, những bước tiến của Nga ở Bakhmut, nếu đến trước, sẽ làm giảm áp lực của Ukraine đối với Kreminna và Svatove.
Cách tiếp cận ban đầu của Nga ở Bakhmut trong mùa hè là dội mưa pháo hạng nặng vào thành phố, trước khi tổ chức tấn công bằng bộ binh. Đó là cách Nga chiếm thành phố Mariupol vào tháng 5, và cách họ chiếm Severodonetsk và Lysychansk vào tháng 6 và tháng 7. Tuy nhiên, nhiều tháng giao tranh ác liệt gần Bakhmut chỉ mang lại những lợi ích hạn chế cho phía Nga.
Một chỉ huy của khẩu đội lựu pháo Akatsiya 152 mm của Ukraine, mang biệt danh là "Captain", nói rằng cường độ hỏa lực của Nga ở Bakhmut những ngày này thấp hơn nhiều so với những gì anh đã trải qua ở mặt trận Kherson trước khi tái triển khai đến đây vào đầu tháng 12.
"Chúng tôi tập trung rất nhiều pháo binh ở đây" - "Đại úy" nói khi một khẩu lựu pháo M109 Paladin do Mỹ sản xuất, đặt phía sau anh khai hỏa. "Và tôi đoán người Nga đang bắt đầu hết đạn."
Binh sĩ Ukraine trong chiến hào ở Bakhmut. Ảnh: NYT
Cố gắng chiếm được các vị trí của Ukraine, lực lượng Wagner đang điều hết làn sóng này đến làn sóng khác các tay súng xông lên.
Trong khi đó, người Ukraine cũng đang gánh chịu thương vong ở đây. Tại một cơ sở y tế tạm thời được thành lập ở ngoại ô thành phố, sau khi bệnh viện dã chiến ở trung tâm Bakhmut liên tục bị pháo kích và đóng cửa, những chiếc túi nhựa đựng thi thể đang chất đống, chờ vận chuyển.
Mặc dù bị quân Nga bao vậy, cho đến nay ít nhất ba con đường tiếp tế chính cho Bakhmut vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Giao thông quân sự ra vào Bakhmut bất cứ lúc nào, với đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm được chuyển đến tiền tuyến và binh sĩ luân phiên đổi ca tại các vị trí chiến đấu đến các tiền đồn ở phía sau.
Khoảng 1/10 dân số Bakhmut trước xung đột vẫn ở lại thành phố. Họ gồm nhóm những người ủng hộ Moskva đang chờ Nga tiếp quản, những người quá nghèo, già yếu hoặc ốm yếu không thể rời đi, và những người Ukraine tin tưởng vào khả năng bảo vệ thành phố của quân đội Ukraine.
Tetiana Shcherbak là một y tá điều hành Trung tâm Phục hồi mới của Bakhmut được mở trong một cửa hàng bỏ hoang hồi đầu tháng 12. Ở đó, các tình nguyện viên phân phát trà, cà phê, thức ăn nóng và một số loại thuốc cho người dân địa phương.
Theo Tetiana Shcherba, sự giúp đỡ chính mà mọi người cần ở đây là giúp đỡ về mặt tâm lý và nó không đơn giản chút nào. Ở trung tâm, ít nhất mọi người có thể nói chuyện với nhau, xem tin tức trên TV và điều đó giúp họ dễ dàng tồn tại hơn.
Ý nghĩa chuyến thăm Mỹ bất ngờ của Tổng thống Ukraine giữa xung đột leo thang Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ củng cố vai trò của Mỹ với tư cách là nhà viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, đồng thời là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm tiền tuyến ở Bakhmut hôm 20/12. Ảnh: Reuters Chuyến công du bất ngờ Theo một số quan chức...