Hình ảnh thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Argentina chở 44 người mất tích
Những hình ảnh đầu tiên về danh tính của 44 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina đã được hé lộ trong khi thông tin về vị trí chính xác của con tàu vẫn đang là ẩn số sau hơn một tuần mất tích.
Tàu ngầm ARA San Juan mất liên lạc trên Đại Tây Dương từ ngày 15/11 khi đang di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến cảng quê nhà Mar del Plata. San Juan mất tích tại khu vực cách bờ biển Argentina khoảng 430km cùng với 44 thành viên thủy thủ đoàn. Trong ảnh: Đại úy Eliana Maria Krawczyk, 35 tuổi, nữ sĩ quan Argentina duy nhất làm nhiệm vụ trên tàu ngầm, là một trong số 44 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu San Juan.
Là sĩ quan phụ trách vũ khí, Eliana Maria Krawczyk chịu trách nhiệm quản lý 22 ngư lôi trên tàu ngầm Argentina mất tích. Cô cũng là thành viên nữ duy nhất trên tàu này.
Sau gần 10 ngày, gia đình của các thủy thủ vẫn nuôi hy vọng về một phép màu xảy ra đối với người thân của họ mặc dù giới chuyên gia cho biết lượng oxy dự trữ trong tàu San Juan có thể chỉ đủ để dùng đến hết ngày 22/11. Trong ảnh: Chỉ huy trưởng tàu San Juan Pedro Martin Fernandez (áo trắng) đã báo cáo về sự cố của tàu trước khi mất liên lạc. Tuy nhiên sau đó ông Pedro báo cáo lại là đã khắc phục được sự cố.
Ngay sau khi tàu ngầm mất tích, Argentina đã triển khai hàng loạt máy bay, tàu cùng nhân sự tham gia chiến dịch tìm kiếm với sự hỗ trợ của 10 quốc gia khác. Trong ảnh: German Suarez (phải), một trong 44 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu San Juan, chụp ảnh cùng vợ.
Thủy thủ Fernando Santilli, 35 tuổi, chụp ảnh cùng vợ con. Fernando trở thành thủy thủ tàu ngầm từ cách đây 7 năm và mới lên chức cha. Vợ anh, Jessica Gopar, đã đăng một bức thư cảm động lên Facebook hôm 21/11 trong khi ngóng tin chồng trở về.
Đại úy Renzo Martin Silva, 32 tuổi, và bạn gái đã lên kế hoạch kết hôn vào năm sau. Thông tin về Renzo cùng 43 thành viên khác trên tàu ngầm San Juan cho đến nay vẫn đang là ẩn số.
Luis Niz, 25 tuổi, dự kiến sẽ làm đám cưới với bạn gái Alejandra Morales vào ngày 7/12 tới. Luis mới gia nhập thủy thủ đoàn trên tàu San Juan gần đây sau khi được thăng chức hồi năm ngoái.
Video đang HOT
Renzo Martin Silva, một thành viên trên tàu San Juan, lớn lên ở San Juan, Argentina – nơi con tàu được đặt tên theo.
Người phát ngôn của Hải quân Argentina Enrique Balbi ngày 22/11 cho biết gia đình các thủy thủ mất tích “đừng mất hy vọng” vì cơ hội sống sót của thủy thủ đoàn vẫn còn. Trong ảnh: Thủy thủ Mario Armando Toconas Oriundo là cha của một bé trai 8 tuổi. Vợ của Mario đang mang thai đứa con thứ hai.
Người nhà đau buồn khi nghe tin các thủy thủ trên tàu San Juan có thể không còn sống sót sau gần 10 ngày mất tích.
Hải quân Argentina thông báo trong cuộc họp báo hôm nay rằng tàu San Juan có thể đã bị nổ cực mạnh. Thông tin này khiến gia đình các thủy thủ vô cùng đau đớn.
Các sĩ quan Hải quân cũng không giấu nỗi sự thương xót dành cho đồng đội khi nghe tin dữ về tàu ngầm mất tích.
Nhiều người tỏ ra giận dữ vì lực lượng cứu hộ không thể xác định được vị trí của tàu ngầm mất tích. Họ chỉ trích cách thức ứng phó khủng hoảng của giới chức Argentina.
Công tác tìm kiếm tàu ngầm mất tích đang diễn ra khẩn trương ở phía nam Đại Tây Dương. Lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian, song giới chuyên gia cho rằng cơ hội sống sót của thủy thủ đoàn là rất thấp.
Bản đồ mô tả vị trí mất tích (vòng tròn đỏ) của tàu ngầm San Juan (Ảnh: Dailymail)
Thành Đạt
Theo Dantri
Ảnh: Dailymail, AFP
Tàu ngầm Argentina chở 44 người mất tích: Cơ hội sống sót tính bằng giờ
Các chuyên gia quốc phòng nhận định cơ hội sống sót của 44 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm ARA San Juan của Argetina sau 5 ngày mất liên lạc đang ngày càng ít dần và có lẽ chỉ còn tính bằng giờ.
Tàu San Juan rời cảng Buenos Aires năm 2014 (Ảnh: New York Times)
Tín hiệu thất bại
Tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina chở 44 thành viên thủy thủ đoàn đã mất tích suốt 5 ngày qua ở khu vực biển động trên Đại Tây Dương. Vị trí cuối cùng của tàu San Juan được xác nhận là ở cách bờ biển phía nam của Argentina khoảng 432 km vào sáng sớm ngày 15/11. Bộ Quốc phòng Argentina cho biết cơ quan này đã nhận được 7 cuộc gọi vệ tinh thất bại vào cuối buổi sáng và đầu buổi chiều ngày 18/11 với thời lượng kéo dài từ 4-36 giây và nghi rằng đây có thể là tín hiệu phát đi từ tàu ngầm San Juan.
Tuy nhiên, hy vọng về cơ hội sống sót của 44 người trên tàu ngầm San Juan ngày càng ít đi khi giới chức hải quân Argentina cho biết các cuộc gọi vệ tinh mà Bộ Quốc phòng nước này nhận được có thể không phải từ tàu ngầm mất tích. Chính phủ Argentina vẫn đang nỗ lực phối hợp với một công ty chuyên về liên lạc vệ tinh của Mỹ để xác định vị trí tàu San Juan.
"Các cuộc gọi đang được phân tích nhưng chúng tôi không có bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng bắt nguồn từ tàu ngầm", CNN dẫn lời Đô đốc Gabriel Gonzales, quan chức hải quân Argentina chịu trách nhiệm tại căn cứ ở Mar del Plata, nơi tàu San Juan dự kiến cập bến vào ngày 19/11, cho biết.
Tàu ngầm mất liên lạc khi di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến cảng Mar del Plata (Ảnh: BBC)
Trong khi đó, quân đội Argentina, với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia trong khu vực, đang đẩy mạnh chiến dịch tìm kiếm tàu San Juan mặc dù những nỗ lực của họ đang bị cản trở đáng kể do thời tiết xấu.
"Thời tiết ở khu vực tìm kiếm tiếp tục gây khó khăn. Chúng tôi đang phải đương đầu với những đợt sóng cao từ 6-8 m trong khi sức gió lên tới hơn 70 km/giờ. Không may mắn là có vẻ như thời tiết xấu như thế này sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm 48 giờ tới" , BBC dẫn lời Đô đốc Gonzales cho biết.
Cơ hội sống sót tính bằng giờ
Giáo sư Đại học Quốc gia Australia James Goldrick, cựu lãnh đạo Viện Lực lượng Phòng vệ Australia, nói với News.com.au rằng cơ hội sống sót của các thủy thủ trên tàu San Juan rất thấp.
"Cứ mỗi giờ trôi qua, khả năng tìm thấy họ sống sót trở về càng ít đi. Tôi không hy vọng nhiều rằng sẽ tìm thấy họ. Sẽ thật tuyệt vời nếu như đó chỉ vấn đề về lỗi liên lạc (của con tàu), tuy nhiên sau ngần ấy thời gian, tôi không tin điều đó sẽ xảy ra. Chúng ta nên đối mặt với tình huống xấu nhất", Giáo sư Goldrick, cựu đô đốc của Hải quân Australia, nhận định.
Eliana Krawczyk, nữ sĩ quan tàu ngầm đầu tiên của Argentina, là một trong số 44 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu San Juan (Ảnh: AFP)
Theo New York Times, viễn cảnh khả quan nhất hiện nay là hệ thống liên lạc của tàu ngầm bị trục trặc, có thể do cháy nổ hoặc bị ngấm nước, nên không thể phát tín hiệu về đất liền. Tuy nhiên, hệ thống liên lạc hỏng không làm ảnh hưởng tới khả năng di chuyển của tàu và như vậy lẽ ra con tàu này phải cập cảng Mar del Plata theo đúng lịch trình.
Hải quân Argentina cho biết lượng lương thực và khí oxy trên tàu ngầm San Juan đủ cho các thành viên thủy thủ đoàn sống sót trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa thì điều này cũng không có tác dụng. Trong khi đó, một số người tỏ ra lo ngại vì San Juan là một tàu ngầm cũ của Argentina, được chế tạo từ năm 1984.
Trở ngại kỹ thuật
Theo Sputnik, thông thường các tàu ngầm đều được trang bị Phao vô tuyến chỉ báo vị trí cấp cứu (EPIRB). Loại phao này được thả nổi trên mặt biển để phát tín hiệu lên vệ tinh, từ đó thông báo vị trí tàu ngầm gặp nạn trong trường hợp tàu không thể liên lạc với sở chỉ huy trên đất liền. Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, trong trường hợp tàu ngầm San Juan ở vị trí rất sâu dưới mặt nước biển thì dây cáp nối của phao EPIRB có thể không đủ độ dài để đưa phao nổi lên mặt nước.
Các sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh trên tàu tuần tra HMS Protector đang hỗ trợ Argentina tìm kiếm tàu San Juan mất tích. (Ảnh: News.com.au)
Hơn nữa, với những tàu ngầm cũ như San Juan, khả năng kích hoạt phao EPIRB có thể sẽ gặp trục trặc. Ngoài ra, trong khoang của tàu ngầm cũng có một thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp khác, tuy nhiên nếu tàu ngầm gặp phải sự cố nghiêm trọng như đâm phải một vật thể nào đó khi đang di chuyển thì thiết bị này cũng không phát huy tác dụng.
Theo Giáo sư Goldrick, độ lặn sâu của tàu ngầm cũng là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sống sót của các thành viên thủy thủ đoàn. Nếu vị trí của tàu ngầm so với mặt nước biển không quá sâu thì cơ hội sống sót vẫn còn, nhưng nếu tàu ngầm chìm sâu dưới lòng đại dương thì tất cả sẽ gặp nguy hiểm vì "ở dưới độ sâu nhất định, vỏ tàu sẽ vỡ ra".
Khi tàu bị chìm xuống quá sâu thì ngay cả các thiết bị lặn cũng không thể giúp các thành viên thủy thủ đoàn ngoi lên mặt nước do cơ thể người không thể chịu được áp lực nước ở độ sâu như vậy. Ngay cả trong trường hợp họ may mắn thoát ra khỏi tàu ngầm và nổi lên mặt nước thì khả năng sống sót cũng rất thấp vì phải lênh đênh giữa một vùng nước lạnh trong thời gian dài trước khi các lực lượng cứu hộ tìm thấy họ.
Hải quân Argentina cho biết do tàu ngầm được thiết kế để hoạt động dưới nước và tránh sự theo dõi của đối phương nên màu sơn của tàu có thể hòa lẫn với nước biển. Đây cũng là một trong số nguyên nhân khiến việc tìm kiếm tàu gặp nhiều khó khăn.
San Juan là một trong 3 tàu ngầm của Hải quân Argentina. Tàu ngầm này dài 65 m, rộng 7 m do Đức sản xuất và được nâng cấp từ năm 2007-2014 để có thể kéo dài thời gian hoạt động thêm 30 năm. Tàu ngầm mất tích trên Đại Tây Dương khi đang di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến cảng quê nhà Mar del Plata. Argentina đã huy động hàng loạt máy bay, tàu quân sự, tàu nghiên cứu khoa học, tàu phá băng và tàu đánh bắt cá để tìm kiếm tàu ngầm mất tích cùng với sự hỗ trợ của Brazil, Anh, Chile, Mỹ và Uruguay.
Thành Đạt
Theo Dantri
Bí ẩn từ tín hiệu đau khổ từ tàu ngầm bị mất tích Các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm bị mất tích cùng thủy thủ đoàn của họ sau khi nhận được tín hiệu đau khổ đầy bí ẩn, nhưng họ không biết chúng được gửi từ đâu. Tàu ngầm Argentina bị mất tích phát tín hiệu cuối cùng vào ngày thứ Tư tuần trước. Tàu ngầm mất tích ARA San...