Hiện trường hỗn độn vụ sạt lở đất ở Si Ma Cai
Núi lở vào nhà anh Sùng Seo Sù (25 tuổi) H. Si Ma Cai, Lào Cai đã cướp đi sinh mạng của 4 người, riêng cháu Sùng A Nhà (3 tuổi) bị gãy chân vùi trong đống đổ nát được giải cứu kịp thời.
Sáng 9.9, sau nhiều ngày mưa lớn, sườn núi phía sau đã nhiều ngày ngậm no nước đã sạt lở, vùi lấp căn nhà của gia đình anh Sùng Seo Sù, xã Sán Chải, H.Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Trực tiếp tham gia cứu nạn tại hiện trường, trung tá Nguyễn Trọng Chỉnh, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Si Ma Cai, kể lại hiện trường là đống đổ nát hỗn độn, khi ngôi nhà đã bị đất đá đè nát vụn.
Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ nghe tiếng khóc yếu ớt của trẻ em. Sau khi xác định được vị trí có tiếng khóc, hàng chục người đã lao vào đào bới đất đá, gỡ bỏ các vật dụng và tìm được cháu Sùng A Nhà. Cháu bé bị gãy chân và lập tức được đưa đi cấp cứu.
Lực lượng chức năng đưa cháu bé 3 tuổi ra khỏi đống đổ nát của ngôi nhà bị sập vì núi lở. ẢNH: ĐỒN BIÊN PHÒNG SI MA CAI
Cũng theo trung tá Nguyễn Trọng Chỉnh, sau khi tìm thấy cháu bé, hàng chục người tiếp tục khẩn trương đào bới và lần lượt tìm thấy 4 thi thể, gồm vợ chồng anh Sùng Seo Sù và 2 cháu bé.
“Giây phút tìm thấy vợ anh Sù, chúng tôi lặng người khi thấy có thêm thi thể đứa con nhỏ của chị vẫn nằm gọn trong địu của mẹ, rất thương tâm”, trung tá Chỉnh kể.
Lực lượng chức năng H.Si Ma Cai đưa thi thể nạn nhân vợ chồng anh Sù cùng 2 con ra khỏi hiện trường. ẢNH: ĐỒN BIÊN PHÒNG SI MA CAI
Trung tá Chỉnh cũng cho biết, sau khi tìm được 5 người thì núi tiếp tục sạt lở, lực lượng cứu hộ phải rút ra ngoài và không có đủ thời gian để sơ tán tài sản còn sót lại ở hiện trường.
Trong ngày 9.9, trên địa bàn H.Si Ma Cai xảy ra rất nhiều vụ sạt lở. ẢNH: ĐỒN BIÊN PHÒNG SI MA CAI
Cũng theo Đồn Biên phòng Si Ma Cai, các vụ lở núi trên địa bàn đã làm sập hoàn toàn 3 ngôi nhà, trong đó có 2 hộ gia đình đã kịp thời thoát hiểm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Đức Minh, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai, cho biết đến ngày 9.9, khu vực trung tâm H.Si Ma Cai vẫn ngập sâu trong nước, có đoạn nước ngập đến 8 m.
“Gần như toàn bộ các xã ở H.Si Ma Cai đều bị cô lập, phương tiện giao thông chưa thể đi lại. Có những điểm sạt lở chúng tôi ước tính phải huy động máy san gạt, xúc ủi đất đá gần 1 ngày mới xong được. Để đến đó, chúng tôi phải đi bộ”, ông Minh chia sẻ.
Đường vào xã A Lù (H.Bát Xát, Lào Cai) bị vùi lấp, cô lập. ẢNH: HUYỆN ĐOÀN BÁT XÁT CUNG CẤP
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết từ 7 – 9.9, mưa lũ, sạt lở và lũ quét do ảnh hưởng từ bão số 3 đã làm 20 người chết. Trong đó, TX.Sa Pa có 7 người; 2 người tại H.Văn Bàn; 6 người tại H.Bắc Hà và 5 người tại H.Si Ma Cai.
Ngoài ra, có 11 người đang mất tích (TX.Sa Pa 1 người; H.Bát Xát 10 người), 14 người bị thương tại TX.Sa Pa; H.Bát Xát và H.Bắc Hà.
Trung tâm H.Si Ma Cai ngập sâu, có nơi gần 8 m. ẢNH: TRUNG QUÂN
Đáng lưu ý, tại H.Bát Xát, đến cuối ngày 9.9, nhiều thôn bản vẫn bị cô lập do sạt lở đất và mất liên lạc ra bên ngoài khi hệ thống viễn thông hư hại.
Địa phương này đang dùng 2 nhà mạng Vinaphone và Viettel. Chiều 9.9, hệ thống cáp Vinaphone kết nối với H.Bát Xát bị đứt làm mất liên lạc với các xã Quang Kim, Phìn Ngan, Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo, Dền Thàng, Nậm Pung, Dền Sáng, Y Tý, A Lù, A Mú Sung, Nậm Chạc.
Mạng Viettel mất sóng ở xã Y Tý, thôn San Lùng, xã Bản Xèo. UBND H.Bát Xát đã đề nghị các đơn vị khôi phục liên lạc trong thời gian sớm nhất.
Chủ động phòng, chống sạt lở đất đá và cảnh báo mưa lũ trên các sông
Để ứng phó với bão số 2, các tỉnh, thành phố đã chủ động phòng, chống sạt lở đất đá và cảnh báo mưa lũ trên các sông.
Sạt lở đất, đá gây ách tắc đường lên Sa Pa (Lào Cai)
Lực lượng chức năng xử lý đất, đá tại Km127 700, Quốc lộ 4D, đoạn thuộc xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tối 22/7. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Sáng 23/7, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết, khoảng 19 giờ 45 phút ngày 22/7, tại Km127 700, Quốc lộ 4D (đoạn thuộc xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) xảy ra sạt lở đất đá kèm theo đổ cây từ taluy dương đã gây tắc đường, ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông của người dân.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, chủ động lập gác chặn, cắm biển cảnh báo 2 đầu đường không cho người điều khiển phương tiện di chuyển vào đoạn đường đang sụt, sạt. Tuy nhiên, do đất đá tại điểm sạt lở vẫn tiếp tục rơi và tràn ra lòng đường nên lực lượng chức năng đã triển khai phong tỏa hai đầu điểm sạt lở để phân luồng giao thông, không cho người và phương tiện đi qua nhằm đảm bảo an toàn; đồng thời hướng dẫn người điều khiển phương tiện di chuyển theo đường tỉnh lộ 155 mới.
Lực lượng chức năng tổ chức phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Hiện, các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi và chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng khi an toàn sẽ khẩn trương dọn dẹp thông đường.
Theo dự báo, từ chiều tối 23/7 đến ngày 24/7, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 2 trên vịnh Bắc Bộ có xu hướng nâng trục dần lên phía Bắc nên các địa phương trong tỉnh Lào Cai có mưa, mưa vừa và dông rải rác, có nơi mưa to đến rất to tập trung tại các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Do đó, khả năng sạt lở đất, đá từ trên núi cao xuống lòng đường là rất cao. Người dân cần chủ động khi tham gia giao thông để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thanh Hóa cảnh báo mưa lũ trên các sông
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ ngày 23 - 24/7, trên các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khả năng xảy ra một đợt lũ với biên độ lũ lên tại các trạm thượng lưu và các sông nhỏ từ 2 - 4 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Mã và các sông nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục 19 - 21 độ vĩ Bắc nối với tâm áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 2), trong đêm 22 và sáng 23/7, khu vực Thanh Hóa đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to và dông, tổng lượng mưa phổ biến từ 5 - 30 mm. Lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động như: Quan Hóa 56,2 mm; Quan Sơn 32,8 mm; Mường Lát 29 mm; Thạch Thành 19,8 mm... Mô hình độ ẩm đất cho thấy, hiện trạng độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) của một số khu vực thuộc các huyện trên đã gần đạt bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Dự báo từ ngày 23 - 25/7, ở Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông (trong mưa dông cần đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh). Lượng mưa phổ biến vùng đồng bằng ven biển từ 40 - 80 mm, có nơi trên 100 mm; trung du và vùng núi từ 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm. Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Trong sáng 23/7, trên vùng biển ven bờ Thanh Hóa (bao gồm đảo Hòn Nẹ, Hòn Mê, Hòn Miếu và Hòn Đót) có gió cấp 5, có lúc cấp 6, biển động nhẹ, sóng biển cao từ 0,7 - 1,5 m. Vùng biển ngoài khơi Thanh Hóa, gió cấp 6 - 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 1,5 - 3 m. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác trên vùng biển Thanh Hóa đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.037 phương tiện với 21.691 lao động. Đến sáng 23/7, hầu hết các phương tiện đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện còn 27 phương tiện với 171 lao động đang hoạt động gần bờ (trên vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An). Các phương tiện vẫn thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương.
Hải Dương chủ động ứng phó với bão số 2
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, do ảnh hưởng của bão số 2, khu vực Đông Bắc tỉnh gồm thành phố Chí Linh, các huyện, thị xã Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà có lượng mưa phổ biến từ 80 - 150 mm có nơi trên 150 mm. Khu vực Tây Nam tỉnh gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và thành phố Hải Dương có lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 200 mm.
Để chủ động ứng phó những tình huống do mưa, lũ sau bão số 2 gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố, các cấp, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão; có phương án bảo vệ rau màu, cây ăn quả, lúa mới gieo cấy; chú ý phương án chống úng các khu vực trũng thấp, phòng, chống ngập úng đô thị, khu nuôi trồng thủy sản tập trung; rà soát, bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều...
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã bổ sung trang bị, công cụ cho các đội tuần tra, canh gác đê; kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình thủy lợi, hồ đập, xác định trọng điểm để chủ động ứng phó bảo đảm an toàn công trình; cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm "4 tại chỗ".
Các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, Bắc Hưng Hải và Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương chủ động phương án tiêu úng khi có mưa lớn. Thành phố Hải Dương chủ động phương án chống úng khu vực đô thị. Thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn kiểm tra, rà soát, cảnh báo các trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất và triển khai phương án phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập, khu vực mỏ khai thá đất, đá, khoáng sản...
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm phục vụ tiêu úng...
Sập tường do sạt lở đất ở Hà Nội làm 3 cháu nhỏ tử vong Sáng 13/5, Công an huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở đất khiến 3 cháu nhỏ tử vong. Khoảng 22h20' tối 12/5, Công an xã Ba Trại nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc tại khu vui chơi trẻ em của gia đình ông Trần Văn Việt (SN 1984), trú...