Hiệp hội Taxi Hà Nội nói gì về quy định “taxi đồng phục”?
Hiệp hội này bày tỏ nhiều ý kiến băn khoăn và lo ngại về dự thảo quy chế quản lý mới mà Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Hà Nội đang lấy ý kiến.
Sẽ làm chất lượng giảm xuống
Như đã thông tin, mới đây, Sở GTVT TP.Hà Nội vừa lấy ý kiến dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn. Trong đó, điểm đáng lưu ý, trong dự thảo đề xuất thành lập trung tâm điều hành chung cho taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội – cho biết, đơn vị này đã có bản góp ý gửi đến Sở GTVT Hà Nội liên quan đến các vấn đề trên.Ngoài ra, quy chế cũng tổ chức phân vùng hoạt động cho taxi. Theo đó, các xe hoạt động tại vùng 2 (huyện, thị xã) chỉ được trả khách trong vùng 1 (các quận).
Video đang HOT
Theo đó, về vấn đề thành lập Trung tâm điều hành chung cho taxi của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn, Hiệp hội này cho rằng việc này không làm chất lượng dịch vụ taxi của Hà Nội tốt hơn cũng không làm cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động taxi của thành phố tốt hơn, mà trái lại gia tăng thêm bộ máy con người, tăng gánh nặng cho ngân sách thành phố.
Ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội.
Hiệp hội này cho rằng, việc sử dụng ngân sách nhà nước vào để điều hành một hoạt động thay cho doanh nghiệp mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân là chưa có tiền lệ. Việc cơ quan quản lý nhà nước đứng ra vận hành một trung tâm điều hành kinh doanh chung cho tất cả các doanh nghiệp sẽ không gắn được giữa quyền lợi và trách nhiệm, tạo nên một mô hình mang dáng dấp hợp tác xã, bao cấp, trái với quy luật của kinh tế thị trường.
Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc thành lập trung tâm điều hành cũng không thể bảo đảm rằng các nhân viên điều hành không có hành vi ăn dơ với doanh nghiệp, lái xe để điều chuyển các cuốc khách cho các doanh nghiệp, lái xe đã chi tiền thưởng cho họ tính trên số lượng cuốc khách điều chuyển.
Hiệp hội này cũng nhấn mạnh, quan hệ giữa các doanh nghiệp taxi và khách hàng là quan hệ trực tiếp, yêu cầu cung ứng dịch vụ vận chuyển khách bằng taxi là quyền của khách hàng, không cần phải qua bất cứ một cơ quan trung gian nào khác. Việc xây dựng trung tâm điều hành chung bản chất là chiếm quyền điều hành của doanh nghiệp sau bao nhiêu năm mới gây dựng được.
Chính vì thế, việc sử dụng Trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải taxi thực chất là lấy đi giá trị thương hiệu từ các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều năm để san sẻ cho các doanh nghiệp mới, quản lý yếu kém, ít đầu tư. Hệ quả là các doanh nghiệp sẽ không đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ nữa vì bất đồng giữa lợi ích, chi phí, từ đó làm chất lượng dịch vụ của taxi Hà Nội giảm xuống, mất hình ảnh taxi Thủ đô.
Phân vùng phục vụ là không khả thi
Còn về quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, điều này là không khả thi. Bởi vì trên thực tế, việc phân định địa giới hành chính giữa các quận, huyện là điều rất khó khăn, do vậy lái xe không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được chính xác địa giới này để phục vụ.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi là không khả thi.
Rất nhiều doanh nghiệp có địa bàn hoạt động ở các khu vực giáp ranh như: Long Biên – Gia Lâm; Hoàng Mai – Thanh Trì; Từ Liêm – Hoài Đức – Đan Phượng… thì việc phân vùng phục vụ như trên là việc gây khó cho doanh nghiệp, không phù hợp.
Hiện nay, dư luận xã hội cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng taxi truyền thống cần phải giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng tỷ lệ có khách, giảm số kilômét rỗng để hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ. Vậy thì việc phân vùng phục vụ như vậy sẽ càng làm tăng số kilômét rỗng hay không, bởi vì các xe ở vùng 1 chở khách sang vùng 2 lại phải quay về vùng 1 để hoạt động.
Theo Danviet