Hình ảnh tiểu bang North Carolina của Mỹ ‘xơ xác’ sau bão Helene
Sau cuộc “ tấn công dữ dội” của bão cấp 4 Helene, tiểu bang North Carolina đã chịu tổn thất nặng nề về người và của.
Nước ngập tại khu vực Asheville, North Carolina sau bão Helene ngày 28/9. Ảnh: Getty Images
Hàng trăm người dân bang North Carolina đã mắc kẹt tại nhà, bệnh viện, hệ thống giao thông… và đang chờ được giải cứu sau khi bão cuồng phong Helene càn quét qua nơi đây. Thống đốc North Carolina Roy Cooper chia sẻ với kênh CNN (Mỹ): “Ưu tiên hàng đầu là giải cứu mọi người và cung cấp hàng viện trợ. Tuy nhiên, mọi thứ đều ngập trong nước. Rất khó để lực lượng chức năng nhận ra chính xác vấn đề là gì”.
Bão cấp 4 Helene đã đổ bộ vào Florida đêm 26/9 với sức gió 225km/giờ. Tính đến nay, bão đã quét qua nhiều bang, trong đó có Florida, Georgia, North Carolina, South Carolina và Tennessee. Mặc dù Helene đã suy yếu thành bão nhiệt đới, nhưng nó cũng để lại hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản.
Kênh CNN đưa tin, bão Helene đã khiến 93 người tử vong trên 6 tiểu bang tại Mỹ, bao gồm South Carolina, Georgia, Florida, North Carolina, Virginia và Tennessee. Trong đó, North Carolina là bang chịu thiệt hại nặng nề nhất về người, với 36 trường hợp tử vong.
Lãnh đạo hạt Buncombe, North Carolina, nơi ghi nhận 30 trường hợp tử vong, ngày 29/9 cho biết đã nhận được khoảng 600 báo cáo về người mất tích.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) Craig Fugate đã trấn an mọi người không mất hy vọng. Việc mất liên lạc và không thể liên lạc với người thân không nhất thiết đồng nghĩa với điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Ông đồng thời nói thêm rằng mọi người sẽ được đoàn tụ khi sóng điện thoại di động và internet được khôi phục.
Trong khi đó, bão Helene khiến khoảng 300 con đường bị đóng cửa ở North Carolina và 150 con đường khác bị đóng ở South Carolina. Giới chức North Carolina vào ngày 29/9 thừa nhận rằng những đợt đóng cửa đó đã cản trở việc cung cấp nước cho các cộng đồng đang có nhu cầu.
Ngoài ra, khoảng 2,1 triệu khách hàng sử dụng điện đang trong tình trạng mất điện ở South Carolina, North Carolina, Georgia, Florida và Virginia. Cuối tuần qua, các công ty bảo hiểm ước tính thiệt hại của bão Helene có thể từ 15 tỷ đến hơn 100 tỷ USD.
Từ hôm 29/9, North Carolina đã bắt đầu “gượng dậy”, tiến hành khắc phục hậu quả sau bão.
Helene là cơn bão thứ 8 được đặt tên, của mùa bão Đại Tây Dương, bắt đầu từ ngày 1/6. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ dự đoán mùa bão Đại Tây Dương năm nay sẽ mạnh hơn mức trung bình do nhiệt độ đại dương ấm kỷ lục.
Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đang góp phần làm gia tăng sức mạnh và tần suất của các cơn bão. Nhiệt độ nước biển ấm lên là một trong những nhân tố khiến các cơn bão tăng cấp độ nhanh chóng.
Vào tối 29/9, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden đã được lãnh đạo FEMA và Cố vấn An ninh Nội địa báo cáo về nỗ lực khắc phục hậu quả bão Helene. Ông Biden dự kiến vào cuối tuần này đến thăm những khu vực chịu ảnh hưởng của bão Helene.
Mỹ: Ít nhất 44 người tử vong do bão Helene
Siêu bão Helene đổ bộ vào đất liền nước Mỹ với cường độ cấp 4 theo thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp.
Tính đến ngày 27/9, nhà chức trách đã ghi nhận 44 người tử vong do ảnh hưởng của bão và hàng triệu người đang sống trong cảnh mất điện trên khắp các bang ở miền Đông Nam.
Sau khi đổ bộ vào gần Tallahassee, thủ phủ bang Florida, cơn bão đã di chuyển lên phía bắc, gây ra mưa lớn kéo dài và gió mạnh, khiến hàng triệu người dân mất điện.
Theo trang web theo dõi poweroutage.us, tính đến tối 27/9, hơn 4,2 triệu khách hàng bị mất điện trên khắp 10 bang, từ Florida đến Ohio.
Mặc dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng Helene vẫn tiếp tục gây ra những hậu quả tàn khốc. Lũ lụt lịch sử đã nhấn chìm các cộng đồng, buộc lực lượng cứu hộ phải triển khai các hoạt động cứu nạn quy mô lớn. Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) cảnh báo rằng cơn bão vẫn đang gây ra lũ lụt nghiêm trọng và có nguy cơ xảy ra lũ quét tại Atlanta thuộc bang Georgia, cũng như các bang North Carolina, South Carolina và Tennessee. Lượng mưa lên tới 300 mm đã được ghi nhận ở dãy núi Appalachian, với một số vùng cục bộ thậm chí có thể lên tới 50 mm.
Tại South Carolina, ít nhất 20 người đã thiệt mạng, trong đó có các nhân viên cứu hỏa. Trong khi đó, Thống đốc Georgia Brian Kemp xác nhận 15 người đã thiệt mạng, đồng thời cho biết thành phố Valdosta đã xác định được 115 công trình bị hư hỏng nặng với nhiều người bị mắc kẹt bên trong.
Số người thiệt mạng ở bang Florida đã tăng lên tới 7 người. Thống đốc Ron DeSantis cho biết thiệt hại do Helene gây ra còn lớn hơn bão Idalia và Debby, cả hai đều tấn công khu vực Big Bend thuộc bờ biển phía Tây Bắc bang Florida trong 13 tháng qua.
Tại các khu vực bị ảnh hưởng, người dân phải đối mặt với những khó khăn lớn. Nhà cửa bị ngập lụt, cây cối đổ sập, và nhiều người đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn an toàn. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm và cứu hộ những người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình bị tàn phá.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết bà và Tổng thống Joe Biden "sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình", đồng thời cho biết chính quyền đã huy động 1.500 nhân sự để hỗ trợ các cộng đồng cư dân bị ảnh hưởng. Người đứng đầu Cơ quan Xử lý tình trạng khẩn cấp liên bang Deanne Criswell cho biết "hơn 600 cuộc giải cứu" đã được thực hiện.
Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Helene. Việc nước biển dâng cao và nhiệt độ đại dương tăng khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn và gây ra những thiệt hại khốc liệt hơn.
Phương Oanh (TTXVN)
Bão nhiệt đới Debby đổ bộ lần thứ hai vào đất liền nước Mỹ Ngày 8/8, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết cơn bão nhiệt đới Debby đã lần thứ hai đổ bộ vào đất liền nước này, chỉ vài ngày sau khi tấn công các bang Đông Nam và khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Ngập lụt do ảnh hưởng của bão Debby tại bang Florida, Mỹ ngày 4/8/2024. Ảnh: AP/TTXVN Theo...