Hillary Clinton cáo buộc tình báo Nga tấn công máy tính đảng Dân chủ Mỹ
Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton nói rằng tình báo Nga đã đột nhập vào máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC).
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters
“Chúng tôi biết rằng tình báo Nga đã đột nhập vào máy tiính DNC và chúng tôi biết rằng họ đã sắp xếp để khiến rất nhiều email của DNC bị rò rỉ. Chúng tôi cũng biết ông Donald Trump đã thể hiện sự ủng hộ với ông Putin và điều này thật đáng ngại”, bà Clinton nói trong một cuộc phỏng vấn được chiếu trên TV vào hôm nay, theo Reuters.
Các tin tặc đã công bố khoảng 20.000 email bị đánh cắp từ máy tính của DNC, cho thấy các quan chức DNC, nhẽ ra phải duy trì quan điểm trung lập, lại ưu ái bà Clinton hơn so với đối thủ trong đảng là Bernie Sanders.
Mỹ không công khai cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ việc. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng và các quan chức Mỹ tin rằng Nga làm việc đó để tác động đến cuộc tổng tuyển cử Mỹ ngày 8/11.
Khi được hỏi liệu bà có tin rằng Tổng thống Nga Putin muốn đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng hay không, bà Clinton nói bà sẽ không vội vàng kết luận như vậy.
“Nhưng tôi nghĩ rằng việc này làm dấy lên vấn đề nghiêm trọng về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử của chúng ta, trong nền dân chủ của chúng ta”, bà Clinton nói.
Ông Trump đã ca ngợi ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn Tổng thống Mỹ Barack Obama – thành viên đảng Dân chủ.
Ông Trump còn kêu gọi Nga tìm kiếm hàng chục nghìn email “mất tích” từ thời gian bà Clinton làm ngoại trưởng Mỹ. Phát biểu của ông Trump khiến nhiều chuyên gia tình báo lo ngại, họ chỉ trích rằng ông đã thúc giục chính phủ nước ngoài do thám người Mỹ. Ông Trump sau đó giải thích rằng bình luận của ông chỉ có ý mỉa mai.
Phương Vũ
Theo VNE
Video đang HOT
Donald Trump gặp họa vì mời tình báo Nga tấn công đối thủ
Phe Dân chủ đang cáo buộc ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump phản bội đất nước vì lên tiếng "nhờ vả" Nga, Trung Quốc tìm các email đã bị xóa của đối thủ Hillary Clinton.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 27/7 phát biểu tại cuộc họp báo ở bang Florida. Ảnh: Baltimore Sun
Hôm 27/7, trong một bài phát biểu, ông Trump bày tỏ hy vọng rằng các cơ quan tình báo Nga sẽ tìm ra hơn 30.000 email bị xóa của bà Hillary Clinton.
"Họ (Nga) có khả năng nắm trong tay 33.000 email của bà ấy. Tôi mong là thế. Họ có thể đang giữ 33.000 email mà bà ấy đã làm mất hoặc xóa đi vì bạn sẽ thấy một số thông tin quý giá trong đó", CNN dẫn lời Trump nói tại một cuộc họp báo ở thành phố Doral, bang Florida, ám chỉ những bức thư điện tử trên máy chủ cá nhân mà Clinton sử dụng trong công việc khi còn làm ngoại trưởng Mỹ nhưng bà lại coi chúng là thông tin riêng tư và không nộp cho Bộ Ngoại giao.
Trump ẩn ý rằng ông hoan nghênh Moscow phát động một cuộc tấn công tin tặc mới nhằm vào Mỹ, đồng thời muốn dùng thông tin tình báo mà Nga thu được từ các hoạt động gián điệp trước đây để làm lợi cho cuộc vận động tranh cử của mình.
"Nếu Nga, Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác có những email này, thành thật mà nói, tôi rất muốn thấy chúng", nhà tài phiệt New York quả quyết.
Phát biểu vô trách nhiệm
Những phát biểu của ứngviên chạy đua vào Nhà Trắng đảng Cộng hòa lập tức châm ngòi một cơn thịnh nộ tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Trước đó, ban vận động tranh cử cho bà Clinton còn cáo buộc ông Trump gây nguy hại cho an ninh quốc gia, thậm chí đang thông đồng với một kẻ thù của Mỹ.
Ngay trên sân khấu đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, cựu bộ trưởng quốc phòng, cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta đã chỉ trích những phát ngôn mà ông Trump đưa ra là vô trách nhiệm. Ông lên án việc Trump "nhờ người Nga can thiệp vào chuyện chính trị Mỹ".
Những diễn biến mới xung quanh vấn đề email của bà Clinton cùng các cáo buộc về hoạt động gián điệp Nga đang làm rối ren thêm câu chuyện kịch tính kiểu Chiến tranh Lạnh hiện phủ bóng lên đại hội đảng Dân chủ, đặc biệt là sau khi các trao đổi email giữa những quan chức đảng này bị rò rỉ trên WikiLeaks. Chúng cho thấy dường như họ muốn tìm cách giúp bà Clinton chiến thắng đối thủ cùng đảng Bernie Sanders trong vòng bầu cử sơ bộ.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng Moscow có rất ít khả năng đứng sau vụ đột nhập và ăn cắp email từ các máy chủ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.
Ban vận động cho bà Clinton đã phản ứng nhanh chóng, tìm cách khai thác những phát biểu của ông Trump để tô vẽ đậm hơn hình ảnh một ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa thiếu kiến thức, thiếu sự điềm đạm cần thiết để trở thành tổng tư lệnh nước Mỹ.
"Đây là lần đầu tiên một ứng viên tổng thống thuộc một đảng lớn chủ động khuyến khích thế lực bên ngoài tiến hành hoạt động gián điệp chống lại đối thủ chính trị của ông ta", Jake Sullivan, cố vấn chính sách cao cấp thuộc ban vận động tranh cử cho bà Clinton, nói. "Đó không phải những lời nói cường điệu nữa mà là sự thật. Đây không còn là câu chuyện gây tò mò hay vấn đề chính trị nữa mà là vấn đề an ninh quốc gia", ông nhấn mạnh.
Nghi ngờ bất trung
Ông Leon Panetta, cựu bộ trưởng quốc phòng, nguyên giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), xuất hiện tại đại hội đảng Dân chủ hôm 27/7, lên án những phát biểu vô trách nhiệm của tỷ phú Trump. Ảnh: Reuters
Trò chuyện với CNN, ông Panetta nhận xét các phát biểu tỷ phú Trump đưa ra khiến lòng trung thành đối với đất nước của ông bị đặt trong vòng nghi vấn.
"Chưa một ứng viên nào đang tranh cử tổng thống lại đi nhờ vả một nước bên ngoài, đặc biệt là Nga, tiến hành các hoạt động tin tặc và tình báo để giúp mình nắm rõ đường đi nước bước của đối thủ", Panetta bình luận. "Tôi thật không thể hiểu nổi bởi bổn phận của các ứng viên là phải trung thành với đất nước và chỉ duy nhất đất nước mà thôi, không được phép tiếp cận những người bên ngoài, chẳng hạn như ông Putin hay nước Nga, và tìm cách mời họ tham gia một âm mưu chống lại đảng khác", ông khẳng định.
Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, ông Panetta đã thay đổi nội dung bài phát biểu của mình vào chiều 27/7 để chèn thêm "một đòn công kích trực diện nhắm vào tỷ phú Trump vì những lời lẽ ông gợi ý Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ". Panetta đã gọi Trump là một tổng tư lệnh không thể tưởng tượng nổi.
Nhưng ban vận động tranh cử của ông Trump ngay sau đó ra tuyên bố chỉ trích cách cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhìn nhận vấn đề.
"Điều đáng báo động là Leon Panetta, bằng thái độ im lặng, đã bỏ qua việc Clinton tạo điều kiện cho gián điệp nước ngoài xâm nhập hệ thống email trái phép của bà ấy cũng như phớt lờ quyết định không minh bạch mà bà Clinton đưa ra sau đó là hủy những email này và tháo gỡ máy chủ cá nhân để che giấu tội trạng", Stephen Miller, cố vấn chính sách cao cấp dưới quyền ông Trump, lên tiếng.
Miller lập luận rằng chính bà Clinton đã khiến an ninh quốc gia lâm nguy bằng các chính sách bà theo đuổi ở Trung Đông và Bắc Phi khi còn là ngoại trưởng.
Ban vận động tranh cử cho Trump cũng bác bỏ những cáo buộc nói ông mời gọi Nga đột nhập lấy cắp email của bà Clinton.
Steven Cheung, giám đốc phụ trách phản ứng nhanh của tỷ phú Trump, nhấn mạnh ông ấy tuyệt đối không làm chuyện như vậy.
"Những gì ông Trump muốn là Nga chuyển giao các email của bà Clinton nếu họ đang nắm giữ chúng. Tuy nhiên, dùng từ 'mời gọi' là đi quá xa. Thật ngớ ngẩn khi nói ông ấy đang 'mời gọi' nước khác đột nhập lấy cắp email của một ứng viên tổng thống", Cheung cho hay.
Trên mạng xã hội Twitter, Trump viết: "Nếu Nga hay bất cứ nước nào hoặc người nào nắm giữ 33.000 email bị xóa trái phép của Hillary Clinton, có lẽ họ nên chia sẻ chúng cho FBI".
Cựu chủ tịch hạ viện Mỹ Newt Gingrich, một đồng minh của Trump, cũng tìm cách xoa dịu căng thẳng.
"Truyền thông dường như lo ngại trước câu chuyện đùa về hoạt động tin tặc của Nga hơn là sự thật rằng máy chủ cá nhân của Hillary rất dễ bị Nga tấn công", ông Gingrich viết trên Twitter.
Nguy cơ phạm luật
Chuyên gia phân tích pháp lý từ CNN Steve Vladeck nhận định các phát biểu của Trump khó có thể bị khép vào tội phản quốc, bất chấp việc mạng xã hội đang dậy sóng chỉ trích những lời lẽ phản bội đất nước mà ông phát ngôn ra. "Luật liên bang chỉ khép tội danh này đối với cá nhận 'phát động chiến tranh chống lại Mỹ hoặc gia nhập hàng ngũ kẻ thù'".
Dù quan hệ Mỹ - Nga hiện tại có thể phức tạp, không thể nói hai nước đang rơi vào tình trạng chiến tranh hoặc Nga là "kẻ thù" của Mỹ theo đúng định nghĩa trong luật, Vladeck đánh giá.
Nhưng ông thêm rằng Trump có thể vi phạm một luật liên bang khác, theo đó quy tội cho một cá nhận xúi giục người xung quanh thực hiện những tội ác nghiêm trọng, liên quan đến việc lợi dụng sức mạnh khoa học tự nhiên để tấn công tài sản của Mỹ, gần như chắc chắn bao gồm cả hành động tấn công mạng.
Cũng tại cuộc họp báo hôm 27/7, Trump bác bỏ thông tin trên một số tờ báo quy kết công việc kinh doanh của ông chịu ảnh hưởng quá mức từ Nga và rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn Trump đắc cử tổng thống.
"Tôi chưa bao giờ gặp Putin, tôi không biết Putin là ai nhưng ông ấy từng nói tốt về tôi", ứng viên đảng Cộng hòa nhấn mạnh.
Trump còn tuyên bố quan hệ Washington - Moscow sẽ cải thiện đáng kể nếu ông dẫn dắt nước Mỹ thay vì bà Clinton. Nhà tài phiệt khẳng định ông sẽ hành xử "kiên quyết" với Tổng thống Nga Putin nhưng cũng sẽ tìm mọi cách củng cố quan hệ hai nước.
Hồng Vân
Theo VNE
Mối quan hệ chua cay giữa Putin và Hillary Clinton Lập trường cứng rắn của bà Clinton với ông Putin trong quãng thời gian bà làm ngoại trưởng có thể là yếu tố khiến Nga không mong bà trở thành tổng thống Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp Tổng thống Nga Putin tháng 9/2012. Ảnh: AFP Các tin tặc đã công bố khoảng 20.000 email bị đánh cắp từ máy chủ của...