Hình ảnh Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trước giờ khánh thành
Sáng 15/7, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa sẽ khánh thành giai đoạn 1. Đến nay, các hạng mục đã hoàn tất gồm: cụm tượng đài những người nằm lại phía chân trời, khu trưng bày kỷ vật của các liệt sĩ Gạc Ma, quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây cảnh…
Chiều 14/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, Thành viên Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết, hiện nay việc chuẩn bị cho lễ khánh thành vào sáng mai đã hoàn tất. “Công tác chuẩn bị cho buổi lễ đã được làm chu đáo như về điện, nước, công tác vệ sinh, y tế, an ninh trật tự…”, ông Hòa cho biết
Theo đó, lễ khánh thành giai đoạn 1, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma có khoảng 300 đại biểu, lãnh đạo các đơn vị, gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quân chủng Hải quân, Quân khu 5, UBND tỉnh Khánh Hòa… “Buổi lễ cũng có sự hiện diện của thân nhân 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma và 30 cựu chiến binh từng chiến đấu ở Gạc Ma, ở Trường Sa”, ông Nguyễn Hòa cho PV Dân trí biết khi đang có mặt tại khu tưởng niệm để chuẩn bị cho buổi lễ.
Theo ông Hòa, sau 2 năm thi công thì đến nay giai đoạn 1 của dự án đã hoàn tất, gồm các hạng mục: cụm tượng đài những người nằm lại phía chân trời, khu trưng bày kỷ vật của các liệt sĩ Gạc Ma, quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây cảnh, đường dành cho người khuyết tật…
Trước đó, vào ngày 13/3/2015, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được thực hiện trên vùng đất rộng 2,5 ha, thuộc bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.
Trước đó, ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hy sinh.
Trong trận hải chiến không cân sức đó, thiệt hại của Việt Nam bao gồm 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương… Đến nay, đã 29 năm kể từ ngày trận hải chiến nổ ra, nhân dân Việt Nam vẫn khắc khoải tưởng nhớ, hướng về các anh hùng liệt sĩ hy sinh đã hòa máu xương vào biển cả, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hình ảnh Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trước giờ khánh thành, chiều 14/7 được PV Dân trí thực hiện:
Cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”
Đường xuống tham quan khu bảo tàng trưng bày các kỷ vật của chiến sĩ Gạc Ma
Video đang HOT
Bên sau cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được thiết kế con đường đi xuống bảo tàng ngầm rất đặc biệt
Một lá cờ Tổ quốc được thiết kế ở trước khu trưng bày kỷ vật của các liệt sĩ Gạc Ma
Các chiến sĩ bộ đội tham gia công tác chuẩn bị cho lễ khánh thành
Xung quanh các cụm kiến trúc điểm nhấn là các thảm cỏ xanh mướt cùng cây xanh
Bảo tàng ngầm Gạc Ma tại Khu tưởng niệm – nơi trưng bày các kỷ vật của liệt sĩ Gạc Ma do gia đình hiến tặng
Tàu HQ 604 bị bắn chìm trong sự kiện 14/3/1988 được trưng bày tại bảo tàng ngầm Gạc Ma
Các chiến sĩ Gạc Ma đã thể hiện sự hiên ngang, bất khuất bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc
Viết Hảo
Theo Dantri
Nước mắt ân tình trong cuộc hội ngộ của cựu binh Gạc Ma
Những người lính từng làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền Gạc Ma tháng 3/1988, có cuộc hội ngộ xúc động bên giường bệnh một người đồng đội bị ung thư.
Ngày 19/11, cựu binh Dương Văn Dũng - bệnh nhân ung thư, được đẩy trên xe lăn từ phòng bệnh ra một phòng họp nhỏ tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Dù phải ngồi khom người để nén những cơn đau, nhưng ông Dũng đã nở nụ cười tươi, đưa tay chào theo điều lệnh khi bất ngờ gặp 6 đồng đội trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma (14/3/1988) cùng bị Trung Quốc bắt giữ.
Vừa nhìn thấy đồng đội, cựu binh Trương Văn Hiền (Đắk Lắk) bật khóc, đưa tay gạt những giọt nước mắt trên khuôn mặt. "Dũng là ân nhân cứu mạng tôi trong trận chiến Gạc Ma", ông tâm sự và cho biết đồng đội Dũng trong giây phút sinh tử đã đẩy cho mình tấm ván bằng gỗ để nổi trên mặt nước. 64 đồng đội khi đó đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ.
Khi cựu binh Dũng được đẩy xe lăn ra phòng gặp mặt đồng đội, cựu binh Hiền (bìa phải) đã không cầm nổi nước mắt. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Dũng là người duy nhất trong số 10 chiến sĩ hải quân quê Đà Nẵng còn sống sót. 4 năm sau trận chiến, những người lính Gạc Ma được phía Trung Quốc trả tự do. Họ giải ngũ và mưu sinh bằng đủ nghề. Ông Dũng đi làm thợ nề, còn vợ bươn chải kiếm sống bằng việc bán rau ở chợ để nuôi 3 người con.
Tháng 7/2015, ông Dũng đến khám bác sĩ trong một lần đau nặng và bàng hoàng khi nhận kết quả mắc ung thư. Trải qua nhiều lần xạ trị, bệnh đã di căn vào não. Gia cảnh đã nghèo nay lại phải vay nợ để có tiền chữa trị, gia đình ông Dũng lâm cảnh khốn khó. Đồng đội khi hay tin đã kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội.
Một nhóm sinh viên ở Hà Nội có ý tưởng sẽ dành cho ông Dũng điều bất ngờ ngay tại bệnh viện, đó là tổ chức cuộc hội ngộ giữa những cựu binh Gạc Ma từng bị Trung Quốc giam giữ. Sau nhiều nỗ lực, chương trình được thực hiện với sự giúp đỡ nhiệt tình của một số nhà báo ở Đà Nẵng.
Ông Dũng được đồng đội khoác lên mình chiếc áo hải quân và được nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ tặng hoa động viên. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Gặp các bạn mình vui lắm", ông Dũng nói khi trên môi nở nụ cười tươi. Sau những cái siết chặt bàn tay, những người đồng đội vây quanh ông, đưa những tấm ảnh chụp chung ngày vừa được thả tự do, chỉ mặt đọc tên từng người. "Có sáu đứa tụi mình ở đây sẽ chia bớt những cơn đau cho Dũng", cựu binh Nguyễn Văn Thống (quê Quảng Bình) nói.
Đồng đội cùng nhau may tặng ông Dũng chiếc áo hải quân, họ cẩn thận mặc vào cho bạn, ông Dũng không ngồi trên xe lăn nữa mà nhờ bạn đỡ mình đứng dậy. Họ xếp thành hàng, đưa tay lên chào theo điều lệnh quân đội khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Ông Dũng đầu trọc lóc sau những đợt hóa trị không còn dáng vẻ tiều tụy của một bệnh nhân. Những cơn đau dường như không còn giữa những tiếng cười.
Nhiều người nhà bệnh nhân kéo đến xem cuộc hội ngộ trong bệnh viện. "Ông ấy là lính hải quân bảo vệ Trường Sa", tiếng những người phụ nữ bảo nhau. Nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ đến bên bệnh nhân Dũng, nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của tổ quốc Việt Nam. "Tất cả chúng ta luôn tri ân những người đã cầm súng bảo vệ Gạc Ma".
Nắm chặt tay đồng đội, cựu binh Nguyễn Văn Thống động viên bạn cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Đông.
Những người đồng đội dìu ông Dũng về giường bệnh. "Kiên cường lên Dũng ơi! Súng đạn không giết được tụi mình, giờ hãy gắng hết sức chiến đấu với bệnh tật. Đừng bỏ cuộc!", những người lính Gạc Ma động viên bạn.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Tái hiện cuộc hải chiến Gạc Ma trên 2,5 hecta Hơn chục nghệ nhân dựng lều trú tạm bên công trường, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, xẻ những phiến đá nguyên khối để tạc tượng người lính hải quân trong dự án xây Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa. Một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc...