Hiệp hội game thủ Việt – “Cứu tinh” trước luật 10h đêm?
Ý tưởng này đã được ấp ủ từ rất lâu nhưng vẫn chưa thể trở thành hiện thực do nhiều yếu tố khách quan, giờ đây đứng trước nguy cơ siết chặt quản lý trò chơi trực tuyến, liệu nó có nên được đưa lên bàn thảo luận lần nữa?
Như đã biết, sau khi Dự thảo mới về quản lý game online tại Việt Nam xuất hiện, đã có nhiều phương án được đưa ra để quy định bắt buộc ngắt server ban đêm hợp lý và khách quan hơn. Tuy vậy, phần đông gamer vẫn mong muốn sẽ có một giải pháp nào đó đúng đắn nhất để triệt tiêu rào cản thời gian.
Ở thời điểm hiện tại, khi cộng đồng người chơi phân tán khá mạnh và không thể tập hợp lại bằng lời tuyên truyền thông thường, tại sao chúng ta không lật lại vấn đề “Hiệp hội game thủ Việt” vốn trôi vào dĩ vãng từ lâu?
Có nên lật lại vấn đề Hiệp hội game thủ?
Ý tưởng không mới
Viễn cảnh về một Hiệp hội gồm toàn những thành viên là game thủ gạo cội đã xuất hiện từ cách đây gần 2 năm, đó là lúc mà hàng loạt phương tiện truyền thông đều đưa tin về tệ nạn do trò chơi trực tuyến tạo nên. Ý tưởng này nhằm tạo nên một tổ chức có uy tín và tiếng nói, thậm chí có thể có cả những quy định, chế tài để uốn nắn người chơi trong nước đi theo hướng “cày kéo” lành mạnh.
Tuy vậy, tất cả trôi vào quá khứ và lúc bấy giờ Hiệp hội game thủ còn bị nhiều người cho là viển vông, vô bổ hoặc không thể thực hiện. Trên thực tế hồi đầu năm 2009, Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam (VIRESA) đã được thành lập, nhưng dường như vai trò của nó ngay với nền Esports nước nhà cũng không nổi bật chứ chưa nói tới thị trường game online quá rộng lớn.
VIRESA với gần 2,5 tỷ VNĐ đầu tư từ VTC Online vẫn quá mờ nhạt.
Giờ đây, Dự thảo mới sắp được thông qua và đa phần game thủ đều kỳ vọng vào một tổ chức nào đó đại diện cho tiếng nói của chính mình, hoặc ít nhất cũng dẫn dắt cộng đồng tới hành vi tốt đẹp trong thế giới ảo. Chúng ta đều biết, game online không có tội, chính ý thức con người đã khiến nó bị xã hội nhìn nhận lệch lạc, vì vậy ý tưởng trên vô cùng hợp lý và thức thời.
Những lợi thế cụ thể
Những cái lợi khi một Hiệp hội game thủ vững mạnh ra đời thì hầu hết ai cũng dễ dàng nhận ra. Thứ nhất, đây sẽ là tổ chức tập hợp các thành viên cốt cán có uy tín nhất đối với cộng đồng gamer, có trách nhiệm đứng ra làm đại diện cho chính gamer khi gặp các vấn đề về pháp luật hoặc quyền lợi bị đe doa.
Hiệp hội sẽ là nơi tập hợp, giao lưu giữa game thủ trong và ngoài nước.
Đơn cử như việc bạn và nhiều người khác bức xúc với cung cách làm việc của NPH, đồng thời bị mất tiền oan vào các event in-game, khi đó Hiệp hội sẽ đứng ra đối thoại với doanh nghiệp để tìm tới phương án khả thi nhất. Khi đó phản ánh tới NPH không còn là của một vài cá nhân nhanh chóng rơi vào vô vọng, mà là của cả một cộng đồng lớn sẵn sàng “làm đến nơi đến chốn”.
Thứ hai, Hiệp hội cũng sẽ là đơn vị chủ quản tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thú vị cho người chơi cả nước, thậm chí là cả giao lưu với cộng đồng game thủ nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, khía cạnh vẫn còn bỏ ngỏ kể từ khi ngành công nghiệp GO xuất hiện tại Việt Nam tới nay.
Video đang HOT
Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, như đã đề cập qua ở bên trên, Hiệp hội game thủ phải là lá cờ đầu trong việc hướng gamer tới văn hóa chơi game lành mạnh. Nghe qua có vẻ hơi mơ hồ nhưng nếu có quy định, chế tài hợp lý thì mọi chuyện sẽ khả quan hơn nhiều.
Hội có thể chia nhỏ tới từng Bang, Guild để có chế tài cụ thể với thành viên.
Cụ thể, trước mắt Hiệp hội có thể tách ra thành những hội nhỏ hơn, đại diện cho từng game online đông khách nhất tại Việt Nam. Mỗi “tiểu hội” có thể kết nạp các bang chủ, chủ guild lớn để uốn nắn chính các thành viên trong bang. Thí dụ nếu tuân thủ việc chơi không quá 5 tiếng một ngày, gamer sẽ được quyền tham gia các hoạt động cùng bang, hoặc được tham dự offline để nhận quà tặng là vật phẩm quý giá in-game (hoặc out-game).
Dĩ nhiên, những điều “đao to búa lớn” ấy không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, mà cần được thử nghiệm dần dần đối với một số đối tượng, nếu suôn sẻ sẽ nhân rộng ra. Đây cũng là cách làm đã có từ lâu tại Hàn Quốc và các quốc gia có ngành game phát triển, họ làm được thì vì sao chúng ta không thể?
Hạn chế không thể vượt qua?
Không phải tự nhiên mà ý tưởng về Hiệp hội gamer luôn nhận được bình luận theo kiểu “trò vớ vẩn” hoặc “viển vông”. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tâm lý trên là ngân sách cho Hội lấy ở đâu ra? Ai cung ứng tiền để tổ chức được các hoạt động tốt đẹp như vậy?
Rõ ràng, nếu đối tượng tài trợ là NPH, thì nhiều khả năng chính các thành viên cốt cán trong Hội cũng không dám lên tiếng bảo vệ game thủ khi họ gặp bức xúc trong game. Hoặc như ý tưởng về chuyện ưu đãi offline nhận quà cho các thành viên chơi dưới 5 tiếng/ngày chắc chắn cũng phải có sự bắt tay với NPH mới làm được.
Nhật, Hàn cũng có những mô hình tương tự nên không cần quản lý gamer trên 18 tuổi.
Nhưng hiện tại, đứng trước khả năng “túi tiền” của mình bị thu hẹp lại khi Dự thảo mới được thông qua, rõ ràng tình thế đã khác với các NPH so với cách đây 1, 2 năm. Nếu không đứng ra ủng hộ một Hiệp hội để dần hướng gamer tới phong cách chơi chuyên nghiệp hơn, lành mạnh hơn thì chính họ sẽ đứng trước tương lai ảm đạm.
Ban đầu, có thể chúng ta chưa đạt đến được một kết quả rằng Hiệp hội có tiếng nói thực sự mạnh mẽ, nhưng với ý tưởng chia thành từng hội nhỏ (tới tận cấp bang, guild) phụ trách nhóm gamer của từng NPH như đề cập bên trên sẽ phần nào tạo thành một chế tài tốt.
Nói một cách đơn giản thế này: nếu không tuân thủ luật 5h chơi (do hệ thống theo dõi), thì bạn không thể vào guild, không được đi offline do guild tổ chức để nhận quà, bị biệt lập với cộng đồng và chỉ có thể “cày solo”! Khi đó tự khắc người chơi sẽ phải nghĩ lại.
Sẽ không còn cần những quy định siết chặt khi Hiệp hội lớn mạnh.
Bắt nguồn từ những phương án sơ khai như vậy, nhưng nếu triển khai tốt và nhân rộng ra, sẽ đến một ngày mà “viễn cảnh” về Hiệp hội game thủ Việt trở thành sự thực. Khi đó sẽ chẳng cần tồn tại bất kỳ quy định siết chặt nào mà cộng đồng vẫn tự mình phát triển theo hướng tốt, ngoại trừ một số “con sâu bỏ rầu nồi canh” không thể tránh khỏi.
Theo một số nguồn tin riêng, 3 NPH lớn nước nhà đã bắt đầu có những động thái “bắt tay” nhau để triển khai sơ bộ ý tưởng trên, đó là dấu hiệu rất tốt.
Dĩ nhiên, nói và làm là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng nếu không “nói” trước thì sao có thể “làm”? Còn bạn, bạn nghĩ sao?
Theo Gamek
Những thương vụ mua game khó hiểu tại Việt Nam
Mặc dù mỗi NPH đều có lý lẽ riêng khi chọn mang một trò chơi trực tuyến về nước, nhưng có không ít trường hợp cộng đồng game thủ phải đặt dấu hỏi lớn về nguyên nhân dẫn tới quyết định ấy.
Quyết định mua game của các NPH trong nước hầu hết đều dựa trên các yếu tố như thị hiếu, khả năng thành công, giá cả. Không quá khó để chúng ta có thể nhìn ra những điểm này của từng game về thị trường trong nước nhưng có một số ít các quyết định khiến cho người ta phải đặt dấu hỏi lớn.
MU Online
Không ai phủ nhận vai trò đóng góp của MU Online với quá trình phát triển của thị trường game online Việt Nam. Là game online tiên phong và đặt dấu ấn cho thị trường game online Việt, sản phẩm này từ lâu đã trở thành lão tướng sống dai nhất tại dải đất hình chữ S.
3 triệu USD cho MU Online quả thật là cái giá khổng lồ.
Thế nhưng quyết định nhập MU Online với cái giá được đồn đại lên tới 3 triệu USD (tương đương khoảng 60 tỷ VNĐ) của FPT Online lại là một quyết đinh khá khó hiểu của NPH này lúc bấy giờ.
Cụ thể, đó là thời điểm các game thủ đã không còn lạ gì tựa game này khi có đến hàng chục phiên bản "lậu" vận hành đồng thời đây cũng là thời điểm mà giới trẻ đang bị cuốn hút vào thế giới của VLTK.
Võ Lâm Truyền Kỳ web và Tung Hoành Thiên Hạ
Nổi tiếng với việc "mát tay" trong công tác phát hành game nhập vai nhưng cái duyên đó lại không được VNG thể hiện trong việc lựa chọn và phát hành webgame. Cụ thể, VLTK Web và Tung Hoành Thiên Hạ được nhiều người chơi nhận định là mua về... cho có.
Tung Hoành Thiên Hạ không có nhiều nét mới.
Thứ nhất, nhận xét công bằng đây là hai webgame không có điểm mạnh gì lớn. Giao diện, gameplay khó hiểu và không có điểm nhấn. Hơn nữa, Tung Hoành Thiên Hạ có lối chơi khó làm quen - tử huyệt của game online Việt. VLTK web tuy "ăn theo" VLTK cũng không mấy được game thủ ủng hộ.
VLTK Web chủ yếu chỉ "ăn theo" thành công của VLTK.
Và quan trọng hơn, hai tựa game trên ra mắt vào thời điểm Linh Vương đang quá mạnh. Rõ ràng, nếu phải lựa chọn thì xét trên khía cạnh nào đi chăng nữa thì sản phẩm của VTC Game vẫn xứng đáng hơn.
Linh Thạch
Được đưa về đầu năm 2010 với chiến dịch quảng cáo khá mạnh nhưng Linh Thạch chưa đạt được nhiều thành công và gần như chìm vào quên lãng sau đợt ra quân rầm rộ quý 2.
Ra mắt từ cách đây 5 năm, Metin 2 khó cạnh tranh được với các MMO mới.
Đồng ý rằng Metin 2 là một game đã từng rất được yêu thích nhưng đó là thời điểm năm...2005. Đồ họa game không gây ấn tượng và gameplay cũng chưa đạt đến mức xuất sắc. Tại Việt Nam, bất kỳ ai cũng biết hiện nay đồ họa xấu đồng nghĩa với việc nắm chắc 90% thất bại.
Sau thành công với Silkroad, nhiều game thủ cảm thấy khó hiểu khi VDC-Net2E chọn Linh Thạch làm con bài chiến lược năm 2010 cũng vì những nguyên nhân trên.
Thế Giới Bá Vương
Tựa game do Asiasoft mới nhập về đầu năm rõ ràng không gây được đợt sóng lớn nào trên thị trường. Game chủ yếu thừa hưởng lượng người chơi cũ từ Tiểu Bá Vương sang.
Gamer Tiểu Bá Vương cần sự lột xác mạnh mẽ về đồ họa hơn là TGBV.
Sau phiên bản cũ đã quá thành công, hầu hết gamer chờ đợi một phiên bản có nhiều cải tiến về mặt đồ họa hơn là Thế Giới Bá Vương, vả lại gameplay đối kháng cũng không còn mới lạ nữa.
Ghi nhận trên diễn đàn playpark, tỷ lệ % game thủ gắn bó với Tiểu Bá Vương vẫn vượt trội hoàn toàn so với sản phẩm mới. Rõ ràng chẳng cần sự có mặt của TGBV, cộng đồng gamer của Asiasoft cũng không cảm thấy bị bỏ rơi.
Vương Quốc Bay
Ra mắt đúng vào thời điểm 3 MMORPG 3D đình đám là Atlantica, GE và Độc Bá đang hoành hành trên thị trường, Vương Quốc Bay giống như một nốt trầm đúng nghĩa.
Vương Quốc Bay quá lạc lõng ở thời điểm ra mắt.
Không thể cho rằng Fly for Fun (tên gốc của game) là sản phẩm tồi, tuy nhiên trên thực tế đồ họa kiểu ngộ nghĩnh cùng với màu sắc đậm chất manga khó có thể hấp dẫn được lượng lớn gamer còn đang sục sôi với các sản phẩm kiếm hiệp hoặc hành động.
VDC-Net2E đã rất cố gắng để quảng bá cho Vương Quốc Bay với việc mời hotgirl "hot" nhất lúc bấy giờ là Thanh Tâm, ngay sau đó tới lượt Trương Quỳnh Anh. Nhưng những nỗ lực ấy vẫn không khiến game thủ thôi đặt câu hỏi vì sao NPH lại chọn mua game này về nước.
Tinh Võ
Việc VinaGame công bố phát hành World of Fighter là trường hợp gần đây nhất khiến không ít người cảm thấy bất ngờ. Đơn giản vì trong lúc thị trường đang sục sôi các MMORPG 3D, NPH miền Nam lại đặt niềm tin vào một sản phẩm đồ họa 2D màn hình ngang.
Tinh Võ định đánh vào khía cạnh giải trí giản đơn?
Theo một số phân tích, đây rất có thể là đòn đánh khôn ngoan nhằm đánh vào sự "ngấy" của gamer sau thời gian dài gắn bó với các trò chơi cày kéo mệt mỏi. Tuy nhiên nguyên nhân thực sự thì không ai biết rõ.
Sắp tới, một trò chơi tương tự là Dungeon Heroes cũng rục rịch cập bến, chứng tỏ người chơi cảm thấy vô lý nhưng các NPH lại sở hữu nhiều toan tính "bí hiểm" hơn nhiều.
Theo Gamek
"Nếu cấm, xin hãy cấm chơi game online sau 12h đêm" Đó chỉ là một trong rất nhiều phương án được cộng đồng game thủ đặt ra nếu lệnh bắt buộc ngắt server trong Dự thảo mới về vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến là không thể tránh khỏi. Những ngày tháng gần đây, tín đồ thế giới ảo tại Việt Nam vẫn chưa nguôi bàn luận về các vấn đề xung...