Hình ảnh đối lập của TPHCM trong và sau cách ly xã hội phòng dịch COVID-19
Trái ngược với cảnh vắng vẻ trong những ngày đầu cách ly xã hội, TPHCM bắt đầu hối hả, nhộn nhịp trở lại trong những ngày gần đây.
TPHCM vừa trải qua 22 ngày cách ly xã hội kể từ 0h ngày 1.4 để phòng, chống dịch COVID-19. Trong những ngày đầu cách ly xã hội nhiều tuyến đường ở thành phố sầm uất bậc nhất cả nước bỗng chốc vắng vẻ lạ thường. Trong hình là tuyến đường Nguyễn Tri Phương chụp hôm 4.4 (bên trái) và hôm 24.4 (bên phải). Ảnh: Hà Phương.
Mật độ giao thông trên các ngả đường đang có dấu hiệu tăng lên, nhất là sau khi TPHCM trong những ngày nới lỏng xã hội. Ảnh: Hà Phương.
Cũng giống như các tuyến đường khác, mật độ giao thông trên Hoàng Văn Thụ (Quận Tân Bình) hôm 6.4 (ảnh trái) và hôm 23.4 (ảnh phải). Ảnh: Hà Phương.
Các phương tiện thưa thớt di chuyển hôm 2.4 (ảnh trái) và dòng xe nối đuôi nhau hôm 23.4 tại vòng xoay Cộng Hòa – nút giao giữa quận 1, quận 3, quận 5 và quận 10 (TPHCM). Ảnh: Hà Phương.
Sau 5 ngày cách ly xã hội người dân TPHCM đi lại nhiều hơn so với ngày đầu. Tuy nhiên, lưu lượng xe trên các tuyến đường trong những ngày sau cách ly xã hội có xu hướng tăng lên. Trong hình là tuyến đường Thành Thái (Quận 10) chụp hôm 8.4 (ảnh trái) và hôm 25.4 (ảnh phải). Ảnh: Hà Phương.
Đường Nguyễn Văn Cừ hôm 8.4 (ảnh trái) và hôm 25.4 (ảnh phải). Ảnh: Hà Phương.
Video đang HOT
Trước đây, tuyến đường 3/2 luôn nhộn nhịp và thậm chí ùn tắc trong giờ cao điểm. Những ngày cách ly xã hội là thời điểm hiếm hoi thấy được hình ảnh vắng lặng của tuyến đường này. Hình trái chụp hôm 3.4 và hình phải chụp hôm 23.4. Ảnh: Hà Phương.
Trong những ngày nới lỏng cách ly, người dân vẫn được khuyến cáo cần hạn chế ra đường, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, rửa tay thường xuyên với xà phòng/dung dịch xịt khuẩn có cồn… để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Hà Phương.
HÀ PHƯƠNG
Quán cơm, xe buýt ở Hà Nội mở cửa đón khách 'hậu cách ly' ra sao?
Nhiều biện pháp giãn cách xã hội, đảm bảo phòng, chống COVID-19 đã được người Hà Nội áp dụng trong ngày đầu hoạt động trở lại sau ba tuần cách ly xã hội.
Cửa hàng ăn của ông Nguyễn Đức Sơn tại phố Phủ Doãn lắp các tấm nhựa chắn để đảm bảo việc giãn cách cho khách hàng - Ảnh: NAM TRẦN
Quán cơm lắp tấm chắn chống giọt bắn
Ngày đầu tiên mở cửa trở lại, ông Nguyễn Đức Sơn, 55 tuổi - chủ quán cơm trên phố Phủ Doãn - đã cùng nhân viên lắp đặt tấm chắn bằng nhựa chống giọt bắn trên bàn ăn.
Cửa hàng của ông Sơn có khoảng 10 bàn, ngày thường mỗi bàn đón chừng 6-8 lượt khách, bàn nhỏ sẽ đón chừng 4 lượt khách. Nay, với tấm chắn, mỗi bàn lớn chỉ phục vụ 4 lượt khách, còn bàn nhỏ thì 2 khách.
Ngoài ra, quán còn bố trí bàn rửa tay sát khuẩn cho khách với đầy đủ nước rửa tay, cồn sát trùng. Kinh doanh đối diện bệnh viện, khách hàng đến ăn tại quán ông Sơn chủ yếu là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Ông Sơn chia sẻ, trong dịch COVID-19 dù mất thời gian một chút, thậm chí doanh thu sẽ sụt giảm vì đón ít khách nhưng vẫn cố gắng khắc phục vì "bán còn hơn nghỉ".
"Nay được mở bán hàng, chúng tôi tính cách làm sao để giãn cách ly cho mọi người đến ăn uống, đảm bảo giãn cách. Tôi nhìn thấy văn phòng, người ta làm việc đều có tấm chắn che trước mặt, nay mình áp dụng mình làm thôi. Tất nhiên không được chỉn chu như văn phòng nhưng làm sao đảm bảo giãn cách, an toàn nhất cho mọi người", ông Sơn chia sẻ.
Nhiều cửa hàng ăn uống của Hà Nội đã chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn và yêu cầu khách rửa trước khi vào - Ảnh: NAM TRẦN
Việc lắp các tấm chắn nhựa tuy có tốn kém nhưng theo chủ cửa hàng sẽ đảm bảo an toàn cho khách hàng trong thời điểm dịch COVID-19 đang phức tạp - Ảnh: NAM TRẦN
Nhân viên của một quán cà phê cắt bớt số lượng và sắp xếp lại vị trí bàn ghế cho xen kẽ nhau - Ảnh: NAM TRẦN
Ngồi cách nhau trên xe buýt và rửa tay sát khuẩn trước khi lên xe khách
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online tại một số bến xe của Hà Nội trong ngày 23-4, nhiều tuyến xe buýt và xe khách liên tỉnh đã bắt đầu hoạt động trở lại để phục vụ người dân.
Các tuyến xe buýt đều dán những thông báo đeo khẩu trang trước khi lên xe.
Ngoài ra, các ghế ngồi trên xe được dán thông báo tới người dân được ngồi hay không được ngồi để đảm bảo cách nhau.
Hành khách lên xe sẽ bắt buộc đeo khẩu trang đúng cách và ngồi cách nhau theo đúng quy định của xe buýt để đảm bảo an toàn.
Còn khu vực xe khách phục vụ người dân về các tỉnh, hành khách cũng được nhà xe nhắc nhở đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.
Một chủ xe tuyến Hà Nội - Thái Bình tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội cho biết thành phố cho chạy 1 lượt/ngày vì hiện tại số lượng khách cũng không nhiều và để đảm bảo việc phòng chống COVID-19 được tốt nhất.
Các tuyến xe buýt của Hà Nội đã dán những tờ giấy thông báo như thế này để người dân ngồi giãn cách nhau trên xe - Ảnh: NAM TRẦN
Người dân Hà Nội ngồi giãn cách nhau khi đi xe buýt trong chiều 23-4 - Ảnh: NAM TRẦN
Chủ xe khách tuyến Hà Nội - Thái Bình phục vụ khách rửa tay sát khuẩn khi lên xe - Ảnh: NAM TRẦN
Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản xử phạt một cửa hàng ăn trên phố Chân Cầm vì vi phạm việc giãn cách xã hội, phòng chống COVID-19 trong chiều 23-4 - Ảnh: NAM TRẦN
Kê 3 bàn trên vỉa hè, nộp phạt ngay 2,5 triệu
Ngày đầu tiên mở lại kinh doanh, một số hàng quán kê bàn ghế, cho khách ngồi ăn uống ở phía ngoài khi thấy vắng bóng cơ quan chức năng. Kê ba chiếc bàn bán cho khách ở phía ngoài, ông N.X.T., chủ một quán bún, phở ở phố Chân Cầm (Hàng Trống) phải nộp phạt 2,5 triệu đồng.
Ông T. chia sẻ mở cửa trở lại sau 1 tháng nghỉ, có vi phạm nên chấp nhận mức phạt của lực lượng chức năng.
"Sau đây chắc chỉ bán mang về thôi, vì nhà tôi không có chỗ cho khách ngồi lại ăn", ông T. chia sẻ.
Tại phường Hàng Trống, lực lượng chức năng bố trí 2 tổ tuần tra từ 6h sáng, liên tục đi khắp tuyến phố kiểm tra, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở vận động quần chúng nhân dân đảm bảo giãn cách, nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh không lấn chiếm hè phố cản trở giao thông.
Đại úy Nguyễn Tài Nghĩa cho biết trong trường hợp đã tuyên truyền nhắc nhở mà vẫn cố tình vi phạm sẽ lập biên bản xử lý theo quy định, thông thường áp dụng mức phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng với cơ sở kinh doanh.
HÀ THANH - NAM TRẦN
Ấm lòng 'Bữa cơm 0 đồng' của người trẻ trong những ngày cách ly xã hội Những người dân nghèo, người bán vé số ở TX.Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh ấm lòng hơn nhờ những 'Bữa cơm 0 đồng' được bạn trẻ mang đến tận nhà để giúp bà con vượt qua khó khăn giữa mùa dịch bệnh Covid-19. "Bữa cơm 0 đồng" được mang đến tận nhà những người dân có cuộc sống khó khăn giữa mùa dịch...