Hiệu trưởng bị bắt, bằng do Đại học Đông Đô cấp có còn giá trị?
Một số cán bộ Trường Đại học Đông Đô móc ngoặc với tổ chức bên ngoài cấp văn bằng 2 cho học viên trái quy định. Khi vụ việc bị phanh phui, những tấm bằng đã cấp có còn giá trị?
Liên quan vụ ông Dương Văn Hòa (36 tuổi, Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) cùng 3 thuộc cấp bị bắt, nhiều độc giả băn khoăn về số phận pháp lý của những tấm bằng đã được cấp. Liệu số bằng đã cấp có bị thu hồi? Những sinh viên, học viên học thật, thi thật có được trao bằng tốt nghiệp?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) đã chia sẻ với Zing.vn về những vấn đề nhiều người quan tâm.
Để khởi tố ông Dương Văn Hòa và 3 thuộc cấp về tội Giả mạo trong công tác, cơ quan điều tra đã thu thập tài liệu, chứng cứ cho thấy họ thực hiện một trong các hành vi như sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả hoặc Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Bị can Dương Văn Hòa (bìa trái), Trần Ngọc Quang (giữa) và Phạm Vân Thùy. Ảnh: Bộ Công an.
Theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra xác định một số người không thi tuyển, không tham gia học tập tại trường nhưng đã bỏ tiền ra để được nhận văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.
Các bị can hợp thức hóa hồ sơ để cấp bằng cho học viên trong thời gian ngắn. Việc cấp bằng đại học mà không thực hiện thủ tục tuyển sinh, không đào tạo như vậy là hành vi được xác định là làm, cấp giấy tờ giả.
Theo Điều 359 Bộ luật Hình sự, hành vi làm, cấp giả giấy tờ được xác định là cấp giấy tờ, bằng cấp không đúng thẩm quyền hoặc không đúng trình tự, thủ tục gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, ảnh hưởng đến việc quản lý chất lượng giáo dục đào tạo.
Video đang HOT
Bởi vậy, hành vi này được xác định là nguy hiểm cho xã hội là căn cứ để buộc tội các bị can.
Hành vi của các bị can được xác định là có tổ chức và người phạm tội là người có trách nhiệm cấp các giấy tờ tài liệu đó. Vì vậy, 4 bị can có thể đối mặt với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù, theo quy định tại các điểm a và b Khoản 2 Điều 359 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng xác định có từ 6 đến 10 giấy tờ giả thì các bị can đối diện mức hình phạt có thể đến 15 năm tù.
Trường hợp các giấy tờ, tài liệu giả từ 11 giấy tờ trở lên thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại Khoản 4 của điều luật này.
Xử lý người mua bằng ra sao?
Hiện nay, các học viên học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của trường này có thể chia làm hai nhóm gồm không thi tuyển và học thật, thi thật.
Nhóm những người không tham gia thi tuyển, không tham gia học tập mà bỏ tiền ra để được nhận bằng tốt nghiệp thì cả học viên lẫn cán bộ nhà trường đều có sai phạm. Trường hợp này cần xử lý nghiêm minh và thu hồi toàn bộ bằng cấp, chứng chỉ đã cấp. Các giấy tờ này có thể bị hủy bỏ theo quy định.
Một mẫu bằng cấp cho học viên tốt nghiệp, do ông Hòa ký. Ảnh: NVCC.
Đối với các học viên không tham gia đào tạo, đã bỏ tiền ra để được cấp bằng theo hình thức mua – bán cũng cần phải xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
Nếu họ biết là bằng cấp giả mà vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi này có thể xử lý về tội Làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan Nhà nước, quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự với hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Còn trường hợp những người này không nhận thức được đó là bằng cấp giả, chưa sử dụng vào mục đích lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi này chỉ bị xử lý kỷ luật theo quy định của nơi họ công tác, hoặc phạt hành chính và thu hồi số tiền đã bỏ ra để mua bằng.
Học thật, thi thật vẫn được nhận bằng
Nhóm thứ hai là các học viên tham gia thi tuyển sinh, tham gia học tập đào tạo theo đúng nội dung, chương trình của bộ giáo dục, đã thi tốt nghiệp thì phải được đảm bảo quyền lợi, phải được xem xét cấp bằng theo đúng quy định.
Trường Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh công khai trên website của nhà trường, có thu học phí, có tổ chức lớp học, thi cử có kết quả thi.
Những học viên thuộc nhóm này thi tuyển, học tập đào tạo một cách công khai, ngay tình, đúng thủ tục, quy trình giáo dục. Họ không biết được những sai phạm khác của lãnh đạo, cán bộ nhà trường.
Bởi vậy, trường Đại học Đông Đô và Bộ GD&ĐT cần xem xét phân loại và sớm cấp bằng hợp pháp cho các học viên này.
Đối với các sinh viên, học viên thuộc nhóm “học thật, thi thật” này đã được cấp bằng trước đây thì tấm bằng đó vẫn có giá trị pháp lý theo quy định.
Theo Zing.vn
Bộ Công an khởi tố Hiệu trưởng Đại học Đông Đô
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.
Bị can Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng Đại học Đông Đô (Ảnh Bộ Công an).
Ngày 2/8, Bộ Công an cho biết: Ngày 30/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 04 bị can, gồm:
1. Dương Văn Hòa, sinh năm 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, là Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô.
2. Trần Ngọc Quang, sinh năm 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường Đại học Đông Đô.
3. Phạm Vân Thùy, sinh năm 1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô.
4. Lê Thị Lương, sinh năm 1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô.
Ngày 01/8/2019, sau khi có Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang. Đồng thời, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương. Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Theo Danviet
Vì sao Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô bị khởi tố, bắt tạm giam? Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô để điều tra về tội "Giả mạo trong công tác". Vậy hành vi vi phạm của bị can được xác định cụ thể như thế...