Hiến máu cứu người trong mùa dịch bệnh
Những ngày đầu năm 2020, ngân hàng máu của bệnh viện đứng trước nguy cơ thiếu hụt lượng máu dự trữ nghiêm trọng. Đồng thời, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến công tác vận động hiến máu và tiếp nhận máu thật sự khó khăn.
Trước tình hình đó, nhiều địa phương, đơn vị ở An Giang đã nỗ lực để tổ chức các buổi hiến máu tình nguyện với sự tham gia tích cực của cán bộ, viên chức và người dân.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 20 đợt hiến máu tình nguyện, tiếp nhận khoảng 3.000 đơn vị máu. Hoạt động này đang được Hội Chữ thập đỏ các địa phương tiếp tục thực hiện, nhất là vào cao điểm tình hình hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu cứu chữa cho người bệnh trong mùa dịch bệnh Covid-19.
Trong khi mọi hoạt động học tập, làm việc đều hạn chế, tránh tập trung đông người phòng lây lan dịch bệnh, việc huy động cộng đồng hiến máu gặp không ít khó khăn. Có người còn băn khoăn, hiến máu trong thời điểm này có khiến cơ thể suy giảm hệ miễn dịch không. Nhờ công tác tuyên truyền, tư vấn, nỗi lo được xua tan, từng địa bàn lần lượt kêu gọi người dân tham gia hiến máu, góp phần cải thiện tình trạng thiếu máu.
Toàn bộ nguồn tiếp nhận được chuyển về Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ lưu trữ. Tại huyện Thoại Sơn, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tổ chức đợt hiến máu lần thứ 1 của năm, tiếp nhận 107 đơn vị máu.
Hưởng ứng tinh thần tiếp máu cứu người, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc huy động bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên bệnh viện và người nhà bệnh nhân, sinh viên tình nguyện cùng tham gia, thu về 154 đơn vị máu.
Trên địa bàn huyện Phú Tân, tiếp nối từ “Lễ hội xuân hồng” hiến máu đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tổ chức lần lượt ở nhiều cụm xã, thị trấn, tiếp nhận tổng cộng 237 đơn vị máu. Lồng ghép với việc thiện nguyện là truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân vừa chủ động bảo vệ sức khỏe, đồng thời cũng an tâm hiến máu một cách an toàn.
Mở rộng các hoạt động từ thiện – xã hội, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) phối hợp Hội Chữ thập đỏ lần đầu vận động tín đồ trong toàn đạo tham gia hiến máu tình nguyện.
Theo kế hoạch, kêu gọi chủ yếu tại huyện Phú Tân và Chợ Mới vì gần trụ sở giáo hội nhất với số lượng khoảng 100 người. Tuy nhiên, khi biết tin này, nhiều bà con tín đồ ở xa cũng đến tham gia, tổng cộng có hơn 200 tín đồ tự nguyện đến đăng ký, kết quả tiếp nhận được 154 đơn vị máu.
Video đang HOT
Từ TX. Tân Châu, một số bà con rủ nhau khởi hành từ sáng sớm đến An Hòa tự. Trong đoàn, có bà Huỳnh Thị Thủy (54 tuổi, xã Vĩnh Hòa), người đã tham gia hiến máu tình nguyện hơn 20 lần. “Tôi hiến máu ở địa phương nhiều rồi, riêng lần này hưởng ứng theo kêu gọi của ban trị sự. Việc hiến máu cứu người rất ý nghĩa và rất cần thiết, bất kể ở đâu cần, nếu có khả năng bà con nên tham gia” – bà Thủy chia sẻ.
Là giáo viên và đã tham gia hiến máu lần thứ 6, ông Huỳnh Ngọc Trung (xã Long Giang, Chợ Mới) cho biết, trước đây theo định kỳ tháng 4 hàng năm ông đến hiến máu tình nguyện tại xã. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, ông biết được nguồn máu cứu chữa bệnh nhân hiện đang khan hiếm nên sang tham gia với đồng đạo.
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia hiến máu tình nguyện
Không chỉ bà con tín đồ trong tỉnh, nhiều gia đình, người cùng xóm ở tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An cũng tập trung về trong dịp vừa qua. Sau tinh thần cho máu cứu người, đại diện các ban trị sự còn dự để rút kinh nghiệm, tiếp tục trở về tổ chức tại địa bàn cư trú.
Do lần đầu triển khai, nhiều người phải đợi rất lâu để được lấy mẫu, nhận kết quả kiểm tra nhanh mới vào hiến máu, nhưng ai cũng động viên nhau kiên nhẫn, người có kinh nghiệm giải thích cho người lần đầu tham gia về sức khỏe, lợi ích sau khi cho máu.
Phó Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH Lê Ngọc Lợi cho biết, hàng năm tín đồ PGHH tự nguyện đăng ký hiến máu ở địa phương, có người đã tham gia rất nhiều lần. Hưởng ứng lời kêu gọi của giáo hội lần này, bà con tín đồ trong đạo thể hiện tinh thần rất tích cực.
Ông Lợi trần tình: “Nguồn máu cứu chữa bệnh hiện nay đang khan hiếm, cho máu cũng là việc thiện giúp đời. Khi người dân cần, tín đồ giúp đỡ được gì thì hưởng ứng tùy sức, là một nghĩa cử trong thực hành “tứ ân” theo tinh thần của đạo. Sau lần tổ chức này, các đơn vị sẽ duy trì thực hiện theo quy chế cụ thể, có thể định kỳ 4 lần/năm”.
“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” là nghĩa cử cao đẹp và nhân văn góp phần cứu chữa, điều trị người bệnh cần truyền máu. Thông điệp vẫn đang lan tỏa và kêu gọi các địa phương, đơn vị tùy điều kiện thích hợp tổ chức, bởi không chỉ trong tình hình dịch bệnh hiện nay mà bất cứ khi nào ngân hàng máu và bệnh nhân cũng cần lượng máu dự trữ kịp thời.
MỸ HẠNH
Theo AGO
Thoại Sơn tích cực phòng, chống dịch bệnh covid-19
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, Thoại Sơn đang rất tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra.
Phát khẩu trang y tế miễn phí tại thị trấn Phú Hòa là hành động đẹp được người dân hoan nghênh
Thoại sơn có lợi thế nằm trên cung đường du lịch khép kín: Thoại Sơn - Long Xuyên- Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn, có thể xem Thoại Sơn là vệ tinh quan trọng trong chuỗi du lịch của tỉnh. Với địa hình đa dạng từ sông nước hữu tình, đến đồng lúa mênh mông hay núi non huyền bí, vùng đất ông Thoại từ lâu đã nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp. Thuận lợi với du lịch tâm linh và du lịch khảo cổ, Thoại Sơn nổi danh với đình thần Thoại Ngọc Hầu và gần 30 ngôi chùa xung quanh thị trấn Núi Sập.
Cùng với đó là Thiền viện Trúc Lâm An Giang (tọa lạc tại Khu du lịch Lòng hồ số 2, ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập) dù chưa hoàn thiện, nhưng thu hút khá đông khách tham quan. Di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Óc Eo- Ba Thê, Linh Sơn thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu hàng năm... vì thế, việc triển khai các biện pháp phòng, chống covid-19 được xem là nhiệm vụ quan trọng.
Tại cuộc họp triển khai phòng, chống covid-19 ngày 11-2 của UBND huyện Thoại Sơn, các đại biểu được nghe thông tin về tình hình dịch covid-19 trong nước và trên thế giới. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Thoại Sơn đã tăng cường các biện pháp phòng, chống như: cập nhật thông tin về số cas mắc bệnh, giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp không rõ nguyên nhân, có yếu tố dịch tễ nghi ngờ liên quan đến covid-19.
Mục tiêu nhằm phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong; xây dựng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các tình huống đáp ứng kịp thời tùy tình hình thực tế.
Theo đó, Thoại Sơn lên kế hoạch phòng, chống Covid-19 gồm 3 tình huống: tình huống 1, chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại huyện Thoại Sơn; tình huống 2, khi xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào huyện Thoại Sơn; tình huống 3, khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo từng tình huống nêu trên đều có các giải pháp tổng thể để thực hiện. Cụ thể, Phòng Y tế huyện là cơ quan thường trực phòng, chống dịch, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày để báo cáo và tham mưu UBND huyện có giải pháp giải quyết kịp thời; đồng thời chỉ đạo hệ thống y tế tư nhân khai báo bệnh nhân nghi ngờ có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp và có tiền sử nguy cơ, như: tiếp xúc với những người di trú từ ổ dịch, vùng nghi ngờ.
Trung tâm Y tế tăng cường giám sát phát hiện cas bệnh, chủ động phối hợp Phòng Y tế, các ngành liên quan tổ chức điều tra giám sát các trường hợp nghi ngờ để kịp thời cách ly khống chế dịch. Đồng thời, bố trí cán bộ trực chống dịch thường trú qua số điện thoại đường dây nóng để nắm tình hình dịch bệnh, thông tin kịp thời về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh, Sở Y tế và chính quyền địa phương biết diễn tiến dịch hàng ngày.
Phòng Văn hóa- Thông tin, Đài Truyền thanh và Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu đúng về bệnh để có cách phòng bệnh hiệu quả, tránh hoang mang trong cộng đồng.
Với sự chủ động, chung tay phòng, chống Covid-19 của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, có thể nhận thấy, người dân đã không còn hoang mang trước dịch bệnh Covid-19 như trước. Việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và người thân cũng được thực hiện cẩn thận.
"Nhận được tin nhắn của Bộ Y tế hàng ngày cùng với việc được nghe loa phát thanh thường xuyên của Đài Truyền thanh về các biện pháp phòng, chống Covid-19, tôi đã hiểu thêm về dịch bệnh này và không lo sợ như ban đầu. Ở nhà, tôi thường xuyên vệ sinh nhà cửa, mở các cửa sổ để thông thoáng; đồng thời nhắc nhở người thân vệ sinh tay bằng xà bông và đeo khẩu trang y tế khi đến nơi đông người" - chị Nguyễn Thị Dúng (ngụ xã Định Mỹ, Thoại Sơn) bày tỏ.
Chỉ đạo tại cuộc họp triển khai kế hoạch phòng, chống Covid-19, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Ngọc Điệp yêu cầu, ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, nhân lực, hóa chất, phương tiện để thực hiện tốt việc cách ly, cấp cứu, thu dung và điều trị bệnh nhân khi có trường hợp bệnh dịch xảy ra; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở mua bán khẩu trang y tế tự ý tăng giá; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho học sinh như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông và sử dụng chất sát khuẩn...
Đường dây nóng Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn để nhận thông tin từ cộng đồng: 0967.951.919.
PHƯƠNG LAN
Theo baoangiang
Đồng bào tôn giáo xây dựng nông thôn mới Trưởng ban Trị sự (BTS) Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) Nguyễn Tấn Đạt cho biết: "Thời gian qua, hoạt động xã hội - từ thiện xây dựng nông thôn mới (NTM) của BTS nhận được sự đóng góp tích cực của đông đảo bà con tín đồ PGHH. Các tổ chức, cá nhân đã chung sức, chung lòng hỗ...