Hiểu đúng về virus lây từ động vật sang người, nhà dịch tễ học chỉ ra 3 sai lầm mà mọi người hay có
Bệnh có thể lây truyền qua các loài trung gian, không nhất thiết là phải tiếp xúc với động vật hoang dã.
Khi số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vượt qua con số 2 triệu người, thật khó có thể chấp nhận rằng virus SARS-CoV-2 đã nhảy từ động vật sang người và ban đầu chỉ lây nhiễm một người duy nhất.
Chúng ta không bao giờ có thể quay ngược thời gian để tìm ra chính xác nơi nào hoặc người đầu tiên nào đã nhiễm COVID-19. Nhưng chúng ta biết virus nhảy từ động vật sang người vốn là điểm khởi đầu cho những dịch bệnh, từ cúm, HIV cho đến Ebola, SARS và bây giờ là COVID-19.
Một trong số chúng, chẳng hạn như bệnh dại, chỉ gây ra những đợt bùng phát lẻ tẻ. Những căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao nhưng sẽ thường tự biến mất sau khi làm chết phần lớn vật chủ mà chúng lây nhiễm.
Một số căn bệnh khác sẽ lây lan rộng trên toàn cầu và trở thành đại dịch. Một số chủng virus động vật sẽ liên tục đột biến và lây nhiễm lại cho con người, tạo nên các dịch bệnh lặp đi lặp lại, chẳng hạn như cúm.
Và cũng có những chủng virus được coi là “ bất tử“, khi chúng không thể bị đánh bại và vẫn là một gánh nặng thường nhật đối với con người, lấy ví dụ điển hình nhất là HIV.
Vậy chủng SARS-CoV-2 đang gây ra đại dịch COVID-19 sẽ thuộc vào nhóm nào? Các nhà khoa học cho biết nó rất giống với SARS-CoV, chủng virus đã gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp tính SARS năm 2003. SARS đã bị tuyệt chủng sau khi gây tử vong cho gần 10% những người nhiễm nó.
Nhưng với COVID-19, các nhà khoa học cho biết chủng virus này đã thông minh hơn khi chỉ làm chết khoảng 1-2% những người nhiễm bệnh. Một số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 còn không có triệu chứng, vì vậy, có khả năng nó sẽ ở lại với chúng ta và lưu hành vĩnh viễn giống virus cúm.
Dù thế nào đi chăng nữa, các nhà dịch tễ học dự đoán rằng làn sóng virus tràn từ động vật sang người sẽ vẫn chưa dừng lại. Các chủng virus, được gọi là virus zoonotic sẽ còn tiếp tục đột biến để lây nhiễm chúng ta.
Với quá trình đô thị hóa, xâm chiếm môi trường sống của động vật và khai thác những vật nuôi để làm thức ăn hàng ngày, con người đang tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho dịch bệnh. Giữa bối cảnh đó, sẽ rất quan trọng để mỗi người dân chúng ta trang bị những kiến thức cần thiết và lọc bỏ hiểu lầm về những căn bệnh zoonotic này.
Olivier Restif,một giảng viên dịch tễ học tại Đại học Cambridgesẽ nói cho bạn biết đâu là những gì khoa học biết về những căn bệnh lây từ động vật sang người:
1. Thịt động vật hoang dã và những khu chợ ẩm ướt
Tiếp xúc gần gũi với động vật hoang dã thường được cho là điều kiện cần khiến các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật bùng phát, chẳng hạn như Ebola hoặc COVID-19.
Các hoạt động của con người như săn bắn, mổ thịt và buôn bán thịt động vật hoang dã có nguy cơ cao đặt chúng ta vào nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, nhưng chúng ta không biết xác xuất lây lan từ những tiếp xúc ấy là bao nhiêu?
Ở một số quốc gia Châu Phi và Châu Á, dơi là loài động vật có nguy cơ lây truyền virus nhất sang cho con người. Một số những con dơi có thể nặng hơn 300g và chúng sống thành đàn.
Hàng ngàn con dơi có thể cùng đậu trên một cây lớn (và một hang động có thể chứa nửa triệu con dơi). Do đó, những người săn dơi có nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn, mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy chính những người thợ săn có thể là nguồn gốc của dịch Ebola trong quá khứ.
Ở một số quốc gia, truyền thống tiêu thụ động vật sống khiến chúng được bày bán công khai ở các khu chợ ẩm ướt. Đó là nơi có khả năng trung chuyển những virus zoonotic từ rừng vào thị trấn.
Quần thể dơi tại một hang động ở Myanmar
Tuy nhiên, các khảo sát ở Trung Quốc và Việt Nam đã chỉ ra rằng thịt động vật hoang dã chủ yếu được ăn trong các nhà hàng, và thịt đó chủ yếu lại là từ lợn rừng, dê, hươu và chim được nuôi – chứ không phải săn bắt giống như những gì xảy ra ở Châu Âu.
Đối với những con dơi được bán với số lượng hàng chục ngàn con ở Ghana, chúng đã chết, bị phát hiện và hun khói trước khi đến được các quầy hàng ở chợ. Do đó, nguy cơ lây nhiễm virus cho người tiêu dùng là rất thấp.
2. Trung gian truyền bệnh
Những con đường lây truyền bệnh zoonoctic phổ biến hơn không yêu cầu bạn phải tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã. Nhiều căn bệnh mới nổi thực ra đã được truyền qua côn trùng, đóng vai trò là loài trung gian mang mầm bệnh giữa những vật chủ.
Ví dụ, bệnh Lyme đây lây lan trên người ở Bắc Mỹ và Châu Âu trong 30 năm qua, thực ra có nguồn gốc từ động vật có vú hoang dã. Nhưng chúng đã lây sang người nhờ những con bọ ve.
Mặc dù sự gia tăng của căn bệnh thường được gán cho hoạt động săn bắn hươu hoang dã. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết sự gia tăng đột biến của các loài thú có vú nhỏ, khi những loài thú lớn hoang dã là kẻ săn mồi tự nhiên của chúng biến mất, cũng là một nguyên nhân gây ra sự gia tăng của dịch bệnh.
Một số căn bệnh khác được phát tán thông qua phân và nước tiểu của động vật, làm ô nhiễm nước uống hoặc cây trồng cho người và động vật chăn nuôi trong trang trại. Điều này đã được ghi nhận ở Bangladesh, nơi những con dơi uống nước và đi tiểu vào các máng lấy nhựa cọ. Điều này được cho là đã làm bùng phát dịch virus Nipah trong cộng đồng địa phương.
3. Vật nuôi
Mặc dù đúng là động vật hoang dã đang truyền những virus zoonotic sang con người, nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta lại thường xuyên tiếp xúc với động vật nuôi nhiều hơn, tạo ra nhiều cơ hội cho bệnh lan truyền hơn.
Trong 20 năm qua, gia cầm thường truyền bệnh cúm sang người, với các đợt bùng phát (thường gây ra tỷ lệ tử vong cao) của các chủng H5N1 hoặc H7N9.
Mặc dù ít gây chết người hơn nhưng các vi khuẩn như salmonella và campylobacter thường được tìm thấy trên động vật trang trại, cũng đã gây ra hàng ngàn trường hợp ngộ độc thực phẩm chỉ tính riêng ở Anh.
Ngay cả những vi khuẩn vô hại thông thường cũng có thể có được các gen kháng kháng sinh trong các trang trại lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Bên ngoài Châu Âu, kháng sinh thường được thêm vào thức ăn chăn nuôi như chất kích thích tăng trưởng, nhưng chúng cũng có khả năng nuôi dưỡng các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc.
4. Làm thế nào để ngăn chặn dịch bệnh từ động vật?
Không có giải pháp đơn giản nào để ngăn chặn sự bùng phát của virus động vật, nhưng các nhà nghiên cứu trong dự án Bat-One-Health của Olivier Restif đang nghiên cứu cách củng cố ba tuyến phòng thủ cụ thể cho loài người.
Thứ nhất là phải bảo tồn được hệ sinh thái và phục hồi môi trường sống tự nhiên cho động vật hoang dã. Điều này khiến chúng không tràn vào khu vực sinh sống của con người như các thành phố, thị trấn hay trang trại để kiếm thức ăn – làm giảm nguy cơ con người phải tiếp xúc với mầm bệnh.
Thứ hai, đó là tư vấn và thúc đẩy các chính sách cho chính phủ. Chẳng hạn như, nếu chúng ta muốn giảm thiểu hoạt động khai thác động vật hoang dã để bán dưới dạng thực phẩm hoặc nguyên liệu y tế, chúng ta phải từng bước đảm bảo được kế sinh nhai cho những người đang tham gia vào ngành công nghiệp này.
Quan trọng nhất, chính phủ cũng phải đầu tư vào y tế công cộng và hoạt động giám sát dịch bệnh. Các nghiên cứu cũng cần được tiến hành liên tục. Bởi hiểu virus lây từ động vật sang người như thế nào có thể giúp chúng ta chặn đứng các dịch bệnh trong tương lai.
zknight
Tại sao nCoV khó tiêu diệt?
Bí mật xâm nhập, tự sửa chữa lỗi khi đột biến, tồn tại ở cả đường hô hấp trên và dưới, tất cả biến nCoV thành virus nguy hiểm khó đánh bại.
nCoV chui ra từ bề mặt tế bào nuôi trong phòng thí nghiệm. Ảnh: AFP.
Virus trải qua hàng tỷ năm hoàn thiện khả n ăng sinh tồn mà không cần dấu hiệu của sự sống như trao đổi chất, chuyển động và sinh sản, biến chúng thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với thế giới ngày nay. Điều đó đặc biệt đúng với nCoV, virus đang hoành hành trên khắp thế giới. Tuy chỉ gồm vật liệu di truyền bao quanh bởi lớp vỏ đầy gai protein có bề rộng bằng 1/1.000 lông mi, sự tồn tại của nCoV giống zombie đến mức hầu như không thể coi nó là tổ chức sống.
Ngay khi tiến vào đường thở của con người, virus điều khiển tế bào tạo ra hàng triệu bản sao của chính nó. Khả năng thiên tài của nCoV là nó dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người mà nạn nhân không hề biết. Trước cả khi vật chủ đầu tiên phát triển triệu chứng, nó đã phát tán bản sao đi khắp nơi và chuyển sang nạn nhân tiếp theo. Virus này gây chết người ở một số ca nhưng lại diễn biến nhẹ ở nguời bệnh khác, khiến cách ly trở nên không hoàn toàn hiệu quả. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có cách nào để ngăn chặn nCoV.
Virus hô hấp thường lây lan và nhân lên ở hai nơi: trong mũi và họng, nơi chúng có khả năng truyền nhiễm cao hoặc ở phổi, nơi chúng phát tán khó hơn nhưng dễ gây chết người hơn. nCoV đã khéo léo xóa bỏ những khác biệt nêu trên. Nó tồn tại ở đường hô hấp trên để dễ dàng nhảy sang nạn nhân tiếp theo khi vật chủ hắt hơi hoặc ho. Nhưng ở một số bệnh nhân, nCoV có thể cư trú sâu bên trong phổi, đe dọa gây nguy hiểm tới tính mạng. Sự kết hợp này mang đến cho nó độ lây nhiễm như cảm cúm và tính nguy hiểm như họ hàng gần là virus gây dịch SARS năm 2002 - 2003 ở châu Á.
Một đặc điểm khó lường khác của nCoV là thông qua giảm bớt một phần khả năng gây chết người, các triệu chứng của nó ít bộc lộ rõ hơn SARS, có nghĩa mọi người thường truyền virus sang người khác trước khi biết họ nhiễm bệnh. Những virus giống nCoV từng đứng sau nhiều dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề nhất trong 100 năm qua như dịch cúm năm 1918, 1957 và 1968, SARS, MERS và Ebola. Tất cả những dịch bệnh này đều truyền từ động vật sang người và mã hóa vật liệu di truyền ở ARN.
Các nhà khoa học cho rằng đó không phải là trùng hợp. Sự tồn tại giống zombie của virus ARN giúp chúng dễ lây nhiễm và khó tiêu diệt. Ở bên ngoài vật chủ, virus trong trạng thái không hoạt động. Chúng không có những dấu hiệu của sự sống và có thể duy trì tình trạng này trong thời gian dài. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây cho thấy dù nCoV thường phân hủy sau vài phút hoặc vài giờ bên ngoài vật chủ, một số hạt virus có thể sống sót và lây nhiễm trong thời gian 24 giờ trên bìa cứng và 3 ngày trên nhựa và thép không gỉ. Năm 2014, một virus đông cứng 30.000 năm trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu vẫn có thể lây nhiễm sang trùng amip khi hồi sinh trong phòng thí nghiệm.
Khi virus gặp vật chủ, chúng sử dụng protein ở bề mặt để xâm nhập vào các tế bào không phòng bị. Sau đó, chúng điều khiển cỗ máy phân tử trong tế bào để sản sinh và lắp ráp vật liệu cần thiết nhằm tạo ra nhiều virus hơn. "Đó là sự chuyển đổi giữa sống và không sống", Gary Whittaker, giáo sư vi trùng học ở Đại học Cornell, Mỹ, nhận xét.
Trong số virus ARN, virus corona, đặt theo hình dáng giống vương miện của các gai protein, có kích thước đặc biệt và tương đối phức tạp. Chúng lớn gấp ba lần virus gây bệnh sốt xuất huyết, sốt Tây sông Nile và Zika, có thể sản xuất thêm protein để tăng cường tỷ lệ sống sót thành công.
"Có thể nói bộ trang bị virus sốt xuất huyết chỉ có một chiếc búa", Vineet Menachery, nhà vi trùng học ở Đại học Texas Medical Branch, Mỹ, so sánh. "nCoV có tới 3 chiếc búa khác nhau, mỗi cái dùng cho một tình huống khác nhau".
Một trong số những công cụ đó là protein đọc sửa cho phép virus corona khắc phục lỗi xảy ra trong quá trình nhân lên. Chúng vẫn có thể đột biến nhanh hơn vi khuẩn nhưng ít nguy cơ tạo ra phiên bản chứa nhiều đột biến lỗi đến mức không thể sống sót. Trong khi đó, khả năng thay đổi giúp virus thích nghi với môi trường mới, dù đó là ruột lạc đà hay đường thở của con người. Các nhà khoa học cho rằng virus SARS có nguồn gốc từ virus ở dơi và truyền sang người qua cầy hương bán ở chợ động vật. nCoV cũng có thể đến từ dơi và lây lan qua vật chủ trung gian như tê tê.
Khi ở trong tế bào, một virus có thể tạo ra 10.000 bản sao của chính nó trong vòng vài giờ. Sau vài ngày, người nhiễm virus sẽ mang hàng triệu hạt virus trong máu. Cuộc tấn công ồ ạt của virus thúc đẩy phản ứng mạnh mẽ từ hệ miễn dịch của vật chủ. Cơ thể giải phóng các chất hóa học để phòng vệ. Nhiệt độ cơ thể tăng cao, dẫn tới triệu chứng sốt. Đội quân tế bào bạch cầu ăn virus tràn tới khu vực lây nhiễm. Andrew Pekosz, nhà vi trùng học ở Đại học Johns Hopkins, Mỹ, so sánh virus với những kẻ trộm phá hoại. "Chúng đột nhập vào nhà bạn, ăn hết thức ăn, sử dụng đồ đạc và đẻ tới 10.000 đứa con. Sau đó chúng rời đi để lại toàn rác", Pekosz nói.
Tuy nhiên, con người có rất ít biện pháp đề phòng đối với loại "trộm" này. Phần lớn cơ chế kháng khuẩn hoạt động thông qua can thiệp vào chức năng của vi khuẩn. Ví dụ, kháng sinh penicillin chặn một phân tử mà vi khuẩn sử dụng để xây dựng thành tế bào và có hiệu quả với hàng nghìn loại vi khuẩn. Nhưng do tế bào người không sử dụng penicillin, chúng ta có thể uống loại kháng sinh này mà không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng virus lại khác. Do không có cỗ máy tế bào riêng, chúng hợp thành một thể với tế bào con người. Protein của chúng cũng là protein của chúng ta. Điểm yếu của chúng cũng là điểm yếu của chúng ta. Phần lớn thuốc gây hại cho virus cũng sẽ gây hại cho con người.
Vì lý do này, các thuốc kháng virus phải có tính đặc hiệu cao, theo nhà vi trùng học Karla Kirkegaard ở Đại học Stanford, Mỹ. Thuốc kháng virus thường nhắm vào những protein do virus sử dụng bộ máy tế bào để sản sinh trong quá trình nhân lên. Protein này chỉ có riêng ở từng loại virus. Do virus tiến hóa quá nhanh, phương pháp điều trị mà các nhà khoa học phát triển không có tác dụng trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao giới nghiên cứu phải thường xuyên phát triển thuốc mới để điều trị HIV và bệnh nhân thường phải kết hợp nhiều loại thuốc kháng virus.
nCoV đặc biệt khó nắm bắt. Dù hành vi của nó khác với họ hàng là virus SARS, gai protein giúp xâm chiếm tế bào của hai loại virus này không có nhiều khác biệt rõ ràng. Việc hiểu rõ cấu tạo protein đóng vai trò quan trọng trong phát triển vaccine, theo Alessandro Sette, giám đốc trung tâm bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla, Mỹ. Nghiên cứu trước đây cho thấy gai protein ở virus SARS thúc đẩy phản ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch. Trong nghiên cứu công bố hồi đầu tháng 3, Sette phát hiện điều tương tự cũng đúng với nCoV.
Phát hiện giúp xác nhận gai protein là mục tiêu tốt cho vaccine. Nếu mọi người được tiêm chủng phiên bản protein đó, nó có thể dẫn dắt hệ miễn dịch nhận biết virus và phản ứng chống mầm bệnh xâm nhập nhanh hơn.
"Kết quả nghiên cứu cũng chứng tỏ nCoV không hoàn toàn mới", Sette nói. Nếu nCoV không quá khác biệt với họ hàng là virus SARS, nó có thể không tiến hóa nhanh, vì vậy các nhà khoa học vẫn có thời gian phát triển vaccine. Trong lúc đó, vũ khí tốt nhất mà chúng ta có để chống lại nCoV là các biện pháp y tế công cộng như xét nghiệm, cách biệt cộng đồng và dựa vào hệ miễn dịch của chính chúng ta.
Về mặt tiến hóa, mục tiêu cao nhất của virus là lây lan. Đó là vì những virus có tỷ lệ gây chết người cao như SARS và Ebola thường tự biến mất do không ai còn sống để virus lây lan. Nhưng một mầm bệnh chỉ gây tác hại nhẹ có thể tồn tại vĩnh viễn. Một nghiên cứu năm 2014 phát hiện virus gây bệnh mụn rộp ở miệng đã tồn tại 6 triệu năm. Đó là một loại virus rất thành công, theo Kirkegaard.
Dù cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng trên thế giới, nCoV vẫn đang ở giai đoạn đầu trong quá trình tiến hóa. Theo thời gian, ARN của nó sẽ thay đổi. Có thể trong tương lai không xa, nó sẽ trở thành một trong số những virus corona gây cảm lạnh thường tuần hoàn mỗi năm với triệu chứng ho và hắt hơi.
An Khang
Mối nguy đến từ vật nuôi trong nhà Ngày 15/3, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận một bệnh nhi Nguyễn N. H. 6 tuổi (trú tại phường An Tường, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng lo sợ, hoảng loạn sau khi bị chó cắn. Gia đình của bệnh nhi cho biết, sự việc xảy ra khi bé đang nô đùa cùng...