Hillary Clinton sắp ghế gì cho chồng nếu trở thành tổng thống Mỹ
Nếu bà Hillary đắc cử, chồng bà, cựu tổng thống Bill Clinton, sẽ có vai trò lớn trong các quyết sách về kinh tế của vợ.
Bà Hillary Clinton và chồng bà, Bill Clinton. Ảnh: Reuters
Phát biểu trước cử tri Mỹ tại bang Kentucky hôm 15/5, bà Clinton cho biết chồng mình sẽ “phụ trách việc hồi sinh nền kinh tế”, đặc biệt là “tại những địa bàn như các hạt khai thác than và các thành phố sâu trong nội địa”,New York Times đưa tin.
Trước đó, trong chuyến vận động bầu cử sơ bộ tại West Virginia, bà Clinton cũng tiết lộ chồng mình “phải thôi nghỉ hưu” và phụ trách vấn đề tạo việc làm. Bà không cung cấp chi tiết về việc ông chủ cũ của Nhà Trắng sẽ thích hợp với cương vị nào trong vai trò một người hoạch định chính sách của chính phủ tương lai, nếu bà đắc cử. Đây là điều chưa từng có trên chính trường Mỹ.
Tuần trước, khi được hỏi liệu ông Clinton có nắm giữ một vị trí nào đó trong nội các không, bà Clinton lắc đầu và nói “không”.
Những người thân cận với bà Clinton cho biết vai trò của ông Clinton sẽ được xác định rất cụ thể, tập trung vào các khu vực bị ảnh hưởng vì khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất tại Mỹ, như các bang vành đai công nghiệp cũ ở vùng đông bắc, khu vực Great Lakes và Trung Tây. Đây là các bang từng có công nghiệp phát triển, trước khi kinh tế lao dốc, người dân di cư làm đô thị trở nên vắng vẻ, xuống cấp.
Những người này cũng bác bỏ đồn đoán rằng bà Clinton sẽ giao phó một phần quan trọng trong chính quyền của mình cho chồng.
Dù vậy, ngay cả việc hứa hẹn rằng ông Clinton sẽ được giao phụ trách một phần quan trọng trong các chương trình hành động của tổng thống cũng sẽ đặt ra những câu hỏi về việc những cách phân công này sẽ vận hành ra sao tại Nhà Trắng, vốn từ lâu phụ thuộc vào Bộ trưởng Tài chính và Hội đồng Kinh tế Quốc gia.
“Hiện có những dấu hỏi quanh việc liệu một vai trò như vậy sẽ ăn nhập ra sao với các thành viên nội các hiện tại, những người được giao xử lý vấn đề kinh tế”, Austan D. Goolsbee, cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, và là giáo sư Đại học Chicago, cho biết.
Lấy lòng cử tri
Tuyên bố về vai trò dự kiến của ông Clinton trong chính quyền của bà Hillary được đưa ra trong bối cảnh cựu ngoại trưởng đang chuẩn bị ứng phó với đối thủ phía đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump. Theo tính toán của hãng tin AP, ông Trump đã giành đủ số phiếu để trở thành ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống.
Tình hình bầu cử tổng thống Mỹ.
Video đang HOT
Nỗ lực này của bà Clinton cũng nhằm giành sự ủng hộ lớn hơn từ những người lao động da trắng. Nhìn chung, những người này có quan điểm khá tích cực với ông Clinton, nhưng lại nhìn bà Hillary với ánh mắt hoài nghi.
Phong cách giàu cảm xúc của ông Clinton dường như lôi cuốn các cử tri là người lao động hơn so với bà Hillary. Khoảng 55% cử tri Mỹ trong các khảo sát trên phạm vi toàn quốc hồi tháng hai cho biết họ không tin rằng bà Clinton “quan tâm đến những người như mình”.
Ngoài ra, những thành quả trước đây của ông Clinton, với một ngân sách cân bằng, tạo ra 22,7 triệu việc làm và giúp 7,7 triệu người thoát nghèo, rõ ràng sẽ giúp ích cho bà Clinton nhiều hơn so với kết quả của chính quyền Tổng thống Obama. Dưới thời ông Obama, tăng trưởng kinh tế chủ yếu có lợi cho giới giàu.
“Tuyên bố của bà Hillary rằng nếu đắc cử tổng thống, bà sẽ đưa ông Bill Clinton ‘phụ trách hồi sinh nền kinh tế’ cho thấy bà ấy không còn ca ngợi những thành công về kinh tế của ông Obama, hay muốn mình có liên quan gì đến chính sách ấy”, Robert B. Reich, cựu bộ trưởng lao động dưới thời ông Clinton, nhận xét.
Nhưng cùng với những lợi ích có được từ việc dựa vào ông Clinton, chiến thuật của bà Clinton có thể khiến đối thủ Donald Trump có thêm cơ hội tấn công. Ông Trump là người công khai chỉ trích những chuyện cá nhân của cựu tổng thống.
Tỷ phú bất động sản cũng nhắm vào các chính sách thương mại của chồng bà Hillary, bao gồm Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ, do ông Clinton phê chuẩn năm 1993. Đạo luật này bị nhiều cử tri tin rằng đã khiến người lao động Mỹ chịu thiệt.
Bà Clinton đã nắm lấy những di sản về kinh tế của chồng, sau khi liên tục vấp phải thách thức từ đối thủ trong đảng Dân chủ, Bernie Sanders, cũng như những người theo đường lối tự do trong đảng. Khi bất bình đẳng kinh tế trở thành mối quan tâm chính của cử tri Dân chủ, bà đã tìm cách tránh xa chuyện dỡ bỏ các quy định pháp lý cho phố Wall, cũng như các chính sách thương mại gắn với những năm 1990.
Bà Clinton thường nói rằng bà không phải đang vận động tranh cử để chồng có thể làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, nhưng bà vẫn dựa rất nhiều vào thành quả các chính sách kinh tế của chồng.
“Việc làm, việc làm, việc làm”, bà Clinton nói trên một chương trình truyền hình, về việc ông Clinton sẽ đóng góp về khía cạnh gì ở Nhà Trắng. “Không ai từng làm việc đó tốt hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, giúp thu nhập gia tăng. Tôi muốn nghe lời khuyên của ông ấy về việc làm thế nào chúng ta lặp lại những điều đó trong tương lai”, bà Clinton nói.
Trong lúc bà Clinton dành nhiều thời gian trong các cuộc vận động bầu cử sơ bộ để phản đối những tác động một phần từ đạo luật hình sự 1994, và cuộc cải tổ hệ thống an sinh xã hội năm 1996, vốn khiến ngân sách liên bang dành cho hỗ trợ người nghèo bị cắt giảm gần 55 tỷ USD trong vòng 6 năm, giờ bà có thể yên tâm hơn khi nắm lấy thành tích của chồng trong những năm tại vị, những người ủng hộ đảng Dân chủ đánh giá.
Cựu tổng thống Bill Clinton vẫn được nhiều người Mỹ quý mến. Ảnh: AFP
Các cố vấn của bà Clinton cho biết lợi ích từ việc sử dụng ông Clinton, đặc biệt trong kỳ tổng tuyển cử, sẽ vượt xa bất kỳ rắc rối tiềm tàng nào có thể đi kèm, mà tỷ phú Trump đang có ý định khai thác.
Kết quả khảo sát cho thấy mức cử tri có quan điểm tích cực với ông Clinton còn cao hơn cả bà Hillary lẫn tỷ phú Trump. 56% cử tri đã đăng ký đi bầu có cái nhìn thiện cảm về cựu tổng thống.
Tuy nhiên, nếu bà Clinton dựa hẳn về phía chồng trong vấn đề kinh tế, cựu tổng thống có lẽ sẽ cần cập nhật cách tiếp cận của mình, NYTimesnhận xét.
Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày một tăng, trong khi lương của tầng lớp trung lưu hầu như dẫm chân tại chỗ trong 15 năm qua, bà Clinton đang đề xuất một chương trình nghị sự kinh tế mang màu sắc dân túy, và dựa nhiều vào chính phủ. Trong khi đó, ông Clinton tiếp cận theo hướng tập trung giảm thâm hụt ngân sách và cải cách phúc lợi xã hội.
“Bill Clinton hiểu rõ rằng kinh tế đã thay đổi nhiều so với những năm 1990″, Alan B. Krueger, giáo sư kinh tế học Đại học Princeton nói. “Ông ấy sẽ đề xuất những chính sách giúp củng cố nền kinh tế, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu trong bối cảnh hiện nay”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Hillary Clinton: Chọn bát đĩa không phải là việc của đệ nhất phu quân Bill Clinton
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton bóng gió rằng nếu bà vào Nhà Trắng, ông chồng Bill Clinton sẽ đóng vai trò bước ngoặt trong lịch sử Mỹ. Bà tuyên bố việc của ông không phải là chọn hoa hòe hay bát đĩa đãi khách.
Ông Bill Clinton thời làm tổng thống Mỹ. REUTERS
Ngoại lệ Hillary Clinton
Nhưng người dân Mỹ xem ra khó chịu trước điều đó, vẫn cứ muốn vị tổng thống quyền lực một thời của họ nếu không chọn hoa thì ít ra cũng phải chọn... bát đĩa cho các bữa quốc yến như các "người tiền nhiệm" phái nữ bao đời nay vẫn làm thế.
Còn bà Clinton - ứng viên tổng thống Mỹ nặng ký nhất hiện nay - tuyên bố ông chồng tài năng của mình sẽ đóng vai trò ổn định kinh tế, theo báo Washington Post. Thông điệp của Hillary rất rõ ràng: nếu như bà có thể thay đổi lịch sử để thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên thì chồng bà, cựu tổng thống Bill Clinton cũng có thể thay đổi lịch sử trong vai trò đệ nhất phu quân đầu tiên của nước Mỹ. Nhưng tại sao đệ nhất phu quân lại không chọn bát đĩa? Thông điệp đó có thể sẽ làm cho không ít người Mỹ "dị ứng".
Không ở đâu mà vai trò bạn đời tổng thống lại "phô" ra trước mắt công chúng nhiều như ở Mỹ. Vì xưa nay Mỹ chỉ toàn có nam tổng thống nên người ta chỉ quen gọi vai trò đó là vai trò của đệ nhất phu nhân. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bà ta xưa nay vẫn là đóng vai trò chủ nhà, lo các việc "bếp núc" của Nhà Trắng: sắp xếp buổi quốc yến, trang trí nhà cửa, coi sóc cây cối và gần đây là góp tiếng nói vào các công việc ít khi bị điều tiếng như cổ xúy văn hóa đọc hay vận động chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Cũng có một số "kẻ nổi loạn chút chút": đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt từng điều trần trước quốc hội và viết báo, Rosalynn Carter từng vận động cải thiện hệ thống sức khỏe tâm thần và có mặt trong một số buổi họp nội các, Nancy Reagan là một trong những cố vấn thân cận nhất của chồng, Sarah Polk là trợ lý không lương của chồng. Nhưng nhìn chung, đệ nhất phu nhân thì thường tránh xa không gian chính trị của tổng thống, ít nhất là trước mắt công chúng.
Chỉ có một ngoại lệ: Hillary Clinton.
Họ sẽ lại làm đệ nhất gia đình của nước Mỹ?REUTERS
Vẫn cứ là "diễn viên phụ"
Nhà báo Karen Blumenthal, tác giả cuốn sách Hillary Rodham Clinton: A Woman Living History nhận xét bà Hillary là một cá biệt. Bà thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực y tế trong tư cách là người khởi xướng sáng kiến chính trị quan trọng. "Đến khi không thành công, bà không quay trở lại với vai trò chọn dao nĩa và thực đơn. Bà trở thành một phái viên ngoại giao, bà đến những nước mà Bill (Clinton) không đến. Đó là những nước rất đáng giá cho sự có mặt của người Mỹ", Blumenthal nhận xét.
Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton cũng là nhà hoạt động tích cực cho nữ quyền ở nước ngoài, dẫu các cố vấn của chồng bà đã khuyến cáo bà đừng làm thế. Bà vận động các thượng nghị sĩ ở cả 2 đảng để thông qua Chương trình bảo hiểm y tế trẻ em, gây sức ép lên chính quyền của chồng để chi tiền và đưa nó vào hoạt động. Bà là đệ nhất phu nhân đầu tiên mở văn phòng ở Cánh Tây (nơi đặt văn phòng Tổng thống - Phòng Bầu Dục), có nhân viên riêng để phục vụ cho các sáng kiến chính trị của riêng bà.
Michelle Obama là một đệ nhất phu nhân hiện đại với chương trình của riêng mình: chống béo phì ở trẻ em. REUTERS
Nhưng dẫu có tham vọng đến đâu, có bước những bước dài đến đâu trong vai trò đệ nhất phu nhân, Hillary Clinton cũng đã hoàn thành tốt những vai trò cơ bản truyền thống từ xưa đến nay của một "diễn viên phụ" trong Nhà Trắng: tổ chức tiệc tùng, giám sát sửa sang nhà cửa, thuê đầu bếp... bên cạnh việc góp phần mạnh mẽ nâng cao nữ quyền.
Học đâu cho bằng học... vợ?
Bill Clinton, nếu có cơ hội vào Nhà Trắng thêm một lần nữa (nhưng vị thế có khác đi), hẳn sẽ tạo ra những tiền lệ chưa từng có so với các "đồng nghiệp" đều là phụ nữ trước đây. Có thể ông sẽ dành nhiều thời gian cho các sáng kiến kinh tế lỗi lạc của riêng mình. Nhưng nếu ông tách biệt mình hoàn toàn với nhiệm vụ mà tất cả các đệ nhất phu nhân đều làm như coi ngó nhà cửa, chọn bát đĩa, chọn dao nĩa... thì hẳn sẽ có rất nhiều người khó chịu. Nếu chọn cách đó, hẳn thông điệp của ông là đàn ông, lại trí tuệ, lại từng rất quyền lực thì không thể làm những công việc tầm thường, nhỏ mọn chỉ dành cho phụ nữ!
Bill Clinton có một tấm gương sáng để học cách hành xử trong "vai phụ" ở Nhà Trắng: Hillary Clinton. REUTERS
Bill Clinton chỉ có thể dành thêm thời gian cho chương trình kinh tế theo cách mà đệ nhất phu nhân Laura Bush đẩy mạnh vận động đọc sách hay Michelle Obama tích cực vận động chống béo phì ở trẻ em, nhưng không thể ngó lơ vai trò của "diễn viên phụ" trong Nhà Trắng. Hoặc nếu là người có tham vọng rất lớn, ông có một tấm gương sáng ngời trước mắt mà học hỏi: cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, vợ của ông.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Tổng thống Mỹ tới Việt Nam và Nhật Bản: Mang nhiều kỳ vọng Chuyến đi châu Á của Tổng thống Mỹ Obama lần này không chỉ tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại, đối ngoại mà còn cả về những vấn đề lịch sử. Chuyến đi châu Á của Tổng thống Mỹ Obama lần này không chỉ tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại, đối ngoại mà còn cả về những vấn...