Hiệu trưởng ĐH Giao thông trần tình vụ luận văn, đồ án bị bán phế liệu
Sau khi báo chí phản ánh về các luận văn, đồ án của sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải bị đem bán với giá giấy loại, tập kết ở bãi phế liệu, trao đổi với PV Dân trí, Hiệu trưởng Trần Đắc Sử cho biết: “Luận văn, đồ án này thuộc diện bị hủy theo quy định”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: “Clip mà báo chí phản ánh là đúng nhưng ở đây có phần hiểu nhầm vấn đề. Chúng tôi đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc thì luận văn, đồ án này thuộc diện bị hủy theo quy định”.
Cuốn Luận văn thạc sĩ và Đồ án tốt nghiệp mà trường ĐH Giao thông vận tải tìm thấy trong đống giấy vụn
Theo ông Sử, mỗi học viên khi làm luận văn thì phải có 2 cuốn nộp cho nhà trường để lưu trữ trên thư viện, 5 cuốn nộp cho hội đồng chấm (trong đó có 2 phản biện).
Theo quy định, mỗi luận văn hay đồ án của sinh viên đã được bảo vệ trước hội đồng và có chữ ký của người hướng dẫn được nhà trường lưu giữ trên thư viện theo đúng quy định để mọi người tham khảo. Với các luận văn, đồ án mà sinh viên nộp cho các thành viên hội đồng và phản biện, các thầy chỉ lưu giữ trong vòng 2 – 3 năm là được quyền hủy bởi các thầy không có trách nhiệm phải lưu giữ lâu.
Nếu luận văn, đồ án mà đang trong thời gian lưu trữ của nhà trường mà lọt ra ngoài là nhà trường phải chịu trách nhiệm còn với các cuốn khác sẽ là tài liệu tham khảo hoặc thuộc quyền sử dụng của các thành viên hội đồng nên trường không quản lý.
Do đó, vấn đề mà báo chí phản ánh, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra trong đống giấy vụn mà cô thu mua giấy vụn ở kho của phòng sau đại học đó gom lại, chúng tôi lục ra có 2 cuốn, 1 cuốn đồ án tốt nghiệp và 1 cuốn luận văn thạc sĩ thì thấy, cả 2 cuốn đã bị mất bìa, nhàu nát.
Cuốn luận văn Thạc sĩ làm từ năm 2006, tuy có chữ ký của người hướng dẫn nhưng đã quá thời hạn cho phép các giảng viên lưu ( từ 2 năm trở lên) thì được quyền hủy. Đồng thời, nhà trường kiểm tra trên thư viện cuốn luận văn thạc sĩ này có bìa và chữ ký của người hướng dẫn vẫn được lưu giữ. Như vậy, cuốn luận văn Thạc sĩ mà cô mua giấy vụn kia thu gom được là của thầy hướng dẫn và cũng hết thời gian lưu giữ với thầy theo quy định và được hủy.
Video đang HOT
Đối với cuốn đồ án tốt nghiệp năm 2012, trong cuốn này không có chữ ký của người hướng dẫn đồng nghĩa với đồ án chưa được nghiệm thu và không có giá trị.
Trả lời câu hỏi, vì sao người mua giấy vụn lại có chìa khóa của kho chứa tài liệu của Khoa sau đại học?
Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: Trong năm qua nhà trường có đợt điều chỉnh lại phòng làm việc của các đơn vị, nên phòng này thuộc khoa Điện-Điện tử quản lý, gần đây mới ban giao cho Phòng sau Đại học để làm kho quản lý các tài liêu liên quan. Trong quá trình tiếp nhận kho, thấy giấy tờ trong kho ngổn ngang, cán bộ khoa sau đại học nhờ cô bán giấy vụn (đồng thời cũng là người thường xuyên quét dọn văn phòng của đơn vị) dọn dẹp giúp và có thanh lý 1 số giấy vụn và cô mua giấy vụn này thu gom lại cho vào bao bì.
Trước ngày cô này mở cửa bán giấy vụn, có 1 người gọi điện hỏi mua giấy vụn với mức giá 5000đ/kg với loại giấy 1 mặt với giá hời so với thị trường (giá bình thường là 3.500 đ/kg), cô này đã đồng ý. Hôm sau, người mua đến gặp cô bán giấy vụn tại trường để thỏa thuận.
Do trong kho không có tài sản giá trị nào, toàn là tài liệu giấy thi, quy chế thi, công văn giấy tờ đã hết hạn nên chìa khóa của kho để ở văn phòng khoa để mọi người cần xuống kho cho tiện. Cũng do là người thường xuyên quét dọn trong đơn vị nên cô bán giấy vụn cũng được cầm chìa khóa.
Khi người mua giấy đến thì cô này đã lấy chìa khóa ở khoa và dẫn người mua xuống kho để lấy giấy vụn. Tuy nhiên, người gạ mua giấy vụn lại sau khi xem xong đống giấy vụn lại không mua nữa và bỏ đi.
Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ đống giấy vụn đó và tìm được 2 cuốn như đã nói ở trên. Hiện trong kho của khoa sau đại học cũng có tủ lưu giữ luận văn, đồ án năm 2012 của sinh viên mà các thầy gửi nhờ vì phòng làm việc quá chật. Các cuốn này vẫn còn nguyên trong tủ. Tuy nhiên, các cuốn này các thầy cũng có thể hủy được vì đã quá thời hạn 2 năm lưu giữ theo quy định.
Ông Trần Đắc Sử cũng thừa nhận rằng: “nhà trường sơ suất trong vấn đề quản lý kho giao cho phòng sau đại học. Rất may kho không phải là nơi chứa luận văn mà chỉ là nơi để tài liệu thừa và 1 ít luận văn các thầy gửi vào đó. Đồng thời, qua sự việc trên, nhà trường cũng rút kinh nghiệm công tác an ninh trong nhà trường chưa được chặt chẽ để người lạ vào trường”.
Hồng Hạnh
Theo Dantri
Chưa đến Tết, bưởi tiến vua đã "cháy" hàng
Bưởi Luận Văn là đặc sản của vùng đất Thọ Xuân. Xưa kia, loại bưởi này được chọn để dâng lên tiến vua. Ngày nay, mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều người "săn" loại bưởi này để bày mâm ngũ quả khiến cho bưởi Luận Văn luôn đắt khách.
Làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là nơi duy nhất còn trồng giống bưởi tiến vua. Bưởi ở đây khi chín có màu đỏ gấc rất đẹp mắt, hương thơm dịu đặc trưng và ăn rất ngon. Mỗi độ tết đến xuân về, nhiều người trong và ngoài tỉnh thường đến Thọ Xuân "săn" loại bưởi đặc biệt này về cúng Tết.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thọ Xương đang trồng và thâm canh hơn 5ha bưởi Luận Văn. Trong đó có 3ha trồng chuyên canh theo mô hình vườn đồi, 2ha còn lại được trồng xen canh trong vườn các hộ gia đình. Gia đình ông Nguyễn Văn Khảm (77 tuổi) là hộ dân lưu giữ giống bưởi gốc Luận Văn, ngoài cung cấp cây giống thì hàng năm gia đình ông cũng bán quả ra thị trường Tết.
Ông Khảm cho biết: "Từ đời ông cố của tôi, giống bưởi này đã được trồng trong vườn. Vì là loại quả ngon đặc biệt, có màu sắc khác thường nên những năm gần đây loại bưởi này được nhiều người tìm mua. Mỗi quả bưởi Luận Văn giá bao giờ cũng đắt hơn gấp đôi, gấp ba giá bưởi thường".
Ông Nguyễn Văn Khảm, người trồng và lưu giữ giống bưởi đỏ tiến vua ở Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên đến nay bưởi Luận Văn đã không còn hàng để bán ra thị trường. Nguyên nhân được nhiều chủ vườn cho biết, số lượng cây ra quả nhiều năm nay ở địa phương rất ít. Bên cạnh đó, do năm nay nhuận thêm một tháng nên đến thời điểm này bưởi đã già, nhiều cây đã rụng hết quả.
Trồng nhiều bưởi Luận Văn nhưng năm nay gia đình ông Khảm cũng không có bưởi bán Tết. "Những năm trước bưởi ở làng tôi thường chỉ bán trong tỉnh nhưng năm nay nhiều thương lai ở Hà Nội và các tỉnh khác cũng tìm đến mua nên bưởi rất đắt hàng. Bưởi trong vườn nhà tôi đã có khách đặt mua từ trước, đến nay không còn bưởi đến bán vào dịp Tết", ông Khảm nói.
Theo ông Lê Văn Cần - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thọ Xương, một số vườn đồi lớn của địa phương được nhân giống Luận Văn ra trồng đến nay cũng không có bưởi để bán. "Sau ba năm trồng giống bưởi này ở một số vườn đồi đến nay bưởi mới cho ra bói. Số lượng quả ít, nhưng đều đã được khách hàng đặt mua hết. Một số hộ trồng nhiều ở xã như gia đình ông Lê Minh Tâm, Nguyễn Văn Mâu, Nguyễn Văn Tường, Tết năm nay cũng không có đủ bưởi đến bán ra thị trường".
Sở dĩ, bưởi Luận Văn được nhiều người tìm mua vì quả bưởi được trồng trên đất Luận Văn giữ được tươi lâu. Khi mua về, chỉ cần lau qua rượu bưởi sẽ chuyển màu đỏ để được khoảng hai tháng. Khi chín có mùi thơm rất đặc trưng, ăn cũng rất ngon. Nhiều người quan niệm, để loại bưởi đỏ tiến vua này trong nhà sẽ đem lại may mắn trong năm mới.
Theo tìm hiểu của Dân trí, tại một số vườn bưởi ở Thọ Xuân cũng có trồng giống bưởi Luận Văn, đến thời điểm này cũng đã hết hàng vì các chủ vườn bưởi đã bán hết. Anh Thành một chủ vườn cho hay: "Đầu tháng Chạp đã có người từ Hà Nội vào đặt mua hết bưởi trong vườn của gia đình nên đến nay không còn bưởi bán. Năm nào các lái buôn ở Hà Nội cũng vào mua đưa ra đó bán rất chạy".
Cũng theo anh Thành, giá mỗi quả bưởi Luận Văn bán ra vào dịp Tết năm nay có giá từ 70.000 - 200.000đ/quả. Khách có nhu cầu mua với số lượng lớn, giá bán sỉ thấp nhất là 70.000 quả. Giá bán lẻ tùy vào quả có trọng lượng khác nhau có giá từ 100.000 - 120.000đ/quả. Những quả to, màu sắc đẹp mắt được bán với giá 200.000đ.
Ông Lê Duy Cần cho biết thêm, trước nhu cầu của thị trường hiện nay, những năm gần đây xã Thọ Xương đã nhân giống và trồng thêm giống bưởi Luận Văn ở nhiều nơi. "Bưởi Luận Văn giờ đây không chỉ là cây ăn quả bình thường mà còn là cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Địa phương luôn quan tâm đặc biệt để phát triển giống bưởi này", ông Cần nói
Được biết, giống bưởi Luận Văn gốc trong vườn nhà ông Khảm được đưa hai cây giống ra Hà Nội trồng trong vực lăng Bác Hồ năm 1980. "Khi nhà thơ Tố Hữu về thăm Thanh Hóa, được người dân mời ăn bưởi Luận Văn, ăn thấy ngon, nhà thơ mới hỏi giống bưởi này ở đâu? Biết được địa chỉ ông đã đề xuất địa phương đem giống bưởi này ra trồng trong vườn gần lăng Bác. Hai cây bưởi lớn trong vườn nhà tôi đã được đào mang ra Hà Nội trồng", ông Khảm kể.
Thái Bá
Theo Dantri
Đã chọn được đồ án thiết kế Khu tưởng niệm Gạc Ma Ban tổ chức đã chọn 3 đồ án xuất sắc nhất: "Giọt nước mắt thiên thu" của tác giả Lâm Quang Nới, "Những người nằm lại phía chân trời" của tác giả Lý Thị Liễu và "Hành trình khát vọng" của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, Sở QH-KT TPHCM. Ba đồ án được chọn vào vòng chung kết,...