Hiệp định UKVFTA sẽ có hiệu lực từ 1/5
Theo quy định tại Khoản 2a Điều 9, Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày nhận được thông báo cuối cùng của các bên về việc đã hoàn tất thủ tục pháp lý nội bộ. Như vậy, Hiệp định UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2021.
Ngày 11/12/2020, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA. Ảnh: MOIT
Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam và Vương quốc Anh duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Thương mại dịch vụ tiếp tục được duy trì, trong đó hai bên có điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác về dịch vụ trong thời gian tới. Trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, việc Chính phủ Việt Nam mới đây đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn UKVFTA sẽ giúp Hiệp định có hiệu lực chính thức trong thời gian sớm (Hiệp định đang có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021).
Trước đó, ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã chủ trì buổi lễ trao đổi Công hàm khẳng định ngày có hiệu lực của Hiệp định UKVFTA.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 1,024 tỷ USD, tăng 20,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Hiệp định UKVFTA đã tạo ra động lực quan trọng trong việc phục hồi trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm nay.
Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh đang triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine trên diện rộng và triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực được các thể chế uy tín quốc tế đưa ra gần đây, hứa hẹn lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục là điểm sáng trong mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Sau khi Hiệp định UKVFTA được chính thức ký kết vào ngày 29/12/2020 tại Anh, Việt Nam và Vương quốc Anh đã hoàn tất thủ tục trong nước cho phép áp dụng tạm thời Hiệp định này kể từ 23 giờ GMT ngày 31/12/2020 (tức là 6 giờ sáng ngày 1/1/2021 theo giờ Việt Nam).
Trong bối cảnh Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu và giai đoạn chuyển tiếp chuẩn bị kết thúc (ngày 31/12/2020), việc áp dụng tạm thời Hiệp định UKVFTA sẽ bảo đảm thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp trong khi hai bên tiếp tục hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên.
Nông dân và nhà máy phải liên kết để ngành mía đường phát triển bền vững
Chiều 23-3, tại Hà Nội, Báo Nhân dân Điện tử ( Báo Nhân dân) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường".
Theo các ý kiến phát biểu tại tọa đàm, ngành mía đường Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5% tạo sức ép cạnh tranh vô cùng lớn đối với sản xuất mía đường. Thêm vào đó, tình trạng mía đường nhập lậu với giá bán thấp đã khiến đường sản xuất trong nước gặp khó trong khâu tiêu thụ. Khó khăn này đã khiến niên vụ 2019-2020, diện tích trồng mía tiếp tục bị giảm 15-20%.
Dự báo, niên vụ 2020-2021 tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy. Chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, sản lượng đường sụt giảm xuống dưới 1 triệu tấn so với trước đây. Khó khăn thứ ba theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Kết quả điều tra của Bộ Công Thương sau hơn 5 tháng điều tra cho thấy đường Thái Lan được bán phá giá tới 48,88% (đường tinh luyện).
Toàn cảnh buổi tọa đàm chiều 23-3.
Do đó, ngày 9-2-2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mức thuế CBPG, CTC tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%, đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Quyết định này đã mang lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho đường của Việt Nam ở thị trường nội địa.
Vì vậy, các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đều thống nhất ý kiến cho rằng, để ngành mía đường Việt Nam phát triển, cạnh tranh được với sản phẩm đường ngoại nhập trong thời gian tới thì không thể thiếu sự liên kết, chia sẻ lợi ích giữa nông dân và nhà máy. Cùng với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nghiên cứu giống mía mới năng suất chất lượng, chữ đường cao (CCS), ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, các nhà máy cần tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ đường, chế biến, sử dụng phế phụ phẩm từ sản xuất đường để gia tăng giá trị kinh tế của cây mía....
Kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3 Tối 19/3, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang: Viêt Nam se tiêp tuc chu đông tham gia, đong gop vao viêc cung cô tinh đoan kêt va...