Hiệu quả rõ rệt trong điều trị tự kỷ, bại não bằng châm cứu
Qua theo dõi liên tục trong 3 năm tiến trình điều trị của 76 trẻ được chẩn đoán xác định là tự kỷ bằng phương pháp châm cứu tại BV, thấy các em đều có sự tiến bộ đáng kể về khả năng ngôn ngữ, giao tiếp…
PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện châm cứu T.Ư vui mừng thông báo tại hội thảo khoa học về châm cứu, điều trị và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, bại não diễn ra sáng 29/5 tại Viện.
Một bệnh nhi đang được điều trị bằng phương pháp châm cứu tại khoa Nhi, BV Châm cứu T.Ư. Ảnh: H.Hải
Bớt hiếu động, tăng ngôn ngữ
Sáng 29/5, sau buổi hội thảo về phương pháp điều trị cho những bệnh nhi đặc biệt này, chúng tôi đã trực tiếp đến khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiếp xúc với nhiều phụ huynh của các bé tự kỷ, bại não dẫn đến khó khăn trong vận động, nhận thức, rối loạn hành vi đang điều trị tại Viện.
Bố của cháu N.N.H.M (6 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, cháu M bị bại não từ khi mới sinh ra. Lúc nhỏ chỉ nuôi ăn, nuôi ngủ còn đỡ vất vả. Nhưng khi lớn lên, bé quả thực là nỗi lo lắng của cả gia đình bởi rất hiếu động, nghịch ngợm nhưng lại không ý thức đâu là trò chơi nguy hiểm, đã rất nhiều lần tự gây chấn thương cho mình nhưng lần sau vẫn tái diễn như thường. Gia đình cháu M đã cho con điều trị tại BV Nhi TƯ nhiều năm nay, nhưng bé vẫn không tiến triển nhiều, thích thì chạy nhảy, la hét, nhảy luôn tay luôn chân không ngừng nghỉ và tuyệt nhiên không chơi với các bạn. Thấy bạn có đồ muốn có là giật ngay không nói năng gì. Ngay cả với người thân trong gia đình bé cũng lười giao tiếp, chỉ hét đòi…
“Có bệnh thì vái tứ phương”, khi biết tại BV Châm cứu TƯ có điều trị cho trẻ bại não, tự kỷ bằng châm cứu, gia đình tôi đã quyết định đưa con sang điều trị”, bố cháu M nói. Sau hơn nửa tháng được điều trị bằng châm cứu, cháu M đã có những chuyển biến rõ nét, đỡ nghịch, nói/giao tiếp nhiều hơn, hiểu được những điều người khác nói và ít chạy nhảy lung tung… gia đình rất phấn khởi và tin tưởng ở phương pháp chữa bệnh này.
Trong phòng bệnh, cháu N.H.V (5 tuổi ở Nghệ An) cũng đang được điều trị. Bà của cháu V cho biết, đến năm 3 tuổi cháu V vẫn chậm nói, không thích chơi với bất kể ai nên gia đình đã đưa ra bệnh viện Nhi TƯ khám và được chẩn đoán tự kỷ. Cũng trải qua rất nhiều bệnh viện điều trị, cuối cùng gia đình đã thống nhất cho bé đến khoa Nhi, BV Châm cứu TƯ điều trị. Chỉ sau một đợt điều trị đến nay tình hình của cháu đã khả quan hơn, khi gọi tên cháu đã biết quay lại, cháu cũng nhận biết được một số bộ phận cơ thể ít chơi đi chơi lại chỉ một trò chơi…
Video đang HOT
Mở rộng mô hình điều trị
BS Tú Anh, Trưởng khoa Nhi BV Châm cứu TƯ, chia sẻ niềm vui tiến bộ của trẻ tự kỷ nhờ điều trị bằng châm cứu (Ảnh: Trần Phương)
Theo PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, tự kỷ là một chứng bệnh liên quan đến rối loạn phát triển tâm lý khiến người mắc bệnh có những biểu hiện bất thường trong quan hệ giao tiếp xã hội, sống thu mình, ngại tiếp xúc. Đáng nói bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng và bệnh tự kỷ có thể trở thành bệnh mãn tính tồn tại trong suốt cuộc đời bệnh nhân nếu không can thiệp đúng và kịp thời. Còn bại não trẻ em được hiểu là một dạng tổn thương não lan tỏa với biểu hiện về khả năng ngôn ngữ, trí tuệ, nhận thức giảm…
Việt Nam đã áp dụng nhiêu phương pháp giáo dục tâm lý và cả những phương pháp khác như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, tập vật động ở nhiều đơn vị từ BV Châm cứu TƯ, BV Nhi TƯ, ĐH Quốc gia Hà Nội… Các phương pháp này đã đạt những hiệu quả nhất định.
Tại BV Châm cứu TƯ, tại đơn vị châm cứu, điều trị và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, bại não, trẻ được điều trị tổng hợp nhiều phương pháp, kết hợp cả y học hiện đại và cổ truyền. Với y học cổ truyền, bệnh nhi được điều trị kết hợp các biện pháp từ phương pháp Đại trường châm đến phương pháp thủy châm, phương pháp cấy chỉ, xoa bóp phục hồi chức năng đến các phương pháp điều trị theo y học hiện đại như: Chiếu đèn hồng ngoại, chiếu đèn tử ngoại, giáo dục kỹ năng sống, tập vận động, phục hồi chức năng…
Ông Thành cho biết, thực tế mô hình này đã được triển khai từ một vài năm trước và mang lại kết quả khả quan. Trên cơ sở đó bệnh viện mới tiếp tục mở rộng điều trị cho bệnh nhi.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí chữa trị cho gia đình có con bị bại não, tự kỷ, ngoài những trẻ dưới 6 tuổi có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được khám và điều trị miễn phí, bệnh viện sẽ miễn phí tiền phòng, giường nằm cho những trẻ từ 6 đến 15 tuổi-TS. Thành chia sẻ. Ngoài ra trong tổng số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh viện sẽ điều trị miễn phí cho một số trường hợp gia đình khó khăn.
14 bác sĩ, 22 điều dưỡng của khoa Nhi đang chăm sóc cho khoảng 200 bệnh nhi, đa phần là bại não, tự kỷ… (Ảnh: Trần Phương)
Kết quả điều trị bại não bằng y học cổ truyền năm 2009 cho thấy trong số 1.308 bệnh nhân bị bại não thì có 237 cháu khỏi hoàn toàn (chiếm 18,1%) năm 2011 trong số 1.414 cháu bị bại não thì 298 cháu khỏi hoàn toàn, chiếm 21,1%.
Kết quả điều trị tự kỷ cũng cho thấy có hiệu quả rõ rệt. Qua theo dõi quá trình điều trị liên tục của 76 trẻ được chẩn đoán xác định là tự kỷ (độ tuổi từ 20 tháng đến 7 tuổi) vào điều trị tại khoa Nhi BV Châm cứu TƯ trong giai đoạn 2008 – 2011 cho thấy, các bệnh nhi tiến triển rất tốt: giảm tỉ lệ giả điếc từ trên 90% trẻ điếc giả, lôi tay người khác khi cần xuống còn 51% điếc giả và 58% lôi tay người khác khi cần giảm gần 1 nửa hiện tượng chỉ chơi một mình, không biết các bộ phận cơ thể giảm từ 20-50% trẻ không nói được từ đơn, phát âm vô nghĩa. Các dấu hiệu lâm sàng khác như chơi dập khuôn, hành vi lạ, hiếu động tăng động, không thực hiện mệnh lệnh… cũng được cải thiện. Có thể thấy, sau thời gian theo dõi điều trị, sự thuyên giảm mức độ nặng của các dấu hiệu lâm sàng chính về kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng ngôn ngữ và các hành vi bất thường sau điều trị đã có sự khác biệt rất có ý nghĩa so với trước điều trị.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ tự kỷ
Tại nhiều quốc gia phát triển, việc phát hiện và can thiệp sớm với trẻ tự kỷ rất quan trọng, vì trẻ sẽ có nhiều cơ hội (trên 30%) hòa nhập xã hội tốt.
Trong khi đó, tỉ lệ thành công khi trẻ tự kỷ được phát hiện muộn là rất ít.
Giai đoạn vàng
Bé M.T., 20 tháng tuổi, được cha mẹ đưa đến một cơ sở đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ với biểu hiện chậm nói, gọi không đáp ứng, không chơi với bạn cùng tuổi, không đáp ứng mắt... Bé chưa được chẩn đoán chính xác do chưa đủ tuổi chẩn đoán chứng rối loạn phát triển, nhất là chứng tự kỷ. Tuy nhiên, bé vẫn được đưa vào chương trình can thiệp sớm với các khiếm khuyết chính về ngôn ngữ và quan hệ xã hội. Sau một thời gian can thiệp, bé cải thiện rất nhiều, phát âm được một số từ, biết hát theo các bài của giáo viên dạy, khả năng chơi với bạn tốt hơn.
Cần can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. (Ảnh minh họa)
Trường hợp của A.L., 5 tuổi, ngược lại. Bé có biểu hiện tương tự khi 2 tuổi, được cha mẹ đưa đi khám, tuy nhiên bác sĩ cho rằng bé cần đi học lớp mẫu giáo bình thường để hòa nhập, không cần can thiệp đặc biệt. Hậu quả đến 5 tuổi bé vẫn chưa thể nói, chỉ nói được vài từ vô nghĩa và lặp lại, có biểu hiện rối loạn hành vi, khuyết tật trí tuệ và rất khó hòa nhập cộng đồng.
Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy tỉ lệ mắc chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ chiếm 5-10/10.000 trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn phụ huynh phát hiện dấu hiệu tự kỷ chậm mất 13 tháng. Đây là điều đáng tiếc. 30 năm trước, các nhà chuyên môn trên thế giới đã đề cao hướng can thiệp sớm, rất nhiều mô hình can thiệp sớm ra đời nhằm giúp trẻ có thể phục hồi tốt nhất.
Hiện có nhiều chương trình tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ vui chơi. Ảnh: Minh Đức
Sự phát triển đặc biệt về ngôn ngữ, quan hệ giao tiếp và nhận thức trong ba năm đầu đời cực kỳ quan trọng. Trẻ em phát triển ngôn ngữ chủ yếu là giai đoạn trước 3 tuổi. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn chẩn đoán, để đánh giá chính xác chứng tự kỷ phải sau 3 tuổi, như vậy nếu chẩn đoán chính xác thì việc can thiệp cho trẻ mắc chứng tự kỷ rất hạn chế. Và việc can thiệp trẻ tự kỷ, chậm ngôn ngữ trong "giai đoạn vàng" là trước 3 tuổi, được các nhà chuyên môn gọi là can thiệp sớm.
Can thiệp sớm
Thường các chuyên gia sẽ đánh giá sớm trẻ tự kỷ bằng các công cụ trắc nghiệm tâm lý chuyên ngành. Trên cơ sở đó, các nhà chuyên môn sẽ xác định rõ tình trạng và khiếm khuyết của trẻ để có thể xây dựng chương trình can thiệp sớm phù hợp. Nhiều trẻ chỉ có những dấu hiệu tự kỷ nhẹ thì chỉ cần can thiệp một phần thời gian ở cơ sở chuyên biệt, thời gian còn lại sẽ được đưa vào các lớp bình thường hòa nhập. Nếu trẻ có dấu hiệu nặng hơn thường được khuyến cáo phải đưa vào chương trình can thiệp chuyên biệt.
Nếu trẻ có dấu hiệu tự kỷ sớm mà không được đưa vào can thiệp chuyên biệt thường rất khó hòa nhập, nhiều khi di chứng sang các rối loạn khác như rối loạn hành vi, chậm phát triển...
Dấu hiệu nhận biết * Các triệu chứng không đặc hiệu (trước 12 tháng tuổi) Tăng động (kích động khó ngủ, khóc nhiều, khó dỗ dành, hay bị cơn đau quặn bụng do đầy hơi, khó chịu không lý do) hoặc trẻ thờ ơ, yên lặng, dường như thích ở một mình, ít đòi hỏi cha mẹ chăm sóc khả năng tập trung kém: không chú ý hoặc tập trung như các trẻ cùng tuổi. * Các triệu chứng đặc hiệu hơn (sau 12 tháng) liên quan đến kỹ năng giao tiếp và xã hội Mất đáp ứng với âm thanh (cảm giác bị điếc hoặc khiếm thính), ít hoặc không cười trong giao tiếp, không có hoặc giảm kỹ năng giao tiếp không lời hay ít bập bẹ, khó tham gia các trò chơi, các tác động qua lại bằng phát âm, hoạt động giảm hành vi quan sát bằng mắt đặc biệt (có thể quay đi, tránh không nhìn chăm chăm, ánh mắt đờ đẫn, trống vắng hoặc tránh không nhìn khi giao tiếp). * 5 dấu hiệu cờ đỏ phát hiện sớm chứng tự kỷ Viện hàn lâm Thần kinh học của Mỹ đã đưa ra các dấu hiệu báo động của tự kỷ là những trẻ: - Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, dấu vào khoảng 12 tháng. - Không biết nói từ đơn khi 16 tháng. - Không biết đáp lại khi được gọi tên. - Không tự nói được câu có hai từ khi 24 tháng. - Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.
Theo ThS Lê Minh Công (Tuổi trẻ)
Mổ đẻ: Rạch mẹ, cắt nhầm phải con "Khi mổ đẻ, cắt nhầm vào trẻ là tai nạn nghề nghiệp. Những bác sĩ từng mổ đẻ nhiều mà chưa phải chứng kiến tai nạn kiểu này đã là may mắn". Điều đáng sợ là đó không phải tai nạn duy nhất có thể xảy ra với em bé do sự bất cẩn của bác sĩ sản khoa. Những em bé mang...