Hiến máu mang lại sự sống
Hiện nay, khoa học vẫn chưa thể điều chế được máu nhân tạo, có nghĩa là những người cần truyền máu vẫn phải dựa hoàn toàn vào sự hiến tặng của người khác
BS-CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước cũng như tại TP HCM. Kho dự trữ máu của TP HCM hiện đang giảm dần và có nguy cơ khan hiếm máu.
7 người nhập viện, 1 người cần truyền máu
Mỗi năm, cả nước cần 1,9 triệu đơn vị máu điều trị, mỗi ngày cả nước cần khoảng 5.200 đơn vị máu. Hiện nay, Ngân hàng máu (thuộc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP) và Trung tâm Truyền máu ( Bệnh viện Chợ Rẫy) là 2 đơn vị cung cấp máu cho công tác khám chữa bệnh các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Theo BS Phù Chí Dũng, trong khoảng 7 người nhập viện mỗi ngày, có 1 người cần truyền máu. Máu luôn cần thiết để cung cấp cho các bệnh nhân bị tai nạn, thảm họa, phẫu thuật, bệnh nhân ung thư, bệnh máu khó đông… Chỉ có 37% dân số tại Việt Nam có đủ điều kiện để hiến máu và chỉ có khoảng dưới 10% những người có đủ điều kiện đó tham gia hiến máu tình nguyện hằng năm. Những nghiên cứu nhằm tìm ra các chất có thể thay thế được chức năng của máu, đến nay vẫn chưa được áp dụng nên máu cung cấp cho truyền máu đều được lấy từ người hiến.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: HẢI ANH
Video đang HOT
Theo các chuyên gia huyết học, trong mỗi đơn vị máu có hai phần chính là các tế bào máu (bao gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu…) và huyết tương (chiếm 55%- 65% tổng lượng máu trong cơ thể). Huyết tương có vai trò vận chuyển nguyên liệu quan trọng của cơ thể như: glucose, sắt, ôxy, hormone, protein… Huyết tương bao gồm nhiều thành phần trong đó có protein huyết tương, với những protein như Albumin, Globulin, Fibrinogen… Albumin có thể được xem như một loại xốp hút nước lưu thông, giữ lượng nước cần thiết trong dòng máu. Globulin có nhiệm vụ như những kháng thể chống nhiễm khuẩn…
Việt Nam đang nghiên cứu việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi Covid-19 để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 có diễn biến nặng. Có thể nói đây là một thông tin rất thời sự được nhiều người quan tâm.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 – cho biết thời gian qua, Việt Nam luôn cập nhật, học hỏi nhiều phác đồ mới điều trị Covid-19 từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước trên thế giới. Mới nhất, Bộ Y tế đã giao Viện Huyết học – Truyền máu trung ương phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nghiên cứu việc tiếp nhận huyết tương, điều chế, bảo quản, lưu trữ cung cấp cho các cơ sở y tế nơi có bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Viện Huyết học – Truyền máu trung ương sẽ là nơi đảm trách việc tách huyết tương, bảo quản, lưu trữ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương sẽ lựa chọn và chỉ định bệnh nhân sử dụng phương pháp này.
“Chúng tôi có đầy đủ máy móc để thực hiện tách huyết tương và đây là kỹ thuật viện vẫn thực hiện thường quy. Tuy nhiên, đây là phương pháp mới nên các chuyên gia cần thêm thời gian để nghiên cứu hoàn thiện hơn để bảo đảm an toàn nhất cho người bệnh khi tham gia thử nghiệm” – TS-BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, nói.
Theo các chuyên gia, sau Trung Quốc, hiện có nhiều quốc gia cũng đang thử nghiệm phương pháp này để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, như Anh, Mỹ, Hàn Quốc… Nghiên cứu được công bố cho thấy trong huyết tương của người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, sẽ chứa một số lượng lớn các kháng thể có thể chống lại virus SARS-CoV-2. Do đó, khi truyền huyết tương sẽ giúp đẩy nhanh sự phục hồi ở bệnh nhân, giảm khả năng phát tán virus. Tại Trung Quốc, kết quả điều trị trên các bệnh nhân cho thấy sau 12-24 giờ truyền huyết tương, bệnh nhân đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, tình trạng viêm giảm và số tế bào bạch cầu tăng cao. Trong vòng 3 ngày được truyền huyết tương, các triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân như sốt, ho, khó thở và đau tức ngực dần cải thiện.
TS-BS Bạch Quốc Khánh cho biết ở Việt Nam, phương pháp điều trị huyết tương từ bệnh nhân Covid-19 đã khỏi, chỉ mới trong giai đoạn nghiên cứu phòng thí nghiệm, chưa có chỉ định trên bệnh nhân nào. Theo đó, sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh là phương pháp mới để điều trị bệnh nhân nặng, cơ thể có tải lượng virus cao, đã điều trị bằng các phương pháp thông thường nhưng virus trong cơ thể không giảm. Huyết tương của người khỏi bệnh có chứa kháng thể chống virus, khi truyền vào cơ thể người bệnh, kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ bệnh nhân diệt virus.
Các chuyên gia y học đang kỳ vọng trong tương lai gần, liệu pháp huyết tương sẽ trở thành phương pháp điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, không thích ứng với các loại thuốc kháng virus. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân được thử nghiệm điều trị bằng phương pháp truyền huyết tương chưa nhiều, nhiều quốc gia hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Hiến máu giúp giảm nguy cơ ung thư
Theo giới chuyên môn, hiến máu có nhiều điểm lợi như giúp phát hiện sớm bệnh tật, kiểm soát cân nặng. Hiến máu thường xuyên sẽ giúp kiểm soát tốt lượng sắt trong cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy thừa chất sắt có thể dẫn đến việc mất cân bằng ôxy hóa quá mức, là thủ phạm gây lão hóa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Đặc biệt, hiến máu còn giúp giảm nguy cơ ung thư nói chung (và nhất là ung thư gan, ruột già, phổi và vòm họng…) do một trong những nguyên nhân gây ung thư liên quan đến hàm lượng sắt quá mức trong cơ thể.
NGUYỄN THẠNH – NGỌC DUNG
Điều trị thành công bệnh tim bẩm sinh tím
Tất cả các dị tật của tim hoặc các mạch máu lớn có ngay từ lúc sinh ra đều được gọi là bệnh tim bẩm sinh. Bệnh tim bẩm sinh tím - Cyanotic congenital heart disease (CCHD) là một bệnh tim bẩm sinh gây ra nồng độ oxy trong máu thấp làm da có màu tím tái.
Tứ chứng Fallot là bệnh thường gặp nhất trong nhóm tim bẩm sinh tím. Bệnh làm tổn thương tim nặng, chất lượng máu, hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu kém, yêu cầu về kỹ thuật phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu phức tạp.
Sau phẫu thuật, người bệnh đang được chăm sóc tại BV, tiến triển sức khỏe hồi phục tốt, các ngón tay và môi bớt tím. Trong ảnh: Bác sĩ Trần Phước Hòa thăm khám cho người bệnh.
Anh N.M.N (25 tuổi, ở tỉnh An Giang) là trường hợp mắc bệnh này. Người thân cho biết, anh N. phát hiện bệnh từ năm 6 tuổi, sau một lần bị ngất khi đang đi học. Các ngón tay và môi của N. có màu tím.
Người bệnh thường bị mệt và không thể chơi các môn thể thao hoặc vận động mạnh. Khoảng 3 tháng trước, anh N. bắt đầu thấy mệt nhiều và kéo dài, sụt hơn 4kg nên đến khám tại Bênh viên (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long và được chẩn đoán tứ chứng Fallot.
Các bác sĩ đã phẫu thuật, sửa chữa triệt để đóng lỗ thông liên thất lớn, mở rộng động mạch phổi dùng miếng vá bằng màng ngoài tim cho người bệnh vào ngày 20-3. Sau phẫu thuật, người bệnh đang được chăm sóc tại BV, tiến triển sức khỏe hồi phục tốt, các ngón tay và môi bớt tím.
Theo bác sĩ CKII Trần Phước Hòa - Trưởng Đơn vị tim mạch của BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, bệnh tim bẩm sinh có biểu hiện tím là bệnh tim phức tạp vì tổn thương trên tim nặng, chất lượng máu kém.
Chính vì thế, việc phẫu thuật và chăm sóc sau phẫu thuật cho bệnh nhân đòi hỏi sự chính xác cao để tránh các biến chứng có thể gặp phải như xuất huyết, người bệnh không thích nghi với tình trạng tim sau phẫu thuật sửa chữa cũng như thời gian hồi sức sau mổ tim dài.
Người bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh việc thiếu oxy lâu dài ảnh hưởng đến đa cơ quan, nặng hơn nữa tắt mạch máu não, mạch máu tim. Sau phẫu thuật, người bệnh cần phải tiếp tục điều trị nội khoa.
Bài, ảnh: P. CHI
Hy vọng mới trong việc sử dụng máu cuống rốn để điều trị ung thư Các nhà nghiên cứu vừa phát triển một phương pháp mới để khiến các tế bào gốc máu cuống rốn trở nên dễ cấy ghép hơn, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị ung thư máu ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tế bào gốc máu hay còn được biết đến với tên gọi tế bào gốc tạo máu (HSCs) là...