Hiến kế để Đà Nẵng trở thành ‘thành phố đáng sống’ ở châu Á
Các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn thiếu trung tâm giải trí về đêm, không gian cây xanh, trung tâm tài chính… để giữ chân du khách và hướng tới “ thành phố đáng sống” ở châu Á.
Phát biểu tại hội thảo các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng mang tầm vóc khu vực ASEAN và châu Á do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 12/7, TS Trần Du Lịch (Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng) đánh giá Đà Nẵng có vị trí chiến lược ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh và đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi với những cơ chế và chính sách thông thoáng…
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng có nhiều thế mạnh để phát triển thành “ thành phố sống tốt” ở châu Á. Ảnh: Nguyễn Đông
Những năm gần đây, do tác động không thuận lợi của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự ảm đạm và trì trệ của thị trường bất động sản, sự giảm sút nguồn thu ngân sách địa phương cùng khó khăn của doanh nghiệp…, tốc độ phát triển của Đà Nẵng đã chậm lại. Nhưng thành phố vẫn là điểm sáng so với bức tranh kinh tế chung của cả nước nhờ sự năng động trong phát triển, và vẫn là điểm đến hấp dẫn về đầu tư, du lịch.
“Tuy nhiên để ngang tầm với các đô thị trong khu vực và thế giới, thành phố phải hình thành cho được bộ tiêu chí về đô thị, biết tìm nguồn thu mới ngoài quỹ đất đang đóng băng để có nguồn lực tài chính ổn định, chuyển dịch cơ cấu tập trung vào du lịch – dịch vụ, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm nâng cao chất lượng công chức”, ông Lịch nói.
KTS Trương Văn Quảng (Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị – nông thôn) cho rằng Đà Nẵng nhất thiết phải xác định được các chiến lược phát triển không gian gắn với tầm nhìn. Cụ thể với “một hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” cơ bản được bảo tồn, yếu tố mặt nước là tư tưởng chủ đạo, đô thị Đà Nẵng cần được mở rộng ra các vùng ngoại thành và cần có một đề án thiết kế đô thị tổng thể cho toàn thành phố để định hướng “thành phố sống tốt”.
Video đang HOT
Ngoài việc xây dựng trung tâm hành chính, thương mại, tài chính, ngân hàng… ở trục cảnh quan sông Hàn, thành phố cần thiết lập nhiều không gian mở, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước trong lòng đô thị, tạo dựng nhiều vùng xanh hướng biển ở phía Đông. Mỗi khu vực cần tạo dựng bản sắc riêng, kết hợp cảnh quan, dịch vụ, văn hóa với đi bộ, tổ hợp công trình điểm nhấn tại các vị trí phù hợp.
Ông Quảng cũng đề xuất di dời Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sau năm 2030 đến phía đông bán đảo Sơn Trà hoặc phải sử dụng Sân bay Chu Lai (Quảng Nam), cách Đà Nẵng 100 km khi thành phố đã có hệ thống kết nối nhanh bằng đường bộ, đường sắt đô thị tốc độ cao, nhằm dành quỹ đất 815 ha của sân bay hiện tại cho việc xây dựng trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, đô thị chất lượng cao, tạo sự kết nối hoàn hảo với chuỗi dịch vụ mua sắm, chữa bệnh, nghỉ dưỡng…
Các kiến trúc sư hàng đầu cho rằng Đà Nẵng chưa có điểm nhấn về du lịch, dù nhiều cây cầu độc đáo “mọc” lên trong thời gian qua, thiếu khu vui chơi giải trí về đêm, trung tâm thương mại… Ảnh: Nguyễn Đông
Đồng quan điểm, KTS Hoàng Vĩnh Hưng (Phó chủ nhiệm Khoa Quản lý đô thị, ĐH Kiến trúc Hà Nội), cho rằng quy hoạch của Đà Nẵng còn dàn trải, chất lượng đô thị hóa chưa cao. Thành phố còn thiếu các khu nhà ở quy mô lớn được quy hoạch và xây dựng bài bản, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, cảng Đà Nẵng chưa đáp ứng được yêu cầu cho du thuyền cỡ lớn, chưa liên kết được hệ thống y tế hàng đầu ở miền Trung, thiếu cư dân chất lượng cao…
Với mật độ dân số bình quân ở Đà Nẵng chỉ 38 người một ha, ông Hưng đưa ra giải pháp phải hình thành cấu trúc đô thị tập trung, giúp thu hẹp khoảng cách, giảm sự phụ thuộc vào ôtô cũng như giảm tiêu hao năng lượng và khí thải; cho phép đầu tư công đổ vào các khu vực cụ thể có trọng điểm; tránh được cách phát triển đô thị dàn trải, tốn kém đất đai, giúp giữ gìn hệ sinh thái xung quanh đô thị, từ đó cải thiện cuộc sống người dân.
Cùng với ý tưởng xây dựng hệ thống giao thông công cộng như tuyến xe buýt nội đô, xe buýt nhanh nối Đà Nẵng với Hội An và Huế tạo sự liên kết du lịch vùng bền vững đi liền với cấu trúc đô thi tập trung, ông Hưng hiến kế: “Đà Nẵng chưa có khu thương mại trung tâm, vì vậy thành phố cần xác định vị trí, có thể là hai bên sông Hàn để xây dựng tập trung các tòa nhà cao tầng làm văn phòng và trung tâm mua sắm, nơi tập trung các hoạt động kinh doanh buôn bán sôi động”.
“Tại sao người ta cứ phải đi Singapore để chữa bệnh, đi Mỹ để du học mà không phải là đến Đà Nẵng?”, TS Võ Kim Cương (chuyên gia xây dựng và quản lý đô thị) đặt câu hỏi. Theo ông, bản thân Đà Nẵng còn bộc lộ nhiều hạn chế trong việc cạnh tranh với các đô thị khác, như việc giao thông đi lại còn trắc trở, khách quốc tế đến đây chủ yếu bằng đường hàng không chứ chưa phải là những du thuyền chở hàng nghìn người cập cảng cùng lúc. Đội ngũ bác sĩ ở Việt Nam rất giỏi nhưng đô thị Đà Nẵng chưa đủ sức thu hút họ…
“Dải bờ biển từ Sơn Trà đến Non Nước trong tương lai sẽ là vùng đô thị nghỉ dưỡng, một thành phố bikini khi tắm biển và được mặc đồ tắm đi trên phố sẽ rất tuyệt. Sáng tắm biển, chiều đi mua sắm và giải trí trong thành phố… Việc nghiên cứu dòng nhu cầu để thỏa mãn tối đa nhu cầu đó của khách là cần thiết để nâng sức cạnh tranh. Với thế mạnh của mình, chính TP Đà Nẵng phải đóng vai trò xâu chuỗi trong sự phối hợp vùng”, TS Cương nói thêm.
Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho rằng nhiều ý kiến thú vị đã giúp cho lãnh đạo thành phố lựa chọn và hoạch định để xây dựng “thành phố đáng sống”. Ảnh:Nguyễn Đông
Ông Trần Thọ, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng khẳng định ý tưởng hay nhưng quan trọng là làm như thế nào biến ý tưởng đó thành hiện thực, nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng có bản sắc. “Biết nghe khó hơn biết nói. Quan trọng là ý tưởng và giải pháp phải đi liền với nhau. Thành phố sẽ tiếp thu những ý tưởng như phát triển đô thị nước, hệ thống chiếu sáng hai bờ sông Hàn, giải pháp giao thông thông minh hay xây dựng khu vui chơi giải trí về đêm… Những việc gì vượt thẩm quyền của Đà Nẵng, thành phố sẽ kiến nghị lên trên để phát triển với mục tiêu trở thành thành phố đáng sống”, ông Thọ nói.
Theo VNE
Mời tư vấn nước ngoài nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn tư vấn nước ngoài tham gia nghiên cứu đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 20/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng đã giao Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) thuộc Bộ Xây dựng làm tư vấn chính để triển khai nghiên cứu lập đồ án.
Viện Quy hoạch phát triển đô thị Vùng IAU - Ile de France (Pháp) được đề xuất tham gia nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô (ảnh minh họa)
Sau đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo cơ quan chức năng gửi Thư mời một số tổ chức tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng vùng tham gia nghiên cứu 2 nội dung: Dự báo, xây dựng mô hình phát triển kinh tế xã hội và kịch bản phát triển vùng Thủ đô; và Quy hoạch giao thông vùng Thủ đô.
Đến nay, đã có 3 tổ chức tư vấn nước ngoài gửi hồ sơ xin tham gia gồm Viện Quy hoạch phát triển đô thị vùng IAU-Ile de France (Pháp), Công ty EGIS (Pháp) và Công ty Hansen Partnership (Australia).
Trên cơ sở xem xét hồ sơ, đánh giá điều kiện năng lực của các tổ chức tư vấn, Bộ Xây dựng thấy Viện Quy hoạch phát triển đô thị Vùng IAU - Ile de France (Pháp) là tổ chức có đủ điều kiện năng lực chuyên môn và kinh nghiệm ở Việt Nam để tham gia nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cùng với Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Viện IAU cũng là đơn vị tư vấn đã thực hiện đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Paris (phê duyệt năm 2011) và từng tham gia nghiên cứu Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội (năm 2006).
Theo Dantri
Thu hồi ngay các dự án "treo" làm khổ dân Chiều 10-4, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP về quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội. Đoàn giám sát kiến nghị TP xử lý mạnh mẽ hơn với các dự án "treo" ảnh hưởng tới đời sống người dân. Một dự án treo, bỏ hoang đất gây lãng phí tại...