Hiệu trưởng Trường Phạm Văn Chiêu nói không giam lỏng giáo viên trong giờ làm
Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp bác bỏ thông tin giam lỏng giáo viên khi mời họp như mạng xã hội nêu.
Ngày 9/1/2020, cộng đồng mạng xã hội lan truyền đi rất nhanh nhiều video clip mô tả việc Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, mời giáo viên Mai Xuân Khương ở lại họp, nhưng thầy không đồng ý, và cô Hiệu trưởng đã ra lệnh đóng cổng trường, không cho thầy về.
Ra lệnh đóng cổng không cho giáo viên về
Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp liên hệ với cô Nguyễn Thị Nhàn, vợ thầy Mai Xuân Khương – người đăng tải các video clip này lên facebook thì được biết, chồng chị công tác tại Trường Phạm Văn Chiêu 16 năm nay, môn Công nghệ.
Cô Nhàn cho biết, thời gian gần đây, chồng mình bị trường chấm sai ngày giờ công cho giáo viên nhiều lần trong quý, căn cứ vào điều đó để đánh giá giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ, với mức điểm 35/100.
Chồng cô Nhàn bị tự ý chuyển vị trí việc làm, từ giáo viên xuống làm công tác thư viện, bị hạ lương hơn 2 triệu đồng, mà không có sự thỏa thuận của giáo viên, trong khi hợp đồng lao động là công tác giảng dạy.
Thường xuyên mời giáo viên họp bất thình lình, mà không có thông báo trước đó. Khi giáo viên từ chối họp thì giam lỏng ở trường, không cho về.
Chuyển tiền thu nhập tăng thêm theo nghị quyết 03 của Nhà nước cuối năm cho giáo viên, xong rồi lại bảo giáo viên chuyển trả lại, và nói do chuyển nhầm.
Hăm dọa nếu không chuyển lại kịp thời thì sẽ cắt lương, cắt phụ cấp cuối năm của giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Nhàn chia sẻ thêm: Trưa ngày 9/1, Hiệu trưởng nhà trường là bà Nguyễn Tưởng Nga mời chồng của mình vào họp, để thông báo việc chuyển nhầm tiền thu nhập tăng thêm quý IV/2019 (hơn 14 triệu đồng).
Trường trung học cơ sở Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)
Tuy nhiên, thầy Khương đã không đồng ý ở lại họp, mà đòi ra về, nhưng bà Nga không đồng ý, ra lệnh cho bảo vệ đóng cổng lại. Sau đó, bà Nga còn mời lực lượng Công an địa phương đến trường làm việc, và cũng không cho phụ huynh vào đón học sinh ra về (buổi trưa).
Cô Nhàn ra cho rằng, đây là hành vi giam lỏng giáo viên, và phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Mời họp trong giờ làm việc, nên không gọi là giam lỏng
Ngày 10/1/2020, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với bà Nguyễn Tưởng Nga – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp để tìm hiểu sự việc.
Bà Nguyễn Tưởng Nga cho biết: Trong tháng 5/2019, thầy Khương có xin Hiệu trưởng vắng mặt buổi tổng kết năm học của học sinh, của cán bộ viên chức nhà trường và chấm thi nghề phổ thông (theo lịch điều động của quận Gò Vấp).
Video đang HOT
Hiệu trưởng không đồng ý việc này, do đó là các công việc xảy ra trong thời gian vẫn còn biên chế của năm học, nhưng thầy Khương vẫn nghỉ để đi chơi với gia đình nhà vợ.
Các kết quả đánh giá thi đua được cá nhân, tổ chuyên môn đánh giá trước, ra hội đồng thi đua của trường, và Hiệu trưởng ký danh sách cuối cùng, dán công khai trong trường trong vòng 7 ngày, thầy Khương cũng không có ý kiến gì về kết quả đánh giá này.
Tới tháng 7/2019, thầy Mai Xuân Khương bắt đầu có ý kiến, khiếu nại về kết quả đánh giá thi đua của mình trong nam học này, gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền.
Khi xem xét, trao đổi để giải quyết khiếu nại của thầy về kết quả đánh giá thi đua, thì Công đoàn nhà trường có nói chấm công nhầm một vài ngày của thầy, và đã trao đổi thì khi đó thầy cũng đồng ý, vui vẻ.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, thầy Khương vẫn không đảm bảo, chấp hành ngày giờ công đúng quy định.
Khi nghe thông tin gần cuối tháng 5/2019, thầy Khương có đi nước ngoài, nhưng không báo lại với nhà trường, Hiệu trưởng có hỏi, nhưng thầy không nhận, nên quận phải làm văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở sân bay, thì được biết thầy xuất cảnh vào ngày 20/5 và nhập cảnh vào lại sau đó vài ngày.
Nói về quá trình công tác của thầy giáo này, bà Nguyễn Tưởng Nga chia sẻ: Cách đây 4 năm học, thầy bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ (đánh bài ăn tiền cùng học sinh, làm sai quy chế chuyên môn).
Năm học 2017 – 2018 ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Năm học 2018 – 2019 thì bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, do thiếu trung thực khi chấm bài thẩm định.
Tháng 8/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp yêu cầu đưa thầy vào diện đề nghị tinh giản biên chế, trong thời gian này không bố trí đứng lớp cho thầy Khương, phân công nhiệm vụ khác.
Ngày 3/9/2019, Hiệu trưởng thông báo phân công thầy Khương làm công tác thư viện, có người hỗ trợ chuyên môn, nhưng thầy vẫn không đồng ý, và nói sẽ làm đơn khiếu nại vì cho rằng quyết định của Hiệu trưởng là sai.
Từ đó đến nay, thầy đến trường, ra vô hoàn toàn không có tổ chức, không có giờ giấc, không làm việc nhưng vẫn lãnh lương bình thường.
Chiều tối ngày 8/1/2020, Kế toán nhà trường thông báo cho Hiệu trưởng biết là đã có sai sót về lỗ kỹ thuật trong việc tính toán thi đua quý IV/2019 của thầy Khương, nên đã chuyển nhầm cho thầy số tiền hơn 14 triệu đồng, tương đương với Hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong khi đó, thực tế là quý IV thầy không tự đánh giá thi đua cho mình, tổ chuyên môn và nhà trường không xét thi đua cho thầy.
Sáng ngày 9/1, do Hiệu trưởng bận đi họp, nên Phó Hiệu trưởng và Công đoàn trường có mời thầy xuống trao đổi về việc nhầm lẫn này, nhưng thầy Khương không đồng ý, dắt xe ra về.
Đúng lúc đó, bà Nga đi họp về, mời thầy ở lại họp để trao đổi về số tiền nhầm lẫn, nhưng thầy một lần nữa không đồng ý, đòi đi về và yêu cầu có văn bản.
Sau đó, Hiệu trưởng đã yêu cầu mang bàn ghế ra sân để ngồi làm việc với thầy Khương, nhưng thầy vẫn không đồng ý, và thông báo cho người thân là mình đang bị giam lỏng trong trường, vì Hiệu trưởng không cho phép bảo vệ mở cửa để thầy về.
Dù vậy, bà Nguyễn Tưởng Nga nhấn mạnh rằng: Đây hoàn toàn không phải là giam lỏng, do việc mời họp này diễn ra trong khoảng thời gian vẫn còn giờ làm việc.
Lực lượng Công an địa phương cũng đã có mặt tại trường, để kiểm soát và tránh cho sự việc diễn ra nghiêm trọng hơn.
Cuối cùng, bà Nguyễn Tưởng Nga thông tin: Hoàn toàn không có chuyện phụ huynh và học sinh không được ra về vào buổi trưa. Khi đó, tất cả mọi hoạt động diễn ra hoàn toàn bình thường trong trường.
Phản hồi ý kiến của nhà trường, cô Nguyễn Thị Nhàn nói rằng, kết quả thi đua quí IV của chồng mình là hoàn thành tốt nhiệm vụ, trường chuyển tiền giống với số tiền niêm yết trong danh sách.
“Bảng danh sách này được đánh giá từ cá nhân đến tổ chuyên môn, hội đồng nhà trường. Khi trường chuyển tiền cho giáo viên xong, giờ bảo là chuyển nhầm thì làm sao ai chấp nhận được”.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã nắm được tình hình vụ việc này qua facebook, và cũng đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp có báo cáo chi tiết, cụ thể vụ việc.
Phương Linh
Theo giaoduc.net
Nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?
Các tiết giáo dục địa phương sẽ đưa học trò đến với những trải nghiệm thật nhất để các em có thể hiểu, khám phá về các kiến thức văn học, lịch sử, địa lý...
Ở chương trình, sách giáo khoa hiện hành (năm 2000) thì thì nội dung giáo dục địa phương đã được đưa vào giảng dạy ở một số môn học từ nhiều năm qua. Và, thông qua những bài học về kiến thức địa phương, học sinh sẽ hiểu rõ hơn về vùng đất của mình đang sinh sống một cách tường tận nhất.
Trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì chúng ta lại thấy đề cập nhiều đến chương trình giáo dục địa phương. Và, thực tế thì các Sở Giáo dục và Đạo tạo ở các địa phương đã và đang triển khai viết, hoàn thiện nội dung giáo dục địa phương để giảng dạy trong những năm tới.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (Thành phố Bạc Liêu) thắp hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (Ảnh minh họa: Báo Bạc Liêu)
Theo Nghị quyết số 29 của Trung ương, Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu xây dựng chương trình mở, phù hợp với xu thế quốc tế và đáp ứng yêu cầu của bản thân mô hình chương trình phát triển năng lực.
Nên trong thời gian qua, chúng ta đã thấy toàn ngành giáo dục đã có những bước chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Đến thời điểm hiện tại thì đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Còn nội dung giáo dục địa phương cũng đang được các tỉnh thực hiện nhưng có phần âm thầm và yên ắng hơn.
Căn cứ quy định của Nghị quyết số 88 của Quốc hội thì Chương trình giáo dục phổ thông mới đã đã được Bộ hướng dẫn: "Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp...
Nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương...
Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương;
Chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt".
Chương trình giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện ở các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ Thuật, Công nghệ...
Ở cấp Tiểu học thì nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm của học sinh.
Đối với cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông thì nội dung giáo dục của địa phương có thời lượng 35 tiết/năm học, tổng thời lượng trong cả 7 năm học là 245 tiết. Và, từ khung thời lượng này, các địa phương sẽ căn cứ nhu cầu thực tế, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp cho địa phương mình.
Chúng tôi cho rằng, chủ trương để các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động xây dựng nội dung giáo dục địa phương là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.
Thực tế, đất nước ta có nhiều vùng miền, nhiều dân tộc sinh sống khác nhau và ta thấy tiếng nói, văn hóa, lịch sử, địa lý...của mỗi vùng quê cũng khác nhau nên nội dung chương trình, sách giáo khoa chung của Bộ khó có thể đề cập hết được.
Nội dung giáo dục địa phương sẽ đảm nhận công việc của địa phương mình để giúp cho học sinh những trải nghiệm cần thiết và bổ ích nhất. Chẳng hạn đối với môn Lịch sử khi học về vùng đất, con người, những nhân vật lịch sử ở địa phương thì thầy và trò có thể đến tận nơi để trải nghiệm.
Học về tác phẩm văn học địa phương, học sinh sẽ yêu hơn mảnh đất quê mình, tự hào hơn về vùng quê của mình đã có những nhà văn, nhà thơ như thế. Tất nhiên, các thầy cô dạy cũng nắm rõ hơn về những điều mà mình đang giảng cho học trò...
Rất nhiều tiết học đã đưa học trò đến với những trải nghiệm thật nhất để các em có thể hiểu, khám phá, chiêm nghiệm về các kiến thức văn học, lịch sử, địa lý, văn hóa...của tỉnh nhà- nơi mà mình đang sống hàng ngày.
Giáo viên hy vọng gì vào nội dung giáo dục địa phương
Đối với sách địa phương đang được giảng dạy lâu nay nếu so với sách giáo khoa của Bộ hay của một nhà xuất bản nào đó thì có lẽ sẽ không bằng bởi nội dung, cách thể hiện, trình bày có phần đơn giản hơn rất nhiều.
Bởi, đa số các tác giả viết sách địa phương không phải là những nhà viết sách giáo khoa chuyên nghiệp, không phải là những họa sĩ chuyên nghiệp mà họ là những chuyên viên của Sở, những thành viên của Phòng Trung học....
Chính vì thế, lần thay đổi nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ thực hiện trong những năm tới đây, chúng tôi chỉ mong những nội dung trong các sách địa phương đa dạng về nội dung và chỉn chu hơn về cấu trúc, cách trình bày.
Đặc biệt, các tác giả viết sách cần có sự phối hợp tốt với Hội Sử học, Hội Văn học nghệ thuật... của tỉnh để nội dung của sách địa phương có chiều sâu hơn và giới thiệu được những nội dung chọn lọc tốt hơn.
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net
Phút trải lòng của giáo viên môn "phụ" Mới ngày nào, Quang - con út của một gia đình nông dân ở tỉnh Hải Dương - còn là niềm tự hào của cả nhà, khi trúng tuyển Khoa Giáo dục Chính trị của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Gia đình Quang đông anh em nhưng chỉ có cậu được học hành "đến nơi, đến chốn". Thấm thoắt 4 năm...