Hiện thực hóa giấc mơ thành phố bên sông
Quy hoạch phân khu sông Hồng được triển khai nghiêm túc đã mang đến hy vọng về cuộc sống ổn định cho hàng trăm nghìn hộ dân sinh sống ven sông…
Đảm bảo đời sống người dân
Ths. KTS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, Quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được phê duyệt là niềm mong mỏi của rất nhiều người dân Thủ đô, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn của 13 quận, huyện có liên quan. Quy hoạch đã được nghiên cứu từ rất lâu, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền 13 quận huyện, 55 xã phường có liên quan để rà soát, đánh giá thực trạng sống của người dân, các vấn đề hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sống của dân cư, đối chiếu với quy hoạch của Thủ đô cũng như Quy hoạch đê điều thoát lũ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để lựa chọn giải pháp tốt nhất, vừa đảm bảo đời sống người dân vừa đảm bảo an toàn phòng chống lũ dọc 2 bên sông.
Quy hoạch phân khu sông Hồng triển khai nghiêm túc sẽ mang đến hy vọng về mảnh đất an cư ổn định cho hàng trăm nghìn hộ dân ven sông 4 quận nội thành
Sau khi đề án được phê duyệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch kiến trúc và các quận, huyện tăng cường công tác quản lý cũng như lập quy hoạch cụ thể hơn về hạ tầng của các khu dân cư được tồn tại, cũng như các khu di dời phải di dời để đảm bảo an toàn. Hiện có điểm chưa thống nhất giữa quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch đê điều thoát lũ. “Nhưng chúng tôi đã rà soát các khu vực khác biệt, làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đề xuất các giải pháp cụ thể. Về cơ bản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng ý bằng văn bản. Theo đó hướng giải quyết bằng cách lồng vào 2 quy hoạch mà Hà Nội đang triển khai là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cũng như điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô sắp tới sẽ trình Thủ tướng” – Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội thông tin.
Về những hộ dân đang sinh sống ở các bãi sông, Ths.KTS Lưu Quang Huy cho biết, quy hoạch về thoát lũ đã xác định rõ khu dân cư nào phải di dời thì Quy hoạch phân khu sông Hồng cũng sẽ triển khai nghiêm túc để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, việc di dời các hộ dân khu vực mất an toàn sẽ có lộ trình. Chính quyền địa phương sẽ thông báo cho người dân khu vực này các mối nguy hiểm và trong tương lai sẽ phải di dời, tái định cư vào các khu lân cận khác để đảm bảo an toàn.
Video đang HOT
Các khu được phép tồn tại sẽ được đầu tư bổ sung hạ tầng kỹ thuật giúp cho điều kiện sống của người dân tốt hơn. Liên quan đến câu hỏi: “Bao giờ thì người dân sống ven sông được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà ở?”, Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội nói: “Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 nên mang tính khái quát, định hướng là chính. Sau này sẽ phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu dân cư được tồn tại. Đây mới là cơ sở cho chính quyền cải thiện lại cuộc sống, hạ tầng xã hội, là công cụ để quản lý cấp phép xây dựng, chống lấn chiếm. Trách nhiệm của địa phương là phải triển khai ngay các nội dung này”.
Mong ước từ lâu
Đáng chú ý, vừa qua quận Hoàn Kiếm có đề xuất lấy một phần đất bãi giữa sông Hồng để làm công viên văn hóa, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho hay, đề xuất của quận mới là phương án. Quận Hoàn Kiếm đã làm việc với Viện Quy hoạch Hà Nội, nhưng khu vực này nằm trong quy hoạch thoát lũ nên phương án đó cần xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem có phù hợp và đảm bảo yếu tố an toàn tối đa hay không…
Dọc địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình) ven sông Hồng có 500 hộ dân với 2.000 nhân khẩu. Khi Quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt và công bố, người dân ở đây rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Hiếu (60 tuổi) đã sinh sống ở đây gần hơn 40 năm, từ khi khu vực chỉ là bãi rác, đến nay đã có đường bê tông sạch đẹp. Hơn lúc nào hết, ông Hiếu đang mong muốn được nâng cấp ngôi nhà cấp 4 của mình sau bao lần không xin được giấy phép cải tạo. “Không chỉ tôi, mà tất cả người dân khu bãi sông này đều mong muốn như thế. Chính quyền cần nhanh chóng có quy hoạch chi tiết để người dân có thể cải thiện đời sống của mình. Ai cũng kỳ vọng về một cuộc sống ổn định, lâu dài với giấc mơ thành phố ven sông” – ông Hiếu bày tỏ.
Bà Đặng Thị Thơ (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm) thì cho biết sẽ sẵn sàng đi tái định cư nếu nhà bên bãi sông của mình nằm trong khu vực phải di dời. “Đi tái định cư thì chúng tôi cũng sẵn sàng nếu cuộc sống được đảm bảo hơn. Sau nhiều năm ở cực khổ thế này, ai cũng mong muốn cuộc sống tốt lên” – bà Thơ nói.
Những thực tế nói trên đã kéo dài nhiều năm nay. Do vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm ở những khu vực này không được đầu tư. Cuộc sống của người dân cứ tạm bợ từ năm này qua năm khác. Đây cũng là điều gây khó khăn cho các cấp quản lý địa phương nhiều năm qua. Được đánh giá là đáp ứng mong mỏi của người dân, Quy hoạch phân khu sông Hồng triển khai nghiêm túc sẽ mang đến hy vọng về mảnh đất an cư ổn định cho hàng trăm nghìn hộ dân ven sông 4 quận nội thành. Và khi có sự phê duyệt, quy hoạch sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai những phần việc tiếp theo.
Ghép 'mảnh' cuối, mở nhiều cơ hội
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, được coi là mảnh ghép cuối, phủ kín quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hơn thế, 2 đồ án quy hoạch này mở ra nhiều cơ hội phát triển, mang lại một diện mạo Thủ đô khởi sắc, chất lượng sống của người dân được nâng cao.
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ hội để phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm thành phố Hà Nội.
Hướng tới xây dựng "thành phố bên sông"
Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Đào Duy Hưng, trong vòng 20 năm qua, khu vực sông Hồng và sông Đuống luôn được thành phố Hà Nội lưu tâm, nghiên cứu. Đã có rất nhiều đồ án của các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến khu vực được thành phố giao cho Viện Quy hoạch xây dựng tiếp thu, chắt lọc, đưa vào đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống mà UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt ngày 25-3 vừa qua.
"Hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống, được coi là "mảnh ghép" cuối cùng phủ kín quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thành phố; thể hiện được tính đặc trưng về nhận diện cho đô thị trung tâm. Hơn thế, việc ban hành hai quy hoạch này đã hoàn thành quá trình triển khai đồng bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan chung của thành phố", ông Đào Duy Hưng nhấn mạnh.
Ông Đào Duy Hưng cho rằng, trước đây toàn bộ khu vực dân cư nằm trong hành lang thoát lũ đều được yêu cầu di dời, dẫn tới khó khả thi. Tuy nhiên, với Quyết định số 257/QĐ-TTg (ngày 18-2-2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thuật ngữ này được mở rộng thành không gian thoát lũ và chỉ di dời các khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở. Có một phần khu dân cư được tồn tại, đặc biệt là làng xóm hiện hữu lâu đời. Những khu vực không phải di dời sẽ được xác định quỹ đất để đầu tư về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt đưa ra tiêu chí an toàn trong phòng, chống lũ.
Còn theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, quy hoạch được duyệt sẽ là cơ hội rất lớn để phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại và giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân sống bên sông. Từ đó, Hà Nội có đủ căn cứ pháp lý sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng "thành phố bên sông".
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội giới thiệu nội dung của đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống.
Nhiều cơ hội, tăng tính khả thi
"Sẽ không có tình trạng "cát cứ", mỗi địa phương "mạnh ai nấy làm" trong khai thác tiềm năng sông Hồng", kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam phấn khởi tin tưởng. Bởi tới đây, toàn thành phố sẽ thực hiện theo quy hoạch được duyệt trên suốt 40km chiều dài sông Hồng chảy qua địa phận 13 quận, huyện. Qua đó, Hà Nội sẽ giải quyết đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông khu vực này gắn kết với hệ thống giao thông đô thị của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thực hiện dự án, dần thay đổi diện mạo kiến trúc hai bờ sông Hồng theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc.
"Trên cơ sở đó, Hà Nội cần phải tính toán để có được nguồn lực phát triển; chuẩn bị các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư để giải quyết thách thức hiện nay là tạo dựng môi trường sống tốt cho hàng chục vạn người dân đang sinh sống ngoài khu vực đất bãi", kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng đề xuất.
Quản lý một trong những địa bàn sông Hồng chảy qua, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, hai phường Chương Dương và Phúc Tân có diện tích rộng 173ha, dân số 28.000 người. Đây là hai phường có quỹ đất rộng và đông dân nhất quận nhưng hạ tầng lại đang rất xuống cấp, nhất là các tuyến đường giao thông. Do đó, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ sở thuận lợi để quận Hoàn Kiếm tiếp tục nghiên cứu tái thiết bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực ngoài bãi sông Hồng.
Không riêng Hoàn Kiếm, 12 quận, huyện còn lại cũng đã có cơ sở pháp lý triển khai các dự án phát triển theo định hướng toàn tuyến. Với phân khu đô thị sông Hồng, ngoài phát triển 3 không gian chủ đạo, thành phố định hướng khai thác thềm cảnh quan ở những khu vực xen kẹt bởi đặc điểm của khu vực ngoài bãi sông là có các thềm cảnh quan có thể kết hợp thành công viên hay tiện ích để phục vụ người dân. Đây là quỹ đất tốt có thể khai thác, bổ sung cho chức năng còn hạn chế ở khu vực nội đô lịch sử cũng như khu vực đô thị mở rộng. Với sông Đuống, hiện cơ bản phát triển theo hướng các vùng nông nghiệp sinh thái, là nguồn động lực hỗ trợ cho các khu đô thị mới phát triển ở quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
"Bước tiếp theo là thành phố lập danh mục các dự án, các quy hoạch chi tiết hơn và triển khai vào thực tiễn. Đó là cơ hội để tăng tính khả thi trong thực hiện quy hoạch, kiểm soát được quá trình phát triển, đặc biệt là kiểm soát quỹ đất dành cho phát triển bền vững sau này", ông Đào Duy Hưng kiến nghị. Một trong những nội dung quan trọng sau khi hai phân khu đô thị được hoàn thiện là các sở, ngành, địa phương có liên quan sẽ cắm mốc giới quy hoạch và từ đó xây dựng các chương trình phát triển đô thị, đặc biệt là các dự án phát triển, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, như trường học, công trình giao thông... tại những khu vực nhiều năm qua còn hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Bõ công bao ngày chăm sóc, mẹ đảm có được khu vườn ban công trên tầng 27 chỉ 10m mà hoa tươi khoe sắc bốn mùa Sống giữa thành phố lớn thì việc có được một khu vườn riêng không phải là điều dễ dàng. Tuy là khó nhưng không có nghĩa là không thể. Hãy nhìn vào thành quả chăm sóc bấy lâu nay của chị Vạn là bạn sẽ biết được điều đó. Ngay từ khi hai vợ chồng dọn vào căn hộ trên tầng 27, ý...