“Hiệp hai” của cuộc đọ sức Trung Quốc – Philippines
Hôm 24-11, Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc bắt đầu tổ chức cuộc điều trần kín, kéo dài đến ngày 30-11, để nghe các bên liên quan trình bày lập luận trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng cuộc điều trần này là “hiệp hai” của cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Philippines.
Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc không được quốc tế công nhận
Các nước Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được cử đại diện tham dự phiên điều trần với tư cách quan sát viên. Trong tuyên bố khai mạc buổi điều trần, Tòa Trọng tài Thường trực nhắc lại tuyên bố có đủ thẩm quyền xem xét một số nội dung đơn kiện của Philppines, bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Tòa không đủ thẩm quyền để xét xử vụ kiện này. Chiểu theo Phụ lục số VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tòa Trọng tài Thường trực sẽ nghe Philippines điều trần về phần nội dung của 7 đề nghị do phía Manila đưa ra, gác lại 7 đề nghị khác để xem xét sau. Bên cạnh đó, Tòa Trọng tài Thường trực còn đề nghị Philippines thu gọn và làm rõ đề nghị thứ 15 để có cơ sở xem xét về nội dung.
Cuộc điều trần này được tổ chức theo đề nghị của Philippines và diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo với quy mô lớn ở Biển Đông. Theo quy định của UNCLOS, các hòn đảo tự nhiên có người sinh sống được hưởng các quyền chủ quyền như lãnh thổ đất liền, đồng thời có quyền tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên theo quy chế pháp lý của đảo.
Tuy nhiên, trong bản đệ trình lên Tòa Trọng tài, Philippines cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông được bao quanh cái gọi là “Đường 9 đoạn” là đi ngược lại UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý do các tuyên bố này đã vượt quá phạm vi giới hạn được quy định trong UNCLOS.
Luật sư của Philippines Paul Reichler khẳng định, căn cứ vào UNCLOS, cái mà Trung Quốc cho là chủ quyền lịch sử tại Biển Đông “không hề tồn tại”. Một luật sư khác đại diện cho Philippines, ông Andrew Loewenstein, cho rằng Trung Quốc đã “không đáp ứng được các điều kiện về việc xác lập tuyên bố chủ quyền”. Theo luật sư Loewenstein, Trung Quốc đã không hành xử “quyền độc quyền kiểm soát trong một thời gian dài” tại Biển Đông. Ông đã trình ra 8 tấm bản đồ, trong đó có một tấm từ thời nhà Minh, cho thấy vùng nằm bên trong “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc chưa bao giờ được ghi nhận là lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc chưa bao giờ định nghĩa một cách rõ ràng các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển chiến lược ở Biển Đông – nơi có khoảng 1/3 các hoạt động giao thương về dầu mỏ của thế giới thường xuyên qua lại khu vực này. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng cho mục đích quân sự. Philippines hy vọng rằng với việc đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế, các phán quyết của tòa sẽ tạo áp lực để Trung Quốc kiềm chế trong tham vọng chủ quyền ở Biển Đông.
Video đang HOT
Trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đầu năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực. Ngày 16-3-2015, Philippines đã nộp lên Tòa bộ hồ sơ 3.000 trang – phần bổ sung cho tài liệu 4.000 trang đã gửi đến Tòa từ một năm trước đó. Đến tháng 7, Tòa Trọng tài tổ chức hai vòng điều trần để nghe Philippines phản bác các lập luận của Trung Quốc được nêu trong văn kiện lập trường công bố từ cuối năm 2014. Trong thông báo ngày 29-10 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực khẳng định có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines.
Theo Hồng Ngọc
An ninh thủ đô
Con bài "sức mạnh mềm" trong tranh chấp lãnh thổ
Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Thùy Giang, nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý du lịch và biển đảo tại Đại học Southern Cross, Úc, về vấn đề này.
Thưa ông, giới nghiên cứu quốc tế đã quan sát và nhận ra rằng, ngoài việc dùng vũ lực cưỡng chiếm biển đảo, Trung Quốc đã tích cực đầu tư tạo sức mạnh mềm hỗ trợ, tranh thủ dư luận thế giới. Ông chia sẻ gì về tính hiệu quả của các thủ thuật về sức mạnh mềm của Trung Quốc trên đấu trường quốc tế?
NCS. Trần Hữu Thùy Giang: Với tiềm lực quân sự và lực lượng hải quân quy mô của mình, Trung Quốc dần tiến hành các bước và gây hấn với các nước ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Song song với quá trình đó, Trung Quốc cũng sử dụng sức mạnh mềm để hiện thực hóa yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi lý của mình bằng nhiều hình thức khác nhau, cụ thể:
- Trung Quốc đầu tư rất nhiều cho việc xây dựng các nguồn tài liệu ngụy tạo khẳng định chứng cứ lịch sử của họ ở các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Những nguồn tư liệu, tài liệu này được nghiên cứu bài bản, có hệ thống và xuất bản liên tục. Số lượng các bài đăng trên tạp chí khoa học trong nước lên đến hàng ngàn, chưa kể một số lượng lớn các công trình nghiên cứu, luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ lấy vấn đề này làm đề tài nghiên cứu;
- Trên lĩnh vực xuất bản quốc tế, các học giả Trung Quốc cũng được đầu tư, kết nối để xuất bản một số lượng lớn các bài báo bằng tiếng Anh về vấn đề chủ quyền và tính pháp lý của Trung Quốc đối với "Biển Hoa Nam" (tức Biển Đông) trên các tạp chí khoa học. Có thể nhận ra sự chênh lệch về mặt số lượng các công trình nghiên cứu về vấn đề này trên các tạp chí nghiên cứu khoa học quốc tế giữa Trung Quốc và các nước có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông.
- Trung Quốc luôn duy trì một đội ngũ đông đảo học giả, những người luôn tranh luận, bình luận tại các diễn đàn đăng tải các vấn đề về tranh chấp Biển Đông. Những người này có khả năng ngoại ngữ tốt, nắm chắc vấn đề theo quan điểm của Trung Quốc, và luôn phản biện, tuyên truyền có lợi cho quan điểm về chủ quyền của Trung Quốc.
- Trung Quốc đầu tư và phát hành rất nhiều ấn phẩm như sách báo về văn hóa, bản đồ địa lý, bản đồ du lịch, quả địa cầu có in các bản đồ thể hiện đường 9 đoạn và lưu hành rộng rãi tại các nước. Khách, kể cả khách từ các nước ven biển Đông bị Trung Quốc chiếm biến, đảo, đến Trung Quốc đều được hào phóng tặng các vật kỷ niệm chứa mưu đồ xâm lược như thế. Các tổ chức mang danh nghĩa giao lưu văn hóa của Trung Quốc với các nước cũng luôn hào phóng mang tặng các kỷ vật như vậy.
Chúng tôi có nghe rằng Trung Quốc tài trợ rất nhiều tiền để lôi kéo, một số học giả nước ngoài nghiên cứu về Biển Đông? Ông có nghe và biết gì về điều này không?
NCS. Trần Hữu Thùy Giang: Chuyện này thì giới nghiên cứu quốc tế không lấy làm ngạc nhiên! Không chỉ tài trợ cho các cá nhân, tài trợ về kinh tế luôn được Trung Quốc xem là một con bài chiến lược để có được hậu thuẫn của các nước.
Nhiều nhà nghiên cứu và giáo sư, qua trao đổi, đã cho tôi biết, trong những năm qua, Trung Quốc chi rất nhiều tiền mời những chuyên gia quốc tế chủ trì, hoặc tham gia, nghiên cứu các dự án có liên quan đến lĩnh vực biển đảo, như tranh chấp chủ quyền, phát triển bền vững, môi trường biển, văn hóa biển, văn hóa đảo, ngư nghiệp, trồng trọt tại các đảo... Sau đó, Trung Quốc tiến hành xuất bản các kết quả nghiên cứu đó bằng các ấn phẩm tiếng Anh.
Đối với các bài báo quốc tế, họ thường lồng vấn đề chủ quyền, ngụy tạo các bằng chứng lịch sử vào các công trình này. Điều này giải thích tại sao số lượng các bài xuất bản của Trung Quốc tăng nhanh hàng năm.
Trên thực tế, có những nhà nghiên cứu mới vài năm trước, trong các công trình đã công bố của mình thể hiện quan điểm rất khách quan, thế nhưng hiện nay họ lại nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, viết bài có lợi cho đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc.
Có vẻ như làng báo quốc tế cũng bị ảnh hưởng bởi " sức mạnh mềm" của Trung Quốc. Bằng chứng là thỉnh thoảng xuất hiện những bài báo nói theo luận điệu của họ?
NCS. Trần Hữu Thùy Giang: Đúng rồi! Như đã nói ở trên, Trung Quốc đầu tư rất nhiều cho các dự án và mời các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giáo sư các nước tham gia. Họ cũng làm tương tự với phóng viên của các hãng thông tấn.
Hiện nay trong giới "cầm bút" quốc tế, có những người thường viết bài với quan điểm có lợi cho Trung Quốc, cho dù những bài này đa phần đều bị phản biện lại.
Lấy ví dụ như bài "Who is the biggest aggressor in the South China Sea?" (Ai là kẻ hung hăng nhất ở Biển Đông) của Greg Austin, đăng trên The Diplomat ngày 18/6 vừa rồi, cho rằng Việt Nam mới là bên gây hấn! Ngay sau đó Giáo sư Carl Thayer cũng đã viết một bài cùng tiêu đề phản biện lại và cũng đăng trên The Diplomat ngày 21/6, chỉ ra những luận điểm sai với sự thật trong bài của Greg đồng thời kết luân rằng nói "Viêt Nam hung hăng dựa trên các tiền đồn nhỏ xíu ở Biển Đông thì thât là khó tưởng tượng".
Vấn đề đặt ra ở đây là thực tế đã có sự "phân hóa" về quan điểm trong giới nghiên cứu, báo chí quốc tế. Điều này đương nhiên đúng ý đồ và mong muốn của Trung Quốc. Càng có nhiều tranh cãi như thế này, dù là xuyên tạc, việc đấu tranh giành lại chủ quyền tại các đảo và thực thể của Việt Nam, đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, ngày càng phức tạp và khó khăn hơn.
(Còn nữa)
Theo Duy Chiến
Vietnamnet
Philippines lên án lá bài 'hải đăng' của Trung Quốc ở Biển Đông Philippines tố cáo việc Trung Quốc xây 2 ngọn hải đăng phi pháp ở Biển Đông là mưu đồ nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở khu vực này. Bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp - Ảnh: CSIS Tuyên bố gay gắt trên được đưa...