“Hiện tượng lạ” trên sóng VTV
Lâu rồi khung giờ vàng mới có một tác phẩm “lạ” như Hoa Sữa Về Trong Gió.
Hoa sữa về trong gió vừa khép lại hành trình 56 tập phim trên sóng VTV1. Có lẽ đã rất lâu rồi mới có một bộ phim “lạ” như thế trên sóng giờ vàng. Cái kết của bộ phim cũng ấm áp, nhẹ nhàng, chậm rãi như những tình tiết trải dài trong 56 tập. Rõ ràng, không có tình tiết nào quá bùng nổ, nhưng người xem lại bị cuốn đến mức không thể rời mắt. Đây rõ ràng là điều không phải tác phẩm nào cũng làm được.
Bộ phim của những điều bình dị
Xem Hoa sữa về trong gió, khán giả có cảm giác như bộ phim đang tái hiện chính những sinh hoạt thường nhật của một gia đình nào đó ngoài đời thực, để rồi ai cũng bắt gặp một phần của gia đình mình trong đó. Những tình tiết phim cũng đời thường và vụn vặt như chuyện đi chợ, nấu cơm, rửa bát, quét nhà…
Có khi, một tập phim chỉ đơn giản xoay quanh chuyện bà Trúc đi chợ sớm, về nấu bún thang cho cả nhà; nhà Linh – Hiếu tất bật với buổi sáng chồng đi làm, vợ đi bán hàng, con đi học; Thuận tất bật đưa đón con chạy đua với những ca học thêm sau giờ học chính; Trang cùng đám bạn sôi nổi bàn kế hoạch công việc mới; những người bạn già của bà Trúc ngồi tám chuyện giữa thời tiết thu về… Những tình tiết mà nếu đưa vào một bộ phim khác chắc chắn sẽ bị coi là rườm rà, câu giờ, vô nghĩa… Thì ở Hoa sữa về trong gió, nó lại hợp lý và cuốn hút một cách kỳ lạ.
Có đôi khi, khán giả chỉ say sưa theo dõi cảnh phim một gia đình quây quần trong giờ ăn tối, hay một cuộc tâm sự thân tình giữa mẹ chồng – nàng dâu, khi mà mắt ai cũng lấp lánh hạnh phúc… Khán giả xem “Hoa sữa” có lẽ cũng không cần đến những drama lắt léo hay tình tiết cao trào, với họ, chỉ dõi theo cuộc sống thường nhật của từng thành viên trong phim, như vậy là đã đủ!
Những thứ gọi là “drama” nhất trong phim, cùng lắm cũng chỉ như chuyện chị Xoài bị bạn trai thuê người đánh ghen; chuyện Phương bị mẹ gây áp lực học tập mà suýt trầm cảm đến mức tự làm đau mình; hay chuyện Khang suýt rơi vào vòng lao lý vì những rắc rối đến từ công việc… Thế nhưng, những thứ “drama”, những nút thắt cũng được gỡ một cách nhanh chóng, không khiến người xem phải bận lòng.
Bộ phim cũng không xây dựng một nhân vật phản diện gây ức chế đường dài nào. Tất nhiên, cũng có những giai đoạn một vài nhân vật khiến khán giả không hài lòng, như khi Thuận thường xuyên cáu gắt với chồng con, khó chịu với chị dâu… Nhưng rồi khi nút thắt được gỡ bỏ, khi phát hiện ra cô mắc bệnh trầm cảm, người xem lại dễ dàng tha thứ, bỏ qua, như một người mẹ sẵn sàng bao dung với con mình, một người chị sẵn sàng tha thứ cho cô em lầm lạc.
Những thông điệp ý nghĩa
Chỉ đơn giản là tái hiện cuộc sống sinh hoạt gia đình bình dị, nhưng Hoa sữa về trong gió cũng khéo léo lồng ghép những thông điệp ý nghĩa về tình thân, tình yêu, gia đình, hôn nhân, cùng những bài học sâu sắc cho giới trẻ. Phim có thể khiến ai đó đang gặp những rắc rối, những vấn đề trong hôn nhân, hay đang đau đầu xử lý các mối quan hệ gia đình tìm thấy được câu trả lời.
Từ câu chuyện của vợ chồng Thuận – Khang, khán giả nhận ra sợi dây bền chặt nhất gắn kết một cuộc hôn nhân chính là sự sẻ chia, đồng cảm. Nếu không có sự sẻ chia, mỗi người sự tách nhau ra trong chính gia đình của mình, và bi kịch ắt sẽ xảy đến.
Từ câu chuyện của gia đình Linh – Hiếu – Trang – bà Trúc, khán giả cũng có thể tìm thấy cách để dung hòa các mối quan hệ giữa các thế hệ trong một gia đình lớn. Có những việc tưởng là bình thường với người này, có thể là “tày đình” với người khác hoặc ngược lại. Nên khi ở trong một mối quan hệ, hãy luôn đặt mình vào vị trí của người kia để thấu hiểu cho nhau.
Hình ảnh đẹp của các thế hệ
Hoa sữa về trong gió cũng rất thành công khi khắc họa một cách rõ nét 4 thế hệ trong một gia đình: Thế hệ ông bà (như bà Trúc và các bạn); thế hệ bố mẹ (như Linh, Hiếu, Thuận, Khang); tuổi trẻ (như Trang và các bạn đồng trang lứa) và cả thế hệ “ẩm ương” đang tuổi đi học như Phương – con gái Thuận. Mỗi thế hệ đều có những vấn đề, những rắc rối, lo lắng của riêng mình. Người xem sẽ có được một cái nhìn tổng quan, hài hòa nhất, và biết đâu, sau bộ phim, khán giả ở thế hệ nào thì cũng sẽ thấu hiểu hơn cho thế hệ bên cạnh mình, để tìm ra những cách ứng xử hợp lý nhất.
Cách xây dựng hình ảnh các thế hệ trong phim cũng rất đẹp, đầy yếu tố tích cực.
Có lẽ ai cũng sẽ ao ước có một tuổi già như bà Trúc, ngoài niềm vui được quây quần bên con cháu, thì vẫn có niềm vui riêng bên những người bạn già thân thiết từ thuở thiếu thời. Hình ảnh những người bạn già sớm tối có nhau, người này hết mình vì người kia khiến lòng người xem cảm thấy an yên, ấm áp. NSƯT Thanh Quý cũng chính là linh hồn của tác phẩm, người giữ gìn “nếp nhà”. Nụ cười hiền hậu, đài từ ấm áp, diễn xuất ánh mắt chan chứa tình của cô thực sự đã biến hình ảnh bà Trúc trở thành biểu tượng của tác phẩm, và thật hợp với câu thoại của nhân vật Trang – “nhà là nơi có bà”.
Tới thế hệ bố mẹ, có lẽ lâu lắm rồi người xem mới được chứng kiến hình mẫu một người vợ hiền – dâu thảo đẹp đẽ đến vậy qua nhân vật Linh cùng diễn xuất ấn tượng của Thanh Hương. Chẳng ai có thể ngờ một cô Hương “voi” tưởng chừng như “chết vai” với Lan Cave, một cô Luyến “lươn” chao chát trên màn ảnh… lại cũng có thể là một cô Linh ngọt ngào đến thế, dịu dàng đến thế, biết điều đến thế. Thường xuyên được biết đến với những vai diễn cá tính, nhân vật Linh – dù không quá nổi bật nhưng là một sự lột xác, khẳng định Thanh Hương chính là đại diện cho thế hệ diễn viên thực lực đáng giá của màn ảnh Việt.
Cuối cùng, ở thế hệ những người trẻ, Võ Hoài Anh dù lần đầu chạm ngõ phim ảnh nhưng thực sự đã để lại ấn tượng đậm nét cho khán giả với vai Trang, cô gái Gen Z đầy ước mơ, hoài bão, khao khát thể hiện bản thân, nhưng cũng là một Gen Z sống đẹp, văn minh, đầy trách nhiệm, biết cách cân bằng và hài hòa giữa những giá trị truyền thống – hiện đại. Hình ảnh Trang cùng những người bạn trẻ của mình một mặt rất năng động, luôn tìm tòi, học hỏi cái mới, nhưng một mặt cũng luôn tìm cách tôn vinh, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thật đẹp, thật đáng yêu!
Cũng phải nói thêm rằng, ngoài đại diện của các thế hệ kể trên, thì tất cả các diễn viên trong phim, dù chính nhất đến phụ nhất, ai cũng tròn vai, và khiến khán giả phải nhớ.
Hoa sữa về trong gió, nhẹ nhàng như chính cái tên của tác phẩm, nhưng hương thơm, dư âm và những điều tích cực nó để lại thì vấn vương mãi trong lòng người xem dù bộ phim đã kết thúc.
Hoa sữa về trong gió: Bà Trúc quyết phẫu thuật bất chấp rủi ro cao?
Sau một đêm suy nghĩ, dường như bà Trúc đã đưa ra được quyết định cho bệnh của mình.
Trong trích đoạn giới thiệu tập 56 (tập cuối) Hoa sữa về trong gió, bà Trúc (NSƯT Thanh Quý) sau khi biết bản thân có cục máu đông trong não thì dường như đã đưa ra quyết định cho mình. Bà gọi các con tới để nói về điều này.
"Ai rồi cũng phải đi đến điểm dừng chân cuối cuộc đời, nhưng mẹ không muốn sống lay lứt, sống không có ích gì rồi làm khổ các con, các cháu của mẹ" - bà Trúc nhẹ nhàng nói.
Nghe thấy những câu này, Thuận (Huyền Sâm) và Linh (Thanh Hương) lo sợ, bật khóc vì thương mẹ. Tất cả đều lo bà sẽ lựa chọn cách có rủi ro và điều này đồng nghĩa phải đối mặt với tình huống xấu nhất.
Bà nói tiếp: "Mấy chục năm qua, mẹ đã sống vì các con, các cháu. Nhưng giờ, mẹ xin phép các con cho mẹ được quyết định sống theo như cách mẹ muốn, được không?".
Sự lựa chọn của bà Trúc là gì? Mời quý vị đón xem những diễn biến tiếp theo trong tập cuối Hoa sữa về trong gió phát sóng vào 21h00' ngày 22/11 trên kênh VTV1!
Hoa sữa về trong gió: Bà Trúc có cục máu đông trong não Phương án tối ưu hiện tại là mổ lấy cục máu đông, tuy nhiên cuộc phẫu thuật vẫn có rủi ro cao. Bà Trúc (NSƯT Thanh Quý) cuối cùng cũng đã tỉnh lại. Tuy nhiên, theo kết quả chụp chiếu, bác sĩ cho rằng khả năng cục máu đông đã gây ra tổn thương cho não của bà và đây là lý do...