Hiến kế hạ nhiệt giá cước vận chuyển
Kiến nghị phân công Bộ Công Thương làm tổng điều phối kế hoạch phát triển ngành logistics của cả nước để có sự đồng bộ, tránh lãng phí.
Ngày 14-12, Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2021 với chủ đề “ Phát triển nhân lực logistics” đã được Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội.
Giá vận tải biển tiếp tục tăng phi mã
Đề cập đến giá cước vận tải biển tăng đang làm khó doanh nghiệp (DN), ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho biết: Thời gian này năm ngoái, giá cước vận chuyển sang bờ đông nước Mỹ chỉ khoảng 3.500-4.000 USD/container. Tuy nhiên, hiện nay vẫn cung đường ấy, giá cước đã tăng đột biến lên tới 15.000 USD, thậm chí 18.000 USD/container.
Không chỉ vậy, giá vận chuyển container trên một số tuyến chính đều tăng trên 100%, có nơi trên 200%. Trong khi đó, có đến 80% lượng hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty Việt Nam.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cũng cho hay nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất của các công ty may, trong đó có May 10 đang phải nhập khẩu 70%-80% từ Trung Quốc. Năm ngoái, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu của Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động nên công ty không có nguyên liệu để sản xuất.
Sang năm 2021, thị trường Trung Quốc khôi phục trở lại thì công ty lại không có container để các nhà cung cấp xuất khẩu nguyên phụ liệu. Ngược lại, khi có container thì lại không có tàu, khi có tàu thì phải mất nhiều thời gian mới nhận được hàng. Sau khi sản xuất ra, việc giao hàng cho đối tác lại bị chậm tiến độ, gây ra thiệt hại nặng nề. “Ảnh hưởng tiếp theo là chi phí vận chuyển tăng lên. Đó là chưa kể rất nhiều loại phí tăng cao khiến DN khủng hoảng” – ông Việt nói.
Vậy các bên liên quan cần làm gì để “giải vây”, giúp DN vượt qua khó khăn? Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu vận tải biển quốc gia mang tầm thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất phát triển các tuyến vận tải container quốc tế, bắt đầu từ việc xây dựng các tuyến ngắn, các tuyến nội địa, sau đó phát triển các tuyến vận tải dài hơn.
“Trong bối cảnh giá cước vận tải biển liên tục tăng cao bủa vây DN nhưng chúng ta không thể điều tiết được thì đây cũng là giải pháp mang tính căn cơ về mặt tương lai cho Việt Nam. Qua đó giúp giảm phụ thuộc vào nước ngoài” – ông Trung nhấn mạnh.
Video đang HOT
Hệ thống logistics phát triển tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các công ty xuất nhập khẩu. Trong ảnh: Chế biến tôm, cá xuất khẩu tại một công ty thủy sản. Ảnh: QH
Phải duy trì “động mạch chủ” của nền kinh tế
Chia sẻ về hoạt động logistics trong nội địa thời gian qua, ông Trần Đức Nghĩa, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), nhắc lại câu chuyện thực tế từ đợt bùng phát dịch lần thứ ba ở Hải Dương. Khi dịch bắt đầu bùng phát ở Chí Linh, ngay lập tức tỉnh Hải Dương đóng cửa quốc lộ 18. Sau đó, ổ dịch lại bùng phát ở Cẩm Giàng, tỉnh tiếp tục đóng cửa quốc lộ 5A. Khi Hải Dương đóng cửa hai quốc lộ này, trong vòng ba tuần, ước tính mỗi ngày nền kinh tế thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng.
“Riêng công ty của tôi có hơn 100 đầu xe. Mỗi ngày phải chạy vòng vèo vận chuyển hàng hóa giữa Bắc Ninh, Bắc Giang và cảng Hải Phòng thì thiệt hại cũng cỡ hơn 2 tỉ đồng” – ông Nghĩa dẫn chứng.
Từ thực tế trên, theo ông Nghĩa, để phòng chống dịch bệnh, các tỉnh đã chọn các biện pháp “rất tiêu cực” là đóng cửa quốc lộ. Thế nhưng, quốc lộ là huyết mạch của nền kinh tế. Do vậy, cần phải tách biệt việc phòng chống dịch bệnh với việc phải duy trì “động mạch chủ” của nền kinh tế, đó chính là các tuyến đường quốc lộ như 1A, 5A, 18…
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cũng chia sẻ câu chuyện của TP.HCM khi trải qua đợt dịch lần thứ tư vừa qua. Theo đó, đợt dịch lần thứ tư hết sức khốc liệt, qua đó cho thấy các hoạt động kinh tế, trong đó có cung ứng hàng hóa, hoạt động logistics đã bộc lộ tất cả khó khăn, hạn chế. Nhiều chuỗi cung ứng lâm vào tình cảnh đứt gãy. Đến nay, bằng nhiều nỗ lực, trong đó nhờ có kế hoạch phát triển logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà TP.HCM đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.
“TP.HCM có 9,4 triệu người dân, nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn. Thế nhưng, tình cảnh gặp phải khi diễn ra đại dịch là 234 chợ đầu mối, 106 siêu thị, 28.700 cửa hàng tạp hóa, hơn 2.400 cửa hàng tiện lợi… phải tạm dừng hoạt động dần dần vì có ca mắc COVID-19. Nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP bị ảnh hưởng nghiêm trọng” – đại diện Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ.
Cùng với đó, TP.HCM cũng là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực phía Nam, như cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất… nên các loại hàng hóa đều tập trung về đây. Vì vậy, khi TP phải giãn cách xã hội, hoạt động xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi phải thiết lập ngay các điểm trung chuyển nông sản, thực phẩm để đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Phát huy vai trò của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bán hàng lưu động, huy động chuỗi bán lẻ tham gia bán lương thực, thực phẩm. Có lúc phải huy động cả tàu cao tốc để chở rau quả từ miền Tây” – đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết.
Từ thực tế như trên, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẵn sàng hợp tác với các DN để làm sao hệ thống logistics phát triển tốt nhất. Đồng thời kiến nghị Chính phủ phân công Bộ Công Thương làm tổng điều phối kế hoạch phát triển ngành logistics của cả nước. “Vì logistics mang tính liên kết vùng cao nên cần sự điều phối của trung ương để các tỉnh phát triển đồng bộ, tránh lãng phí” – ông Phương nhấn mạnh.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Logistics
Là quốc gia có thiên hướng về sản xuất, xuất khẩu nên ở Việt Nam, dịch vụ logistics từ đầu vào đến đầu cuối rất quan trọng cho việc vận hành chuỗi cung ứng.
Tốc độ phát triển, tiềm năng của dịch vụ logistics là rất lớn, tuy nhiên hiện tại chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho ngành còn nhiều hạn chế.
Nhân lực cho ngành Logistics đang là bài toán quan trọng của các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: V.Thế
Việc kết nối đào tạo giữa các trường đại học, hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) và địa phương là rất cần thiết và cấp bách để nâng cao năng lực đáp ứng của ngành trong tương lai.
* Nhu cầu cao, nguồn cung thiếu và yếu
TS Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam nhận định, nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững logistics ở Việt Nam, nhưng chưa phát huy được vai trò. Việt Nam có khoảng 3 ngàn DN có hoạt động liên quan đến logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics sẽ trên 200 ngàn. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tương tự, tại Đồng Nai, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (chuyên dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải container và dịch vụ xuất nhập khẩu) cho hay, số lượng DN nội tỉnh làm về logistics bước đầu có phát triển nhưng quy mô nhỏ, hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp, lại bị cạnh tranh gay gắt với các đơn vị cung cấp dịch vụ của nước ngoài.
"DN vừa nhỏ, thiếu các kỹ năng, dịch vụ logistics chuyên nghiệp, lại cạnh tranh với nhau nên chưa lớn mạnh được, một phần cũng do nguồn cung ứng chất lượng nhân sự còn thiếu, các DN phải bỏ công đào tạo lại nhưng vẫn chưa nhiều" - ông Hưng nhận xét.
Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển nước sâu, hơn 30 khu công nghiệp và mạng lưới đường cao tốc, Đồng Nai có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm logistics của cả khu vực. Vấn đề là ngoài sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng thì công tác đào tạo cũng phải được tính toán càng sớm càng tốt. Việc tính toán quy hoạch logistics Đồng Nai là phải kéo được các DN không chỉ ở trong tỉnh mà các tỉnh, thành khác trong khu vực về làm dịch vụ xuất nhập khẩu. Hiện tại, nhiều DN của Đồng Nai vẫn đang phải làm dịch vụ xuất nhập khẩu ở TP.HCM, trong khi địa phương lại có lợi thế hơn hẳn về đường sông, hệ thống cảng có thể phát triển.
Về lâu dài, xu hướng dịch chuyển ra khỏi trung tâm đô thị sẽ là chủ đạo. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhất là về nguồn nhân lực, tỉnh sẽ rất khó nắm bắt và tận dụng được những lợi thế này.
Mở rộng kết nối để nâng cao năng lực đáp ứng
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm: Chính phủ, chính quyền địa phương, các DN logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...
Nhận thấy được điều này, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, việc đào tạo nhân lực phục vụ ngành được xác định rất quan trọng gồm những nội dung đẩy mạnh đào tạo logistics, nhất là ở cấp đại học, nâng cao chất lượng và số lượng giảng viên về logistics. Đào tạo cơ bản về logistics cho cán bộ quản lý DN và cán bộ quản lý nhà nước. Kết nối các tổ chức đào tạo, DN logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài.
TS Mai Xuân Thiệu cho biết thêm, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam được thành lập trong năm nay cũng nhằm mục tiêu trên và Hiệp hội sẽ có nhiều kế hoạch để thúc đẩy sự liên kết, kết nối này.
Không chỉ mở rộng kết nối, đào tạo giữa nhà trường và DN mà sự bắt tay hợp tác của các DN với nhau cũng là điều rất cần thiết.
Ngày 5-11, Tập đoàn Hùng Nhơn, một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi với các trang trại chăn nuôi heo, gà tại nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây nguyên, cũng như các lĩnh vực bất động sản, sản xuất, thương mại khác, đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Thông Quan, một trong những DN logistics tiêu biểu của Đồng Nai. Theo đó, hai bên hướng tới hợp tác nhằm đầu tư phát triển áp dụng công nghệ thông tin 4.0 trong hoạt động logistics; dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan; dịch vụ vận chuyển đa phương thức, các mặt hàng siêu trường, siêu trọng; dịch vụ thương mại mua bán, xuất nhập khẩu hàng nông sản, kết nối nhà cung cấp và phân phối trong nước và quốc tế; dịch vụ thuê kho bãi.
Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan cho biết, đây là cơ hội để DN nâng tầm hoạt động của mình. "Chúng tôi hy vọng việc hợp tác giữa 2 đơn vị sẽ tạo ra cơ hội cùng phát triển lâu dài, phối hợp chặt chẽ để thực hiện thành công các dự án khác trong tương lai, nhất là ở lĩnh vực vận tải, logistics và chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ cho các khách hàng một cách tốt nhất" - ông Điềm mong muốn.
Đã có kết quả kiểm tra, rà soát giá cước vận tải biển Sau gần 2 tháng thực hiện nhiệm vụ Bộ Giao thông Vận tải giao, Cục Hàng hải Việt Nam đã có báo cáo bộ này về kết quả kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa. Đáng chú ý, tại báo cáo này cho hay đã có một số...