Hình ảnh hiện trường sạt lở Rào Trăng 3 và nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích
Tại hiện trường trạm kiểm lâm 67, nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích, một lượng lớn đất đá lên đến hàng trăm nghìn mét khối bị kéo trượt xuống phía đường quốc lộ.
Đến nay, các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tiếp cận được hiện trường sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, nơi nhiều người mất tích và trạm kiểm lâm 67, nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích. Các địa điểm này đều tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hơn 700 cán bộ, chiến sĩ của LLVT Quân khu 4 và các đơn vị tăng cường của Bộ Quốc phòng đang nỗ lực, tổ chức các biện pháp tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân còn mất liên lạc tại Tiểu khu 67.
Trực tiếp chỉ huy các lực lượng cứu hộ, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 và Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa, Phó chính ủy Quân khu 4 đã tổ chức kiểm tra toàn bộ khu vực xảy ra sự cố. Tại hiện trường, một lượng lớn đất đá lên đến hàng trăm nghìn mét khối bị kéo trượt xuống phía đường quốc lộ…
Một số hình ảnh tại hiện trường Tiểu khu 67 do báo Quân đội nhân dân cung cấp:
Cảnh vật ngổn ngang tại khu vực 13 cán bộ Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế và chính quyền địa phương mất liên lạc.
Lãnh đạo Quân khu 4 tiếp cận hiện trường để đánh giá và chuẩn bị phương án cứu hộ-cứu nạn.
Đội tìm kiếm cứu nạn của Trường Trung cấp 24 Biên phòng nỗ lực tìm kiếm đồng đội bị mất tích.
Công tác cứu hộ – cứu nạn diễn ra nhanh chóng hơn với máy móc.
Đoàn công tác rất vất vả mới tiếp cận được tới Tiểu khu 67.
Một số hình ảnh tại Thủy điện Rào Trăng 3 do báo Thừa Thiên-Huế cung cấp:
Video đang HOT
Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 chụp từ trên cao.
Lượng đất đá khổng lồ sạt lở làm vùi lấp lán trại nhóm công nhân đang ngủ
Một số công nhân của thủy điện sử dụng phương tiện tại chỗ, cố gắng tìm kiếm người bị nạn
Những tảng đá to sạt lở vùi lấp khiến công tác tìm kiếm gặp khó khăn
Dùng flycam rà toàn bộ hiện trường
Từ thủy điện Rào Trăng 3, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã bay flycam quan sát thủy điện A Lin B2 cách đó không xa. Qua hình ảnh từ flycam, lực lượng cứu hộ xác định thủy điện A Lin B2 vẫn an toàn. Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã liên lạc được với 14 công nhân đang ở thủy điện A Lin B2 sau nhiều ngày mất liên lạc. – Ảnh: VNE
Cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3: Cầu bình an trở về
Những người trong đoàn cứu hộ thoát khỏi vụ sạt trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 cứu liên tục cất tiếng gọi "đồng chí ơi...".
Ngày 14/10/2020, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận đường tới khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) để thực hiện công tác cứu hộ sau khi vùng này bị sạt lở do mưa lũ gây ra.
Lực lượng chức năng xác định đã tìm thấy thi thể 3 nạn nhân tử vong ở thủy điện Rào Trăng 3. Cụ thể, cả 3 nạn nhân này cùng trú tại thôn Xuân Tây (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Tình hình thời tiết trên khu vực Thừa Thiên - Huế vẫn là những cơn mưa nặng hạt kéo dài nhưng công tác cứu hộ vẫn được diễn ra khẩn trương.
Do đất đá sạt lở, đi thuyền được một đoạn, đoàn phải chuyển hướng băng rừng thêm 2 km mới tiếp cận hiện trường thủy điện Rào Trăng 3.
Dân thương bộ đội lắm
Trong thời gian này, hàng loạt đoàn xe cứu hộ đưa điều động tiến vào khu vực hiện trường, nơi bị cô lập bởi nước đoạn đường chừng gần 20km.
Bà Thu (64 tuổi) nhà ngay cạnh con đường lên Thủy điện Rào Trăng 3 nói "Thấy bộ đội đi giống chiều hôm tê quá (12/10)".
Thế rồi bà kể hôm đó trời mưa rất to, người dân đều ở trong nhà, bà thấy hai chiếc xe chở bộ đội đi về phía núi.
Trước đó, bà con đã nghe thông tin 17 công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 gặp nạn nên đoán bộ đội đi cứu người.
"Ai mà ngờ, chừ bộ đội lại đi tìm 13 đồng đội mất liên lạc, tìm công nhân nữa", bà Thu thở dài.
Lúc bà Thu kể, thân nhân những công nhân mất tích im lặng lắng nghe. Đôi mắt họ rưng rưng. Trong tình cảnh này, chẳng ai làm được gì ngoài chờ đợi.
Từ khi lập Sở chỉ huy tiền phương phục vụ cuộc tìm kiếm người gặp nạn, người dân vừa trải qua lũ lụt vẫn sẵn sàng tiếp ứng nhu yếu phẩm, tham gia nấu ăn cùng bộ đội ở trường học trong xã.
"Dân ở đây thương bộ đội lắm, có chi cũng sẵn sàng sẻ chia", bà Thái Thị Tín (50 tuổi) nói.
Các lực lượng và phương tiện khẩn trương triển khai phương án tìm kiếm các nạn nhân.
Những lời kể thắm tình quân dân của những người chị, người mẹ khiến ai nấy xúc động. Bà Tín vừa mang ít dưa môn muối và rau tươi sang ủng hộ, ông Nguyễn Ngọc Hòa (56 tuổi) mang con gà và nói vợ sang phụ bộ đội nấu ăn...
Bàn trà trước nhà bà Tín, những người dân chất phác ngồi ngóng về núi, nỗi lo đầy trong mắt.
Ông Trần Quang Dũng (64 tuổi) đăm chiêu nghe câu chuyện của hàng xóm. Ông nhẩm tính điều gì đó rồi cất giọng "Phải qua ba sông Khe Ốt, Đò Ho Mạ, Đò Ho Con, rồi cả hàng chục con suối nữa mới đến Rào Trăng 3. Mùa này nước lớn nữa, khổ lại thêm khổ".
Chén trà vơi đi qua những lời chia sẻ, những câu chuyện đượm tình quân dân cứ nhiều dần.
Những người đàn ông bảo lực lượng cứu hộ lo thời tiết xấu nguy hiểm cho người dân, nhưng chỉ cần bộ đội hay chính quyền kêu gọi, sẵn sàng tiến lên núi tham gia cứu hộ. Còn những người phụ nữ mấy ngày qua cầu trời phù hộ cho tất cả đều bình an trở về nhà...
Lời người trở về
Tuyến đường tỉnh lộ 11B qua trung tâm xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) nơi đặt sở chỉ huy tiền phương vụ cứu hộ cứu nạn vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 dồn dập phương tiện, lực lượng vào hiện trường.
Thân nhân các công nhân mất tích nhiều ngày qua từ thành phố Huế, Quảng Trị cũng cũng nóng ruột, lo lắng lên đợi ngóng tin con.
Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Lê Thành Vũ (quê Quảng Ngãi), một trong số những công nhân may mắn thoát khỏi sự cố sạt lở đất kinh hoàng cho biết, anh ở lán dưới cách khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (nơi bị sạt lở) khoảng 1km.
Khoảng 20h30 tối 11/10, có khoảng 20 người từ khu vực nhà điều hành xuống khu vực lán của anh Vũ để ở. Đến khuya cùng ngày, thì bất xảy ra sạt lở và cuốn văng toàn bộ nhà điều hành xuống suối.
"Sau tiếng nổ lớn, đất đá đổ ập xuống khiến toàn bộ nhà điều hành bị cuốn văng xuống suối. Một số người may mắn chạy thoát và nhanh chóng lên khu vực khác để trú nạn. Số còn lại bị mất tích", anh Vũ nhớ lại.
Cũng theo anh Vũ, sau khi xảy ra vụ sạt lở, những công nhân thoát nạn ở lán trại nhanh chóng lên lại khu nhà điều hành để ứng cứu, tìm kiếm những người gặp nạn.
"Sau thời gian tìm kiếm không có kết quả, cùng với việc mưa lớn và địa hình hiểm trở, nguy hiểm nên cả nhóm đã băng rừng, lội suối mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ về khu vực thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn và cầu cứu", anh Vũ, chia sẻ.
Ngày 13/10/2020, một đoàn cán bộ hơn 20 trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 cũng gặp nạn. Còn 13 người chưa liên lạc được.
Một trong những người trong đoàn thoát ra được trở về kể lại, vào nửa đêm, khi cơn mưa nặng hạt, đoàn cứu hộ đang tranh thủ chợp mắt tại đồn kiểm lâm trong khe núi thì bất ngờ nghe thấy 2 tiếng nổ lớn cách nhau chỉ vài phút rồi đất bùn ùn ùn từ trên cao đổ xuống.
Có người chạy được, thoát ra, có người không rõ tình hình thế nào, khu cảnh hỗn loạn, tiếng gọi "đồng chí ơi; có ai không cất lên..." để mong có sự hồi đáp lại, xác nhận là có người còn sống.
"Tôi vừa chạy vừa gọi, nghe thấy văng vẳng đâu đó có tiếng người cũng đang gọi, tôi lại dừng lại dõi mặt về phía sau, trong đêm tối mong chờ... rồi tiếp tục chạy vì đất bùn đang áo tới như muốn ôm trọn lấy thân minh" - người này kể lại.
Liên quan đến vụ việc này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã tiếp cận được hiện trường Trạm dừng chân 67 nơi 13 thành viên đoàn cứu hộ gồm cán bộ, chiến sĩ mất tích. Hiện, lực lượng quân đội đang xác định vị trí và dùng xe cẩu, chó nghiệp vụ để truy tìm tung tích các nạn nhân.
Miền Trung: 44 người chết do mưa lũ Tính đến chiều 14/10, các tỉnh miền Trung đã có 44 người chết do mưa lũ. Theo đó, Quảng Bình có 2 người, Quảng Trị: 13 người, Thừa Thiên Huế: 10 người, Đà Nẵng: 3 người, Quảng Nam: 10 người, Quảng Ngãi: 3 người, Gia Lai: 1 người, Đắk Lắk: 1 người, Kon Tum: 1 người và vẫn còn mất tích 6 người....