Hiền Thục ‘điên đầu’ vì 16 đứa con
“Trước tôi chỉ có một đứa thôi, giờ tổng cộng 16 đứa ẩm ẩm ương ương, lúc nào cũng ‘cô ơi, cô à, con như thế này, con như thế kia’. Chính bản thân tôi cũng phải tự cân bằng nên có rất nhiều việc và tôi rất mệt”, HLV “The Voice Kids” chia sẻ.
Tôi cũng chỉ là một người bình thường
-Trở thành huấn luyện viên cuộc thi “Giọng hát Việt” nhí mùa đầu tiên, chị cảm thấy thế nào với vai trò mới?
- Bản thân tôi cũng chưa hết choáng váng vì mình sẽ là huấn luyện viên của 15 đứa trẻ. Khó khăn đầu tiên là các em ở độ tuổi từ 9 đến 15, đang có những chuyển biến tâm sinh lý rõ rệt, lớn không lớn, nhỏ không nhỏ. Vì vậy, quá trình dạy dỗ, định hướng thế nào cũng phải phù hợp với tâm sinh lý của đám trẻ. Một khó khăn nữa, tôi cũng chỉ là người bình thường, không phải thánh, nhiều khi tình cảm dành cho em này, em kia cũng không đồng đều. Trong khi đó, tôi muốn mình thực sự phải công bằng với 15 em trong đội.
- Là giám khảo mà thiên vị với các thí sinh, hình như không ổn (cười)?
- Tôi đang tập dần để tất cả các em trong đội đều nhận được tình cảm công bằng như nhau. Tôi phải đấu tranh với bản thân rất nhiều. Ví dụ ở vòng Đối đầu, có 15 thí sinh phải chia làm 5 đội. Mỗi đội 3 em và huấn luyện viên chỉ chọn 1 em đi vào vòng tiếp theo. Khi chọn ca khúc, tôi luôn cân nhắc để làm sao phù hợp với cả 3 em, không em nào thiệt thòi. Tôi nghĩ mình đã làm tốt vai trò đó. Khi chọn được ca khúc chuẩn cho mỗi đội, tôi mừng vì không lộ ra sự thiên vị (cười).
Hiền Thục và một thí sinh trong The Voice Kids.
- Do chị hiểu được tâm lý trẻ nhỏ rất nhạy cảm với sự thiên vị của người lớn?
- Tôi hiểu được điều đó vì bản thân có quá trình đi hát từ khi còn nhỏ. Tôi biết sự cưng chiều của thầy cô cũng “ác” nữa. Học trò phải có học trò cưng, sự cưng chiều nào cũng có sự lệch pha, thiên vị này nọ và dễ gây tủi thân cho các em. Bản thân tôi từng trải nghiệm nên biết điều đó và nghĩ mình sửa chữa được.
- Chị có để xảy ra trường hợp khiến bé nào tủi thân không?
- Tôi tự có nhiều áp lực và cũng tự cân bằng được mình nên chưa xảy ra chuyện như vậy. Có bé khi tôi chọn bài nghĩ rằng bài đó chưa phù hợp, nhẹ hơn so với giọng của bé. Bé không thích và muốn hát những bài “nặng đô” hơn. Trong trường hợp đó, tôi phải thuyết phục: “Tuy bài nghe có vẻ dễ nhưng những luyến láy mà con làm được mới là giỏi. Không phải cứ lên sân khấu, gào lên hát là hay, một bài hát con phải xử lý sao cho tinh tế, tình cảm thì người ta mới cảm nhận được”. Âm nhạc là của tình cảm, không phải sự tra tấn của âm thanh.
- Ở vòng Đối đầu, chị có sợ các bé sẽ tổn thương khi không được lựa chọn đi tiếp?
- Tôi sợ chứ. Nhưng nếu ở cuộc thi dành cho người lớn, chỉ có 2 thí sinh đối đầu nhau, trong khi ở The Voice Kids có 3 bé. Một bé giành quyền đi tiếp và 2 bé sẽ cầm tay nhau ra về. Điều đó khiến cho các em không được lựa chọn sẽ bớt tủi thân. Tôi nghĩ khi đã vào được vòng Giấu mặt, đã được lựa chọn đều là những bé có tài năng.
- Con gái chị, bé Gia Bảo năm nay đã 11 tuổi, chị có nhận thấy sự tương đồng của con gái với các bé khác trong đội của mình?
- Điểm tương đồng lớn nhất là tụi nó đang có những chuyển biến tâm sinh lý rất mạnh mẽ. Chúng dở ông, dở thằng, kỳ kỳ cục cục nên mình phải hết sức nhẫn nại, dù cáu giận cũng không thể nổi điên với tụi nhỏ được. Nhiều bé rất có tài, nhưng cũng có bé tài ít thôi nhưng lại nghĩ mình rất giỏi. Chúng ở tuổi đang lớn nên biết sao được, tôi phải quân bình những chuyện như vậy.
Tôi đang điên đầu lắm. Trước tôi chỉ có một đứa thôi, giờ tổng cộng 16 đứa ẩm ẩm ương ương, lúc nào cũng “cô ơi, cô à, con như thế này, con như thế kia”. Có rất nhiều vấn đề tôi phải giải quyết, từ chuyện bài vở cho đến tình cảm của tụi nhỏ. Chính bản thân tôi cũng phải tự cân bằng nên có rất nhiều việc và tôi rất mệt.
Video đang HOT
Gia Bảo trái ngược với mẹ hoàn toàn
- Con gái từ nhỏ đã được chị cưng chiều, ở độ tuổi này, bé có khiến chị thấy làm mẹ quá phức tạp và vất vả không?
- Tôi nghĩ không quá phức tạp đâu. Nếu sinh bé trai, tôi nghĩ sẽ khó khăn hơn để hiểu con. Gia Bảo là con gái nên những chuyển biến của nó, tôi trải qua rồi. Tôi cũng từng giống như con và khi bé đang lớn, tôi cũng lớn theo bé mỗi ngày. Tâm sinh lý bé trưởng thành tới đâu, mẹ cũng như vậy để cho phù hợp với con gái. Tôi với con luôn là bạn của nhau là vậy. Để làm được điều đó, tôi đọc sách, học hỏi kinh nghiệm từ những người phụ nữ khác như mẹ tôi chẳng hạn. Bản thân của người mẹ cũng có những linh cảm, nhạy cảm để biết con gái mình thế nào và giúp bé.
Tôi chiều con gái nhưng không chiều tới bến một cách mù quáng và có xu hướng bù đắp cho con nhiều hơn. Gia Bảo bị khuyết đi phần tình cảm của người cha, chỉ có mẹ nên bản năng của tôi là muốn bù đắp. Tôi nghĩ mình là một người khá chuẩn, chuẩn trong việc giáo dục.
- Gia Bảo bây giờ đã bớt ngang bướng hơn trước chưa?
- Khi bé lớn, sắp thành thiếu nữ, bướng ít đi. Nó đằm tính, thùy mị, dịu dàng hơn, không quậy phá, ngỗ ngịch như hồi nhỏ. Hồi 4-5 tuổi phá như con trai, một mình nó mấy thằng con trai làm không lại. Bây giờ lớn hơn, Gia Bảo có những cái “láu cá” riêng của nó, vẫn còn quậy ngầm lắm.
- Chị có thể chia sẻ những điểm “láu cá riêng” của con gái hay không?
- Gia Bảo ghê gớm theo kiểu riêng, nhiều lắm. Nếu nói luôn bây giờ, tôi không nhớ nhiều (cười). Ở tuổi này, bé có thể chia sẻ với tôi về nhiều thứ. Kể cả khi buồn vì công việc phức tạp hay bực mình ai đó, tôi cũng có thể kể cho con nghe. Con gái sẽ cho tôi những câu trả lời rất đơn giản và khi tôi nhìn sự việc theo cách cháu nhìn thấy, mọi phức tạp sẽ giải quyết được ngay.
- Chị thấy con gái có điểm gì giống mình ngày xưa không?
- Ít lắm. Ngoại trừ thẩm mỹ âm nhạc của Gia Bảo rất tốt, con gái tôi có nhiều điểm khác biệt với mẹ. Kể cả tính cách cũng có nhiều thứ khác, không giống tôi. Hồi nhỏ tôi rất điệu, làm gì cũng không tự lập được, luôn phụ thuộc vào ba mẹ. Bằng tuổi con gái bây giờ, tôi không biết nấu cơm, không biết chiên trứng, cũng chẳng biết nấu mỳ hay tự ủi quần áo. Thậm chí, tôi còn không tự tắm được cho mình. Gia Bảođều tự làm hết (cười).
Bây giờ mỗi sáng sớm đi học, Gia Bảo đều tự mặc quần áo, tự lo hết mọi thứ cho mình. Bé chỉ gọi mẹ dậy khi đã chuẩn bị tươm tất. Việc duy nhất bé nhờ tôi là thắt bím tóc, xong là bé đi học.
- Chẳng phải trước giờ mẹ bận việc, Gia Bảo có bà ngoại chăm sóc sao?
- Tôi nghĩ vậy nhưng Gia Bảo thấy không cần thiết. Con gái tôi học trường quốc tế nên tính tự lập thể hiện rất rõ. Điều đó khiến tôi mừng, không phải bánh bèo vô dụng như tôi.
Hiền Thục và con gái Gia Bảo.
Ba mẹ vẫn luôn bận tâm về tôi
- Trong buổi họp báo ra mắt album mới “Tằm tháng năm”, chị đã nhắc tới nhạc sĩ Tuấn Thăng với thái độ đùa vui thoải mái. Dường như nỗi buồn với người cũ đã không còn trong chị?
- Không còn từ lâu lắm rồi (cười). Tôi cũng không cần anh ấy quan tâm con gái, tôi nghĩ mình đã chu cấp cho con quá đầy đủ.
- Dù người mẹ có bù đắp bao nhiêu đi chăng nữa, sự thiếu hụt từ người cha vẫn là thiệt thòi đối với con gái chị?
- Tôi nghĩ cái gì khó quá nên bỏ qua. Bản thân không nên suy nghĩ nhiều vì có nghĩ cũng chẳng giải quyết được. Tôi tin, mỗi số phận của một con người là sự sắp xếp của thượng đế, rất có trật tự và logic nên tôi không thắc mắc chuyện đó nhiều.
- Chỉ vài năm nữa, Gia Bảo sẽ bước vào độ tuổi thiếu nữ. Chị có lo lắng những sai lầm của mình trong tình yêu trước đây có thể sẽ là tấm gương không tốt cho con gái trong chuyện tình cảm?
- Vậy chúng ta lại phải lý giải thế nào là một tấm gương tốt. Gương tốt có thể là một bà mẹ chỉn chu trong gia đình trọn vẹn, vợ chồng hạnh phúc với những đứa con ngoan ngoãn. Không ai trọn vẹn tất cả, thượng đế cho tôi giọng hát hay, được lên sân khấu, được tỏa sáng, bù lại chuyện cá nhân không hạnh phúc trọn vẹn. Đó là cái được – mất bản thân tôi không có quyền chọn lựa.
Trong quá trình giáo dục con trẻ, tôi vẫn nói cho con nghe có những cái mẹ đã sai lầm và bản thân mẹ mong muốn con hạnh phúc hơn mẹ. Dĩ nhiên khi làm điều đó, mẹ không nghĩ mình sai lầm nhưng khi mẹ lớn, đã đến tuổi này, mẹ nghĩ lúc đó không nên làm thế. Khi bắt đầu có người yêu, con có thể suy nghĩ nông cạn như mẹ lúc đó, nhưng mẹ muốn con suy nghĩ lại những lời mẹ nói lúc này. Nhiều khi con nghĩ điều nào đó là đúng nhưng rốt cuộc nó không đúng và không mang lại hạnh phúc cho con. Tới bây giờ, tôi vẫn giáo dục con gái như vậy.
Tôi không bao giờ giấu giếm những va vấp, bởi Gia Bảo thấy tôi chỉ có một mình. Tôi vẫn nói với con gái, tôi là người thất bại vì đã không lựa chọn đúng hạnh phúc cho mình. Vì không lựa chọn đúng đắn con đường lúc đó mà bây giờ khiến mẹ phải như vậy. Gia Bảo cãi lại: “Bây giờ con thấy mẹ đâu có gì buồn đâu, mẹ có con rồi”. Tôi nói với con: “Ừ, có con là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với mẹ, nhưng một người phụ nữ thành công không chỉ tỏa sáng trong công việc mà còn cần có hạnh phúc đề huề của chồng vợ, con cái. Chỉ sau này khi lớn hơn, con sẽ hiểu”. Không phải đến lúc này tôi mới nói với Gia Bảo những điều như vậy.
Hiền Thục không có ý định tái hôn.
- Chị có sợ đến một lúc nào đó, Gia Bảo sẽ vấp phải những sai lầm như mẹ?
- Vấp thì tôi đỡ. Đó là bản năng của người mẹ, như mẹ tôi hồi đó vậy. Tôi vấp, tôi ngã, mẹ đỡ, mẹ nâng chứ làm sao bây giờ, không lẽ để nó chết. Đúng không? Cứ vậy thôi mà sống!
- Con gái có chia sẻ với chị việc thích bạn trai nào chưa?
- Không đợi con gái nói, tôi cũng biết con đang thích cậu bé này, cậu bé kia. Khi phát hiện, tôi về nhà kể cho con nghe câu chuyện: “Hồi lớp 1, mẹ rất thích lớp trưởng. Thằng đó rất đẹp trai, học rất giỏi, trong lớp có nhiều người thích nó, nhưng nó chẳng để ý và chẳng biết mẹ là ai. Rồi con cũng sẽ trải qua những điều như vậy. Bản thân con sẽ thích ai đó nhưng nó chẳng để ý gì tới con. Sau này khi lớn lên, con biết họ chẳng là gì của con”. Tôi chuẩn bị trước tâm lý cho con gái, nếu thằng bé kia không thích nó, Gia Bảo cũng chẳng buồn.
- Bây giờ nỗi bận tâm lớn nhất của chị với con gái là gì?
- Tôi không cần con quá ưu việt hay thành công khủng khiếp. Hồi nhỏ, tôi được ba mẹ đặt nhiều kỳ vọng nhưng tôi đã làm họ thất vọng nhiều. Tôi nghĩ không nên để con bị quá nhiều áp lực.
Tôi là con út nên rất được cưng. Ba mẹ lại thấy tôi tài năng, có thể đi hát này kia, thành công trong cuộc sống. Lớn hơn chút, năm 15 tuổi, tôi đi hát rồi tự lấy tiền đó đóng học phí. Thế nhưng tôi đã mang nỗi kinh hoàng về cho ba mẹ là có bầu và sinh con gái năm 21 tuổi. Thời điểm đó là một sự kinh khủng khiếp, khiến ba mẹ sụp đổ và bản thân tôi vô cùng mệt mỏi.
- Mất bao lâu ba mẹ chị vượt qua được cú sốc này?
- Phải rất nhiều năm sau cho đến khi tôi vững vàng trong cuộc sống, khoảng năm 2005. Sau khi sinh con, tôi trở lại đi hát và dần có chỗ đứng trên sân khấu, lo cho cuộc sống của mình và con gái. Ba mẹ thấy tôi có chút bản lĩnh, biết vươn lên mới thoải mái tinh thần. Tuy nhiên đến bây giờ, gia đình vẫn rất lo cho tôi.
- Chị luôn cảm thấy có lỗi vì điều đó?
- Đúng. Tôi rất bận tâm vì chuyện ba mẹ cảm thấy ra sao về mình.
- Vậy sao chị không quyết định đi bước nữa, khi con gái đã lớn và tình yêu với một người cũng đã nhiều năm?
- Tại sao tôi phải đi bước nữa? Tại sao phải kết hôn khi có bao nhiêu người lấy nhau lại muốn bỏ nhau (cười lớn). Trong cuộc sống, tôi thấy có nhiều cái mình muốn mà người ta không muốn và ngược lại. Cuộc sống hiện tại của tôi rất “beautiful life”, đang rất đẹp tại sao lại phải thay đổi.
“Nếu con gái vấp ngã thì tôi lại nâng, không lẽ để nó chết”.
- Chị cũng đã bước vào tuổi băm rồi đấy chứ?
- (Cười) Cứ vậy, số mình đã vậy, chấp nhận đi. Thêm một lần thất bại còn chết nữa.
- Bạn trai lâu năm cũng đồng ý với quan điểm này của chị?
- Cái đó kể sau đi. Có nói tôi cũng quyết định được gì.
- Bây giờ khán giả đều thấy chị ngày càng trẻ đẹp, cười thật nhiều, dường như tất cả là nhờ tình yêu?
- Chuyện tình yêu của tôi cũ rích rồi, báo nào cũng đăng cả nên ngại nhắc lại lắm. Xin cho tôi khất đến khi có điều gì đó mới mẻ hơn được không (cười)?
- Nhưng một lần tới Huế, chính tôi từng chứng kiến chị khóc như mưa, như gió khi gọi điện thoại cho bạn trai dù trước mặt rất nhiều bạn bè?
- Chết tôi rồi! Thôi, chuyện đó không nên đưa lên mặt báo (cười). Ngại lắm!
Theo Mốt và cuộc sống