Hiếp dâm ở 2 nơi, phải xử 2 lần?
Lần phạm tội ở Hải Phòng chưa được khởi tố, điều tra và truy tố thì không thể đưa bị cáo ra xét xử được mặc dù bị cáo đã thừa nhận.
Phạm tội ở đâu xử ở đó.
Tòa bảo hiếp ở đâu thì ở đó xử nhưng cũng có ý kiến nên gộp vụ án để đỡ phức tạp…
Theo hồ sơ, chiều tối 25/7, Vũ Trọng Phan dùng sức mạnh khống chế em L. để quan hệ tình dục. Trong quá trình điều tra, em L. cho biết ngoài vụ hiếp dâm này, Phan còn hiếp dâm một lần khác lúc cả hai đang ở Hải Phòng nhưng vì L. không nói với ai nên sự việc không bị phát hiện. Phan cũng thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Tháng 10/2012, VKSND thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã ra cáo trạng truy tố Phan về tội hiếp dâm trẻ em nhưng không đề cập đến vụ hiếp dâm ở Hải Phòng.
Tại phiên tòa vừa qua, luật sư của em L. cho rằng đây là một vụ án hiếp dâm với tình tiết tăng nặng là hiếp dâm nhiều lần. Đề nghị tòa trả hồ sơ để truy tố bị cáo ở khoản 3 Điều 112 BLHS. Luật sư phân tích cả bị cáo lẫn nạn nhân đang ở tại Bình Dương. Bị cáo cũng đã khai nhận hành vi nên vụ án quá rõ ràng. Vì vậy, các cơ quan tố tụng ở hai địa phương chỉ cần trao đổi với nhau để xét xử một lần đối với bị cáo.
Tuy nhiên, công tố viên khẳng định bị cáo hiếp dâm ở đâu thì cơ quan tố tụng ở địa phương đó có trách nhiệm điều tra, truy tố và xét xử. Do đó, vụ hiếp dâm lần trước xảy ra trên địa bàn TP Hải Phòng thì thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng của địa phương sở tại.
Sau khi xem xét, HĐXX đồng ý với ý kiến của vị công tố viên, không chấp nhận đề nghị của luật sư vì cho rằng không thể xét xử vượt quyền. Cuối cùng, TAND thị xã Dĩ An đã tuyên phạt Phan bảy năm sáu tháng tù về tội danh trên theo khoản 1 Điều 112 BLHS.
Trao đổi về vụ án đã có hai quan điểm khác nhau. TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một) cho biếtmặc dù vụ việc chỉ có một bị cáo và một nạn nhân nhưng hành vi phạm tội ở hai thời điểm khác nhau và hai địa phương khác nhau nên không thể coi là một vụ án. Lần phạm tội ở Hải Phòng chưa được khởi tố, điều tra và truy tố thì không thể đưa bị cáo ra xét xử được mặc dù bị cáo đã thừa nhận. Nếu xét xử gộp thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo vì lời khai của người bị hại và bị cáo chỉ được coi là một trong những nguồn chứng cứ và phải phù hợp với những nguồn chứng cứ khác. Tòa chỉ được xét xử một lần nếu vụ án được phát hiện đồng thời và cơ quan tố tụng ở hai địa phương cùng điều tra, truy tố rồi sau đó ủy thác cho một địa phương xét xử. Trường hợp này, người bị hại sẽ phải tố giác đến cơ quan điều tra tại Hải Phòng để cơ quan này khởi tố, điều tra vụ án. Sau đó, VKS sẽ truy tố ra tòa để xét xử bị cáo. Hình phạt mà lần xét xử sau sẽ được tổng hợp với hình phạt trước.
Phía ngược lại, luật sư Phạm Văn Vui (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) bảo vụ án này chỉ có một bị cáo và một bị hại. Vì vậy, không nên áp dụng một cách máy móc dẫn đến vụ án trở nên phức tạp. Đồng ý là lời khai của người bị hại và bị cáo phải phù hợp với những chứng cứ khác trong vụ án thì mới được coi là chứng cứ. Tuy nhiên, ở đây những tình tiết đã quá rõ ràng thì không nhất thiết phải tách vụ án để điều tra, truy tố và xét xử riêng. Cơ quan tố tụng ở Bình Dương vẫn có thể phối hợp với cơ quan chức năng ở Hải Phòng để điều tra lần hiếp dâm đầu rồi đưa vụ án ra xét xử bị cáo với tình tiết tăng nặng là hiếp dâm nhiều lần.
Theo xahoi