Hiến máu bắt buộc chỉ là giả định!
Chia sẻ với báo chí trước thông tin Bộ Y tế đề xuất hiến máu bắt buộc mỗi năm một lần, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định trong dự thảo Bộ Y tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu năm 1 lần. Đây chỉ là giả định để cho thấy hiến máu tình nguyện là tối ưu.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 9/1, dù phủ nhận việc Bộ Y tế đề xuất hiến máu bắt buộc mỗi năm một lần, nhưng ông Quang thừa nhận: “Cách viết của chúng tôi cũng làm cho người đọc hiểu nhầm, đáng lẽ phương án 2 phải chuyển lên phương án 1, chứng minh giả định ở phương án 2 và từ đó lập luận để thấy phương án 1 là khả thi nhất”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, để xây dựng Luật về máu và tế bào gốc phải dựa trên bằng chứng khoa học.
Ông Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
“Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra giả định. Trường hợp này giả định là hiến máu bắt buộc”, ông Quang nói.
Video đang HOT
Ông Quang lý giải thêm, không thể bắt buộc hiến máu vì nó liên quan đến quyền con người. Hơn nữa, nếu quy định bắt buộc thì với 90 triệu dân sẽ có 46 triệu người phải hiến máu bắt buộc. “Như thế chúng ta sẽ có nguồn máu đầy đủ và ổn định, nhưng dư thừa khá lớn, quá lãng phí. Bộ Y tế không theo đuổi mục tiêu này”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.
Ngoài ra, nếu hiến máu bắt buộc thì một năm tiêu tốn 4.180 tỷ, trong khi hiến máu tình nguyện như hiện nay với 18,2 triệu người hiến máu thì chỉ tiêu tốn 2.000 tỷ.
Bộ Y tế cũng tham khảo luật pháp quốc tế thì không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc.
“Việc hiến máu tình nguyện hiện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh, lại tiết kiệm được nhiều chi phí. Năm 2016 toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu; đạt 1,52% dân số hiến máu.
Nếu chiếu theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi quốc gia chỉ cần 2% dân số hiến máu tình nguyện thì lượng máu đủ nhu cầu điều trị. Hiện tại, Việt Nam còn thiếu tỉ lệ 0,48% dân số hiến máu. Trong khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện đang lan rộng trong thanh thiếu niên, nhiều tầng lớp người dân. Nếu đẩy mạnh thêm kinh phí cho tuyên truyền, thúc đẩy hiến máu tình nguyện, khi nào đạt tỷ lệ chiếm 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân”, ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, sau khi xem xét về khía cạnh quyền con trong Hiến pháp, tham khảo luật pháp quốc tế, nguồn và nhu cầu về máu, kinh tế và xét về hình thức đang thực hiện thành công trên thực tiễn, so sánh với giả định hiến máu bắt buộc tốn kém và nhiều bất cập, Bộ Y tế lựa chọn phương án khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế là duy trì hiến máu tình nguyện hiến máu tình nguyện.
Hiện nay, để thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có kế hoạch phê duyệt và triển khai kế hoạch đến năm 2020, bằng các thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy hiến máu tình nguyện. Mục tiêu đặt ra sẽ đạt được 2% dân số tham gia hiến máu thì sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị cho những bệnh nhân cần máu.
Hồng Hải
Theo Dantri
"Bắt buộc hiến máu" là vi phạm quyền con người
Đây là ý kiến của bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP), chia sẻ với báo Dân Việt ngày 9.1.
Theo bà Tú Anh, việc khuyến khích, vận động người dân tham gia tự động hiến máu là rất nhân văn, đảm bảo được nguồn máu cung cấp cho người bệnh. "Nếu ai cũng có thể giác ngộ rằng chỉ cần một ít máu mình cho đi có thể cứu được cả cuộc đời người khác thì sẽ thấy được ý nghĩa của việc hiến máu" - bà Tú Anh cho biết.
Tuy nhiên, bà Tú Anh cũng khẳng định, việc hiến máu chỉ nên khuyến khích chứ không thể ép buộc. "Nếu Luật quy định "bắt buộc hiến máu" là vi phạm quyền con người, quyền tự quyết về thân thể, khiến người dân có thể có những phản ứng tiêu cực không đáng có".
Trước đó, Bộ Y tế đã gửi tờ trình Bộ Tư pháp về Dự án Luật về máu và tế bào gốc. Về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu, Bộ Y tế đưa ra 2 giải pháp được lựa chọn đó là: 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 01 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Tuy nhiên, phương án 1 "hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc" đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân. Hiện theo thông tin mới nhất, Bộ Y tế đã lựa chọn phương án 2: "không bắt buộc hiến máu".
Bà Tú Anh dẫn chứng, mới đây ở Hà Lan có thông qua Luật hiến các bộ phận trên cơ thể người mà theo đó, tất cả công dân đều phải kê bảng khai xác nhận hiến xác. Tuy nhiên, trên bảng kê khai đó có mục để người dân lựa chọn từ chối hiến bộ phận cơ thể. Khi đó, Chính phủ cũng tôn trọng quyền quyết định của người dân. Tuy nhiên, nếu người dân không kê bảng khai đó thì được "mặc định" là đồng ý hiến tạng và nếu chẳng may qua đời sớm, các bệnh viện có quyền lấy bộ phận cơ thể của họ để ghép cho người cần. "Đó có thể là một gợi ý hay cho chúng ta" - bà Tú Anh nói.
Về ý kiến cho rằng, người dân "ích kỷ", chỉ thích nhận, không thích cho nên không thích hiến máu, bà Tú Anh cho biết, hiện mỗi năm Việt Nam vẫn có hàng chục triệu lượt người hiến máu, do đó không thể nói rằng tất cả người Việt đều ích kỷ. "Người tốt, người tự nguyện hiến máu đang rất đông, cho dù chưa đạt được tới lượng máu cần. Do đó, để người dân tích cực hiến máu thì các cơ quan ban ngành phải tăng cường vận động, đồng thời đề ra các chính sách ưu tiên, khuyến khích người tích cực hiến máu" - bà Tú Anh nhận định.
Theo bà Tú Anh, người dân còn ngại ngần hiến máu có thể còn nhiều lý do. Có thể do họ vẫn chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc hiến máu. Cũng có thể người dân chưa tin tưởng vào việc giọt máu họ cho đi sẽ được sử dụng một cách có ý nghĩa nhất khi đâu đó. Thậm chí có người còn lo rằng nếu họ đi hiến máu và phát hiện ra các bệnh lây nhiễm (như HIV hay viêm gan B), họ sẽ không được bảo mật thông tin, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều trắc trở... "Do đó, chúng ta cần tăng cường vận động, tuyên truyền và minh bạch các thông tin để giúp củng cố niềm tin của người dân. Tôi tin người tốt muốn chia sẻ máu để cứu sống người khác còn rất nhiều" - bà Tú Anh khẳng định.
Theo Danviet
Tết Đinh Dậu, bệnh viện có khan hiếm máu? Lãnh đạo Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, dự kiến trong dịp Tết Đinh Dậu, cả nước cần khoảng 125.000 đơn vị máu mới phục vụ được nhu cầu điều trị bệnh. Những giọt máu hồng sẽ tới tay các bệnh nhân cần máu. Ngày 4-1 báo Tiền phong phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương...