Hiểu lầm của Trump về quyền lực tổng thống Mỹ
Trump tin rằng mọi người trong chính quyền phải làm việc cho mình mà không chú ý đến cơ chế phân chia quyền lực giữa các nhánh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua ký luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga dù cho rằng quốc hội Mỹ đã đưa vào luật này một số điều khoản “vi hiến” khi vội vàng thông qua. Giới phân tích cho rằng tuyên bố này thể hiện sự bất bình của Trump khi phải đặt bút ký đạo luật mà ông không mong muốn, nhưng đồng thời cũng cho thấy Tổng thống vẫn đang hiểu nhầm về cơ chế phân chia quyền lực ở Mỹ, theo CNN.
“Tôi đã xây dựng một công ty thực sự vĩ đại trị giá hàng tỷ USD. Đó là một phần lý do lớn tôi được bầu. Là Tổng thống, tôi có thể đạt được những thỏa thuận với nước ngoài tốt hơn quốc hội”, ông khẳng định. Ông cho rằng luật trừng phạt Nga đã xâm phạm thẩm quyền của nhánh hành pháp trong việc thương lượng, khiến cho Mỹ khó khăn hơn trong việc đạt được những thỏa thuận tốt và sẽ “khiến Trung Quốc, Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn”.
Trên thực tế, chữ ký của ông Trump không mang ý nghĩa quyết định đối với luật trừng phạt này. Dự luật đã được cả hạ viện và thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo, nên ngay cả khi ông không chịu ký, quốc hội vẫn có thể biến nó thành luật mà không cần sự phê chuẩn của Tổng thống.
Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất từng hậm hực với điều mà ông cho là việc lấn át quyền lực hành pháp của mình. Cựu tổng thống George W. Bush thường xuyên hục hặc với quốc hội về quyền nghe lén công dân Mỹ mà không cần lệnh của tòa án. Barack Obama cũng khiến nhiều nghị sĩ tức giận với việc qua mặt họ bằng các sắc lệnh hành pháp.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà quan sát ngạc nhiên là sau 6 tháng nhậm chức, ông Trump vẫn chưa hiểu rõ về cách thức phân chia quyền lực giữa ba nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp của Mỹ, cũng như một thực tế rằng không phải bất cứ ai trong chính quyền Mỹ cũng làm việc cho ông.
Bình luận viên Chris Cillizza cho rằng thông điệp mà ông Trump đưa ra trong phản ứng với quốc hội về đạo luật trừng phạt Nga là “các nghị sĩ Đồi Capitol không biết họ đang làm gì và họ không nên qua mặt ông trong bất cứ vấn đề nào”, đặc biệt là khi ông đã là một doanh nhân nổi tiếng với khả năng đàm phán, sở hữu công ty lớn trị giá nhiều tỷ USD.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump có phản ứng kiểu này với quốc hội. Khi thượng viện Mỹ không thể thông qua dự luật bãi bỏ Obamacare hồi tuần trước, Trump đã thể hiện sự thất vọng rõ ràng và liên tục quở trách các thượng nghị sĩ đã không tuân theo mệnh lệnh của ông.
“Nếu các thượng nghị sĩ Cộng hòa không toàn là những kẻ hèn nhát, việc bãi bỏ và thay thế dự luật này đã không chết yểu như vậy! Yêu cầu một cuộc bỏ phiếu nữa trước khi thông qua bất cứ dự luật nào khác!”, Trump viết trên Twitter hôm thứ bảy. Trong một bài đăng khác, ông viết: “Thành viên đảng Cộng hòa trong thượng viện sẽ không bao giờ thắng nếu họ không có đạt được 51 phiếu để chiếm đa số ngay bây giờ. Họ giống như lũ ngốc và chỉ đang lãng phí thời gian”.
Video đang HOT
Trump từng chỉ trích các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa vì không bãi bỏ được ObamaCare. Ảnh: CNN.
Khi biết tin Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố không tham gia cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, ông Trump cũng có phản ứng tiêu cực tương tự. “Thật là không công bằng, và đó là lời nhẹ nhàng với một tổng thống”, ông tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với NYTimes.
Trong cuộc phỏng vấn này và nhiều tuyên bố khác, Trump không hề mảy may thừa nhận rằng một người có vai trò lớn trong chiến dịch tranh cử như Sessions không thể giám sát cuộc điều tra về cáo buộc thông đồng trong cuộc bầu cử. “Suy nghĩ đó chưa bao giờ đến trong đầu Trump”, Cillizza viết.
Lối nghĩ tương tự cũng được ông Trump thể hiện hồi đầu năm nay, sau khi tòa án liên bang bác bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh của ông. “Ý kiến của người được gọi là thẩm phán đó là lố bịch và cần bị đảo ngược”, Trump nhận xét về thẩm phán ra quyết định ngừng lệnh hạn chế nhập cảnh. “Thật không thể tin được một thẩm phán lại có thể đưa nước Mỹ vào tình thế như vậy. Nếu có gì xảy ra hãy đổ lỗi cho ông ta về hệ thống tòa án. Người ta vẫn tràn vào. Thật tệ”, Trump đăng trên Twitter vào hôm sau.
Cillizza cho rằng quan điểm của Trump là tất cả những người trong chính quyền Mỹ đều phải làm việc cho ông và tuân thủ mọi mệnh lệnh của ông, vì ông là Tổng thống. Điều này thể hiện rất rõ khi ông liên tục gọi các sĩ quan cấp cao trong quân đội là “các vị tướng của tôi”.
Khi thông báo trên Twitter quyết định sẽ cấm quân nhân chuyển giới phục vụ trong quân đội hồi tuần trước, ông Trump cho biết đã “tham vấn với các vị tướng của tôi và nhiều chuyên gia quân sự”.
Nhưng theo Cillizza, dù tổng thống Mỹ là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, họ thường không coi các vị tướng là những người làm việc cho mình, cũng rất hiếm khi dùng từ “của tôi” để mô tả các quân nhân.
Bình luận viên này cho rằng Trump có cách nhìn nhận trên bởi ông xuất thân từ giới kinh doanh, nơi mọi người tại Tập đoàn Trump luôn báo cáo mọi việc với ông và nghe lời ông răm rắp. “Đó là thế giới duy nhất mà ông ấy quen thuộc”, Cillizza viết.
Tuy nhiên nước Mỹ không phải là Tập đoàn Trump. Các nghị sĩ được bầu để đại diện cho người dân, không phải thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu nhánh hành pháp. “Chúng tôi làm việc cho người Mỹ. Chúng tôi không làm việc cho tổng thống”, thượng nghị sĩ Tim Scott hôm 1/8 tuyên bố thẳng thừng trong cuộc phỏng vấn với Washington Post. “Chúng tôi sẽ làm những điều có lợi cho chính quyền miễn là điều đó không khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn cho người dân Mỹ dưới bất cứ hình thức nào”.
Các thành viên nhánh tư pháp cũng vậy, nhiệm vụ của họ là giám sát việc thực thi pháp luật, không phải chấp nhận những điều luật mà tổng thống thích.
“Tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ qua có xu hướng mở rộng quyền hành pháp của mình, đặc biệt là trong quan hệ với quốc hội. Nhưng chưa có tổng thống nào phớt lờ nguyên tắc phân chia quyền lực như Trump”, Cillizza nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Luật trừng phạt có thể chấm dứt kỳ trăng mật Trump - Putin
Những động thái trừng phạt và đáp trả gần đây giữa Mỹ và Nga báo hiệu thời kỳ nồng ấm Trump - Putin đã đi đến hồi kết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bắt tay nhau tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, ngày 7/7. Ảnh: AFP.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12 năm ngoái tỏ thiện chí với tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump khi chọn cách không trả đũa quyết định của Washington trục xuất 35 nhà ngoại giao Moscow và tịch thu một số khu nhà ngoại giao Nga tại Mỹ.
Song thiện chí đó đã hết với việc ông Putin hôm 30/7 quyết định cắt giảm 755 nhà ngoại giao Mỹ và tịch thu các khu bất động sản ngoại giao Mỹ tại Nga để đáp trả việc Washington thông qua dự luật trừng phạt Moscow. Các chuyên gia nhận định đây là động thái cho thấy Nga đã không còn tin tưởng vào triển vọng cải thiện quan hệ song phương và một vòng xoáy mới trong quan hệ hai nước bắt đầu hình thành, theo Reuters.
Triển vọng cải thiện quan hệ bị dập tắt
Quyết định trả đũa của Nga được đưa ra sau khi thượng viện Mỹ hôm 27/7 thông qua một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Moscow, đồng thời không cho phép Tổng thổng Trump nới lỏng chúng nếu không có sự phê chuẩn của quốc hội. Hôm sau, Nhà Trắng ra tuyên bố ông Trump sẽ ký thông qua dự luật.
Dự luật dài 184 trang nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng.
"Người Nga nhận ra rằng màn trình diễn của Trump trên chiếc ghế tổng thống đã gây khó khăn cho ông ấy trong việc mang đến những thay đổi lớn mà họ mong muốn", Andrew Weiss, cựu chuyên gia phụ trách các vấn đề về Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét.
Xếp đầu tiên trong danh sách những điều Moscow muốn chính quyền của Trump thực hiện là quyết định giảm nhẹ hoặc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014. Đây là điều mà chắc chắn thượng viện Mỹ sẽ bác bỏ, cây bút Arshad Mohammed từ Reuters đánh giá.
Tòa nhà đại sứ quán Mỹ ở Moscow, Nga. Ảnh: AFP.
Ông Trump mong muốn cải thiện mối quan hệ với Nga nhưng các cuộc điều tra cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 khiến mục tiêu trên càng trở nên xa vời. Dự luật trừng phạt Nga, được thượng viện Mỹ thông qua với 98 phiếu thuận, 2 phiếu chống, buộc ông phải áp dụng đường lối cứng rắn đối với Moscow bởi nếu đi ngược lại, Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ các nghị sĩ trong chính đảng Cộng hòa của ông, chuyên gia nhận định.
Weiss cho rằng tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục đối với Trump và xu hướng lánh xa các đồng minh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của ông hay việc Tổng thống Mỹ bất lực khi thông qua các dự luật trong nước đang góp phần mang đến cho người Nga cảm nhận về một nước Mỹ suy yếu.
"Điều này có lợi cho Moscow nên họ không cần thiết phải hướng ông ấy khỏi tiến trình tự hủy hoại và gây tác động xấu cho vị thế của Mỹ trên trường quốc tế", Weiss nhận xét.
Nga ra thời hạn cho Mỹ đến ngày 1/9 phải cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao ở nước này xuống còn 455 người, bằng số nhân viên ngoại giao Nga còn lại ở Mỹ. Nga cũng cho biết sẽ tịch thu một khu nghỉ dưỡng và một nhà kho ở Moscow mà đại sứ quán Mỹ đang sử dụng.
Theo một số cựu quan chức Mỹ, chính phủ Nga có thể áp dụng thêm những biện pháp trả đũa khác, chẳng hạn như cố tìm cách hạn chế các chiến dịch không kích của Mỹ ở Syria hay áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Mỹ.
Tuy nhiên, Michael McFaul, đại sứ Mỹ tại Nga giai đoạn 2012-2014, cho rằng ông không nghĩ Nga hiện muốn leo thăng căng thẳng với Mỹ bởi những lời khẳng định của ông Trump về mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow vẫn thúc đẩy ông Putin tìm kiếm một hình thức hòa hoãn nào đó với Mỹ.
"Tôi không nghĩ họ sẽ thay đổi vào lúc này. Tôi cho rằng ông Putin vẫn tin có thể làm điều gì đó với ông Trump", McFaul đánh giá.
Hồng Vân
Theo VNE
Trump thuê thêm luật sư chống cáo buộc câu kết với Nga Ông Trump thêm một luật sư kỳ cựu đại diện cho mình trong cuộc điều tra cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông câu kết với Nga. Luật sư John Dowd. Ảnh: Reuters Luật sư kỳ cựu John Dowd ở Washington được Tổng thống Donald Trump thuê từng làm việc trong các vụ án liên quan tới quan chức, Reuters hôm nay...