Hiểu lao động của nhà giáo để đãi ngộ và tôn vinh
Phải làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ tôn vinh xứng đáng, phải đo đạc có tính chất khoa học chứ không thể nói chung được. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách của người học, phải tạo cho học sinh nếp tư duy để họ tự phát triển nhân cách.
Đó là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khi chia sẻ với Dân trí nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nhà giáo lao động cả trí tuệ lẫn nhân cách
TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích, lao động của thầy giáo không chỉ là trí tuệ mà là lao động bằng chính nhân cách, bằng sự yêu thương, nhạy cảm của họ với con người. Không phải ai cũng trở thành nhà sư phạm được. Chúng ta cứ nghĩ là chỉ cần “nhúng” qua trường sư phạm là thành nhà giáo. Người thầy giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng là họ dẫn dắt học sinh (HS) đi đến đâu, tạo cho HS động lực gì để học, để vươn lên trong cuộc sống.
Hiểu lao động của nhà giáo để có chế độ đãi ngộ và tôn vinh thỏa đáng.
Không có động lực thì HS không thể có nghị lực để vượt qua những thử thách, những cám dỗ của cuộc sống đầy biến động hiện nay. Chính người thầy bằng ngọn lửa nhiệt tình của mình, đem hiểu biết của mình gieo vào tâm hồn trẻ. Tất cả những cái đó phải được huấn luyện, được đào tạo, chọn lọc mới có. Cái đó thì không có máy móc nào thay được người thầy. Người ta đã tổng kết rằng, một nền giáo dục không thể vượt được tầm của ông thầy. Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt. Chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hòa… Chất lượng cao là phải ở chất lượng của thầy.
Cũng theo TS Lâm, trong xã hội hiện nay, tỷ lệ các gia đình không ổn định rất cao. Trẻ em là người thiệt thòi nhất khi nhân tố giáo dục trẻ từ mỗi gia đình bị phá vỡ. Nếu các em không được các thầy cô trong các nhà trường nâng đỡ chăm sóc. Chắc chắn nhiều em dễ bị lệch chuẩn. Và vai trò của nhà giáo lúc này sẽ là người cha, người mẹ thứ 2 của các em. Nên ta không chuẩn bị tốt cho những người thầy có đủ năng lực sư phạm tâm huyết với nghề để làm thiên chức thứ 2 này, chắc chắn xã hội sẽ nhận nhiều hậu quả.
“Trong khi xã hội chưa tìm được giải pháp để xây dựng các tổ ấm gia đình, tạo môi trường giáo dục tốt cho trẻ. Tại sao ta không tôn vinh, đãi ngộ để các nhà giáo yên tâm, chuyên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp cho nghề dạy học của mình?” – TS Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề.
Cần có chế độ đãi ngộ hợp lý
Liên quan đến vấn đề lương của giáo viên (GV) hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng có mấy vấn đề cần phải quan tâm. Thứ nhất là quan niệm của chúng ta về lao động của nhà giáo như thế nào để trả lương cho thỏa đáng. Lương cao hơn tất cả thì chắc là khó vì cao nhất cũng chỉ bằng quân đội, công an, nhưng đó là lương xương máu.
Thứ hai là nếu đã coi giáo dục là quốc sách, là điểm tựa để đi đến tương lai, để giải quyết vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết vấn đề nhân lực chất lượng cao… thì phải ưu tiên giải quyết vấn đề lương giáo viên trước.
Video đang HOT
“Cái quan trọng là làm thế nào để các trường học được trả lương cho thầy giáo theo hiệu quả lao động thực tế. Lương hiện nay chỉ xếp theo giờ dạy chuẩn, nhưng công tác giáo dục, ngoại khóa, đoàn đội, chủ nhiệm… cũng phải được trả tiền. Chứ nếu trả tượng trưng thì người ta cũng làm tượng trưng thôi. Lao động của người thầy giáo xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay có hai kiểu GV. Một là kiểu thực sự có năng lực giỏi được HS yêu quý. Còn kiểu thứ hai, phổ biến nhất, là dùng cách này hay cách khác để ép HS phải học. Trước thực tế này, TS Lâm đặt vấn đề: Tại sao không khuyến khích người ta dạy giỏi để trả lương thật cao? Chúng ta phải mạnh dạn cải tiến tiền lương theo hướng đó. Với GV phải đi đúng 4 bước: Tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Và trong tuyển chọn phải có thải loại, dám bỏ những người không phù hợp. Ngành giáo dục càng loại trừ tốt bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Không thể nhân đạo với một người mà vô nhân đạo với rất nhiều thế hệ.
“Việc đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ GV mầm non và tiểu học hiện nay chúng ta đang làm ngược quy luật. Trẻ mầm non và tiểu học là lứa tuổi cần được chăm sóc và giáo dục một cách chu đáo và khoa học nhất, kết quả giáo dục của những lớp này sẽ quyết định rất nhiều đến việc phát triển tài năng và tính cách của mỗi cháu. Để làm được việc này, GV mầm non và tiểu học phải được đào tạo chính quy đạt ít nhất trình độ Cao đẳng và tiền lương lại được ưu tiên có hệ số cao hơn các GV dạy ở các cấp khác. Bảng lương của ta chỉ có hệ số cao cho GV THPT và Đại học. Có lẽ phải làm ngược lại. Nhiều sai sót trong ứng xử sư phạm hiện nay của GV mầm non và tiểu học cũng là do họ không được đào tạo chính quy, không được đãi ngộ đúng với lao động có tầm quan trọng với lứa tuổi học trò” – TS Lâm nói.
Chốt vấn đề tiền lương, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, chúng ta đặt ra yêu cầu đối với GV, rồi đưa người ta đi bồi dưỡng. Có thể GV sau 5 năm phải đào tạo lại 6 tháng. Đảm bảo là chỉ sau 3 năm là có thể có được đội ngũ GV giỏi. Nếu trả lương thỏa đáng và được đào tạo lại, GV lại biết yêu cầu của ngành thì họ sẽ phấn đấu theo. Còn ai không phấn đấu được, ai không phù hợp với nghề thì phải chịu loại bỏ. Sử dụng, đãi ngộ và chọn lọc phải đi với nhau.
S.H (ghi)
Theo dân trí
Các nhà giáo nghỉ hưu cần sự công bằng trong đối xử
"Các nhà giáo nghỉ hưu cần sự công bằng trong đối xử và sự trân trọng chứ không cần một sự thương hại để làm cái việc bố thí phi đạo lý" - TS Nguyễn Tùng Lâm bức xúc chia sẻ về dự thảo trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu.
Ngay sau khi đọc được bản dự thảo trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu, NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã có bài viết bày tỏ những quan điểm của mình với độc giả báo điện tử Dân trí . Dưới đây là nội dung bài viết:
Nhà giáo Vũ Tiến Phi - nguyên Chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, người chuyên theo dõi về chế độ chính sách của giáo viên cả nước, đã cho chúng tôi biết một cách tường tận về chính sách phụ cấp thâm niên của các nhà giáo.
Nhìn lại hai lần thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên
Lần thứ nhất chế độ phụ cấp thâm niên được thực thi 4 năm 7 tháng (từ tháng 9/1988 đến tháng 3/1993 - PV), các nhà giáo nghỉ hưu cũng được tính thâm niên. "Ngày 9/12/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký ban hành Quyết định số 309-CP về chế độ phụ cấp thâm niên (PCTN) cho giáo viên, cán bộ giảng dạy. Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã có 2 Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 309-CP:
Thông tư số 05-TT-LĐTBXH ngày 8/3/1989 hướng dẫn thực hiện chế độ PCTN đối với đội ngũ nhà giáo đương chức. Những năm 80 thế kỷ XX, toàn ngành giáo dục có khoảng 70 vạn nhà giáo đương chức. Mức PCTN được từ 5% đến 25% được tính trên mức lương cấp bậc hoặc chức vụ. PCTN nghề dạy học được hưởng từ ngày 1/9/1988 (ngày tháng khai giảng năm học mới 1988 - 1989).
Thông tư số 08-TT-LĐTBXH ngày 10/4/1989 hướng dẫn thực hiện chế độ PCTN đối với nhà giáo đã nghỉ hưu (nay là Cựu Giáo chức). Những năm 80 của thế kỷ XX, Cựu giáo chức hưởng lương hưu đã có trên 6 vạn cùng được hưởng PCTN - Một chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước với "nghề cầm phấn".
Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi nhà giáo đã nghỉ hưu cư trú có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn, điều chỉnh, bổ sung lại lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; trả tiền truy lĩnh cho các đối tượng. Thông tư số 08-TT-LĐTBXH còn hướng dẫn thực hiện: nhà giáo có thời gian giảng dạy dưới chế độ cũ, sau ngày giải phóng tiếp tục giảng dạy ở các nhà trường dưới chế độ mới thì thời gian giảng dạy dưới chế độ cũ được tính vào thời gian sau này để tính hưởng PCTN.
Lần thứ hai chế độ PCTN nghề dạy học được phục hồi đó là ngày 4/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ PCTN đối với nhà giáo. Đối tượng được hưởng PCTN nghề, đó là: Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) đã được chuyển xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Cùng một chính sách nhưng lần thực hiện sau lại "lạc hâu" hơn lần trước (Ảnh minh họa)
Thông tư Liên tịch số 68-2011-TTLT của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 54-CP. Tại tiết C mục 3 điều 4 Thông tư đã quy định: Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện trích nộp bổ sung phần đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm ytế, bảo hiểm thất nghiệp từ PCTN và điều chỉnh lại mức lương hưu đối với nhà giáo đã nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2011 cho đến ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành.
Như quy định trên đây: gần một triệu nhà giáo các cấp học, các ngành học trong toàn quốc được hưởng PCTN nghề dạy học. Và những nhà giáo đã nghỉ hưu từ ngày 1/5/2011 đến nay được điều chỉnh lại mức lương hưu (trong tiền lương hưu hàng tháng có chế độ PCTN).
Nghị định mới lạc hậu hơn quyết định trước?
Như vậy, cả 2 lần Chính phủ ban hành chế độ PCTN cho giáo viên đều đảm bảo PCTN đó giáo viên được hưởng trong quá trình dạy học cũng như quá trình nghỉ hưu.
Tại sao các nhà giáo lại được Chính phủ giải quyết PCTN hiện nay? "Luật Giáo dục, sửa đổi bổ sung năm 2009, tại điều 81 đã quy định: "Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ".
Thi hành Nghị quyết số 35-2009-QH12 ngày 19-6-2009 của Quốc hội về chủ trương định hướng đối với một số cơ chế tài chính trong giáo dục - đào tạo.
Do đó về mặt đạo lý và cả pháp lý Luật Giáo dục 2009 đã quy định các nhà giáo nghỉ hưu bất cứ lúc nào Nhà nước cũng phải đảm bảo PCTN cho họ. Vậy lý do vì sao mà những người làm chính sách lại tham mưu cho Chính phủ ký Nghị định 54-2011/NĐCP về PCTN cho giáo viên lại không xét PCTN cho các nhà giáo nghỉ hưu trước ngày 1/5/2011?
Trong khi đó quyết định của Chính phủ số 309/CP ngày 9/12/1988 lại cho tất cả giáo viên đã nghỉ hưu trước ngày ký cũng được hưởng và cả những nhà giáo ở miền Nam, dạy học sinh dưới chế độ cũ vẫn được hưởng PCTN (Thông tư 08/TT-LĐTBXH hướng dẫn) 6 vạn giáo viên nghỉ hưu lúc này đã được hưởng PCTN.
Rõ ràng Nghị định 54/2011/NĐ-CP ban hành ngày ngày 4/7/2011 lại lạc hậu hơn quyết định 309/CP ngày 9/12/1988. Liệu những người làm chính sách hiện nay không nắm được Luật Giáo dục bổ sung năm 2009 và họ cũng không biết đã có quyết định 309/CP ngày 9/12/1988? Nhà giáo Vũ Tiến Phi cho biết, trong dự thảo của Bộ GD-ĐT có đề nghị cho các nhà giáo nghỉ hưu trước ngày 1/5/2011 vẫn được hưởng PCTN.
Chắc những người làm chính sách không thể không nắm được chính những nhà giáo nghỉ hưu từ 3/3/1993 đến trước ngày 1/5/2011 đều là những người có đóng góp to lớn cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cũng như giai đoạn bao cấp khó khăn họ vẫn hy sinh vì sự nghiệp giáo dục. Vậy tại sao những nhà làm chính sách lại tham mưu cho Chính phủ cắt bỏ khoản phụ cấp chính đáng của họ khi họ bước vào thời kỳ tuổi già sức yếu?
Mặt khác, về mặt khoa học, khi ban hành các chính sách không thể văn bản sau lại lạc hậu hơn văn bản trước. Và quan trọng văn bản Nghị định 54/2011/NĐ-CP lại tạo ra một sự bất công, sự thiếu công bằng những người về hưu trước 3/3/1993 và trước ngày 1/5/2011 được hưởng PCTN khi về hưu còn những người về hưu ở đoạn giữa từ sau 3/3/1993 đến trước 1/5/2011 lại không được hưởng PCTN mà Luật Giáo dục bổ sung năm 2009 đã quy định?
Mới đây Bộ GD-ĐT lại công bố một dự thảo làm đau lòng, gây phẫn nộ cho các nhà giáo nghỉ hưu là để an ủi không được hưởng PCTN thì Nhà nước cho họ hưởng phụ cấp 1 lần từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng. Xin nói ngay, các nhà giáo có thể nghỉ hưu trong nghèo khó nhưng không thể chết vì thiếu 2,5 hay 3,5 triệu đồng, họ cần sự công bằng trong đối xử và sự trân trọng, chứ không cần một sự thương hại để làm cái việc bố thí phi đạo lý.
Nếu dự thảo này cứ bất chấp dư luận chắc Hội Cựu Giáo chức Việt Nam sẽ kêu gọi những nhà giáo nghỉ hưu sẽ không lĩnh tiền trợ cấp này.
Những người làm chính sách tham mưu cho Chính phủ hãy tỉnh ngộ. Đạo lý tôn sư trọng đạo của người Việt Nam ai cũng có vì ai cũng đi học, ai cũng có những người thầy đáng kính của mình.
TS Nguyễn Tùng Lâm
Theo dân trí
Thầy giáo hơn 30 năm nằm dạy học Có một ngôi nhà nhỏ bé nằm giữa một xóm nghèo nép mình dưới chân núi Đại Huệ xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ngôi nhà ấy đã từng chứng kiến sự miệt mài, khổ học và ước mơ trở thành thầy giáo của một cậu bé trường làng. Và cũng ngôi nhà ấy đã chứng kiến nỗi bất hạnh cũng...