Hiệp Vịt: “Thà làm thằng ngốc ở chuyên mục Hỏi xuẩn-Đáp quẩn”
Là một diễn viên hài của Nhà hát cải lương Hà Nội, Hiệp vịt thẳng thắn nhận xét về chuyên mục Hỏi xoáy – Đáp xoay ngày càng nhạt bởi kịch bản cho chương trình là theo chủ đề, dễ đi vào vòng luẩn quẩn.
Hiệp vịt cho biết: “Nếu tôi được mời tham gia chuyên mục này, tôi sẽ chọn vai một thằng ngốc ở chuyên mục Hỏi xuẩn – Đáp quẩn mà khán giả yêu thích còn hơn là vào vai Giáo sư, Tiến sĩ bị khán giả chê nhạt.”
Diễn viên hài Hiệp vịt
Thà làm thằng ngốc để khán giả cười còn hơn là làm Giáo sư, Tiến sĩ để khán giả chê nhạt!
PV: – Là người trong nghề, anh nhận xét như thế nào về các yếu tố hài hước, gây cười trong chuyên mục Hỏi xoáy – Đáp xoay của Thư giãn cuối tuần phát sóng trên truyền hình vào tối thứ 7 hàng tuần gần đây?
Hiệp vịt: – Tôi cũng có xem qua chương trình này, nói thật, không phải là chê nhưng chương trình đang ngày một chán.
Một vài lần đầu, khi xem tôi còn thấy thích, nhưng vài lần sau, là người trong nghề tôi nhận ra ngay, chương trình chuẩn bị hết “trò”.
PV: – Theo nhận xét của cá nhân anh thì chương trình ngày càng nhạt do kịch bản kém chất lượng hay diễn viên đóng không tốt?
Hiệp vịt: – Quan trọng nhất vẫn là kịch bản. Còn diễn viên thì Xuân Bắc là người gánh trách nhiệm chính dù có cố đến mấy cũng khó bởi vì những người diễn cùng Xuân Bắc toàn là những người mới như Cù Trọng Xoay.
Ban đầu khán giả cảm nhận được ở Cù Trọng Xoay một cái gì đó nó mới, nó khang khác nhưng sau này nếu kịch bản không làm mới được nhân vật thì sẽ khó để cứu được chương trình.
Xuân Bắc có tài đến mấy hay bất kể là ai có tài nhưng bị rơi vào kịch bản như vậy thì làm sao mà… Nếu kịch bản hay, dù diễn viên không phải là người tài giỏi vẫn tôn lên được, vẫn tạo được tên tuổi.
Bất kể nhân vật nào rơi vào chương trình này cũng chỉ làm cho khán giả chờ đợi ai sẽ là gương mặt mới và mang đến những trò gì lạ. Nhưng rồi một hai người về sau cũng vẫn mờ nhạt, không có ai làm được cả.
PV: – Giả sử một ngày nhà đài mời anh tham gia vai diễn trong chuyên mục Hỏi xoáy – Đáp xoay, anh có nhận lời hay không?
Hiệp vịt: – Ở chuyên mục Hỏi xoáy – Đáp xoay toàn là những vai diễn Giáo sư, Tiến sĩ nếu tôi được mời tham gia chuyên mục này, tôi sẽ chọn vai một thằng ngốc ở chuyên mục Hỏi xuẩn – Đáp quẩn mà khán giả yêu thích còn hơn là vào vai Giáo sư, Tiến sĩ bị khán giả chê nhạt.
Chả có Tiến sĩ nào cứu được mà chỉ có thằng ngốc
mới cứu được chương trình này thôi.
PV: – Vì sao anh lại nghĩ đến vai thằng ngốc?
Video đang HOT
Hiệp vịt: – Bởi vì trong hài được phép vô lý và cách điệu: những yếu tố vô lý, xuẩn, quẩn, cách điệu, ngược đời… mới mang lại giây phút thư giãn, nhẹ nhàng cho khán giả. Còn cao siêu, thâm thúy khán giả phải nghĩ ngợi thành ra khó cười!
Tôi nghĩ, chương trình thà có một kịch bản để hai nhân vật ngồi tếu táo một câu chuyện xã hội sẽ hay hơn là xây dựng nhân vật theo chủ đề.
Hỏi xoáy – Đáp xoay đang được làm theo chủ đề, cho nên từ những ngày đầu tiên, khi xem chương trình tôi nghĩ nó sẽ không bền. Bởi vì, chủ đề sẽ đi theo những vòng luẩn quẩn: tếu không ra tếu, trả lời thông minh không ra thông minh, mọi thứ dường như bị lẫn lộn.
PV: – Không theo chủ đề, nếu là anh, anh định làm như thế nào?
Hiệp vịt: – Tôi sẽ có hướng rõ ràng, đồng thời chương trình cũng nên chuyển sang một mô hình khác bởi vì khán giả muốn xem thư giãn, vui vẻ.
Cũng xoáy, cũng xoay nhưng ở mọi vấn đề, mọi khía cạnh, cứ đi theo lối mòn cũ thì nhân vật nào nhảy vào cũng thất bại.
Giả sử ông Vượng râu, Hiệp vịt có vào đó làm Giáo sư, Tiến sĩ thì được hai hôm cũng sẽ bị đuổi xuống.
Khán giả cần, là cần những cái duyên tếu táo, cần những người có vốn kiến thức xã hội, biết pha trò cho khán giả vui. Những điều này chưa hẳn người học rộng, tài cao sẽ làm được.
PV: – Theo dõi phần hỏi đáp của Giáo sư Cù Trọng Xoay và Tiến sĩ Trần Xoáy, anh thấy hai nhân vật này đối đáp, ứng xử tình thế có thông minh hay không?
Hiệp vịt: – Tôi chẳng thấy gì, khi xem chương trình, không hiểu do kịch bản dàn dựng hay như thế nào mà tôi toàn thấy họ trả lời “đá nhau”.
Không hiểu kịch bản dàn dựng nhân vật của họ như vậy, hay hai nhân vật đang cố thể hiện ai giỏi hơn ai.
Khán giả thèm món ăn lắm chứ
PV: – Diễn viên hài Vượng râu cho rằng, khán giả cũng nên thông cảm vời ekip thực hiện chương trình, bởi nguồn kịch bản hiện nay đang ngày một khan hiếm. Bản thân anh có đồng tình với ý kiến này hay không?
Hiệp vịt: – Tôi nghĩ, nhà đài không chịu đầu tư nhiều cho kịch bản. Nếu như nhà đài tuyến bố sẵn sàng bỏ ra 10 triệu đến 15 triệu để mua một kịch bản viết theo yêu cầu của họ chẳng hạn, khi ấy rất nhiều diễn viên hài sẽ bỏ đi diễn để tập trung vào viết kịch bản ngay.
Bản thân tôi và anh Vượng râu nếu được trả 10 triệu đồng chúng tôi sẵn sàng nằm vắt óc ra để viết kịch bản bởi chúng tôi là những người viết được kịch bản.
Theo tôi, một vấn đề nữa khiến chương trình bị nhạt dần là do ekip làm việc cục bộ. Tôi rất hiểu khán giả, họ thèm thay đổi món ăn lắm chứ, tại sao những tiểu phẩm như “Bơm vá” chẳng hạn, ekip không chịu thay đổi những gương mặt mới, lúc nào cũng Tự Long với Công Lý…
Rất nhiều những nghệ sĩ khác ở các nhà hát hay sân khẩu, họ thực sự có tài năng, có duyên diễn nhưng không lọt vào được ekip của chương trình bởi vì ekip không chịu tìm những nguồn diễn viên mới.
Vốn nghệ sĩ rất cá tính, họ chẳng bao giờ chấp nhận đi van, đi xin để có được vai diễn mơ ước. Nghệ sĩ là những người sống vì nghề nê họ luôn có lòng tự trọng, ít ai chấp nhận gõ cửa đi xin vai diễn.
PV: – Bản thân anh, anh có khát khao được tham gia các chương trình phát sóng trên đài truyền hình hay không?
Hiệp vịt: – Tôi thèm được vào những sân chơi như vậy nhưng tôi không bao giờ chấp nhận đi xin để được vào. Đấy là điều thiệt thòi cho những nghệ sĩ như chúng tôi, ai cũng muốn được lên truyền thông để khán giả biết đến mình nhiều hơn.
Tôi rất thèm một vai diễn như ở Gặp nhau cuối năm chẳng hạn.
Nhưng ekip sản xuất chương trình này năm nào cũng duy trì những gương mặt cũ
PV: – Không may mắn lọt vào ekip của nhà đài nhưng anh có đắt show đi diễn hay không?
Hiệp vịt: – Bản thân tôi trong 3 năm trở lại đây rất may mắn đắt show đi tỉnh, không phải nói quá nhưng hiện nay tôi được xem như là một hiện tượng của các show diễn tỉnh.
Tôi không muốn tên mình so sánh với diễn viên Hiệp gà. Tôi và Hiệp gà hơi na ná nhau về hình thức và cái tên cũng vậy cho nên khán giả dễ bị nhầm lẫn. Nhưng khi xem tôi diễn, khán giả thấy tôi toát nên được một cái nét duyên khác, một màu diễn khác với Hiệp gà.
Tôi muốn khẳng định mình không phải là “hàng nhái” của Hiệp gà, tôi có cái khác, cái mới của tôi.
PV: – Không muốn làm “hàng nhái” của Hiệp gà, tại sao anh không lấy cho mình một cái nghệ danh khác?
Hiệp vịt: – Vô tình tên khai sinh của tôi là Hiệp, xưa nay các cụ vẫn bảo đã có gà thì phải có vịt.
Khi chọn nghệ danh này, tôi biết nó cũng là con dao hai lưỡi, ngày ấy tôi muốn đột phá, nếu tôi diễn không ra gì thì khán giả sẽ cho rằng “vịt” thế này làm sao sánh được với “gà”. Nếu tôi diễn hay thì tên tôi lại được khán giả so sánh và có sức cạnh tranh.
Cũng may là tôi đã thành công!
Kịch bản bị ăn cắp ý tưởng
PV: – Lại nói về kịch bản, theo anh chương trình ngày càng nhạt một phần có phải do lỗi của nhà đài không chịu đầu tư để có những kịch bản tốt hay không?
Hiệp vịt: – Chúng ta cũng cần thẳng thắn với nhau rằng tất cả là do một ekip thực hiện. Thực tế, nếu ekip ấy chịu mở rộng ra thì trong giới làm nghệ thuật, có rất nhiều người viết ra những kịch bản hay, đạt chất lượng tốt nhưng họ lại không có cơ hội. Thậm chí, có khi người ta đưa vào còn bị gạt đi vì không thuộc ekip.
Thực tế, đài truyền hình cũng có mở ra những cuộc thi viết kịch bản này nọ, những người đam mê vẫn tới tấp gửi kịch bản về dự thi nhưng rồi chả bao giờ nhận được câu trả lời. Hoặc là, những kịch bản mà họ gửi về dự thi ấy dùng để làm gì, đôi khi còn ăn trộm cả ý tưởng của kịch bản dự thi.
Chính vì vậy thì làm sao mà phát lộ hết được tài năng, đồng thời các tài năng cũng khó có cơ hội thể hiện.
Bản thân tôi và anh Vượng râu nếu được trả 10 triệu đồng,
chúng tôi sẵn sàng nằm vắt óc ra để viết kịch bản
bởi chúng tôi là những người viết được kịch bản.
PV: – Căn cứ vào đâu mà anh nói nhà đài ăn cắp ý tưởng từ kịch bản dự thi nào đó?
Hiệp vịt: – Tôi nhớ lại chuyện của tôi từ những năm trước đây. Ngày ấy, tôi còn trẻ, rất yêu nghề, say nghề, tôi cũng viết kịch bản gửi lên chương trình Gặp nhau cuối tuần nhưng mãi vân không có hồi đáp. Tôi vẫn nôn nóng chờ đợi xem kịch bản của mình có được giải gì hay không, chờ hoài mà kết quả vẫn không được công bố.
Vô tình, vài tháng sau khi kịch bản của tôi được gửi đi, tôi thấy một kịch bản tương tự như kịch bản của tôi viết để dự thi. Chỉ khác ở chỗ, người ta đã đảo đi đảo lại câu chuyện tôi đã viết.
PV: – Anh có thể dẫn chứng cụ thể câu chuyện mà anh cho là bị ăn cắp ý tưởng kịch bản dự thi của anh?
Hiệp vịt: – Đó chính là tiểu phẩm “Chán phở thèm cơm” nhưng quá lâu rồi nên tôi không thể nhớ được ai làm đạo diễn tiểu phẩm này nhưng tôi khẳng định đây là kịch bản ăn cắp ý tưởng của tôi.
PV: – Ai là người động viên anh viết kịch bản dự thi, đồng thời khi gửi kịch bản dự thi, ai là người trực tiếp tiếp nhận kịch bản của anh?
Hiệp vịt: – Ngày ấy, diễn viên hài Trà My là người động viên tôi viết kịch bản dự thi. Chị ấy nói với tôi rằng: “Em cứ viết đi, chị gửi lên cho!” Tôi đã đưa kịch bản dự thi cho chị Trà My, chị Trà My gửi lên đài truyền hình.
Thực ra, câu chuyện này nó quá lâu rồi, tôi nhắc lại nó để lấy dẫn chứng cho những người thường hô hào các cuộc thi viết kịch bản này, kịch bản kia nhưng bản thân họ lại không thật thà.
PV: – Biết kịch bản dự thi của mình bị ăn cắp ý tưởng, tại sao anh không mạnh dạn phản hồi lại người đạo ý tưởng kịch bản của anh?
Hiệp vịt: – Tôi biết nếu phản hồi thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Một thời gian sau, chị Trà My có đưa cho tôi 200.000 đồng, chị ấy nói tôi cầm tạm, coi như đây là tiền nhuận bút dự thi. Đồng thời, chị ấy cũng nhắn nhủ xa xôi là tác phẩm của tôi chẳng được giải gì.
Tôi rất buồn, một thời gian sau chính chị Trà My và diễn viên Văn Hiệp lại là những người diễn tiểu phẩm của tôi: “Chán phở thèm cơm”!
Đấy là ngày xưa máu nghề nên tôi mới cố viết dự thi, biết đâu sẽ dành được giải. Bây giờ, nếu có kịch bản hay thì mình để mình dụng, chẳng tội gì mà đem đi dự thi!
Cám ơn anh về buổi trò chuyện!
TheoPhunutoday
Có hay không chuyện "Giáo sư Xoay" bị "dìm hàng"?
Gameshow "Hỏi xoáy đáp xoay" trong chuyên mục "Thư giãn cuối tuần" liên tục thay người chơi đã đặt ra cho khán giả nhiều hoài nghi về sự lục đục nội bộ trong ê kíp làm chương trình.
Và sau nhiều thay đổi, cuối cùng Giáo sư Xoay đáng kính cũng phải tạm biệt chương trình một cách "khó hiểu".
Những tín hiệu "rạn nứt"
Chương trình: "Hỏi xoáy đáp xoay" đang thu hút chú ý của dư luận bởi sự xuất hiện của một gương mặt hài còn khá mới: Giáo sư Cù Trọng Xoay. Vẻ hồn nhiên, ngô nghê đằng sau cặp kính cận trí thức với mái tóc vuốt cao, trông Đinh Tiến Dũng (vai Giáo sư Cù Trọng Xoay), sinh năm 1981 thật khó đoán tuổi.
Công chúng dồn sự quan tâm vào Giáo sư Xoay bởi anh là một nhân vật hài khá mới mẻ, anh ngô nghê một cách đáng yêu và anh diễn như không diễn. Đặt anh cạnh Xuân Bắc, dù lần đầu tiên xuất hiện với vai trò khá "hài hước" nhưng Cù Trọng Xoay lại giành được sự yêu mến của công chúng, có vẻ còn "át" cả danh hài Xuân Bắc.
Anh nghiễm nhiên được mời tham gia sân chơi "Cặp đôi hoàn hảo" bên cạnh ca sĩ Phương Linh, đẹp lạnh lùng và đài các. Anh nghiễm nhiên có một hội fan yêu mến mình trên facebook sẵn sàng la hét bảo vệ anh. Điều này chắc chắn là Xuân Bắc chưa có được.
Sự nổi tiếng đến quá nhanh, khiến chính Đinh Tiến Dũng cũng phải loay hoay với chính bản thân mình. Và câu chuyện lục đục ê kíp gameshow "Hỏi xoáy đáp xoay" giữa Xuân Bắc và Giáo sư Xoay bắt đầu có trục trặc.
Chẳng phải Xuân Bắc bận diễn vòng quanh thế giới như mr Bean hay vua hề Saclo mà lại dễ dàng từ chối một chương trình truyền hình ăn khách như vậy. Phát pháo đầu tiên là đạo diễn Đỗ Thanh Hải tuyên bố xanh rờn trước công chúng như thế này: "Nếu ở mức độ người xem thì họ đánh giá như thế là hợp lý. Vai của Xuân Bắc chủ yếu làm tựa để người khác tung hứng. Còn nếu Xuân Bắc tung hết miếng diễn của mình ra chắn hẳn các nhân vật trung tâm không còn là các Táo - điều mà chương trình hướng tới. Xuân Bắc là người đưa ra câu hỏi, thậm chí khích cho các Táo bộc lộ quan điểm, tính cách của mình".
Có hay không sự "dìm hàng" đối với giáo sư Xoay? (Ảnh: TL)
Tương tự như ở chương trình "Hỏi xoáy đáp xoay", Xuân Bắc không phải là người kém tài năng, nhưng anh phải chấp nhận tự làm "lu mờ" toàn bộ hình ảnh của mình. Không phải anh Cù Trọng Xoay là người giỏi hơn Xuân Bắc, anh Cù Trọng Xoay chỉ bằng 1/10 Xuân Bắc, nhưng Xuân Bắc phải biết nhường cho bạn diễn.
Đó là yêu cầu của chương trình. Nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay cần phải được nổi trội, cần được thu hút, thì Xuân Bắc phải biết "tôn" bạn diễn lên".
Một thời gian sau phát ngôn của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, diễn viên hài Vân Dung trả lời báo chí như sau : "Thực ra, tôi biết khả năng của anh Xuân Bắc, anh Bắc là người thông minh, rất thông minh. Với anh Đinh Tiến Dũng quả thật tôi không biết về khả năng của anh ấy. Bởi vì tôi chưa bao giờ làm việc trực tiếp với anh Đinh Tiến Dũng.
Anh Dũng có thể viết một phần kịch bản rất nhỏ trong Táo Quân, có thể nói là rất nhỏ thôi chứ hoàn toàn không phải anh Đinh Tiến Dũng là người viết toàn bộ kịch bản cho Táo Quân". Mặc dù không biết khả năng của Đinh Tiến Dũng như thế nào nhưng Vân Dung cho rằng đạo diễn Đỗ Thanh Hải hoàn toàn đúng!
Xuân Bắc trở lại, vẫn nhạt...
Việc Giáo sư Cù Trọng Xoay tạm biệt ê kíp "Hỏi xoáy đáp xoay" vì sau khi Xuân Bắc rời chương trình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã xếp diễn viên Thu Huyền vào với vai trò là trợ lý của Tiến sĩ Xoáy, khiến chương trình "nhạt như nước ốc". Bởi Thu Huyền không hề có duyên hài trong tình huống hỏi đáp. Gương mặt quá tinh khôn của Thu Huyền vô tình "dìm chết" sự thông minh, hài hước của kịch bản. Và Giáo sư Xoay lúc ấy cứ cố gồng lên nhưng vẫn thất bại.
Và khi Giáo sư Xoay vui vẻ đến Nam Cực hay Đại học Bôn ba như bức thư tạm biệt mà Xuân Bắc đã đọc thay Giáo sư Xoay khi anh trở lại. Không biết Xuân Bắc đã "nhường" Giáo sư Xoay đến mức nào, nhưng thực sự vai diễn Cù Trọng Chấm (người thay vị trí Giáo sư Xoay) và Tiến sĩ Xoáy (Xuân Bắc đóng) vẫn "nhạt" không đỡ nổi.Giáo sư Cù Trọng Chấm và Tiến sĩ Xoáy đối thoại với nhau mà không đem đến cho khán giả cảm giác về sự bất ngờ. Mà yếu tố bất ngờ là điều rất cần thiết đối với sự hài hước hoặc những tình tiết hài hước.
Có hay không chuyện "cá lớn nuốt cá bé"
Trong showbiz Việt, có người mẫu đàn chị, đàn anh, có ca sĩ đàn chị, đàn anh. Việc một ca sĩ nổi tiếng hạng A không chịu cùng xuất hiện trong một chương trình sân khấu với một đàn em mới vào nghề vì "ngứa mắt", hoặc một siêu mẫu có tiếng không chịu nổi nếu phải để một đứa đàn em đứng ở vị trí Vedete, mà đứa đàn em này từng có xích mích nhỏ bằng móng tay với mình trong quá khứ.
Chuyện "cá lớn nuốt cá bé" trong showbiz có không? Xin thưa là có! Chắc chắn là có! Vậy yếu tố này xuất phát từ đâu? Xin thưa, điều ấy xuất phát từ sự nhỏ nhen, ích kỉ và thiếu khoan dung trong mỗi con người.
Khi "dìm" một người khác xuống để mình được ngoi lên, được ngẩng cao đầu để khẳng định cái tôi của mình, khẳng định tài năng và sức mạnh của mình, đấy không phải là chân lý của người quân tử.
Trong chân lý của người quân tử, luôn có đạo làm người, mà trong đạo làm người, luôn có lời Phật dạy: "Sống phải biết tin vào nhân quả để chúng sinh không thể độc ác, không thể vô ơn, và để biết yêu thương tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau".
Theo PL&XH
"Phó chủ tịch hội đà điểu" nhạt không kém Trợ lý TS Xoáy Những nhân vật mới của Hỏi xoáy Đáp xoay không mang lại được sự hấp dẫn như cách đối đáp thông minh dí dỏm của TS Xoáy và GS Cù Trọng Xoay. Trong thời gian qua, việc thay đổi các nhân vật trong Hỏi xoáy đáp xoay trong khuôn khổ Thư giãn cuối tuần đã tạo nên nhiều dư luận nơi khán giả....