Hiệp định TPP: Ổn định toàn vẹn hệ thống tài chính – ngân hàng
Hiệp định TPP quy định việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính các quốc gia.
Hiệp định TPP ra đời sẽ tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, Hiệp định dành 2 Chương “Đầu tư” và “ Dịch vụ tài chính” quy định việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính.
Trong các quy định về đầu tư, các thành viên TPP đã đưa ra các nguyên tắc yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp, trong khi vẫn bảo đảm khả năng của Chính phủ các thành viên để đạt được các mục tiêu chính sách công hợp pháp.
TPP quy định sự bảo hộ đầu tư cơ bản như trong các hiệp định thương mại khác, bao gồm: Tự do chuyển tiền liên quan đến đầu tư với các ngoại lệ trong Hiệp định TPP, nhằm đảm bảo cho các Chính phủ giữ quyền linh hoạt quản lý các dòng vốn không ổn định.
Các thành viên TPP cũng thông qua biện pháp tự vệ tạm thời không phân biệt đối xử (chẳng hạn như kiểm soát vốn), nhằm hạn chế việc chuyển tiền liên quan đến đầu tư trong trường hợp khủng hoảng, hoặc có nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế khác, đảm bảo sự toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính; tự do bổ nhiệm các vị trí quản lý cấp cao mà không quan tâm đến quốc tịch.
Hiệp định TPP quy định tự do chuyển tiền liên quan đến đầu tư với các ngoại lệ trong Hiệp định TPP. (Ảnh minh họa: KT)
Các thành viên chấp nhận các nghĩa vụ dựa trên cơ sở “một danh mục chọn bỏ”, nghĩa là thị trường các nước là mở hoàn tòan đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trừ khi các Thành viên đưa ra một ngoại lệ (biện pháp bảo lưu không tương thích) trong một trong hai Phụ lục cụ thể của quốc gia đó đính kèm Hiệp định TPP: Một là, các biện pháp hiện hành trong đó một quốc gia chấp nhận nghĩa vụ không đưa ra các biện pháp hạn chế và ràng buộc bất kỳ sự tự do hóa nào trong tương lai. Hai là, các biện pháp và chính sách mà theo đó một quốc gia duy trì quyền tự do làm theo ý mình một cách đầy đủ trong tương lai.
Video đang HOT
Hiệp định TPP mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, hỗ trợ phát triển sản xuất trong toàn khu vực và xác lập tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu.
Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, TPP cung cấp các cơ hội mở cửa thị trường đầu tư và qua biên giới quan trọng, trong khi đảm bảo rằng các Thành viên TPP duy trì quyền quản lý đầy đủ đối với các tổ chức và thị trường tài chính, thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.
Quy định về dịch vụ tài chính bao gồm các nghĩa vụ cốt lõi tìm thấy trong các hiệp định thương mại khác, cụ thể: Đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, các quy định cụ thể của quy định đầu tư, bao gồm tiêu chuẩn đối xử tối thiểu (chẳng hạn như cho phép các khiếu nại bị từ chối tại tòa hoặc không được cung cấp bảo vệ an ninh) tuân theo các tập quán luật thương mại quốc tế (ví dụ như các khiếu nại về một số hành động của chính phủ không nằm trong nghĩa vụ pháp lý chung), cũng như các khiếu nại vì các thiệt hại do nội chiến (ví dụ như thua lỗ gây ra do xung đột vũ trang hoặc nội chiến) và mở cửa thị trường.
Điều này cho phép việc bán dịch vụ tài chính cụ thể qua biên giới sang một Thành viên TPP từ một nhà cung cấp dịch vụ của một Thành viên TPP khác mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán các dịch vụ của mình – nhưng cho phép một Thành viên TPP yêu cầu đăng ký hoặc được ủy quyền của nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới ở nước TPP khác nhằm giúp đảm bảo việc quản lý và giám sát thích hợp.
Một nhà cung cấp dịch vụ của một Thành viên TPP có thể cung cấp một dịch vụ tài chính mới tại thị trường của nước TPP khác nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó.
Các Thành viên TPP có các ngoại lệ cụ thể của mình đối với một số các quy định trong hai phụ lục đính kèm Hiệp định TPP: Một là, các biện pháp hiện hành, trong đó một quốc gia chấp nhận nghĩa vụ không đưa ra các biện pháp hạn chế và ràng buộc bất kỳ sự tự do hóa nào trong tương lai. Hai là, các biện pháp và chính sách mà theo đó một quốc gia duy trì quyền tự do làm theo ý mình một cách đầy đủ trong tương lai.
Các Thành viên TPP cũng đưa ra các nguyên tắc công nhận chính thức tầm quan trọng của quy trình hoạch định chính sách để giải quyết việc đưa ra các dịch vụ bảo hiểm của các nhà cung cấp được cấp phép và các quy trình để đạt được mục tiêu này. Thêm vào đó, Hiệp định TPP bao gồm các cam kết cụ thể về quản lý danh mục đầu tư, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử và chuyển thông tin để xử lý dữ liệu.
Hiệp định cũng bao gồm các quy định cụ thể về tranh chấp đầu tư liên quan tới tiêu chuẩn đối xử tối thiểu trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế, cũng như các quy định liên quan tới các chuyên gia dịch vụ tài chính trong ban trọng tài và cơ chế trình tự đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng ngoại lệ thận trọng và các ngoại lệ khác.
Ngoài ra, Hiệp định còn bao gồm các ngoại lệ duy trì quyền linh hoạt lớn cho các nhà quản lý tài chính của TPP. Quyền linh hoạt nhằm thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính, sự toàn vẹn của hệ thống tài chính bao gồm các ngoại lệ thận trọng và ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử, nhằm theo đuổi các chính sách tiền tệ hoặc chính sách cụ thể khác./.
Theo_VOV
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kể về 'phút chót' đàm phán TPP
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thời điểm nút thắt nhất là các bên tìm kiếm thời gian bảo hộ cho vấn đề độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược.
Trở về nước sau cuộc đàm phán TPP lịch sử tại Atlanta (Mỹ), là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia đàm phán TPP từ những ngày đầu, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chia sẻ về những điều gì đặc biệt đã khiến các thành viên TPP có thể đạt được thoả thuận thống nhất vào phút chót.
Có hy vọng, không ai muốn rời Atlanta...
Nhớ lại vòng đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ) lần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Các bộ trưởng gặp nhau ở Atlanta để xử lý những vấn đề còn lại sau hội nghị các bộ trưởng TPP ở Hawaii vào tháng 7/2015. Đây là những vấn đề rất khó nên hội nghị tại Hawaii đã đổ vỡ, không kết thúc được. Đó là những vấn đề rất khó như: quy tắc xuất xứ của mặt hàng ô tô, và liên quan đến thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, đặc biệt là các đàm phán song phương, mở cửa thị trường như dệt may, giày dép, sữa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (Ảnh: KT)
Ban đầu, dự kiến đàm phán chỉ 3 ngày, nhưng đến ngày 2/10, có thông tin các nước Nhật Bản, Mexico, Hoa Kỳ có thể đạt được thoả thuận với nhau về mặt hàng ô tô cho nên các Bộ trưởng quyết định rời ngày về và kéo dài Hội nghị Bộ trưởng thêm 2 ngày nữa.
Đến ngày 3/10, nhận được thông tin các nước thoả thuận được với nhau về vấn đề ô tô. "Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, Hiệp định TPP đã rất gần rồi và không một ai muốn rời Atlanta mà không có Hiệp định TPP cả"- ông Khánh kể.
Cũng trong ngày 3/10, xuất hiện lời văn thoả hiệp về vấn đề bảo hộ dữ liệu cho sinh dược. Rồi đến ngày 4/10, các nước thống nhất được với nhau về sinh dược. Tới lúc đó, không còn ai muốn rời Alanta nữa. Các Bộ trưởng quyết định gia hạn thêm và tích cực đàm phán, rất khẩn trương để có thể có được kết quả cuối cùng đàm phán về mở cửa thị trường.
Trong đêm đàm phán cuối cùng, chúng ta kết thúc được vấn đề về dệt may với Hoa Kỳ và Mexico, vào nửa đêm 4/10 và rạng sáng 5/10. Sau đó, 3h30 cùng ngày 5/10, chúng ta kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về quyền sở hữu trí tuệ, rồi đến 3h20 (giờ Hà Nội) cuộc đàm phán song phương cuối cùng giữa Hoa kỳ và Nhật Bản kết thúc và TPP kết thúc toàn diện.
"Chúng tôi kỳ vọng Hiệp định TPP sẽ chính thức được ký kết vào khoảng cuối tháng 12/2015 hoặc đầu tháng 1/2016"- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh.
Đặc biệt, "thời điểm nút thắt nhất là lúc các bên tìm kiếm thời gian bảo hộ cho vấn đề độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược. Khi đến chiều mùng 4/10, chúng tôi nhận thấy rằng các nước đã thống nhất về vấn đề đó, tất cả đều biết sẽ có thỏa thuận TPP"- Thứ trưởng cho biết.
Trong những ngày đàm phán vòng cuối cùng này, Đoàn Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước làm nên kết quả các cuộc đàm phán. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kể: "Đoàn Việt Nam nỗ lực cùng tất cả các nước làm nên vấn đề đa phương, đó là đóng góp to lớn của Đoàn đàm phán Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Bộ trưởng lần này tham gia hội nghị Atlanta đã có cuộc gặp rất quan trọng với một số Bộ trưởng như Bộ trưởng của Mexico, Hoa Kỳ, Đại sứ Roma, trong tất cả các cuộc gặp cấp Bộ trưởng đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã cùng các đối tác xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó chúng tôi mới có thể đàm phán ở phía dưới được".
Điều gì khiến cho TPP trở thành một mốc lịch sử?
Rất nhiều Bộ trưởng các nước TPP đều cho rằng đây là hiệp định mang tính lịch sử, cá nhân Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì cho rằng "TPP là hiệp định cũng có tính bước ngoặt, bởi vì đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay, gồm 12 quốc gia. Trong khi ASEAN là khu vực có 10 nước, hơn nữa TPP là khu vực thương mại tự do chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu. Khi có một Hiệp định để có khu vực thương mại tự do rất lớn như vậy là thời khắc rất quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới.
Hơn nữa, so với các FTA trước đây, TPP cũng là một hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng lớn hơn và có mức độ cam kết sâu hơn so với các FTA trước đây, đó là điển hình của các FTA thế hệ mới. Nó đề cập không chỉ các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, vật tư và các vấn đề thương mại phi truyền thống, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước. Lần đầu tiên các nước bàn bạc về doanh nghiệp nhà nước trong một khu vực thương mại tự do. Tức là bên cạnh các vấn đề thương mại truyền thống, các vấn đề mới, các vấn đề đặt ra trong đầu thế kỷ XXI. Chính vì vậy làm cho TPP khác biệt so với các khu vực thương mại tự do khác./.
Xuân Thân
Theo_VOV
TPP mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TPP là một hiệp định chất lượng cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm nghèo tại các nước; và nâng cao minh bạch hóa, quản trị tốt cũng như bảo...