Himeji Lâu đài Hạc Trắng
Lâu đài Himeji nằm ở trung tâm thành phố Himeji, cách thủ đô Osaka – Nhật Bản 100 km về phía Đông. Đây là một trong những kiến trúc cổ nhất còn sót lại ở Nhật Bản, là kiến trúc tiêu biểu cho các thành quách thời cận đại của Nhật Bản.
Khung cảnh huyền bí của lâu đài Hemeji.
Lịch sử xây dựng lâu đài
Himeji còn có cái tên là “White Heron” (Hạc Trắng) bởi người Nhật cho rằng, hình tượng con hạc trắng – một loài chim cao quý, tượng trưng cho sự thanh khiết cao thượng của người quân tử.
Lâu đài Himeji tồn tại từ năm 1333, khi Akamatsu Norimura xây dựng một pháo đài trên đỉnh đồi Himeyama, thành phố Himeji, Hyogo. Năm 1346, pháo đài được tháo dỡ và tu sửa thành lâu đài Himeyama, và hai thế kỷ sau đó được tái thiết thành lâu đài Himeji. Đến năm 1618, tòa lâu đài mới được coi là hoàn thành.
Trải qua hơn 400 năm tồn tại, lâu đài chưa từng bị hư hại, phá hủy bởi thiên tai hay các cuộc tấn công, thậm chí là công trình sống sót ngay cả trong trận ném bom của Thế chiến II. Himeji là tòa thành nổi tiếng nhất trong “Tam đại quốc bảo thành” (tức ba tòa thành quý quốc gia) của Nhật Bản (cùng với thành Matsuraoto và thành Kumamoto). Himeji đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 và là di tích lịch sử đặc biệt của Nhật Bản.
Lâu đài Himeji được xây bằng gỗ (tổng cộng khoảng 36 tấn) và được phủ thạch cao trắng. Cả khu quần thể có diện tích 233 hecta, bao gồm tổ hợp 83 công trình với hệ thống phòng thủ tiên tiến từ thời phong kiến. Có 74 trong số 83 công trình này được coi là Tài sản Văn hoá Quan trọng, trong đó có: 11 hành lang, 16 tháp pháo, 15 lối cổng và 32 bức tường bằng đất.
Lâu đài Hạc Trắng được xem như một đại diện điển hình của kiến trúc lâu đài Nhật Bản nguyên mẫu với nhiều tính năng phòng thủ và kiến trúc gắn liền với cấu trúc lâu đài của Nhật Bản. Nhờ cấu trúc phức tạp như mê cung và hệ thống đặt bẫy được gài ở khắp nơi mà quân địch bên ngoài khó tiếp cận tháp canh. Đây là một lý do giúp tòa lâu đài tránh được khói lửa chiến tranh trong lịch sử.
Video đang HOT
Lễ rước truyền thống của Nhật Bản được tổ chức tại lâu đài Hemeji.
Nhìn từ trên xuống, bình diện lâu đài Himeji như một ốc đảo hình bầu dục. Viền bên ngoài là một hào nước sâu, bao quanh lâu đài là một bức tường đá, rồi đến một dải cây, chủ yếu là tùng bách viền quanh. Ngoài cùng, bao bọc lấy cả lâu đài là một khu công viên rộng rãi. Lâu đài không có nhiều cổng ra vào, lối vào lâu đài ở chính hướng Nam rất kiên cố.
Công trình đẹp dưới mọi góc nhìn
Cổng và tường bao được thiết kế xoắn ốc như mê cung của lâu đài nhằm làm rối trí binh lính đối phương. Cổng Hishi (Cổng Kim cương) là cổng chính vào lâu đài. Đây là cổng giữa hai bức tường thành Sannomaru với Ninomaru và vẫn mang hình thù nguyên thủy từ thời Azuchi Momoyama. Từ bên ngoài, có vẻ như nơi đây có năm tầng, nhưng thật ra nơi đây có tới sáu tầng cộng thêm một tầng hầm, được dựng nên bởi những chiếc cột gỗ có đường kính lớn, chống thẳng chịu lực.
Những trụ cột to thuộc loại đại cổ thụ hiếm thấy và được làm từ loại gỗ bách. Các xà ngang, xà dọc cũng được làm từ gỗ, ngay cả những vách ngăn cũng được làm từ những ván gỗ xẻ, không sơn mà vẫn mang màu tự nhiên của vỏ gỗ. Đặc biệt, cầu thang nối các tầng được thiết kế không trùng nhau ở cùng một vị trí toạ độ mà được bố trí rải rác tạo nên những góc hiểm giúp cho công việc phòng thủ lợi hại.
Những chiếc áo giáp của Nhật Bản được trưng bày tại lâu đài Hemeji.
Các lối đi bên trong lâu đài ngoằn ngoèo giống như một mê cung, vì thế lâu đài Himeji được ví như “bất khả xâm phạm”. Ngày nay bên trong lâu đài cũng được dán các biển chỉ dẫn lối đi nên quý khách cũng không lo lắng bị lạc đường. Hơn nữa đến đây, bạn còn có thể gặp các hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình và giàu kinh nghiệm.
Bên ngoài lâu đài là những khuôn viên mang tên Akarui (nghĩa là: áng sáng), với nhiều loại cây quý hiếm được trồng ở đây kết hợp với những ao cá tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ. Nơi đây là chỗ đi dạo, ngắm cảnh của các vua chúa ngày xưa. Ở phía Nam của lâu đài, quý khách có thể thấy một cái giếng cạn nhỏ có xây thành bằng các trụ đá.
Một trong những nét nổi bật về dáng vẻ bên ngoài của tòa lâu đài Himeji là màu bạc của mái ngói kết hợp hài hòa với màu trắng của vách tường. Có 56 loại ngói được sử dụng trong việc tô điểm cho lâu đài này. Các miếng ngói nhỏ hình tam giác ở rìa của phần mái là một trong những nét độc đáo trong việc thiết kế lâu đài. Chúng giúp nước mưa chảy hết xuống một con rãnh phía dưới và dẫn vào một bộ lọc nước phục vụ nước uống và nước sinh hoạt cho những người sống trong lâu đài.
Lâu đài Himeji không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là một công trình quân sự độc đáo, được truyền tụng là một công trình đẹp dưới mọi góc nhìn.
Đặc biệt, nếu có dịp đến đây vào mùa xuân thì du khách sẽ phải ngất ngây trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của hoa anh đào, hoa mận xung quanh vườn Nishinomaru xinh đẹp của lâu đài Hạc Trắng. Quả thật đây là một không gian rất tuyệt khi chiêm ngưỡng tòa thành Himeji tráng lệ với sắc hồng trắng quyến rũ ngập tràn, những cánh hoa lướt nhẹ trong làn gió xuân như khiến cho lòng người thêm xao xuyến, lưu luyến mãi chẳng muốn rời đi.
Theo langvietonline.vn
Bukchon Hanok: Ngôi làng cổ nhất ở Hàn Quốc
Ẩn mình giữa những tòa nhà cao ốc sáng lấp lánh và dòng xe cộ hối hả thể hiện một hiện tại đầy sức sống là những cung điện, chùa chiền, lăng tẩm và ngôi làng Bukchon Hanok mang trong mình sự cổ kính, yên tĩnh.
Seoul là một trong 10 thành phố lớn nhất thế giới, một thành phố thuộc "đẳng cấp thế giới" về nhiều mặt. Ở Seoul, những nét đặc trưng cho quá khứ và hiện tại cùng đan xen tồn tại với nhau... Ẩn mình giữa những tòa nhà cao ốc sáng lấp lánh và dòng xe cộ hối hả thể hiện một hiện tại đầy sức sống là những cung điện, chùa chiền, lăng tẩm và ngôi làng Bukchon Hanok mang trong mình sự cổ kính, yên tĩnh.
Làng Bukchon Hanok nằm giữa cung điện Gyeongbok, cung điện Changdeok và miếu thờ Thần Jongmyo với nhiều con hẻm, được xây dựng cách đây hơn 600 năm với lối kiến trúc riêng biệt bằng vật liệu chủ yếu là những chất liệu từ thiên nhiên nhưng được chọn lọc, thế nên cho đến bây giờ rất nhiều ngôi nhà vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa.
Cái tên Bukchon nghĩa là "ngôi làng phía Bắc" và được lấy đặt tên cho huyện vì nó nằm phía bắc của 2 địa danh quan trọng ở Seoul là suối Cheonggyecheon và khu vực Jongno.
Ngôi làng xinh đẹp này quy tụ khoảng 900 ngôi nhà hanok truyền thống vốn là nơi sinh sống của các gia đình quý tộc và quan viên triều đại Joseon. Sau đó, vì thiên tai loạn lạc xảy ra nên nhân dân đã giành được nơi này.
Ngay từ đầu ngôi làng, bạn sẽ thấy những bức tường cổ dẫn lối vào làng với thiết kế gạch cổ. Cùng với đó là các ngôi nhà với phần móng gồm những phiến đá to xếp chồng lên nhau. Thiết kế này vừa tinh tế, vừa giản dị nhưng cũng không kém phần bền chắc. Đây là phong cách thiết kế mang đậm nét cổ xưa, truyền thống.
Những ngôi nhà hanok nằm dọc theo các ngõ nhỏ quanh co, nổi bật với cổng vào được làm bằng gỗ thiết kế khá đơn giản có các bậc thềm đá. Mái ngói màu tro, cột nhà bằng gỗ, tường sơn trắng cùng với cửa nhà thiết kế khá rộng và được làm bằng gỗ với các họa tiết trang trí cầu kỳ... chính là kết hợp giữa văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản.
Đến đây du khách có thể dạo bộ trên những con phố hẹp và dốc, chiêm ngưỡng những nét đẹp kiến trúc từ nhiều thế kỷ trước. Tất cả đều bảo tồn nguyên vẹn được những giá trị truyền thống của một cố đô xưa.
Ngôi làng độc đáo không chỉ bởi dáng vẻ mộc mạc nhưng vững chắc phía bên ngoài, mà còn nhờ phong cách trang trí đơn giản, hài hòa, thoáng rộng phía bên trong và những khu vườn nhỏ với rất nhiều cây cối xanh tươi đằng sau nhà. Phía trước một số ngôi nhà còn có những dàn hoa và cây tùng ở cửa tạo nên một vẻ đẹp quyến rũ và lãng mạn.
Nhờ nét cổ kính và đậm chất điện ảnh, làng Bukchon Hanok trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi ngày. Ngày nay, có rất nhiều ngôi nhà hanok đã được tôn tạo trở thành trung tâm văn hóa, bảo tàng nghệ thuật, nhà hàng, nhà nghỉ, quán trà và cà phê nhằm phục vụ cho du khách có cơ hội đắm mình trong văn hóa Hàn Quốc.
Bạn có thể bắt gặp rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm với các sản phẩm như mặt nạ, búp bê... ở đây. Ngôi làng thực sự là một không gian hoàn hảo ngập tràn dấu ấn lịch sử của Hàn Quốc. Vì thế Bukchon Hanok chính là nơi bạn có thể cảm nhận rõ ràng nhất những nét đẹp xưa cũ giữa lòng thủ đô Seoul hiện đại và phát triển.
Việt Hồng
Theo cstc.cand.com.vn
Phố Hàng Mã rực rỡ sắc đỏ những ngày giáp Tết Phố Hàng Mã (Hà Nội) những ngày cuối năm, ngập tràn những sắc màu đỏ, vàng lung linh của những món đồ trang trí tết. Những ngày này phố Hàng Mã luôn đông đúc, tấp nập người bán kẻ mua. Cả con phố ngập tràn một màu đỏ và vàng đặc trưng của Tết. Không khí vui tươi, nhộn nhịp xen lẫn sự...